Thành công của bóng đá Anh thập niên 70 và 80: Khi thời thế tạo anh hùng (P2)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Bảy 29/12/2018 22:55(GMT+7)

Zalo

Có thể thấy Liverpool đã chơi thứ bóng đá “Heavy metal” từ rất lâu trước khi Jurgen Klopp đến và tái hiện lại phong cách này ở Anfield.


Hãy nhớ lại khung cảnh lộn xộn ở khu vực penalty trong ba bàn thắng của Forest vào lưới Cologne ở trận đấu diễn ra trên sân nhà, tại bán kết cúp C1 năm 79, hay bàn thắng sau pha đá phạt góc mà Trevor Francis ghi vào lưới Ajax một năm sau, hoặc thậm chí là đường chuyền của Terry Butcher cho Paul Mariner, hai vị khách quen ở các show diễn Metal khi Ipswich Town của họ vô địch UEFA Cup 1981. Họ có thể cũng đã tham gia cả các buổi hòa nhạc của Raven, một “NWOBHM band” đến từ Newcastle, một band có thiên hướng chơi nhạc kết hợp giữa sự uyển chuyển - mềm mại và sức mạnh - cơ bắp, xuất sắc đến mức người ta miêu tả thứ âm nhạc của họ là “metal thể thao”.
 
Paisley, một người đa nghi, chưa bao giờ tham dự bất kì một buổi diễn metal nào. Đó là một người đàn ông trầm lặng, khiêm tốn, và rõ ràng là ít lôi cuốn hơn hẳn Clough hay Shankly.  Nhưng đồng thời, ông cũng rất nghiêm khắc, cứng rắn (đủ cứng để đá Shankly ra khỏi Anfield, sau khi người bạn thân từ giã sự nghiệp huấn luyện), và vô cùng khôn ngoan, lọc lõi.  Những bảng hợp đồng đầy chất lượng mà Paisley mang về đã giúp ông có thể truyền tải được triết lý của mình bằng cách đưa ra các chỉ đạo đơn giản như:"Cứ làm những gì mà các cậu giỏi nhất."

Ông đã nâng tầm Liverpool từ những nhà vô địch UEFA Cup, thành những nhà vô địch European Cup, bằng cách điều chỉnh phong cách của họ nhằm giúp họ ít rườm rà hơn, để thiên về kiểm soát, đơn giản và hiệu quả hơn. Liverpool vẫn duy trì một lối chơi mạnh mẽ, máu lửa, dồn dập và đặt lên đối phương một sức ép khó chống đỡ nổi, nhưng đồng thời, họ rất mềm mại, uyển chuyển và “du dương”. Họ đã trở nên ngày càng giống với Maiden hơn là Motorhead. Và như vậy, có thể thấy Liverpool đã chơi thứ bóng đá “Heavy metal” từ rất lâu trước khi Jurgen Klopp đến và tái hiện lại phong cách này ở Anfield.
 
HLV Klopp dang thang hoa cung Liverpool
HLV Klopp đang thăng hoa cùng Liverpool
Nếu thông điệp của punk là “bất cứ ai cũng đều có thể lên sân khấu nếu họ thật sự muốn” và thông điệp từ metal là “bất cứ ai cũng đều có thể lên sân khấu nếu họ thật sự muốn và đủ khả năng”, thì có rất nhiều đội bóng đã chứng minh rằng, môn thể thao này cũng truyền tải thông điệp tương tự. Ví dụ như Forest, khi họ vươn mình từ giải hạng hai trong hệ thống các giải đấu của bóng đá Anh, lên đến đỉnh châu Âu. Ngoài ra còn có Watford của Elton John và Wimbledon, những cái tên đã vươn lên từ hạng đấu thấp nhất, để đến với giải đấu hàng đầu nước Anh. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến Aston Villa. Châu Âu đã từng bị chinh phục bởi đội bóng có trụ sở tại Birmingham này, đồng thời, đây cũng là vùng đất đã sản sinh ra những band nhạc metal vĩ đại nhất lịch sử, bao gồm Black Sabbath và Judas Priest.
 
Tay bass của Sabbath, Geezer Butler, là một fan hâm mộ của Villa. Nhưng âm nhạc của Priest mới thật sự tạo ra cảm giác gần gũi hơn với đội bóng đã chinh phục châu Âu vào năm 1982 (mặc dù band nhạc này có mối liên kết khá chặt chẽ với đối thủ cùng địa phương của Villa, West Bromwich Albion). Album ra mắt vào năm 1980 của họ, British Steel có lẽ chính là định nghĩa thuần túy nhất của heavy metal – cả về âm học, lời nhạc và cảm quan. Và nó cũng đã tóm tắt lại toàn bộ phong cách của Aston Villa khi đó.
 
British Steel có một đoạn mở đầu như những lời tri ân dành cho Peter Withe (“Ập vào thế giới như một con dê háu chiến”), rồi sau đó là màn solo cực đỉnh như tái hiện những pha đi bóng với kỹ thuật tuyệt vời của Trevor Morley, cũng như giọng ca có thể so sánh với những đường chọc khe sắc bén của Gordon Cowans. Lời ca của các bài hát đã rời xa khỏi sự dị thường đầy tính bí ẩn của Priest để đến với một thứ gì đó “quần chúng” hơn ở thời đó ( “Nếu bạn cũng thế, bạn cũng sẽ thấy mình làm điều tương tự/ Phá luật, PHÁ LUẬT”). Ngoài ra, các ca từ của nó còn rất thích hợp để làm những câu cổ động trên sân. Tất cả những điều đó còn được tạo nên bởi tiếng trống dồn dập, cũng như nhịp bass mạnh mẽ xuất phát từ việc Ian Hill chuyển từ gẩy bằng tay sang pick.
 
Sự táo bạo trong ca từ của Judas Priest là không thể nhầm lẫn, cũng như không có gì nhầm lẫn được khi Villa giành chức vô địch quốc gia Anh chỉ với 14 cầu thủ và sau đó tiến đến trận chung kết cúp châu Âu năm 1982, nơi họ đã phải gồng mình chống đỡ những đợt tấn công dồn dập của Bayern Munich, trước khi Withe ghi bàn để mang về chiến thắng cho đội bóng nước Anh trong một pha phản công.
 
 Related image
Siêu cúp Châu Âu: Aston Villa vs Barcelona

Siêu Cúp Châu Âu năm đó chính là màn đọ sức của Aston Villa và Barcelona, đội bóng mà trước đó đã từng là một trong những câu lạc bộ giàu nhất thế giới, cũng như là cái tên tiêu biểu cho các cuộc ẩu đả và bạo lực trên sân cỏ. Trong hai năm trước khi đụng độ với Villa, họ đã hai lần nhận án phạt của UEFA vì “chơi quyết liệt quá mức cần thiết”. Ngay trong cuộc đối đầu với Tottenham tại một trận đấu thuộc Cup Winners’ Cup, một cảnh sát đã phải chạy vào sân để ngăn Manolo Martinez của Barca có hành vi bạo lực với Graham Roberts của Spurs. Màn chạm trán của họ với Villa được hứa hẹn sẽ là một cuộc chiến đỉnh cao giữa hai thế lực của bóng đá châu Âu. Đặc biệt là trận lượt về, hóa ra lại chính là bức tranh tiêu biểu nhất để nói lên sự tương đồng của bóng đá và thứ genre mang tên metal. Vừa dữ dội, tàn bạo, nhưng cũng đẹp đến ngỡ ngàng và luôn mang lại sự phấn khích.
 
Aston Villa đã giành chiến thắng 3-0 vì họ là đội kiểm soát được sự hăng máu của mình tốt hơn, chỉ phải nhận một thẻ đỏ trong khi bên phía Barcelona là hai. Ken McNaught, một trong những trung vệ người Scotland của Villa, đã tạo ra một trong những hình ảnh đáng chú ý nhất về sự thống trị của các câu lạc bộ Anh ở đấu trường châu Âu: Không phải là pha đánh đầu tuyệt vời của anh (McNaught chỉ ghi 8 bàn trong suốt quãng thời gian khoác áo Aston Villa, 5 bàn trong số đó là những pha đánh đầu vào lưới các đối thủ ở đấu trường châu Âu), mà đúng hơn là cái cách mà anh xử lý vấn đề khi thủ môn Urruti của Barcelona đẩy mạnh vào lưng của Gordon Cowans, sau khi để thủng lưới bởi một quả penalty và hùng hổ đi quanh vòng cấm, tỏ rõ thái độ như đang muốn tìm một ai đó bên phía Villa để tẩn. 

McNaught bước tới chỗ người gác đền của đội bóng Tây Ban Nha, thực hiện tư thế boxing shadow, lắc lư người và đứng chắn trước mặt anh ta, trong khi nở một nụ cười lớn, đầy khiêu khích như để truyền đạt rằng mình dư sức knock-out Urruti. Rốt cuộc, thủ môn của Barca đã phải quay lưng bỏ đi. “Không đời nào gã thủ môn đó có thể ăn được tôi trong một trận tay đôi, và sau đó, Barcelona đã bị nghiền nát ra từng mảnh,” McNaught tuyên bố sau trận đấu.
 
Barcelona đã tiếp tục bị nhận thêm một án phạt sau trận đấu đó và phải đối mặt với nguy cơ bị cấm thi đấu ở đấu trường châu Âu, với việc một quan chức của UEFA nói rằng ông ta đã “phát bệnh và quá chán nản” bởi những hành động của đội bóng xứ Catalan.
 
Vào tháng 9 năm 1980, Villa đã cố gắng áp dụng một “kế hoạch phòng ngừa” rất mới lạ, và nhìn chung là tốt hơn hẳn so với việc xây nên những trại giam hay dựng các hàng rào điện. Họ đã mời hơn 1.000 thanh thiếu niên ở địa phương đến ngay tại sân tập của câu lạc bộ để tham gia vào các buổi tập luyện diễn ra cứ mỗi hai tuần một lần. Huấn luyện viên khi đó của Villa, Ron Saunders, đã giải thích rằng  việc này có thể giúp bọn họ giải phóng năng lượng và những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén, do tình trạng thất nghiệp mang lại. Tất cả bọn họ đều đang vô cùng ngứa ngáy và muốn tìm một cái gì đó để làm. Không một nơi nào khác nghĩ ra việc áp dụng phương pháp này.
 
Tình trạng bạo lực bên ngoài sân cỏ trong những trận đấu của các câu lạc bộ Anh cuối cùng đã chạm đến một mức độ không thể kiểm soát được. Cái chết của 38 người trong thảm họa Heysel trước trận chung kết cúp châu Âu năm 1985, diễn ra giữa Liverpool và Juventus, đã khiến các câu lạc bộ Anh bị cấm thi đấu ở đấu trường châu Âu. Sự thống trị của nền bóng đá Anh cuối cùng cũng bị chấm dứt.
 
 Image result for heysel disaster
Thảm họa Heysel

Vào thời điểm nước Anh được phục hồi trong những năm 1990 và thương hiệu Premier League ngày càng phát triển mạnh mẽ, nền bóng đá anh hầu như đã “làm sạch” tất cả những vấn đề của nó. Mặc dù vậy, nó cũng đã đánh mất đi một thứ gì đó, sẽ khiến cho người ta sẽ không bao giờ có được thứ cảm xúc như những ngày xưa cũ nữa. Thế nhưng, như một định mệnh, vào cái thời đại mà các câu lạc bộ đến từ Anh, cũng như ở những giải đấu khác của Châu Âu, đang ngày càng ưa chuộng các cầu thủ đến từ Nam Mĩ như hiện tại – thì đó cũng chính là vùng đất mà những gã khủng lồ còn sót lại của giới metal có thể tìm thấy những sân khấu lớn nhất, cũng như những khán giả cuồng nhiệt nhất của mình.
 
Lược dịch từ bài viết “We are the Champions” của tác giả Paul Doyle, được đăng tải trên tạp chí Eight by Eight.

NAM KHÁNH (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Bùng nổ và tiết chế cảm xúc - Arsenal đã thắng Man City như thế nào?

Đồng hồ trên sân điểm phút 85 khi trái bóng lăn ra ngoài đường biên gần khu vực đứng của HLV Mikel Arteta. Khi chuẩn bị tiến đến và đưa ra lời chỉ dẫn cho các học trò, chiến lược gia người Tây Ban Nha bất chợt quay mặt về phía khán đài và vung tay ra dấu cho đám đông cổ vũ nhiệt tình hơn. Sự khấn khích và năng lượng, đây chính là lúc để truyền tải chúng.

X
top-arrow