Zlatan sẽ là người đầu tiên nói với bạn rằng Zlatan chưa bao giờ hoàn hảo. Bản chất của Zlatan được bộc lộ bên ngoài với sự nóng giận luôn luôn sẵn sàng trực trào.
Phần 1: Zlatan Ibrahimovic: “Tôi chẳng cần mơ mộng gì hết bởi tôi chính là một giấc mơ” (p2)
Phần 2:
3. Zlatan sẽ là người đầu tiên nói với bạn rằng Zlatan chưa bao giờ hoàn hảo. Bản chất của Zlatan được bộc lộ bên ngoài với sự nóng giận luôn luôn sẵn sàng trực trào. Là con trai của một gia đình nhập cư có bố là nhân viên bảo vệ người Bosnia và bà mẹ Croatia làm nghề dọn dẹp, Zlatan Ibrahimovic sinh ra và lớn lên ở Thụy Điển. Anh thừa nhận mình là một tên giang hồ lem luốc, mũi to, mắt đen, tóc đen. Anh đánh nhau, ăn cắp (kẹo, xe đạp, xe hơi, bất cứ thứ gì), anh đá bóng, anh chẳng hòa nhập với ai.
“Tôi đã ở ngôi trường này 33 năm và không khó để điền Zlatan vào top 5 những học sinh ngỗ ngược nhất mình từng biết. Cậu ta là tên hư đốn số 1 không ai bì kịp, một nguyên mẫu của mọi đứa trẻ gặp những vấn đề nghiêm trọng”, cựu hiệu trưởng của Ibrahimovic chia sẻ với BBC Sport vào năm 2013.
“Trường học cũng tốt. Tôi được lấy đồ ăn tự do”, Zlatan bày tỏ. “Họ khiến tôi cảm thấy khác biệt. Bóng đá ở Thụy Điển chỉ dành cho cầu thủ Thụy Điển có gốc Thụy Điển. Và rồi tôi xuất hiện. Không chỉ mũi to, tóc đen, mắt nâu mà tôi chơi bóng theo phong cách phóng khoáng kỹ thuật chứ không theo kiểu Thụy Điển điển hình”.
“Phong cách của anh là như thế nào, và điểm ‘sai’ của nó là gì?”, tôi đặt câu hỏi.
“Phong cách Thụy Điển là ‘Làm việc chăm chỉ vì nhau’. Ở nơi tôi xuất thân, tất cả chúng tôi thách thức lẫn nhau và nỗ lực trở thành kiểu cầu thủ cá nhân. Ai là người rê bóng giỏi nhất? Ai là người dứt điểm tốt nhất? Ai là người sút bóng chạm xà ngang tốt nhất? Ai xâu kim tài nhất? Ai khỏe nhất? Tôi học cách giải quyết mọi thứ một mình: Hãy đưa bóng cho tôi và tôi sẽ xử lý nó. Tôi sẽ ghi bàn. Tôi sẽ cầm bóng một đối một, tôi sẽ rê qua anh ta. Tôi sẽ xâu kim đưa bóng qua hai chân anh ta. Tôi sẽ ghi bàn thắng điên rồ này”.
Nói cách khác, theo thuyết Darwin thuần túy thì đó là một mình chống lại cả thế giới.
“Chúng tôi không nghĩ là ‘11 người đối đầu 11 người’. Không phải kiểu chơi đó”, chân sút 37 tuổi bày tỏ. “Nó giống một cuộc đấu cá nhân hơn như kiểu chứng minh tôi là người giỏi nhất vậy. Tôi sẽ biến anh thành thằng ngu ngay bây giờ. Pop! Pop! Tôi sẽ rê bóng qua anh, xỏ kim và biến anh thành trò hề. Đó là những gì chúng tôi thể hiện. Nó là thứ bóng đá kỹ thuật và giàu thể lực hơn nhưng không phải kiểu chơi của Thụy Điển”.
Có một chút sai lầm ở đây, cậu bé Zlatan sẽ không chỉ rê bóng qua giữa hai chân bạn mà thậm chí còn rê cả bạn, đá bạn ở bất cứ hướng nào mà cậu muốn.
“Vấn đề không phải là ‘Tôi chạy tới đây và anh chuyền bóng cho tôi”, cựu cầu thủ AC Milan chia sẻ. “Không. Câu chuyện ở đây là ‘Tôi sẽ chạy tới nơi bóng lăn đến vì tôi muốn có bóng’. Chính vì thế, họ luôn chỉ trích tôi rằng: ‘Cậu là một cầu thủ mất chất. Cậu là một diva. Cậu không thể đá như thế”.
Thực sự là như vậy, ngay cả sau khi Ibra đã gia nhập đội bóng chuyên nghiệp của quê hương năm 17 tuổi, phụ huynh của một trong số các đồng đội đã kiến nghị đuổi anh khỏi giải đấu. “Đây chính là thời điểm mà tôi nói với bản thân rằng ‘Giờ đây, tao sẽ hủy diệt tất cả. Tao sẽ không tôn trọng ai hết’. Thậm chí trong mắt họ, tôi còn chẳng có tài cán gì mà chỉ là một thằng nhóc vớ vẩn tới từ Rosengard mà thôi”, anh nói.
Thời điểm này, có một câu hỏi được đặt ra: Bóng đá có phải niềm vui với cậu thanh niên Zlatan hay không?
“Nó luôn là sự cạnh tranh. Bạn là số 1 hoặc bạn chẳng là ai cả”, Zlatan chia sẻ.
Còn hiện tại có đem lại niềm vui hay không?
“Tôi luôn nhìn vào cậu ấy và hỏi bản thân câu hỏi đó”, ông Kirovski nói. “Với tôi thì tôi vẫn yêu nó. Tôi lúc nào cũng chơi bóng. Tôi là người có tính cạnh tranh, tôi cũng muốn giành chiến thắng. Nhưng khi nhìn vào anh chàng này, nhìn vào cường độ tập luyện hay tư duy của cậu ấy, tôi tự hỏi liệu cậu ấy có từng cảm nhận niềm vui hay chưa. Và tôi nghĩ rằng nếu không ghi bàn và giành chiến thắng, cậu ấy sẽ không vui”.
Nếu bạn đã theo dõi cả hành trình sự nghiệp dài và rực rỡ của Ibra, những vinh quang của anh từ Malmo tới Ajax, Juventus, Inter Milan, Barcelona (nơi duy nhất không hạnh phúc vì những căng thẳng với HLV Pep Guardiola), AC Milan, Paris Saint-Germain, Manchester United, thật khó để nghi ngờ là anh không cảm thấy vui khi ở trên sân. Khi anh ghi một bàn thắng điên rồ, đó là niềm vui nhưng là niềm vui sinh ra từ sự hài lòng vì đã chiến đấu không biết mệt mỏi.
Bạn có thể cảm nhận điều đó. Hãy nhìn bất cứ những tổng hợp các pha làm bàn xuất sắc nhất của Zlatan mà người hâm mộ đã đăng lên internet, so sánh chúng với những bàn thắng của các đồng nghiệp cùng thế hệ như Messi, Ronaldo và Gareth Bale. Người hâm mộ các cầu thủ khác chắc hẳn sẽ ngạc nhiên trước những gì thần tượng của họ làm được.
Niềm vui của họ không vượt quá giới hạn và tầm kiểm soát; họ giống như những cậu bé trong ngày sinh nhật ngập trong đống kẹo từ chiếc piñata vỡ tan. Ibra thì khác. Dù là thời điểm hiện tại nhưng niềm vui con trẻ ấy với anh chỉ là thứ yếu. Thật ngạc nhiên khi danh sách những vận động viên siêu việt của anh - những vận động viên mà Ibra cho rằng không chỉ chơi môn thể thao của họ mà còn là hiện thân của nó – bao gồm cả Mike Tyson. Gương mặt của Ibra sau mỗi bàn thắng điên rồ mà anh ghi được giống một cách kỳ lạ với chiếc mặt nạ vô cảm mà Tyson sử dụng sau khi hạ gục một đối thủ.
Đó chính là điều đáng kinh ngạc nhất bởi bên ngoài sân bóng, Ibra là một người rất vui vẻ. Có thời điểm khi chúng tôi đang trò chuyện về thói quen hàng ngày của anh, tôi đã hỏi anh là có khi nào anh ngủ mơ về bóng đá hay không.
“Mơ ư? Không, tôi không cần mơ. Khi tôi còn trẻ, tôi đã mơ. Giờ đây tôi đang trong mơ. Hiện tại tôi chính là giấc mơ”.
Tôi bật cười và gật đầu nói như trong trò chơi ‘Tất nhiên là anh, Zlatan”. Thật thú vị, có những thời điểm mà Ibra lẫn lộn (có lẽ là vô thức) giữa việc trả lời câu hỏi một cách nghiêm túc và trêu đùa tôi. Những người xung quanh anh cũng cảm thấy vậy. “Cậu ấy luôn thể hiện và nói chuyện như thế”, một lãnh đạo của Galaxy cho biết. “Nếu những điều này phát ra từ miệng của người khác, bạn sẽ nghĩ ‘Đúng là thằng dở hơi’. Nhưng khi Ibra nói thì nó luôn luôn rất hấp dẫn”.
Tôi đã được phỏng vấn các vận động viên rất thông minh, giống như Ibra, họ hiểu về bản thân và trong quá trình trò chuyện cũng thử thách và đùa cợt người phỏng vấn. Nhưng khi Ibra trêu đùa với một người phóng viên phỏng vấn thì không hề có chút ác ý hay ẩn ý rằng cuộc trò chuyện này nhàm chán quá mức. Với anh, vai trò của “Ibra” vừa đủ và vui vẻ. Tôi không thể ngừng thắc mắc là liệu anh có tìm ra và tận hưởng niềm vui này không vì niềm vui không phải thứ mà anh thể hiện khi trên sân. Ở đó, tất cả là sự cuồng nộ và những lời bào chữa. (Với các đối thủ, trọng tài và ngay cả đồng đội nữa. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là với chính bản thân anh).
“Anh có thi đấu tốt khi tức giận không?”, tôi hỏi chân sút 37 tuổi.
“Có!”, Ibra trả lời một cách chậm rãi và kéo dài chữ cuối câu. “Đó là khi bản thân tôi đạt phong độ cao nhất. Đó là cách tôi tận hưởng cuộc sống của mình”.
“Một vài vận động viên bị những cơn tức giận nuốt chửng”.
“Không phải Zlatan”, anh phủ nhận. “Tôi cần nổi cơn thịnh nộ vì tôi cần cảm thấy còn sống. Khi tôi thư giãn, khi tôi thi đấu mà không phẫn nộ thì sao ư? Nó sẽ chẳng đâu vào đâu và có lẽ tôi sẽ có hành động bạo lực”. Quả là một điều bất ngờ. Nếu không cáu kỉnh, Zlatan sẽ không chịu nổi và rồi sau đó để bản tính nóng nảy dẫn dắt đến những hành vi bạo lực và những tấm thẻ đỏ. “Khi tôi cáu kỉnh là tôi còn đang cố gắng tập trung”.
“Sức cáu giận tạo ra năng lượng sao?”
“Đúng vậy. Tôi thấy toàn bộ môi trường xung quanh khi tôi cáu. Bây giờ, việc tức giận sẽ làm tổn thương ai đó ư? Không bao giờ. Nó không nằm trong DNA của tôi” (Nedum Onuoha của Real Salt Lake có lẽ sẽ nghĩ khác. Sau khi Zlatan ném anh xuống đất trong chiến thắng 2-1 của Galaxy hồi mùa xuân năm nay, Onuoha đã gọi tiền đạo người Thụy Điển là một “tên côn đồ thực thụ” và sau đó đoán rằng “nó sẽ được đưa vào câu chuyện về việc làm thế nào anh ta thể hiện tính cạnh tranh, đó là thứ giúp anh ta hướng về phía trước đồng thời lý giải tại sao anh ta là một trong những người giỏi nhất mọi thời đại. Tôi không phải kiểu người nói rằng cầu thủ MLS nào giỏi hơn sẽ được đối xử tốt hơn nhưng từ những gì tôi thấy, việc là Zlatan còn dễ hơn việc làm tiền đạo của Real Salt Lake").
4. Với Zlatan, 50% của bóng đá là tinh thần. Tinh thần mạnh mẽ, đó là điều anh nghĩ các cầu thủ Mỹ còn thiếu. Anh tin rằng sự thiếu sót này mang tính tổ chức và lý giải tại sao MLS luôn đứng trong bóng tối của làng bóng đá quốc tế. Ông Kirovski đồng tình với nhận định này. “Ở châu Âu, nếu bạn không chuyền bóng cho tôi, tôi có thể đến chỗ bạn và la hét nhưng chẳng thành vấn đề. Ở đây thì chuyện đó mang tính cá nhân. Các cầu thủ trẻ hiện tại đang ngày càng xử lý áp lực tốt hơn tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.
Khi tôi hỏi Zlatan rằng MLS sẽ cần gì để sánh ngang với châu Âu và Nam Mỹ, anh trả lời bằng một câu hỏi.
“Họ có muốn chuyện đó không?”
“‘Họ’ là ai”
“Họ là những người chi phối nó. Các ông chủ. Họ có muốn nó trở nên lớn mạnh hay không?”
“Có. Tất nhiên”
“Anh nghĩ thế sao?”
“Anh không nghĩ vậy ư?”
“Tôi không”
“Tại sao?”
“Vì anh không kiếm tiền từ bóng đá”, chân sút người Thụy Điển chia sẻ. “Ở châu Âu, tôi có thể chọn hai CLB làm ra tiền. Phần còn lại thì không; họ làm vì đam mê. Ở đây, với các bộ môn thể thao, bạn có thể kiếm ra tiền. Là như thế đấy. Và tôi nghĩ với tất cả những quy định ở đây, anh không thể thúc đẩy bóng đá phát triển được”.
Quy định gì vậy?
“Những thứ liên quan đến ngân sách. Giới hạn lương. Anh không thể mang về những cầu thủ mình muốn. Ở đây họ có nhiều quy định hơn ở quê hương tôi”.
Anh dừng lại một lát để suy nghĩ rồi tiếp tục. “Tôi sẽ kể cho anh tất cả những nơi mà tôi đã từng đến trong đời với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp. Đây là điều khó nhất”.
Zlatan nói bóng đá Mỹ cần tiếp tục phát triển.
“MLS không cùng đẳng cấp với châu Âu, thành thật là như vậy. Trước đây, tôi đã thi đấu với các cầu thủ cùng hoặc tiệm cận đẳng cấp của tôi, nó giúp việc kết nối trận đấu dễ dàng hơn… Ở đây, tôi giống như một chiếc Ferrari giữa một dàn Fiat. Và có thể chiếc Ferrari sẽ trở thành Fiat hoặc Fiat trở thành Ferrari. Vấn đề này của tôi cũng giống như với đội tuyển quốc gia [Thụy Điển] dù không nhiều lắm. Tôi nói rằng ‘Tôi không chấp nhận chuyện đó. Tôi không chấp nhận nếu bóng không đến chân tôi hay đến quá muộn. Tôi muốn họ đạt đến cùng đẳng cấp của tôi’. Tất cả những điều này khiến tôi phải chậm lại một chút. Trận đấu ở đây [Mỹ] có thể nhanh hơn rất nhiều, giàu tính chiến thuật và nhịp nhàng hơn”.
Kế sau đó là những nuối tiếc. Có một sự thật là dù đã giành danh hiệu ở mọi nơi đã đặt chân và dù khả năng ghi bàn vẫn chưa dừng lại nhưng Zlatan không thể đưa Galaxy vào vòng playoff mùa giải năm ngoái (và đội bóng của anh thậm chí không phải đội mạnh nhất thành phố). Ibra chỉ ra vấn đề của thất bại không chỉ nằm ở bảng xếp hạng mà còn ở “tâm lý playoff” nữa.
“Ở đây anh có thể thua 5 trận và vẫn nói ‘Đừng lo, chúng ta đang ở vòng playoff’. Vì thế tại sao còn phải thi đấu 8 tháng đầu mùa giải chứ? Không, tôi không đồng ý. Để trở thành người giỏi nhất thì mỗi ngày bạn phải giỏi nhất. Anh biết đấy, ở châu Âu, nếu kết thúc ở vị trí cuối cùng, anh sẽ phải xuống Hạng 2. Đó chính là áp lực… Thế nên năm ngoái, chúng tôi đã chiến đấu cho vị trí thứ sáu để đá playoff nhưng chung cuộc lại xếp thứ bảy. Nếu chúng tôi đạt được vị trí thứ sáu, mọi người sẽ nói chúng tôi có một ‘mùa giải tốt’. Tôi bảo rằng ‘Chiến đấu cho vị trí thứ sáu ư? Điều đó có nghĩa chúng tôi có một mùa giải vứt đi!” Phải chiến đấu cho vị trí thứ nhất chứ không phải thứ sáu”.
5. Khi chúng tôi trò chuyện về chấn thương của anh, Zlatan rất chân thành. “Thật không hề dễ dàng chút nào”, anh nói thầm, cứ như thể khi nói lớn thì viễn cảnh không thể thi đấu sẽ trở thành sự thật vậy. Với một người đàn ông như anh, liệu một ngày sự cáu giận của anh không còn xuất hiện trên sân nữa thì sẽ ra sao.
“Thật không hề dễ dàng chút nào”, anh lặp lại. Sau một nhịp, anh nhắc tới đêm hôm trước khi theo dõi loạt chung kết NBA. “Khi Kevin Durant dính chấn thương ư? Tôi đã tắt TV vì với tôi cậu ấy là số một. Cậu ấy chính là trận đấu này. Khi cậu ấy bị thương thì chẳng còn gì để xem cả”.
Hoặc có lẽ anh không thể chịu được khi nhìn thấy một trong những cầu thủ vĩ đại của mọi thời đại, ghi 50% điểm trong sự nghiệp, gục ngã và phải đối diện quá trình hồi phục dài cũng như đau đớn phía trước. “Tôi cảm thấy cơ thể mình luôn làm theo những gì mình muốn. Tôi cảm thấy bây giờ nó đang trả lời tôi. Khi tôi bắt đầu không trả lời được thì tôi cũng biết rằng: Đã đến lúc rồi”.
Niềm đam mê giúp anh vẫn còn rất giỏi ở tuổi 37 tuy nhiên nó cũng khiến Ibra khó mà chịu dừng lại.
“Tôi nghĩ rằng thật khó để dừng lại. Khi tôi chấn thương, tôi rời nhà để đi tập hồi phục. Tôi không muốn họ thấy mình trên giường trong trạng thái tê liệt, không nhúc nhích nổi. Tôi vẫn còn rất nhiều cảm xúc với bóng đá nhưng đó là cảm xúc có sự kiểm soát. Bạn sẽ không thấy tôi nhảy lên trước xe vì tôi không thể đá bóng nữa”.
Tôi ngồi yên một lúc, nghĩ về Zlatan, sự phẫn nộ của anh và nơi anh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Rồi tôi nhớ tới một câu chuyện mà Brendan Hannan - phó chủ tịch phụ trách marketing, truyền thông và kỹ thuật số của Galaxy – kể cho mình. Ông nói về sự dễ gần của Ibra ở LA, cả với những người hâm mộ tới các buổi tập để xin chữ ký và chụp hình hay những người được Galaxy thuê trong các buổi quảng cáo. Không lâu sau khi tới CLB, Ibra đã đồng ý quay một bộ phim quảng cáo với Chuột Mickey.
“Ibra vừa mới tới đây”, Hannan hồi tưởng. “Anh ấy đã không thi đấu trong vài tháng và không ai thực sự biết tình trạng đầu gối của anh là như thế nào. Một vài người nghi ngờ anh không thể ghi hơn 10 bàn thắng và có người thậm chí còn nghi ngờ không biết anh có thể thi đấu hay không”. Thực tế, cho đến lúc này anh đã có 35 pha lập công sau 43 lần ra sân.
Đó là lý do toàn bộ ban huấn luyện Galaxy bất ngờ khi Zlatan đá bóng với Chuột Mickey và theo Hannan thì “làm những điều điên rồ”. Lừa bóng, xỏ kim Mick. Nhảy lên sút bóng vào lưới từ khoảng cách 9 m. Rồi sau đó giả bộ như quên hết mọi sự trên đời, hai chân anh cong về phía sau, ngực ưỡn lên trời trước khi trái bóng rơi xuống đó – không nảy chút nào, như thể trái bóng là một quả bưởi thối – rồi hất ngực để trái bóng nẩy lên khoảng gần 1 m. Một đòn ân sủng được thực hiện. Zlatan đã hoàn toàn là Zlatan. Vì tình yêu của Chúa, tại sao lại thế chứ?
“Tôi chỉ muốn Chuột Mickey vui vẻ. Cậu ấy không trả lời tôi!”, Zlatan nói. “Cậu ấy chỉ chớp mắt. Tôi tiếp tục hỏi ‘Cậu thích chứ, Mickey?’ Nhưng tôi vẫn không nhận được câu trả lời. Vẫn chỉ chớp mắt. Vì thế tôi kiểu ‘OK, hãy thử cái này, cái này và cái này xem’”.
“Chuyện đó không hề bình thường đâu”, tôi bày tỏ.
“Tôi không phải người bình thường mà”, Zlatan đồng ý với câu nói của tôi. Sau đó, anh bất chợt thì thầm: “Đó là một trò chơi đẹp phải không nào?”
Dịch từ bài viết “Zlatan has something to tell you: 'I don't need to dream. I am the dream.'” Của tác giả Andrew Corsello trên ESPN
CG (TTVN)