Thủ môn Bùi Tiến Dũng: Viên Ngọc xứ Thanh và ánh sáng mạnh mẽ của niềm tin

Tác giả Elflaco - Thứ Bảy 27/01/2018 09:15(GMT+7)

Ngọc Lặc, Thanh Hóa là một vùng đất có bề dày lịch sử. Chính từ đây, nghĩa quân Lam Sơn dấy binh khởi nghĩa đánh thắng giặc Minh xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc và lập nên triều đại Hậu Lê, một trong những triều đại phong kiến thịnh trị bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngọc Lặc, qua các triều đại phong kiến Việt Nam, là nơi có địa thế chiến lược quân sự trọng yếu, được ví như “một viên ngọc quý phải được gìn giữ, bọc chặt bởi lụa là gấm vóc”. Tên gọi huyện Ngọc Lặc chính là xuất phát từ ý nghĩa này.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng: Viên Ngọc xứ Thanh
Và Ngọc Lặc cũng chính là nơi chôn rau cắt rốn của chàng trai người dân tộc Mường có tên Bùi Tiến Dũng, người đang được hàng triệu fan hâm mộ bóng đá Việt Nam đặt cho biệt danh đầy trìu mến và thân thương: Thủ môn quốc dân. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghèo ở Phúc Thịnh, một trong những xã miền núi có nhiều hộ đặc biệt khó khăn nhất thuộc huyện Ngọc Lặc, con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của Tiến Dũng không hề bằng phẳng như một số đồng đội của anh trong màu áo tuyển U-23 Việt Nam dự giải đấu đang diễn ra ở Trung Quốc.  
 
Yêu thích thể thao và đam mê trái bóng tròn từ bé, lại sớm phát lộ năng khiếu nên dù gia cảnh khó khăn, Dũng cùng cậu em trai Tiến Dụng luôn nung nấu quyết tâm trở thành cầu thủ.  Năm Dũng 13 tuổi, anh và Dụng cùng nhau gia nhập trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Thường Xuân. Khoảng cách giữa nhà Dũng, xã Phúc Thịnh và Trung tâm bóng đá Thường Xuyên là gần 30 km, trong đó có rất nhiều đoạn là đường đồi, đường xấu. Và đấy chính là quãng đường mà 2 anh em Dũng-Dụng đã trải qua hầu như mỗi ngày cùng chiếc xe đạp cũ - tải sản có lẽ là đáng giá nhất của gia đình cầu thủ trẻ này – trong suốt 2 năm ròng.
 
Giờ cái tên Bùi Tiến Dũng đang trở thành hiện tướng lớn của bóng đá châu Á đồng thời tạo ra một cơn sốt mạnh mẽ trong dòng chảy bóng đá Việt nhưng không phải ai cũng biết rằng, trước khi trở thành “Thủ môn quốc dân”, vị trí yêu thích và cũng là vị trí đầu tiên mà Dũng theo đuổi trong những ngày đầu học bóng đá bài bản tại Thường Xuân là hậu vệ. Thời điểm trung tâm bóng đá Thường Xuân phải giải thể vì thiếu kinh phí năm 2012, trong khi Dũng lại quá tuổi để thi vào Học viện bóng đá trẻ PVF như em trai, tưởng chừng Dũng đã phải sớm từ bỏ khát vọng trở thành một cầu thủ. Bởi trong quãng thời gian gần 1 năm sau khi rời trung tâm Thường Xuân, Dũng, khi đó 15 tuổi chỉ tham gia các giải phong trào của huyện và xã ngoài thời gian giúp bố mẹ công việc làm rẫy, thậm chí cả phụ hồ.
 
Nhưng Trời không phụ lòng người. Năm 2013, Dũng được một người thày cũ tại trung tâm Thường Xuân trao cơ hội tập ở đội trẻ Thanh Hóa. Thời điểm đó, Thanh Hóa (với chủ sở hữu là Công ty cổ phần bóng đá Lam Sơn thanh Hóa) chưa gắn với tập đoàn FLC, vẫn là một CLB bóng đá với kinh phí hoạt động hạn hẹp. Với những cầu thủ ăn tập ở đội trẻ như Dũng thì cái sự nghèo của CLB càng rõ rệt hơn bao giờ hết, trong từng bữa ăn đạm bạc, trong mỗi giấc ngủ chập chờn nỗi nhớ nhà.
 
Thanh Hóa, CLB chủ quản của Dũng, đã có những bước tiến vượt bậc khi lên chuyên. V-League 2013, Thanh Hóa cán đích ở vị trí thứ 5. Ở mùa bóng 2014, Thanh Hoa xếp hạng 3 chung cuộc. Nhưng phải tới năm 2015, bước ngoặt lịch sử của bóng đá Thanh Hóa mới xuất hiện đến khi tập đoàn FLC quyết định đầu tư mạnh vào đội bóng, với mức tài trợ không dưới 100 tỉ mỗi mùa. Những bước chuyển mình cùng sự khởi sắc mạnh mẽ trên rất nhiều phương diện của FLC Thanh Hóa cũng mở ra cơ hội lớn lao cho những cầu thủ trẻ có tài như Dũng. Nền tảng tài chính tốt hơn cùng sự đầu tư chuyên sâu và có bài bản cho bóng đá trẻ của FLC Thanh Hóa đã ngay lập tức đem đến cho bóng đá xứ Thanh những trái ngọt đầu tiên trong dự án phát triển lứa cầu thủ giỏi kế cận. Mà Dũng, tốt nghiệp khóa đào tạo năm 2016, chính thức ra mắt V-League 2017, chính là một trong những trái ngọt đáng quý nhất.
 
Việc Dũng, nuôi giấc mộng trở thành một trung vệ xuất sắc nhưng rốt cuộc lại trở thành… Thủ môn quốc dân có thể nói là một cái duyên đặc biệt. Và cái duyên để Dũng theo đuổi nghiệp “giữ gôn”, năm 16 tuổi, nó cũng chính là điểm nhấn quan trọng nhất trong những biến cố đầy màu sắc trong cuộc đời cầu thủ của chàng trai sinh năm 1997. 16 tuổi mới bắt đầu học để trở thành một thủ môn chuyên nghiệp nhưng chỉ 2 năm sau Dũng đã là “người gác đền” số 1 của tuyển U-19 Việt Nam tạo nên những tiếng vang mạnh mẽ trên đấu trường châu lục và quốc tế. Tiếp đến là màn trình diễn đáng nhớ ở giải U-20 World Cup 2017, giải đấu mà Dũng là 1 trong 3 thủ môn có nhiều pha cứu thua thành công nhất vòng đấu bảng (tổng cộng 14 lần). Và cũng chỉ thêm 1 năm nữa, để Dũng và những màn trình diễn xuất sắc của anh trong khung gỗ U-23 Việt Nam tại Trung Quốc khiến giới hậm mộ và các nhà chuyên môn đi từ khâm phục đến ngưỡng mộ.
 
Thủ môn thần tượng trong lòng Dũng là Petr Cech, một trong những “người nhện” xuất sắc nhất Thế giới thế kỉ 21. Nhưng nếu như Cech, kể từ sau khi rời Chelsea gia nhập Arsenal, đã thất bại trong tất cả 15 tình huống đối mặt với cầu thủ đối phương trên chấm 11m thì Dũng lại đang cho thấy anh là 1 trong những thủ môn trẻ xuất sắc bậc nhất châu lục ở kĩ năng cản phá phạt đền. Dũng nói về bí quyết giúp anh cản phá những cú sút từ chấm 11m, sau trận thắng nghẹt thở trước Qatar là “tập trung và luôn tự tin vào bản thân”. Nhưng nếu để ý kĩ 5 tình huống phản xạ của Dũng trong loạt “đấu súng” 11m với Qatar chúng ta có thể nhận thấy chàng thủ môn trẻ này luôn chờ đối thủ ra chân mới đổ người.
 
Ngay cả 2 pha bắt dính bóng từ những cú đá kiểu panelka của đối phương như quả phạt đền của Hàn Quốc và loạt sút luân lưu đầu tiên của Iraq, Dũng cũng chỉ “xuất chiêu” khi cầu thủ đối phương đã quyết định tung sút. Đa phần, các thủ môn luôn dựa vào ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt cũng như nghiên cứu thói quen đưa bóng vào vị trí nào từ chấm phạt 11m của cầu thủ đối phương để đưa ra phương án ứng phó thay. Nhưng Dũng, người không có sải tay dài như Cech, Van Der Sar hay Courtois, lại chọn cách ngược lại. Đó có thể là những lựa chọn liều lĩnh nhưng lại cho thấy niềm tin mạnh mẽ vào bản thân của Dũng, người thường được các đồng đội trêu trọc với câu “tay nhanh hơn não” ở khả năng phản xạ cực nhanh của anh trong khung gỗ.
 
Nhưng chính sự liều lĩnh của tuổi trẻ, niềm tin mạnh mẽ vào khả năng làm-được-điều-không-thể ở Dũng và tập thể U-23 Việt Nam chẳng phải chính là một trong những điểm nhấn lớn nhất trong câu chuyện thần kì của chúng ta tại giải U-23 châu Á hay sao?

 

ELFLACO (TTVN)
 
 
 
 
 
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.