Trước cuộc đại chiến với RB Leipzig vào cuối tuần này, Thomas Muller đã chia sẻ về cách anh nhìn nhận cuộc chơi và tại sao sự kiên nhẫn lại quan trọng hơn tài năng.
Thomas Muller, thông thường, là một cầu thủ rất khó đoán. Tiền đạo của Bayern Munich đang chia sẻ về khả năng của anh trong việc dường như luôn thực hiện những hành động chính xác, đúng đắn trong mọi đợt tấn công, điều mà các cầu thủ đối phương đã nhận định rằng nó gần giống như một giác quan thứ sáu. Một tuyển thủ quốc gia từng thể hiện sự chán nản tột độ và không thể tin nổi chuyện Muller chỉ với một hành động duy nhất đã liên tục loại bỏ 4 cầu thủ đối phương.
Ngôi sao 31 tuổi nhướng mày với ý kiến cho rằng đây là khả năng bẩm sinh, hoặc ngoại cảm, và nhấn mạnh rằng anh không đồng tình với nó.
“Tôi chắc chắn khả năng đó hoàn toàn có thể thông qua việc học hỏi, luyện tập để có được,” Muller chia sẻ. “Tôi nghĩ rằng mọi người thường thích thổi phồng nó lên để giải thích chuyện làm thế nào mà một cầu thủ chẳng hề quá đặc biệt về sức mạnh thể chất, kỹ thuật, hoặc khả năng rê dắt bóng, lại có thể thi đấu hiệu quả một cách đáng kinh ngạc. Vì vậy, có lẽ vào thời tôi còn ‘trẻ trâu’, khi tôi ghi được 2 bàn thắng và mọi người thắc mắc rằng tại sao tôi có thể làm được như vậy, họ đã biến nó thành một ‘thần thoại’. Họ khiến cho một điều hết sức bình thường về mặt logic trở nên như thể nó rất phi thường.”
Chia sẻ trong phần đầu tiên của một cuộc phỏng vấn sâu rộng trước cuộc đối đầu với RB Leipzig ở Bundesliga vào tuần này, Muller – trong tư cách một cầu thủ được coi là chuẩn mực cho một câu lạc bộ luôn đòi hỏi “tâm lý phải thắng” ở những thành viên của mình – đã tỏ ra đặc biệt thoải mái. Anh nói những lời châm biếm, đùa giỡn, và “tình cờ” khai sáng một vài nhận thức.
“Đó là một trong những tài năng của tôi,” Muller cười cợt khi nói về sự vô tư của mình.
Khi tiền đạo người Đức khẳng định rằng chẳng có thứ tài năng phi thường nào đã nâng tầm mình – một trong những sự nghiệp thành công nhất thế giới bóng đá – anh gần như đã vô tình mở ra một “lớp học” về cách để suy nghĩ theo lối riêng của bản thân trong các trận đấu; làm thế nào để tối đa hóa không gian theo một cách thực sự khác biệt – với đẳng cấp cao nhất.
Muller bắt đầu giải thích về quá trình suy nghĩ phía sau một trong những kiểu di chuyển quen thuộc của anh, và những gì mà anh nhìn thấy trong khi đội mình triển khai bóng.
“Trong bóng đá, có rất nhiều ‘tình huống tín hiệu’,” ngôi sao người Đức chia sẻ. “Ví dụ, quả bóng đang ở bên cánh trái và một winger trái đang rê bóng, nhưng anh ta nhận thấy trong số những sự lựa chọn hợp lý nhất dành cho mình chẳng có phương án thực hiện một quả tạt. Vì vậy, anh ta quyết định chuyền ngược trở về, có thể là theo đường chéo, cho tiền vệ phòng ngự, hoặc cho hậu vệ trái. Mọi cầu thủ phòng ngự đối phương đều đang nhìn vào quả bóng như một con zombie vậy.”
Nói đến đoạn này, Muller đã thực sự bắt chước hành động của một con zombie, thậm chí còn phát ra tiếng gầm gừ. Hiển nhiên là anh không thể không pha trò trong những khoảnh khắc này.
“Vì vậy, rõ ràng là khi một cú ‘tạt bóng chéo’ được tung ra, không gian tại phần bên phải của vòng cấm sẽ trống trải và thoáng đãng. Lúc đó, bạn có thể thực hiện một pha tăng tốc từ cánh phải, trên ‘đường việt vị’, rồi cắt vào phía trong.”
“Đây là một tình huống rất rõ ràng. Thông thường, ‘số 6’ hoặc hậu vệ trái phải biết rằng pha bóng được đề cập sẽ là phương án tốt nhất để có thể ghi bàn. Bạn và các đồng đội phải cùng nhận thấy và nắm bắt nó khi tình huống này diễn ra. Họ phải biết rằng bạn sẽ di chuyển như vậy, và bạn phải biết rằng đường chuyền đó là sự lựa chọn mà họ có khả năng sẽ thực hiện cao nhất.”
“Đôi khi, chuyện đó đơn giản hơn bề ngoài – nhưng dĩ nhiên là bạn cần di chuyển đúng thời điểm, phải có khả năng căn thời gian một cách chuẩn xác để có thể đón lấy quả tạt. Ngoài ra, một trong những điều quan trọng nhất để có được một quả tạt tốt là đừng cố đưa nó đến đầu của bất kỳ ai cả. Hãy đưa nó vào khoảng trống, bởi vì các tiền đạo đôi khi sẽ có nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Khi bạn nhắm đến việc đưa nó tới một mục tiêu cụ thể, chứ không phải vào khoảng trống, điều này sẽ khiến cho nó dễ ngăn cản hơn đối với các hậu vệ đối phương.”
Đây cũng là ý của Muller khi anh nhấn mạnh rằng khả năng của mình hoàn toàn “logic”, và có thể thông qua việc học hỏi, tập luyện để thành thạo. Những bước chạy thông minh của ngôi sao người Đức chẳng phải là sản phẩm của một bộ não ưu việt hiếm có, mà là nhờ sự thành thạo về những điều cơ bản – và tính kiên nhẫn. Đây là một chuyện mà Muller rất giỏi.
“Có lẽ, điều đặc biệt nằm ở chỗ một trong những điểm mạnh của tôi là sự kiên trì. Chẳng hạn, mọi tiền đạo hay tiền vệ tấn công giỏi đều biết rằng kiểu di chuyển được đề cập có thể khiến cho đối phương lâm vào nguy hiểm, nhưng có một số người không đủ mạnh mẽ để thực hiện nó 50 lần. Có thể sẽ có đến 49 lần bạn không đón được bóng, hoặc để đối phương cướp mất nó.”
“Bóng đá là một cuộc chơi của rất, rất nhiều sai lầm – đặc biệt là trong khâu tấn công. Chúng ta phải thử lại và thử lại, rồi biết đâu hậu vệ đối phương sẽ mắc sai lầm ở lần thực hiện thứ 51. Sau đó, bạn có thể ghi bàn.”
“Chính vì vậy, khả năng này thiên về ‘sự logic’ hơn là tài năng bẩm sinh của tôi.”
Việc “lặp đi lặp lại” được đề cập đã làm dấy lên một câu hỏi đang bắt đầu “phân tầng” cuộc chơi hiện đại. Bao nhiêu là được “lập trình” sẵn, và bao nhiêu là sự tự do – và những điều này đã thay đổi bao nhiêu kể từ khi Muller bắt đầu sự nghiệp “quần đùi áo số”?
Câu trả lời của Muller được thừa nhận là có hơi mang tính chủ quan bởi những kinh nghiệm mà anh có.
“Chà, tôi đã khởi đầu với Louis Van Gaal, mà ông ấy thì lúc nào cũng có một kế hoạch cụ thể, chắc chắn là vậy rồi! Có lẽ ở bóng đá Đức, ông ấy là một trong những nhà cầm quân đầu tiên có kế hoạch rõ ràng cho bóng đá tấn công. Tôi không biết các chiến thuật phòng ngự ở Đức có từ bao giờ, nhưng trong khâu tấn công, chúng tôi đã cố chơi theo phong cách ‘voetbaltotaal’ của Van Gaal nhiều hơn.”
“Chúng ta thường cố sử dụng rất nhiều đường chuyền và kỹ thuật cá nhân để xuyên phá đối phương, nhưng theo tôi nghĩ, trong 90 phút của trận đấu, hiển nhiên là bạn luôn phải có một kế hoạch, tuy nhiên, trên sân cỏ, bạn còn phải biết tùy cơ ứng biến nữa.”
“Ví dụ, Pep Guardiola luôn có một kế hoạch với chúng tôi, nhưng sau 10 phút, ông ấy có thể thay đổi mọi thứ. Ông ấy quan sát đối thủ và nghĩ rằng ‘Ồ kế hoạch ban đầu của mình không đủ tốt’ hoặc ‘kế hoạch ban đầu của mình không hiệu quả’, vậy nên tôi nghĩ cuộc chơi cũng được phát triển bên ngoài sân đấu nữa. Các huấn luyện viên có thể sẽ cố thiết lập đội bóng của mình trở nên có hệ thống hơn, có thể họ sẽ chuẩn bị, điều chỉnh một cách cẩn thận, kỹ càng hơn với các chi tiết.”
“Có thể các nhà cầm quân trong khoảng thời gian đầu sẽ cố tạo ra một cảm giác tốt đẹp với đội bóng, họ biết cách làm việc với các cầu thủ, duy trì sự tự tin của mọi người, và sử dụng các chiêu trò tâm lý, đưa các cầu thủ vào những vị trí thi đấu phù hợp, nhưng tôi nghĩ trong phần chiến thuật, toàn bộ khía cạnh này luôn có tính hệ thống rất cao.”
“Tôi không biết tình hình hiện tại ở Manchester City, nhưng vào thời dẫn dắt chúng tôi, Pep Guardiola đã nói ‘Tôi đưa cậu vào vòng cấm và sau đó cậu phải cho tôi thấy tài năng và sự nhạy bén của mình’, vậy là ông ấy lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ, có thể là 20 mét trước khung thành. Chúng tôi có những cầu thủ như Franck Ribery, Arjen Robben, những tiền đạo giỏi, luôn là những tiền đạo giỏi, Mario Gomez, hoặc Mario Mandzukic, Mario Goetze, hồi đó họ lúc nào cũng chơi rất cừ cả, ngoài ra còn có bản thân tôi, Douglas Costa – ông ấy sẽ bảo ‘tôi để cậu chơi ở đây, và sau đó cậu phải thực hiện phần công việc còn lại.’ Tôi không biết giờ thì ông ấy đang làm việc như thế nào ở Man City.”
Nói về các tiền đạo từng sát cánh cùng Muller, Bayern giờ đây đang sở hữu cái tên chắc chắn là xuất sắc hơn tất cả – Robert Lewandowski. The Pole đã giúp ngôi sao người Đức thực hiện những pha di chuyển sở trường của anh một cách dễ dàng hơn.
“Tôi đã biết Robert được một thời gian dài. Mọi chuyện càng tốt hơn khi trong hai, ba năm qua, chúng tôi đã càng lúc càng tin tưởng nhau hơn. Chúng tôi biết rằng khi kết hợp với nhau, chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Dĩ nhiên, đối với tôi, được chơi cùng cậu ấy là một việc thật tuyệt vời, bởi vì tôi luôn biết cậu ấy muốn làm gì nên tôi có thể hỗ trợ cho cậu ấy tốt hơn một chút so với một tiền đạo khác. Cậu ấy biết rằng khi tôi nhìn lên, tức là tôi đang cố tìm đến cậu ấy. Tôi luôn cố đưa quả bóng thẳng tiến đến khung thành nhất có thể, và thường thì đó là một đường chuyền dành cho trung phong. Cậu ấy biết tôi không phải kiểu cầu thủ ham ‘biểu diễn’, những hành động của tôi luôn phục vụ cho mục đích ghi bàn. Cậu ấy là cây săn bàn tốt nhất của chúng tôi nên tôi cố đưa quả bóng đến cho cậu ấy trong những tình huống đó và cậu ấy có thể ghi bàn. Tất nhiên, đây là chuyện cậu ấy thường làm được.”
Điều đó, đối với Muller, là một việc khác chỉ đơn giản là “sự logic”.
Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn “Thomas Muller interview: Pep Guardiola, modern coaching and why good movement is ‘logical’” được thực hiện bởi nhà báo Miguel Delaney, đăng tải trên The Independent.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.