Toàn cảnh những drama dẫn đến sự "bốc hơi" của Mesut Ozil (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 28/10/2020 15:18(GMT+7)

Zalo

Một năm trước, anh là một trong những ngôi sao hưởng lương cao nhất tại Premier League. Còn bây giờ, sau khi chọc giận Trung Quốc và từ chối giảm lương, anh chỉ đơn giản là đã bị “xóa sổ”.

  Một năm trước, anh là một trong những ngôi sao hưởng lương cao nhất tại Premier League. Còn bây giờ, sau khi chọc giận Trung Quốc và từ chối giảm lương, anh chỉ đơn giản là đã bị “xóa sổ”. 

LONDON – Mọi drama được khởi đầu bởi một tweet. Vào tháng 12 năm ngoái, Mesut Özil hẳn đã biết rõ những rủi ro mà mình phải đối mặt khi anh quyết định đưa ra một lời tố cáo công khai, gây chấn động nhắm vào chính phủ Trung Quốc về cái cách họ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số phần lớn theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương, và sự im lặng “đồng lõa” của cộng đồng quốc tế. 

Bạn bè và các cố vấn đã cảnh báo Özil, tiền vệ của Arsenal, rằng hành động này sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Anh chắc chắn sẽ bị “cạch mặt” ở thị trường Trung Quốc. Sáu triệu follower của ngôi sao người Đức trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất tại đất nước này, sẽ “bốc hơi”. Fan club của anh ở đó – với khoảng 50.000 thành viên chính thức – cũng sẽ trôi vào dĩ vãng. Özil sẽ không bao giờ có thể chơi bóng ở Trung Quốc. Thậm chí, anh cũng có thể sẽ bị “tránh như tránh tà” bởi mọi câu lạc bộ có chủ sở hữu là người Trung Quốc, hoặc có những nhà tài trợ muốn “làm ăn” tại thị trường này.  


Özil nhận thức rất rõ những viễn cảnh đầy tối tăm đó. Anh vốn đã biết về phản ứng giận dữ của Trung Quốc – toàn bộ đất nước – đối với một tweet của Daryl Morey, tổng giám đốc của đội bóng rổ Houston Rockets tại NBA, chỉ vài tuần trước đó. Tuy nhiên, Özil vẫn rất kiên quyết. Sự phẫn nộ của anh đã ngày càng trở nên lớn hơn trước tình hình tại Tân Cương trong nhiều tháng, sau khi xem qua những bộ phim tài liệu, theo dõi các tin tức. Anh tin rằng bản thân có một sứ mệnh trong vấn đề này, anh đã nói với các cố vấn của mình như vậy, đó là gây áp lực lên các quốc gia Hồi Giáo khác – bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng là phù rể trong đám cưới của Özil – buộc họ phải nhanh chóng can thiệp. 

Và thế là anh đăng tweet. 

Tweet này đã gây nên một cuộc chấn động lớn. Özil tin chắc rằng đó là thời điểm mọi thứ đã thay đổi. Arsenal cũng kiên quyết như vậy. Sẽ rất khó để hòa hợp sự khác biệt quan điểm của hai bên – Arsenal và Özil. Có thể hai bên đều đúng. Cũng có thể họ đều sai. Cả Arsenal và Özil đều không sẵn sàng thảo luận về sự khác biệt quan điểm của họ.

Những hậu quả theo sau sự kiện này đã diễn ra đúng như dự đoán. Vài ngày sau khi Özil đưa ra quyết định đầy mạo hiểm của anh, hai đối tác phát sóng của Premier League tại Trung Quốc, CCTV và PP Sports, đã từ chối phát sóng một trận đấu của Arsenal. Khi PP Sports chấp nhận tiếp tục chiếu những trận đấu có Arsenal, các bình luận viên của nhà đài đã từ chối đọc tên của Özil. 

Avatar của ngôi sao người Đức đã bị xóa khỏi các video game. Những người dùng mạng internet Trung Quốc nếu tìm từ khóa “Mesut Özil” sẽ chỉ nhận được thông báo lỗi. Từng có thông tin nói rằng tài khoản Weibo của anh đã bị vô hiệu hóa, nhưng đó là tin đồn sai sự thật. Tuy nhiên, theo một cách rất có chủ ý và dường như là được ra lệnh bởi chính phủ, Mesut Özil đã hoàn toàn bị “xóa sổ” tại Trung Quốc. 

Mặc dù vậy, đây chỉ mới là sự khởi đầu của một loạt những drama sẽ đưa sự nghiệp của tiền vệ người Đức chìm sâu vào bóng tối.

Toàn cảnh những drama dẫn đến sự bốc hơi của Mesut Ozil hình ảnh
 

VỤ TỪ CHỐI CẮT GIẢM LƯƠNG

Nhìn nhận lại, chúng ta có thể thấy phản ứng của Arsenal trước quyết định lên tiếng của Özil đã diễn ra không nhất quán. Về mặt công khai, câu lạc bộ này đã rất nhanh chóng thể hiện thái độ không muốn liên quan gì đến những bình luận của anh. Còn trong nội bộ, chắc hẳn đã có những biện pháp trừng phạt được thi hành. 

Tweet gây chấn động của Özil, và một post xuất hiện cùng lúc trên tài khoản Instagram có hơn 20 triệu Follower của tiền vệ người Đức, đã gây nên những vấn đề rất nghiêm trọng – không chỉ đối với Arsenal, mà còn là cả Premier League. Trung Quốc, xét cho cùng, chính là đối tác truyền hình nước ngoài lớn nhất và cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của họ; Giải đấu hạng cao nhất bóng đá Anh chắc chắn không hề muốn các trận đấu của họ bị cấm cửa phát sóng, bị các nhà tài trợ và các fan của môn thể thao vua tại đất nước này quay lưng.

“Tại Trung Quốc, có rất nhiều khán giả không nhận thức được bản chất của mối quan hệ giữa một hiệp hội, một giải đấu và một cầu thủ ở nước ngoài,” Zhe Ji – giám đốc của Red Lantern, một công ty tiếp thị thể thao tại Trung Quốc – cho biết. “Họ thấy rằng, ở Trung Quốc, hiệp hội bóng đá nắm toàn quyền kiểm soát giải đấu, tức là kiểm soát cả các cầu thủ. Cái nhận thức đó đã đặt các đội bóng, các giải đấu và các cá nhân ở nước ngoài vào một tình thế rất khó xử. Đây là một sự nhầm lẫn về văn hóa.” 

Ý thức được điều đó, ban lãnh đạo của Arsenal đã thúc giục Özil ngừng đưa ra các tuyên bố chính trị, hoặc ít nhất là đảm bảo rằng anh sẽ không khiến cho câu lạc bộ bị liên lụy nếu cứ tiếp tục làm những chuyện này. Khi câu lạc bộ phát hành các mặt hàng chúc mừng “Chinese New Year”, Özil đã không được họ đưa lên bất kỳ mặt hàng nào. 

Để tránh đi vào vết xe đổ tương tự như những xung đột công khai đã ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh doanh hàng tỷ Dollar của N.B.A với Trung Quốc, Premier League đã cố gắng hết sức để không làm “mếch lòng” quốc gia này. Nhưng rốt cuộc, thế giới bóng đá chẳng thể lúc nào cũng không dính dáng đến chính trị. Vài tháng sau bài đăng trên Twitter của Özil, các cầu thủ đại diện cho 20 câu lạc bộ của Premier League – Hector Bellerin là người đại diện cho Arsenal – đã thông báo cho ban tổ chức của giải đấu rằng họ sẽ bắt đầu chia sẻ những thông điệp ủng hộ phong trào Black Lives Matter trong các trận đấu. Liên đoàn đã rất mau chóng chấp nhận “sự thức tỉnh chính trị” ở các cầu thủ của họ. 

Và vào tuần trước, sau khi đội trưởng của Arsenal, Pierre-Emerick Aubameyang, đăng tweet ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối sự bạo lực của giới cảnh sát ở châu Phi, câu lạc bộ thành London đã đưa ra tuyên bố của riêng mình. “Gửi các fan người Nigeria của chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy các bạn. Chúng tôi nghe được các bạn. Chúng tôi hiểu được cảm giác của các bạn.” 

“Việc các cầu thủ phải có một quan điểm về những vấn đề xã hội đã ngày càng trở nên quan trọng hơn,” Tim Crow, một chuyên gia tư vấn tài trợ, cho biết. “Nếu họ không làm như vậy, sớm hay muộn thì dư luận cũng sẽ chĩa mũi dùi vào họ, và mọi người sẽ nghi ngờ về giá trị của họ.”

Do đó, có thể nhận định rằng sai lầm của Özil không phải là việc anh đã đưa ra một tuyên bố chính trị, mà là anh đã chọn “sai” chủ đề. 

Phần 2: Toàn cảnh những drama dẫn đến sự "bốc hơi" của Mesut Ozil (P2)

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “The Erasure of Mesut Özil” của hai tác giả Rory Smith và Tariq Panja, đăng tải trên The New York Times.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười của Đình Triệu

Năm 2018, thời điểm bóng đá Việt Nam lên đồng, Nguyễn Đình Triệu có thể giống như tất cả chúng ta, hòa mình cùng niềm vui trên đường phố, bên bàn nhậu, trong quán cafe hay ở một góc nào khi đội tuyển U23 mở ra một chuỗi thành công và danh tiếng cho bóng đá Việt Nam.

Trong năm 2024, liệu có ai vượt qua hoặc sánh ngang với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo?

Kỷ nguyên Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đã chính thức kết thúc vào năm 2024. Lần đầu tiên kể từ năm 2003, không một ai trong số họ lọt vào danh sách ứng cử viên cho danh hiệu Ballon d’Or, tức Quả Bóng Vàng. Và tất cả chúng ta đều biết rằng, cuộc bình chọn Quả Bóng Vàng chính là “Bảng Phong Thần” cao quý, danh giá nhất của lịch sử bóng đá dành cho những cá nhân kiệt xuất nhất.

X
top-arrow