Ngày Thomas Tuchel gầy gò bê chiếc cup UCL còn khó nhọc và ngày ông ngoắc tay, cụng đầu Conte trên đường pitch cách nhau chưa đến 2 mùa giải. Đó là 2 khoảnh khắc đáng nhớ nhất về vị chiến lược gia người Đức này trong màu áo Chelsea. Vì từ ngày mai, sẽ có người khác thay ông trên băng ghế huấn luyện.
“Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây”. Mới ngày nào cái tên Tuchel còn được giới lãnh đạo và fan Chelsea hô vang trong niềm kỳ vọng về một tương lai mới. Làm sao không kỳ vọng cho được khi còn đang chân ướt chân ráo Tuchel đã mang về cho The Blues chiếc cup UCL thứ hai trong lịch sử.
Thế mà, chỉ sau 6 vòng đấu đầu mùa giải 2022 và 1 trận thua tại vòng bảng UCL, trát sa thải đã gọi tên cựu HLV PSG. Chelsea Mỹ xuống tay lạnh lùng chả kém gì Chelsea Nga. Hoặc đó là thứ văn hoá mà nhà Todd Boehly đã kịp thẩm thấu từ di sản mà Roma Abramovich để lại? Và câu hỏi đặt ra là: Thực sự lý do phía sau chat sa thải Tuchel là gì?
Người ta hay viện dẫn yếu tố ổn định, tính hệ thống, các giá trị văn hoá cốt lõi dưới bàn tay nhào nặn của một HLV gắn bó lâu năm để giải thích cho việc MU hậu Sir Alex hay Arsenal hậu Giáo sư Wenger mãi chưa tìm lại được thành công. Nhưng người ta lại quên mất Real và đặc biệt là Chelsea, những CLB luôn thay HLV như thay áo nhưng vẫn đạt được các thành công lớn. Với những đội bóng này, văn hoá là của cả đội bóng, sức mạnh đến từ tổng hoà các yếu tố và HLV dù là ai vẫn nằm dưới các chỉ đạo lớn của Chủ tịch.
The Blues trước thời Chủ tịch Abramovich cơ bản là không có gì nổi trội cả về thành tích lẫn văn hoá, nhưng từ khi vị tỷ phú người Nga này đặt chân tới London thì màu xanh của Chelsea đã mang theo một sắc thái và biểu tượng mới. Ngoài là một CLB giàu có, tham vọng thì đó còn là một đội bóng đầy mạnh mẽ, lạnh lùng. Từ hình ảnh ngài Chủ tịch hiếm khi cười trên khán đài đến các cầu thủ thi đấu trên sân và HLV trên băng ghế huấn luyện.
Quyết định sa thải Tuchel này của Chelsea được coi là gây sốc đối với truyền thông và giới mộ điệu, nhưng nếu đúng như văn hoá của The Blues thời Roman thì những sự việc như này không còn sốc với bản thân họ nữa. Vấn đề đáng quan tâm và lo ngại nhất lúc này là quyết định kia được đưa ra dựa trên nền tảng văn hoá truyền thống của CLB hay đó chỉ là cách các bên kết thúc sự bất đồng quan điểm. Mà ở đây, nhà Todd Boehly liệu có đang đi ngược lại và tìm cách đập đi những di sản mà người tiền nhiệm đã gây dựng nên? Đó có phải chỉ là mâu thuẫn đơn thuần của một mình Tuchel với BLĐ mới hay đó là sự xung đột văn hoá giữa phong cách quản trị Mỹ và phong cách quản trị cũ (của Abramovich) mà Tuchel là đại diện (dù mới đến đây gần 2 năm nhưng có thể đã lĩnh hội được sâu sắc)?
Đó chỉ là các câu hỏi, các giả thiết, bản chất sự việc còn phải đợi thêm tiếng nói của người trong cuộc. Nhưng, một cách thuần chuyên môn thì tôi cho là nhà Todd Boehly đã hơi vội vàng khi chia tay Tuchel.
Không phải tới sau trận thua muối mặt trước Dynamo Zagreb, BLĐ Chelsea mới tính tới chuyện sa thải Tuchel. Điều này đã được cân nhắc từ lâu sau những rạn nứt trong mối quan hệ giữa đôi bên.
Kiếm đâu ra được người thay thế chất lượng và phù hợp với cái bản sắc của The Blues hơn HLV sinh năm 1973 lúc này? Quét hết một vòng các giải đấu châu Âu thì chỉ thấy có Diego Simeone. Nhưng đó là nếu nguời đàn ông gai góc này muốn đổi gió và Atletico Madrid cũng muốn làm mới mình. Zidane? Tài năng đấy nhưng tôi cho là triết lý không phù hợp. Pochettino ư? Không. Không đâu. Cựu HLV PSG quá mong manh để hoà vào được mạch nguồn căn tính của những gã đàn ông luôn sẵn sàng quấn băng vào đầu và xông lên. Gọi lại Mourinho chăng? Quá khó. Người đặc biệt đang hạnh phúc tại thành Rome. Vậy còn ai nữa?
Vị HLV tiếp theo đây do nhà Todd Boehly chọn sẽ cho biết họ có biết làm bóng đá không hay chỉ giỏi bóng rổ. Và sự lựa chọn này cũng sẽ định nghĩa phần nào văn hoá Chelsea trong kỷ nguyên mới.