Thành công bóng đá Anh thập niên 70 và 80

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Ba 04/02/2020 10:55(GMT+7)

Zalo

Cái chết của 38 người trong thảm họa Heysel trước trận chung kết cúp châu Âu năm 1985, diễn ra giữa Liverpool và Juventus, đã khiến các câu lạc bộ Anh bị cấm thi đấu ở đấu trường châu Âu. Sự thống trị của nền bóng đá Anh cuối cùng cũng bị chấm dứt.

Trong tình trạng hỗn loạn vào những năm 1970 và thập niên 80 của nước Anh, có hai cách rõ ràng nhất để có thể thoát khỏi tầng lớp lao động: Trở thành một cầu thủ hoặc thành lập một band nhạc. 
Thành công bóng đá Anh thập niên 70 và 80 hình ảnh
bóng đá Anh thập niên 70 và 80
Nước Anh trong thập niên 1970 và đầu những năm 80 là một quốc gia cực kì khó sống, bạo lực, hỗn loạn, đói kém, thất nghiệp tràn lan, nhưng cũng đầy tham vọng và sự kích thích. Đất nước này đã phải hứng chịu những khó khăn và xung đột chưa từng có kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nhưng đây cũng chính là thời kì hoàng kim của nhạc punk và heavy metal tại Anh.

Đồng thời, trong chính giai đoạn đó, đất nước này đã đạt được một thành tựu vô cùng to lớn trong mảng bóng đá: Các câu lạc bộ Anh đã giành được đến 7 trong tổng số 8 chiếc cúp châu Âu từ năm 1977 đến 1984. Giờ đây, Premier League đang là giải đấu nổi tiếng nhất và thu được nhiều tiền nhất thế giới, nhưng sự thống trị của các đội bóng Anh trên sân cỏ đã chỉ còn là câu chuyện của quá khứ - cũng như tiếng bass và giọng hát huyền thoại mà “bố già” Lemmy Kilmister từng trình diễn cùng Motorhead, hay bộ óc thiên tài của Bob Paisley tại Liverpool.
 
Chẳng ai có thể biết rõ về cái thời kì “salad days” đó của bóng đá Anh. Khi nói tới “salad days”, ý chúng tôi là thời của bia và hamburger, vì chế độ ăn kiêng và khoa học thể thao không phải là thứ đã đưa các CLB Anh đi đến chiến thắng. Người Italia và Tây Ban Nha là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này, cũng như người Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Đức (và có trời mới biết người Đông Đức ăn cái gì ?) Thế nhưng, trong hơn một thập kỷ, bóng đá Anh đã liên tục vượt lên và đánh bại các đối thủ cùng lục địa. Vậy đâu là công thức thành công của họ ?
 
Đó chắc chắn không phải là những món ăn xa xỉ, bổ dưỡng. Các huấn luyện viên như Bob Paisley và Brian Clough đều là những bộ óc chiến thuật xuất chúng, thế nhưng, họ chưa bao giờ tạo ra và phát triển những đề án phức tạp kiểu như “bóng đá tổng lực” của Ajax Amsterdam, đội bóng đã trở thành kẻ thống trị của châu Âu từ năm 1971 đến 1973, hay gã bạo chúa “Tiki-taka” Barcelona của thế kỷ 21. Ajax đã giành được đến ba chiếc cúp châu Âu liên tiếp, trước khi bị chặn đứng bởi Bayern Munich, với một đội hình hầu như là toàn bộ các tuyển thủ quốc gia Đức, bao gồm cả Libero khét tiếng Franz Beckenbauer.

Ngoài khả năng xuất chúng của huyền thoại người Đức, “Hùm xám” đã rất may mắn khi có thể thoát được những quả penalty rất rõ ràng trong trận chung kết cúp châu Âu năm 1975, khi trọng tài đã đưa ra rất nhiều quyết định bất lợi đối với Leeds United và cướp đi chiến thắng 2-1 mà họ hoàn toàn xứng đáng có được. Đó đáng lẽ ra đã là chiến thắng đầu tiên của người Anh trong thập niên 70. Dù vậy, “cảm giác bất công” vẫn không thể là thứ có thể mang ra để bào chữa cho vụ bạo loạn và cướp bóc ở Paris bởi các fan của Leeds sau trận chung kết, vụ việc này sau đó đã được Duncan Mckenzie miêu tả trong một câu nói: "Tất cả những gì người Paris còn sót lại có lẽ là tháp Eiffel."
 
Trước đây, nước Anh đã từng là một “con mồi của bóng tối”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi vì quốc gia này rất thường xuyên bị mất điện. Khi ấy, “xứ sở sương mù” đang lâm vào tình trạng cực kì hỗn loạn, cả về kinh tế, chính trị lẫn xã hội. Lạm phát và thất nghiệp tăng vọt, do đó, sự phẫn nộ và bạo loạn đã diễn ra với mật độ liên tiếp. Năm 1974, các doanh nghiệp đã bị hạn chế trong việc sử dụng điện - chỉ được phép dùng điện 3 ngày/ tuần, và những người lái xe ô tô phải đối mặt với “chế độ phân phối” xăng. Điều đó đã giúp cho Idil Amin, một gã độc tài máu lạnh luôn biết cách tận dụng mọi thời cơ để chộp ngay lấy mục tiêu mà hắn nhắm đến, có thể lên giọng chế nhạo cả nước Anh, bằng cách gửi một bức điện nói rằng hắn ta đã sắp xếp để người Ugandan “bố thí” cho người Anh “một xe tải chở rau và lúa mì”, chính phủ Anh nên nhanh chóng gửi ngay một chiếc máy bay đến để nhận hàng trước khi “chúng bị hỏng”.
 
Trong khi đó, thủ tướng Anh Ted Heath đã phải tuyên bố đến bốn cấp độ khẩn cấp chỉ trong ba năm, khi cố gắng đàn áp các cuộc biểu tình. Bạo lực đã nổ ra ở khắp mọi nơi, đôi lúc vì các nguyên nhân chủng tộc, chính trị hoặc kinh tế. Lord Radcliffe, chủ tịch ủy ban chuyên trách về vấn đề phân tách Ấn Độ thời hậu thuộc địa, tuyên bố nước Anh hiện tại là "không thể quản nổi".
 
Bối cảnh ảm đạm này đã diễn ra trong một thời gian rất dài. Trong cái gọi là “Mùa Đông Bất Mãn” của giai đoạn 1978-1979, các cuộc đình công ở khu vực công cộng  đã dẫn đến việc nhiểu trường học phải đóng cửa, rác rưởi chất đầy trên đường phố và xác người nhiều đến mức không thể chôn cất hết. Margaret Thatcher đã lên nắm quyền vào tháng 5 năm 1979 với mục tiêu sửa chữa, khôi phục đất nước. Cực đoan và đáng ghê tởm là những ngôn từ duy nhất có thể dùng để miêu tả cho cái tư tưởng "không hề có cái gì gọi là xã hội" của bà ta. Và rõ ràng, Thatcher sẽ thực thi mọi việc bằng bàn tay thép, bà ta đã trang bị những thứ "vũ khí tối thượng" cho bọn cầm quyền để đàn áp phe đối lập. Với nhiều người, phương pháp này đã đem lại hiệu quả, nhưng với một số người khác, nó chỉ càng khiến cho phong trào kháng chiến thêm sục sôi, hay chí ít là khiến tầng lớp bị bỏ quên trở nên mạnh mẽ hơn.
 
Vì vậy, hãy quay lại với âm nhạc và bóng đá. Hai nguồn sáng tạo của giới trẻ và cũng là nơi để họ giao tiếp, trao đổi với nhau những tâm tư, phẫn nộ. Sự thiếu hụt những loại hình giải trí đã khiến cho họ quan tâm đến việc “theo đuổi giấc mơ” (hay trong giới "Punk", chỉ đơn giản là “đoạn tuyệt với những cơn ác mộng”) nhiều hơn bình thường. Đã từng có một thế hệ cầu thủ trẻ được sinh ra, bởi những người như Bob Paisley, phấn đấu với tham vọng trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp để tránh khỏi cái cảnh phải xuống làm việc dưới các hầm mỏ như bố của họ.

Nhưng giờ đây, các hầm mỏ đã đóng cửa, và nhiểu nhà máy cũng lâm vào tình trạng tương tự, vì vậy, ngay cả con đường “tồi tệ” đó cũng đã không còn để họ có thể lựa chọn. Sự mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt, nhưng những nguồn năng lượng tích cực cũng dồi dào không kém, khi mọi người dần tìm đến nhau, hay chỉ đơn thuần là để xả hơi, thông qua không khí náo nhiệt của những sân bóng hay những buổi biểu diễn metal, nơi mà niềm hăng hái luôn luôn dâng tràn dù cho bị kiềm nén đến mức nào.
 
“Có hai cách rõ ràng nhất để có thể thoát khỏi tầng lớp lao động: Đi và trở thành một cầu thủ bóng đá hoặc thành lập một band nhạc,” Brian Tatler, người sáng lập ra một trong những band nhạc metal có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử, Dinamo Head, ở Midlands vào năm 1976, cho biết. Paul Di’anno, singer đầu tiên của Iron Maiden, cũng đã có những nhận định tương tự khi kể lại rằng: “Ở phía đông London, nếu không thể chơi bóng hoặc boxing, thì bạn sẽ tham gia vào một band nhạc.”

Nhưng đáng lẽ ra Di’anno nên nói thêm rằng, bạn hoàn toàn có thể tham gia vào một band nhạc ngay cả khi bạn biết chơi bóng. Iron Maiden được thành lập vào năm 1975 bởi Steve Harris, người được nhận định là hoàn toàn có đủ tài năng để thi đấu cho đội trẻ của West Ham United trước khi quyết định ra đi và từ bỏ sự nghiệp bóng đá, để trở thành một tay bass, một songwriter, và thành lập một band nhạc heavy metal. Còn nếu bạn không thể chơi bóng hay thậm chí là tham gia vào một band nhạc, thay vào đó, bạn có thể nhảy pogo, headbang, hoặc cổ vũ và hát.
 
Iron Maiden và Dinamo Head là hai cái tên tiên phong của New Wave of British Heavy Metal (NWOBHM), một thuật ngữ được sử dụng bởi tạp chí Sounds vào năm 1979 để mô tả sự gia tăng đột ngột của các band nhạc, và rất nhiều trong số đó thường chơi trước những đám đông lớn trong nhiều năm mà không cần bất kì bảng thu âm nào, cho đến khi được thuyết phục rằng họ có thể làm thế nhờ phong cách táo bạo của band nhạc Punk DIY. Động thái đó chính là sự đóng góp mang ảnh hưởng lâu dài nhất của phong trào nhạc punk, bên cạnh một số album kinh điển, nổi bật nhất là “Never Mind The Bollocks” của Sex Pistols, được phát hành vào năm 1977, cùng với thời điểm mà Liverpool giành được chiếc Cúp châu Âu đầu tiên trong bốn chiếc cúp mà họ đoạt được trong 8 năm.
 
Singer của Pistols, John Lydon, nghệ danh là Jonny Rotten, chính là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của Arsenal. Những mô tả của ông trong cuốn tự truyện xuất bản vào năm 2014, Anger is a Energy, về sự quyến rũ của bóng đá, là những ngôn từ chỉ có thể được viết ra bởi một người đàn ông đã được đắm mình tận hưởng cái triều đại huy hoàng của các đội bóng Anh. “Những phân tích quá mức cần thiết về bóng đá chính là vấn đề của thế giới hiện đại ngày nay,” Ông đã đề cập đến những suy nghĩ của mình về sự xuất hiện tràn lan của các bài giảng chiến thuật trong bóng đá hiện đại.

“Đáng lẽ ra mọi thứ phải xào xào nháo nháo, và rõ ràng là như vậy. Dù cho có vạch ra những chiến lược tầm cỡ, hay mang về cả đám cầu thủ đẳng cấp, thì mọi thứ vẫn sẽ chẳng ra làm sao cả đâu. Trong bóng đá, luôn có một chút cá tính và sự tự tin mà các HLV có thể thổi vào một đội bóng để khiến họ thành công, cũng như trở nên hấp dẫn, đầy sức lôi cuốn ... mấy cái thứ rác rưởi như ‘phòng ngự khu vực’ chỉ làm cho mọi thứ rối rắm thêm thôi"”
 
Đó là một nhận định đầy sắc xảo của người đàn ông đã trở thành biểu tượng của punk rock, (ông vừa là một antichrist, vừa là một nhà phân tích). Ngay trong đó, ông đã khẳng định khả năng của những nhà cầm quân thiên tài như Paisley, Clough và Bill Shankly. Đó chính là cái phẩm chất đầy tinh túy mà những “vị tướng” này đã từng thể hiện. Họ có thể phát hiện ra những ngôi sao sở hữu tài năng tuyệt vời ở những nơi mà không ai ngờ đến (hay Scotland, chính là nơi đầu tiên chúng ta nên nhìn lại, với việc là vùng đất đã sản sinh ra rất nhiều huyền thoại của thế giới bóng đá, ví dụ: Kenny Dalglish, Alan Hansen, Graeme Souness và John Robertson).

Và đương nhiên là họ cũng có thể vạch ra một chiến lược tầm cỡ, đẳng cấp. Nhưng thứ đã khiến cho những đội bóng mà họ dẫn dắt trở nên đặc biệt, chính là tài năng trong việc tạo nên một công thức tổng hòa từ những mục đích chung - xã hội, thứ mà Thatcher không muốn nhắc đến, các đội bóng Anh-và đám đông, đã phát triển nên một sự kịch tính mà không ai có thể sánh được. Đã có đầy những câu chuyện về các HLV sở hữu khả năng thiên bẩm trong việc xây dựng tinh thần đồng đội cho các cầu thủ.
 
Gary Mills, ở tuổi 18, đã trở thành cầu thủ trẻ nhất lịch sử góp mặt trong một trận chung kết cúp châu Âu, khi anh giúp Nottingham Forest giành được chiếc cúp C1 năm 1980 (đó cũng chính là chiếc cúp châu Âu thứ hai liên tiếp của họ); anh đã có những lời nhận xét tỏ rõ sự khâm phục dành cho Clough. “Ông ấy cách chúng tôi 50 yard về phía trước, sau đó dừng lại và bắt đầu đấm mạnh vào một cái cây,” Mills hồi tưởng lại một cuộc chạy bộ của cả đội cùng người thầy, được tổ chức trước ngày diễn ra một trận đấu trên sân khách trong mùa giải đó. “Trong khi tất cả chúng tôi đều tự hỏi ông ấy đang làm gì, thì ông ấy đã bảo chúng tôi hãy làm theo giống như mình. Vì vậy, cả đội đã đứng vòng quanh cái cây và bắt đầu đấm vào nó. Đó chính là năng lực của người đàn ông này. Ông ấy có thể khiến cho bạn làm bất cứ điều gì mà mình chỉ đạo.”
 
Shankly cũng có một sức lôi cuốn tương tự như Clough. Sự nổi lên của Liverpool được bắt đầu ngay trong thời điểm mà The Beatles đang thống trị thế giới âm nhạc và thành phố này đã có một nền giải trí phát triển mạnh mẽ. Vị huấn luyện viên này đã thổi vào thêm những yếu tố tốt đẹp và dần biến nó trở thành một thứ gì đó gần với tôn giáo. Tuy vậy, không nên lấy The Beatles làm soundtrack cho The Kop - lối chơi tạo nên thành công của Liverpool ở Uefa Cup 1973 và 1976 hoàn toàn dựa trên tốc độ và niềm khao khát chiến thắng. Tận dụng những pha bóng hai, chiến thắng trong các cuộc đấu tay đôi và tạt bóng vào trong cho một tiền đạo cao to. Một lối chơi có thể so sánh với Communication Breakdown của Led Zeppelin (Dù Robert Plant là fan ruột của Wolverhampton Wanderers, và thậm chí còn là chủ tịch danh dự của họ).
 
Bất cứ điều gì Motorhead làm cũng đều sẽ mang lại hiệu quả, bởi vì những sản phẩm mà họ tạo ra cũng tương đương như một quả tạt bóng của Steve Heighway vào vòng cấm cho John Toshack dứt điểm, trên hàng công của The Kop trong thời kì hoàng kim. Điểm nhấn ở đây chính là tốc độ và khả năng xâm nhập. Như bạn đã biết, phải đến tận năm 1975, Motorhead mới được thành lập, sau khi Lemmy bị sa thải khỏi Hawkwind bởi chính niềm đam mê của ông đối với tốc độ. Nhưng chính tốc độ, sự sắc bén và mạnh mẽ của Motorhead – cũng như lối đánh dữ dội, dồn dập của tay trống Phil “Philthy Animal” Taylor (Phil từng là một cựu hooligan của Leeds United, nhưng sau đó đã chuyển sang đi trên con đường âm nhạc, sau khi cha của Phil tặng cho ông một bộ trống và bảo: ‘Nếu con muốn đánh một cái gì đó, thì hãy đánh vào cái đống này.’) lại rất thích hợp để làm soundtrack cho những tài liệu ghi lại cuộc hành trình chinh phục Châu Âu của các đội bóng Anh.

Hãy nhớ lại khung cảnh lộn xộn ở khu vực penalty trong ba bàn thắng của Forest vào lưới Cologne ở trận đấu diễn ra trên sân nhà, tại bán kết cúp C1 năm 79, hay bàn thắng sau pha đá phạt góc mà Trevor Francis ghi vào lưới Ajax một năm sau, hoặc thậm chí là đường chuyền của Terry Butcher cho Paul Mariner, hai vị khách quen ở các show diễn Metal khi Ipswich Town của họ vô địch UEFA Cup 1981. Họ có thể cũng đã tham gia cả các buổi hòa nhạc của Raven, một “NWOBHM band” đến từ Newcastle, một band có thiên hướng chơi nhạc kết hợp giữa sự uyển chuyển - mềm mại và sức mạnh - cơ bắp, xuất sắc đến mức người ta miêu tả thứ âm nhạc của họ là “metal thể thao”.
 
Paisley, một người đa nghi, chưa bao giờ tham dự bất kì một buổi diễn metal nào. Đó là một người đàn ông trầm lặng, khiêm tốn, và rõ ràng là ít lôi cuốn hơn hẳn Clough hay Shankly.  Nhưng đồng thời, ông cũng rất nghiêm khắc, cứng rắn (đủ cứng để đá Shankly ra khỏi Anfield, sau khi người bạn thân từ giã sự nghiệp huấn luyện), và vô cùng khôn ngoan, lọc lõi.  Những bảng hợp đồng đầy chất lượng mà Paisley mang về đã giúp ông có thể truyền tải được triết lý của mình bằng cách đưa ra các chỉ đạo đơn giản như:"Cứ làm những gì mà các cậu giỏi nhất."

Ông đã nâng tầm Liverpool từ những nhà vô địch UEFA Cup, thành những nhà vô địch European Cup, bằng cách điều chỉnh phong cách của họ nhằm giúp họ ít rườm rà hơn, để thiên về kiểm soát, đơn giản và hiệu quả hơn. Liverpool vẫn duy trì một lối chơi mạnh mẽ, máu lửa, dồn dập và đặt lên đối phương một sức ép khó chống đỡ nổi, nhưng đồng thời, họ rất mềm mại, uyển chuyển và “du dương”. Họ đã trở nên ngày càng giống với Maiden hơn là Motorhead. Và như vậy, có thể thấy Liverpool đã chơi thứ bóng đá “Heavy metal” từ rất lâu trước khi Jurgen Klopp đến và tái hiện lại phong cách này ở Anfield.
 
Nếu thông điệp của punk là “bất cứ ai cũng đều có thể lên sân khấu nếu họ thật sự muốn” và thông điệp từ metal là “bất cứ ai cũng đều có thể lên sân khấu nếu họ thật sự muốn và đủ khả năng”, thì có rất nhiều đội bóng đã chứng minh rằng, môn thể thao này cũng truyền tải thông điệp tương tự. Ví dụ như Forest, khi họ vươn mình từ giải hạng hai trong hệ thống các giải đấu của bóng đá Anh, lên đến đỉnh châu Âu. Ngoài ra còn có Watford của Elton John và Wimbledon, những cái tên đã vươn lên từ hạng đấu thấp nhất, để đến với giải đấu hàng đầu nước Anh. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến Aston Villa. Châu Âu đã từng bị chinh phục bởi đội bóng có trụ sở tại Birmingham này, đồng thời, đây cũng là vùng đất đã sản sinh ra những band nhạc metal vĩ đại nhất lịch sử, bao gồm Black Sabbath và Judas Priest.
 
Tay bass của Sabbath, Geezer Butler, là một fan hâm mộ của Villa. Nhưng âm nhạc của Priest mới thật sự tạo ra cảm giác gần gũi hơn với đội bóng đã chinh phục châu Âu vào năm 1982 (mặc dù band nhạc này có mối liên kết khá chặt chẽ với đối thủ cùng địa phương của Villa, West Bromwich Albion). Album ra mắt vào năm 1980 của họ, British Steel có lẽ chính là định nghĩa thuần túy nhất của heavy metal – cả về âm học, lời nhạc và cảm quan. Và nó cũng đã tóm tắt lại toàn bộ phong cách của Aston Villa khi đó.
 
British Steel có một đoạn mở đầu như những lời tri ân dành cho Peter Withe (“Ập vào thế giới như một con dê háu chiến”), rồi sau đó là màn solo cực đỉnh như tái hiện những pha đi bóng với kỹ thuật tuyệt vời của Trevor Morley, cũng như giọng ca có thể so sánh với những đường chọc khe sắc bén của Gordon Cowans. Lời ca của các bài hát đã rời xa khỏi sự dị thường đầy tính bí ẩn của Priest để đến với một thứ gì đó “quần chúng” hơn ở thời đó ( “Nếu bạn cũng thế, bạn cũng sẽ thấy mình làm điều tương tự/ Phá luật, PHÁ LUẬT”). Ngoài ra, các ca từ của nó còn rất thích hợp để làm những câu cổ động trên sân. Tất cả những điều đó còn được tạo nên bởi tiếng trống dồn dập, cũng như nhịp bass mạnh mẽ xuất phát từ việc Ian Hill chuyển từ gẩy bằng tay sang pick.
 
Sự táo bạo trong ca từ của Judas Priest là không thể nhầm lẫn, cũng như không có gì nhầm lẫn được khi Villa giành chức vô địch quốc gia Anh chỉ với 14 cầu thủ và sau đó tiến đến trận chung kết cúp châu Âu năm 1982, nơi họ đã phải gồng mình chống đỡ những đợt tấn công dồn dập của Bayern Munich, trước khi Withe ghi bàn để mang về chiến thắng cho đội bóng nước Anh trong một pha phản công.
 
Siêu Cúp Châu Âu năm đó chính là màn đọ sức của Aston Villa và Barcelona, đội bóng mà trước đó đã từng là một trong những câu lạc bộ giàu nhất thế giới, cũng như là cái tên tiêu biểu cho các cuộc ẩu đả và bạo lực trên sân cỏ. Trong hai năm trước khi đụng độ với Villa, họ đã hai lần nhận án phạt của UEFA vì “chơi quyết liệt quá mức cần thiết”. Ngay trong cuộc đối đầu với Tottenham tại một trận đấu thuộc Cup Winners’ Cup, một cảnh sát đã phải chạy vào sân để ngăn Manolo Martinez của Barca có hành vi bạo lực với Graham Roberts của Spurs. Màn chạm trán của họ với Villa được hứa hẹn sẽ là một cuộc chiến đỉnh cao giữa hai thế lực của bóng đá châu Âu. Đặc biệt là trận lượt về, hóa ra lại chính là bức tranh tiêu biểu nhất để nói lên sự tương đồng của bóng đá và thứ genre mang tên metal. Vừa dữ dội, tàn bạo, nhưng cũng đẹp đến ngỡ ngàng và luôn mang lại sự phấn khích.
 
Aston Villa đã giành chiến thắng 3-0 vì họ là đội kiểm soát được sự hăng máu của mình tốt hơn, chỉ phải nhận một thẻ đỏ trong khi bên phía Barcelona là hai. Ken McNaught, một trong những trung vệ người Scotland của Villa, đã tạo ra một trong những hình ảnh đáng chú ý nhất về sự thống trị của các câu lạc bộ Anh ở đấu trường châu Âu: Không phải là pha đánh đầu tuyệt vời của anh (McNaught chỉ ghi 8 bàn trong suốt quãng thời gian khoát áo Aston Villa, 5 bàn trong số đó là những pha đánh đầu vào lưới các đối thủ ở đấu trường châu Âu), mà đúng hơn là cái cách mà anh xử lý vấn đề khi thủ môn Urruti của Barcelona đẩy mạnh vào lưng của Gordon Cowans, sau khi để thủng lưới bởi một quả penalty và hùng hổ đi quanh vòng cấm, tỏ rõ thái độ như đang muốn tìm một ai đó bên phía Villa để tẩn. 

McNaught bước tới chỗ người gác đền của đội bóng Tây Ban Nha, thực hiện tư thế boxing shadow, lắc lư người và đứng chắn trước mặt anh ta, trong khi nở một nụ cười lớn, đầy khiêu khích như để truyền đạt rằng mình dư sức knock-out Urruti. Rốt cuộc, thủ môn của Barca đã phải quay lưng bỏ đi. “Không đời nào gã thủ môn đó có thể ăn được tôi trong một trận tay đôi, và sau đó, Barcelona đã bị nghiền nát ra từng mảnh,” McNaught tuyên bố sau trận đấu.
 
Barcelona đã tiếp tục bị nhận thêm một án phạt sau trận đấu đó và phải đối mặt với nguy cơ bị cấm thi đấu ở đấu trường châu Âu, với việc một quan chức của UEFA nói rằng ông ta đã “phát bệnh và quá chán nản” bởi những hành động của đội bóng xứ Catalan.
 
Vào tháng 9 năm 1980, Villa đã cố gắng áp dụng một “kế hoạch phòng ngừa” rất mới lạ, và nhìn chung là tốt hơn hẳn so với việc xây nên những trại giam hay dựng các hàng rào điện. Họ đã mời hơn 1.000 thanh thiếu niên ở địa phương đến ngay tại sân tập của câu lạc bộ để tham gia vào các buổi tập luyện diễn ra cứ mỗi hai tuần một lần. Huấn luyện viên khi đó của Villa, Ron Saunders, đã giải thích rằng  việc này có thể giúp bọn họ giải phóng năng lượng và những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén, do tình trạng thất nghiệp mang lại. Tất cả bọn họ đều đang vô cùng ngứa ngáy và muốn tìm một cái gì đó để làm. Không một nơi nào khác nghĩ ra việc áp dụng phương pháp này.
 
Tình trạng bạo lực bên ngoài sân cỏ trong những trận đấu của các câu lạc bộ Anh cuối cùng đã chạm đến một mức độ không thể kiểm soát được. Cái chết của 38 người trong thảm họa Heysel trước trận chung kết cúp châu Âu năm 1985, diễn ra giữa Liverpool và Juventus, đã khiến các câu lạc bộ Anh bị cấm thi đấu ở đấu trường châu Âu. Sự thống trị của nền bóng đá Anh cuối cùng cũng bị chấm dứt.
 
Vào thời điểm nước Anh được phục hồi trong những năm 1990 và thương hiệu Premier League ngày càng phát triển mạnh mẽ, nền bóng đá anh hầu như đã “làm sạch” tất cả những vấn đề của nó. Mặc dù vậy, nó cũng đã đánh mất đi một thứ gì đó, sẽ khiến cho người ta sẽ không bao giờ có được thứ cảm xúc như những ngày xưa cũ nữa. Thế nhưng, như một định mệnh, vào cái thời đại mà các câu lạc bộ đến từ Anh, cũng như ở những giải đấu khác của Châu Âu, đang ngày càng ưa chuộng các cầu thủ đến từ Nam Mĩ như hiện tại – thì đó cũng chính là vùng đất mà những gã khủng lồ còn sót lại của giới metal có thể tìm thấy những sân khấu lớn nhất, cũng như những khán giả cuồng nhiệt nhất của mình.
 
Lược dịch từ bài viết “We are the Champions” của tác giả Paul Doyle, được đăng tải trên tạp chí Eight by Eight.

NAM KHÁNH (TTVN)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khi bóng đá ngày càng trở thành công cụ bất chấp để kiếm tiền

Premier League một lần nữa bỏ nghỉ đông, trong khi những giải đấu ở cấp độ CLB khác như Champions League hay FIFA Club World Cup cũng tăng số đội tham dự, đồng nghĩa với việc tăng số trận đấu. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ĐTQG. Sau tất cả, chỉ những cầu thủ là người chịu thiệt thòi!

Tại sao các đội bóng Premier League không mạnh tay ở phiên chợ hè 2024?

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng chuyển nhượng của các CLB Premier League 2024: Man United làm tốt nhất

Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 chứng kiến 20 CLB Premier League chi gần 2 tỷ bảng Anh để mua về hàng trăm con người có kỹ năng dứt điểm, đánh đầu hoặc bắt bóng. Một số đội mua sắm như thể ở Lotte Mall, một số đội đến chợ Phùng Khoang và có một CLB mua cầu thủ như chơi Football Manager ngoài đời thực (Chelsea).

Quả bóng Vàng 2024 sẽ thuộc về ai?

Rạng sáng hôm nay 5/9, tạp chí France Football đã công bố danh sách 30 ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng 2024. Lần đầu tiên sau 21 năm, cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều không có tên trong danh sách đề cử. Có thể nói, tuổi tác cộng với việc không còn chơi bóng ở lục địa già, khả năng để hai huyền thoại sống này trở lại danh sách kia gần như không còn nữa.

X
top-arrow