Jurgen Klopp từng ca ngợi Trent Alexander-Arnold là “hậu vệ phải xuất sắc nhất thế giới”, nhưng thật trớ trêu khi “được trọng dụng” ở bóng đá cấp ĐTQG vẫn là một điều quá xa xỉ đối với anh.
Đã gần 4 năm trôi qua kể từ khi Alexander-Arnold – thời điểm ấy 19 tuổi – có trận ra mắt cho ĐTQG Anh trước Costa Rica trên sân Elland Road. Trong những năm tháng đó, anh đã được tận hưởng hàng loạt danh hiệu cao quý bao gồm Premier League, Champions League, World Club Championship, Carabao Cup, được điền tên vào đội hình xuất sắc nhất mùa của PFA (2 lần), được bầu chọn là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa của PFA và lọt vào danh sách ứng cử viên rút gọn của Ballon d’Or.
Alexander-Arnold cũng đã được ghi nhận 43 pha kiến tạo ở Premier League trong khoảng thời gian đó, nhiều hơn ít nhất 3 pha so với phần còn lại của giải đấu (Andrew Robertson, đồng đội của anh ở Liverpool, đứng thứ hai) và nhiều hơn 6 so với Kevin De Bruyne, người đứng thứ 3. Thành tích của anh ở mùa giải này là quá tuyệt vời: 19 đường kiến tạo cho CLB và ĐTQG trong 38 trận.
Đó là những con số mà bất kỳ cầu thủ sáng tạo nào cũng mơ ước, chứ chưa nói đến một hậu vệ phải, tuy nhiên, thực tế đang hiện hữu lại là Alexander-Arnold vẫn còn lâu mới được coi là một thành viên chắc suất đá chính cho đội tuyển Anh tại vòng chung kết World Cup ở Qatar vào cuối năm.
Ở tuổi 23 và hiện tại đã có hơn 200 lần ra sân cho Liverpool, nhưng Alexander-Arnold chưa bao giờ được xem là một sự lựa chọn hàng đầu trong danh sách nhân sự của Tam Sư.
13 lần đá chính, 3 lần vào sân thay người, 17 trận chỉ được ngồi trên băng ghế dự bị (6 trong số đó là khi còn là một cậu thiếu niên ở vòng chung kết World Cup tại Nga) và một chấn thương đùi đã khiến anh không thể tham dự kỳ Euro 2020 diễn ra vào mùa hè năm ngoái, những con số đó đã kể quá rõ câu chuyện của chàng trai này ở bóng đá cấp ĐTQG cho đến nay.
Đợt tập trung mới nhất đáng lẽ ra sẽ là cơ hội để Alexander-Arnold có thêm một chút bổ sung vào hồ sơ ra sân cho ĐTQG của mình, đồng thời tạo nên những dấu ấn trước thềm World Cup, đặc biệt là khi Kieran Tripper hiện đang chấn thương và Kyle Walker không được triệu tập. Không may cho Alexander Arnold, một chấn thương gân kheo đã tước đi những hy vọng đó, và thậm chí Reece James cũng đồng cảnh ngộ. Hậu vệ phải Kyle Walker-Peters của Southampton đã trở thành người được gọi lên tuyển để thay thế.
Những lý do khiến sự nghiệp cấp ĐTQG của Alexander-Arnold chưa bao giờ thực sự “cất cánh” là một chủ đề được bàn luận sôi nổi bao năm qua. Trong đó, câu trả lời được phần lớn những người tham gia kết luận là Gareth Southgate lo ngại về sự phù hợp của lối chơi ở hậu vệ phải 23 tuổi với Tam Sư. Hay nói cách khác, liệu khả năng phòng ngự của anh có đủ tốt để chơi cho đội tuyển Anh?
Nhưng đừng dại dột mà nói điều đó ra ngay trước mặt Klopp. “Nếu có ai đó nói Trent không thể phòng ngự, tôi sẽ đấm sấp mặt hắn ngay,” HLV của Liverpool khẳng định sau chiến thắng 2-0 trước Arsenal. “Thành thật mà nói, tôi đã không còn nghe ai nhắc tới điều đó nữa. Tôi chẳng biết cậu bé này còn cần phải cải thiện điều gì nữa.”
Một sự thật rõ ràng là Southgate có rất nhiều sự lựa chọn khi nói đến vị trí của Alexander-Arnold, nên nhớ rằng ông còn có Walker, Trippier và James nữa. “Quả là một thời điểm tuyệt vời để trở thành một hậu vệ phải!” Gary Neville đăng trên Twitter khi cả 4 đều được điền tên vào danh sách nhân sự tham dự Euro 2020 của Tam Sư.
4 đã nhanh chóng giảm xuống còn 3 sau khi Alexander-Arnold bị chấn thương cơ đùi trong trận giao hữu với Áo vào đêm trước thềm giải đấu, khiến anh bắt buộc phải nghỉ thi đấu 6 tuần và tước đi cơ hội được cống hiến cho ĐTQG tại một giải đấu lớn diễn ra ngay tại Anh.
Nhưng dù cho được góp mặt ở Euro, liệu Alexander-Arnold có được trọng dụng không?
Đừng quên, Southgate từng loại anh khỏi danh sách triệu tập vào thời điểm 3 tháng trước khi giải đấu khởi tranh. “Thật tiếc cho Trent, nhưng tôi không nghĩ cậu ấy đang thi đấu với đẳng cấp mà bản thân đã thể hiện trong vài năm qua,” Southgate giải thích.
Quyết định loại bỏ Alexander-Arnold trong đợt tập trung vào tháng 3 năm ngoái đã tạo nên những phản ứng tiêu cực từ Anfield – chủ yếu là kinh ngạc và bức xúc. Liverpool cũng đã cảm thấy bối rối trước quyết định chỉ đạo Alexander-Arnold đá tiền vệ mà Southgate đưa ra trong trận gặp Andorra vào 6 tháng sau – lần đầu tiên anh khoác áo ĐTQG kể từ Euro.
“Trong một trận đấu mà tuyển Anh, hoặc chúng tôi áp đảo đối thủ đến mức Trent có thể đá tiền vệ, tôi sẽ để cậu ấy chơi như một số 6 thay vì số 8,” Klopp bình luận. “Cậu ấy đúng là có thể chơi số 6, nhưng tại sao lại đi bắt hậu vệ phải xuất sắc nhất thế giới phải đá tiền vệ cơ chứ? Không thể hiểu nổi.”
Đó cũng là một câu hỏi mà Southagte đã được hỏi trong cuộc họp báo sau trận. “Chúng tôi muốn thử nghiệm cậu ấy trong một vai trò dâng cao hơn một chút,” HLV người Anh trả lời. “Chúng tôi biết cậu ấy rất cừ khi có bóng trong chân. Và, tất nhiên, cậu ấy đã kinh qua những vị trí đó ở Liverpool. Tôi không nghĩ chúng tôi đã phải hứng chịu bất kỳ hệ quả tiêu cực nào từ chuyện này cả.”
Một thành viên của FA đã kể lại một cuộc trò chuyện với Southgate diễn ra từ nhiều năm trước về khả năng một ngày nào đó Alexander-Arnold sẽ chơi ở hàng tiền vệ của Tam Sư – điều này rõ ràng mang hàm ý đánh giá cao ngôi sao của Liverpool hơn là một dấu hiệu cho thấy nhà cầm quân người Anh nghi ngờ về năng lực của anh ở vị trí hậu vệ phải.
Southgate đã biết Alexander-Arnold từ lâu, khi anh còn chơi cho U17 Anh, và luôn đánh giá rất cao chàng trai này. Ông từng kể một câu chuyện về một ngày trước một trận đấu của tuyển Anh vài năm trước, khi mình nhìn thấy Alexander-Arnold một mình miệt mài tập luyện các tình huống bóng chết cùng những con ma-nơ-canh.
“Cậu ấy rất tự tin vào khả năng thực hiện bóng chết của mình,” Southgate khẳng định vào ngày hôm sau.
Nhưng trên thực tế Southgate có bao nhiêu niềm tin vào Alexander-Arnold?
Một số người tại Liverpool vẫn có cảm giác rằng cách mà Alexander-Arnold đảm nhận vai trò hậu vệ phải ở CLB – nơi anh được tấn công với sự tự do và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn The Reds kiểm soát bóng – không hoàn toàn ăn khớp với quan điểm của Southgate về vị trí này.
Với vấn đề đó, bạn hẳn sẽ tự hỏi liệu Southgate – một nhà cầm quân đề cao sự cẩn trọng, hơn là mạo hiểm, táo bạo – có sẵn lòng để Alexander-Arnold chơi hậu vệ phải hoặc wing-back phải trong các trận đấu lớn cấp ĐTQG, khi tuyển Anh chơi thiên về phòng ngự thay vì tấn công – trận chung kết Euro 2020 với tuyển Italy là một ví dụ.
Nhìn lại 13 lần đá chính của Alexander-Arnold trong 4 năm qua, bạn sẽ nhận thấy một bức tranh thú vị. Trong phần lớn những lần đó, hậu vệ phải của Liverpool đã chơi trong các đội hình được coi là “thử nghiệm” của Tam Sư, đã có những thay đổi lớn được thực hiện và đối đầu với họ là những đối thủ yếu hơn.
Thậm chí ngay cả sau màn trình diễn được bầu chọn là “cầu thủ xuất sắc nhất trận” trước Thụy Sĩ ở trận play-off tranh hạng ba của Nations League vào năm 2019, khi Alexander-Arnold thực hiện nhiều quả tạt trong một trận đấu hơn bất kỳ cầu thủ Anh nào kể từ David Beckham vào 1 thập kỷ trước đó, anh lại phải ngồi dự bị trong trận đấu cấp ĐTQG tiếp theo.
Chuyện này vẫn diễn ra bất chấp việc Walker bị gạch tên khỏi danh sách triệu tập, đó là chưa kể Southgate cũng đã ám chỉ rằng đã đến lúc phải nhìn về tương lai ở vị trí này.
Trippier đã đá chính 3 trong 4 trận tiếp theo của tuyển Anh. Khi Alexander-Arnold được đá chính 2 trận liên tiếp cho Tam Sư lần đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp cho đến nay, ở đợt tập trung ngay sau đó vào năm 2019, đối thủ của họ là Montenegro và Kosovo, và tuyển Anh đã ghi tận 11 bàn, không để thủng lưới bàn thua nào. Nói cách khác, năng lực của Alexander-Arnold vẫn chưa trải qua những bài test thực sự ở cấp ĐTQG.
Walker đã được sử dụng sau khi hết cảm lạnh trong trận đấu tiếp theo của tuyển Anh – cuộc đối đầu với Iceland ở UEFA Nations League, còn Alexander-Arnold thì vào sân thay người sau khi hậu vệ phải của Manchester City bị đuổi khỏi sân. 3 ngày sau, khi Walker bị treo giò, đã có 4 cầu thủ có trận ra mắt cho Tam Sư và 10 người khác ngồi ngoài, Alexander-Arnold đã được đá chính trước Đan Mạch.
Có thể nói rằng lần duy nhất mà Alexander-Arnold được cho đá chính trước một đối thủ lớn trong khi Southgate chủ động chọn ra đội hình tối ưu nhất của mình là trong chiến thắng 2-1 trước Bỉ tại Wembley, thuộc khuôn khổ UEFA Nations League vào tháng 11 năm 2020. Vào lần đó, Walker (chơi trung vệ lệch phải) và Trippier (chơi wing-back trái) cũng ra sân, trong khi James vào sân từ băng ghế dự bị khi Alexander-Arnold được rút ra.
Gần đây hơn – sau Euro – Alexander-Arnold đã đá chính 2 trận cho tuyển Anh, trước Andorra, khi Southgate thực hiện 11 sự thay đổi để chuẩn bị cho trận đấu vòng loại World Cup tại Ba Lan diễn ra 3 ngày sau đó (Walker là người đảm nhận vị trí hậu vệ phải trong trận hòa 1-1 ở Warsaw), và trước San Marino, nơi mà dù cho anh đã kiến tạo nên 3 bàn thắng trong một chiến thắng 10-0 vẫn chẳng nói cho chúng ta biết gì về tập thể Tam Sư hay Alexander-Arnold trong tư cách một cầu thủ của ĐTQG.
Trên thực tế, thực sự thì bản thân chúng ta biết bao nhiêu về vế sau?
TRONG TƯ CÁCH MỘT CẦU THỦ PHÒNG NGỰ, NĂNG LỰC CỦA ALEXANDER-ARNOLD NHƯ THẾ NÀO?
Đã đến lúc tập trung vào câu hỏi chính. Lẽ nào khả năng phòng ngự của Alexander-Arnold chính là lý do chính khiến anh không được thi đấu nhiều hơn cho tuyển Anh cho đến nay?
Khía cạnh này trong lối chơi của ngôi sao 23 tuổi đã bị mọi người liên tục chê bai, nhiều đến mức khiến Klopp khó chịu. “Tôi chẳng hiểu nổi chúng (những lời chỉ trích), và sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì mình sẽ nói vào tối nay,” HLV trưởng của Liverpool khẳng định sau chiến thắng trước West Ham ở Premier League cách đây 2 tuần. “Nếu cậu ấy không thể phòng ngự, cậu ấy đã chẳng thể chơi cho đội bóng này – ít nhất là không phải tại vị trí đó. Cậu ấy đã cải thiện mạnh mẽ trong mọi khía cạnh và dĩ nhiên phòng ngự cũng nằm trong số đó.”
Bình luận tương tự cũng đã được đưa ra vào tháng 1, sau khi Liverpool đánh bại Arsenal 2-0 ở bán kết Carabao Cup và Alexander-Arnold chính là người kiến tạo nên cả 2 bàn thắng. “Tôi không biết bất kỳ ai khác giống Trent cả - một hậu vệ phải, có thể đưa ra những quyết định tuyệt vời đến vậy, tầm ảnh hưởng to lớn đến vậy, sở hữu những kỹ năng như vậy,” Klopp tuyên bố. “Tôi thực sự ghét cái cách mà người ta liên tục nói về khả năng phòng ngự của cậu ấy, kiểu như: ‘Cậu ta thủ tệ, công tốt’. Tôi thì nghĩ cậu ấy cũng đã phòng ngự rất tốt. Trent toàn diện đến mức điên rồ.”
Đánh giá khả năng phòng ngự của Alexander-Arnold là việc không dễ, đặc biệt là vì nó còn phải được nhìn nhận trong bối cảnh lối chơi của Liverpool. Trên hết, bất kỳ đánh giá nào cũng sẽ luôn mang tính chủ quan một phần.
Chẳng hạn, Klopp cho rằng Alexander-Arnold đã phòng ngự quá tuyệt vời trước Gabriel Martinelli của Arsenal trong cuộc đối đầu gần đây – một quan điểm không được đồng tình bởi những người khác đã xem trận đấu đó. Gary Neville thì phân tích trên Sky Sports rằng Alexander-Arnold chắc chắn đã rất xuất sắc khi có bóng trong chân, đe dọa đối thủ với khả năng chuyền dài của mình. Nhưng khi đối thủ kiểm soát bóng thì sao?
Xem lại trận đấu, Martinelli là người giành chiến thắng trong 3 pha 1 chọi 1 vào 50 phút đầu của trận đấu, còn Alexander-Arnold là người thắng cuộc trong 2 pha đấu tay đôi cuối trận – có lẽ đó chính là 2 tình huống đã xuất hiện trong đầu Klopp khi ông bảo vệ cậu học trò của mình trong cuộc họp báo sau trận.
Ký giả Stuart James của tờ The Athletic đã quyết định xem lại hơn 100 tình huống phòng ngự 1 chọi 1 mà Alexander-Arnold đã tham gia ở mùa giải này. Kết luận mà ông rút ra là hậu vệ phải của Liverpool đã thua nhiều hơn thắng.
Cụ thể hơn, định nghĩa về “thua” của Stuart James trong trường hợp này bao gồm việc để cho đối phương có thể tạt bóng khi đấu 1 chọi 1. Tương tự, việc chặn được một quả tạt, ngay cả khi nó dẫn tới một tình huống phạt góc hoặc ném biên, vẫn được tính là “thắng”.
Phải chăng Stuart James sẽ được thấy một sự vượt trội rõ rệt khi áp dụng công thức tương tự với Walker, Tripper và James? Câu trả lời là không. Đúng là có tốt hơn, nhưng không đáng kể.
Một cách khác để đánh giá khả năng của một cầu thủ trong các tình huống phòng ngự 1 chọi 1 là sử dụng những số liệu thống kê. Với dữ liệu từ Smarterscout, có tính đến khả năng của đối thủ mà một cầu thủ phải đối đầu – ví dụ như việc đoạt được bóng khỏi Kylian Mbappé sẽ có sức nặng lớn hơn việc lấy bóng từ Teemu Pukki – chúng ta sẽ có một số kết quả thú vị khi so sánh 4 hậu vệ phải người Anh này.
Chấm điểm khả năng đấu 1 chọi 1 của Alexander-Arnold, Walker, Tripper và James trên thang điểm 100: Tackling (tắc bóng), dribbling (truy cản các tình huống rê dắt), Open-play headers (khả năng không chiến trong các tình huống bóng sống), set-play headers (khả năng không chiến trong các tình huống cố định)
Một lần nữa, cần phải nhắc lại một điểm quan trọng là các dữ liệu cũng cần được xem xét dựa trên vai trò cá nhân mà các cầu thủ được giao phó tại CLB của họ, cũng như lối chơi của đội trong hai giai đoạn kiểm soát bóng và không kiểm soát bóng.
Trên lưu ý đó, trợ lý Pep Lijnders của Klopp đã đưa ra một số nhận xét thú vị trên tờ The Times gần đây.
“Tùy thuộc vào cách bạn muốn quan sát cuộc chơi,” Lijnders chia sẻ. “Chúng tôi thì muốn quan sát nó theo góc nhìn tấn công – cả khi chúng tôi có bóng và khi đối thủ kiểm soát bóng. Trent đã thể hiện cực tốt theo góc nhìn tấn công này, đặc biệt là khi không có bóng. Có những khoảnh khắc chúng tôi dâng lên quá cao – chẳng hạn như tận vạch giữa sân – và không thể ngăn cản đối thủ lên bóng, đó là lúc chúng tôi cần đến ‘đôi chân và tốc độ’. Cậu ấy đáp ứng được điều đó.”
“Một hàng thủ tốt có thể giải quyết các vấn đề, còn một hàng thủ đẳng cấp thế giới sẽ triệt tiêu khả năng xuất hiện của chúng. Chúng tôi tổ chức phòng ngự với toàn đội – tất cả mọi người đều có trách nhiệm tham gia phòng ngự. Nếu một hậu vệ chỉ được đánh giá qua những tình huống 1 chọi 1 diễn ra ở các khoảng không gian rộng lớn, người ta chỉ đang nhìn ngược về thế giới bóng đá thời xưa thay vì hướng tới tương lai.”
***
Có lẽ chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về những gì Alexander-Arnold có thể làm hơn là lo lắng về những khuyết điểm của anh, đặc biệt là khi chàng trai này - ở tuổi 23 – đang định nghĩa lại vai trò của một hậu vệ phải trong kỷ nguyên hiện đại với thành tích tấn công phi thường của mình.
Với 11 pha kiến tạo ở Premier League mùa giải này – nhiều nhất giải đấu – anh sắp phá vỡ kỷ lục kiến tạo của một hậu vệ do chính mình tạo nên với con số 13 vào mùa giải 2019-20. Tuy nhiên, đóng góp của anh còn vượt xa cả việc kiến tạo nên những bàn thắng.
Phần lớn những đợt triển khai bóng của Liverpool đều qua chân Alexander-Arnold (chỉ có Joao Cancelo được ghi nhận nhiều pha chạm bóng hơn anh ở Premier League 2021-22), đến mức thật khó tin rằng anh là một hậu vệ phải, đặc biệt là khi nhìn vào bộ kỹ năng chuyền bóng quá xuất sắc bằng cả 2 chân của anh.
Rõ ràng, Alexander-Arnold đã thi đấu với sự tự tin cao ngút trong nhiều tháng trời, điều không phải lúc nào cũng diễn ra ở mùa giải trước, khi cả anh và Liverpool đều phải trải qua một số thời điểm khó khăn – từ những chấn thương, tình trạng sa sút phong độ cho đến ảnh hưởng của COVID-19.
Mặc dù chẳng có ai ở Liverpool muốn Alexander-Arnold vắng mặt tại Euro 2020, bởi vì họ biết việc được cống hiến tài năng của mình cho ĐTQG có ý nghĩa lớn đến thế nào đối với anh, nhưng có một cảm giác rất rõ ràng rằng anh đã được hưởng lợi lớn từ một khoảng thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa. Chính Klopp cũng rất muốn hậu vệ phải của mình được thả lỏng tinh thần nhiều nhất có thể.
Thật thú vị, cả khả năng lẫn phong cách tấn công của Alexander-Arnold đã tiếp tục tiến hóa, phát triển mạnh mẽ ở mùa giải này. Gần đây, trong một cuộc trò chuyện với The Athletic, ngôi sao 23 tuổi đã giải thích với nhà báo Caoimhe O’Neill về sự thay đổi trong lối chơi của bản thân, cho phép anh thường xuyên bó vào trung lộ và tạo ra nhiều cơ hội hơn từ các vị trí nằm trong phạm vi “chiều ngang của vòng cấm” – được thể hiện qua bản đồ nhiệt bên dưới, minh họa các khu vực tạo cơ hội của Alexander-Arnold ở mùa giải này.
Sự tự do đó được tạo điều kiện bởi các mô hình phối hợp tam giác, linh hoạt về vị trí / vai trò của các cầu thủ, mà Klopp khuyến khích ở hai bên cánh của sân đấu, với sự tham gia của hậu vệ cánh, tiền đạo cánh và tiền vệ số 8. Một yếu tố quan trọng khác, Fabinho đã làm rất tốt nhiệm vụ hỗ trợ 2 trung vệ, đảm bảo Liverpool không bị đánh vỗ mặt vào hàng thủ khi mất quyền kiểm soát bóng.
Đối với Arnold, anh được tự do làm những gì mà mình giỏi nhất – thực hiện những đường chuyền và các quả tạt tuyệt vời có thể dẫn tới những cơ hội, những bàn thắng. “Đó là một khu vực tuyệt vời để thể hiện khả năng sáng tạo, khi bạn đang ở gần khung thành hơn rất nhiều. Các cầu thủ phòng ngự có rất ít thời gian để phản ứng với những gì bạn làm và bạn có thể tạo nên các pha bóng mang tính xuyên phá có độ nguy hiểm cao hơn,” anh chia sẻ với The Athletic.
“Xuyên phá” là một từ hay khi nói đến lối chơi của Alexander-Arnold – anh rất cừ trong việc tạo nên những khoảnh khắc khiến đối thủ thót tim. Các con số trong bảng biểu dưới đây chứng minh anh chính là hậu vệ phải giỏi sáng tạo nhất của tuyển Anh, và cũng cho thấy Alexander-Arnold và James khác biệt như thế nào khi so sánh với Walker và Trippier.
Giải thích thuật ngữ, từ trái sang phải (tính theo mỗi 90 phút): Tổng số phút đã chơi, kiến tạo, kiến tạo kỳ vọng, số lần tạo cơ hội, số pha tạt bóng (chỉ tính bóng sống), số đường chuyền tịnh tiến bóng.
Xét theo bề ngoài trong khía cạnh này, Alexander-Arnold sẽ có nhiều cơ hội thi đấu cho Tam Sư hơn trong ngắn hạn nếu Southgate sử dụng hệ thống 3-4-3 mà ông đã triển khai trong 2 trận đấu với Đức và Italy ở Euro 2020. Tương tự, cũng cần nhớ rằng trong cả hai lần đó, HLV người Anh đã chọn Walker và Trippier thay phiên nhau thay vì James.
Trên lý thuyết, chuyện đó sắp kết thúc. Walker và Trippier đều sẽ bước sang tuổi 32 trước vòng chung kết World Cup và trên thực tế, điều này có nghĩa là cuộc chơi ở Qatar có khả năng sẽ là giải đấu lớn cấp ĐTQG cuối cùng của họ, mở đường cho Alexander-Arnold và James – cả hai đều là những tài năng đặc biệt – cạnh tranh nhau cho vị trí hậu vệ phải trong thập kỷ tới.
Còn tại Liverpool, Klopp hiện có nhiều mối quan tâm cấp bách hơn là lo nghĩ về sự nghiệp cấp ĐTQG của ngôi sao 23 tuổi. “Chúng tôi có Millie (James Milner) chơi được hậu vệ phải, còn cả Joe (Gomez) nữa, chúng tôi thậm chí có thể thay đổi hệ thống. Chúng tôi có thể tìm ra một giải pháp trẻ trung hơn,” ông nói gần đây. “Nhưng cách mà Trent thi đấu, tôi không biết một cầu thủ nào khác trên thế giới có thể chơi như cậu ấy cả.”
Đây là Bryan Mbeumo! Cầu thủ hiện đang đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới tại Premier League mùa này với 8 bàn thắng sau 9 lần ra sân, chỉ kém 3 bàn so với người dẫn đầu là Erling Haaland.
Raphinha có vẻ không thích phỏng vấn lắm, nhưng anh cũng không tỏ ra khó chịu khi được chúng tôi (tờ El Pais – Tây Ban Nha) tiếp cận. Anh nói chậm rãi, lướt qua một số câu hỏi, nhưng không hề né tránh: Raphinha là kiểu người thẳng thắn.
Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.
Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.
Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.