Sự tích "Cứ sang mùa hai là có cup" của Ange Postecoglou

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 21/05/2025 20:19(GMT+7)

Zalo

Có thể đây sẽ chính là phát ngôn định hình triều đại của Ange Postecoglou ở Tottenham Hotspur.

ange
 

“Thường thì tôi sẽ giành được các danh hiệu ở mùa giải thứ hai dẫn dắt một đội bóng,” nhà cầm quân 59 tuổi chia sẻ với Sky Sports trước trận đấu đầu tiên của mùa giải thứ hai ông nắm quyền HLV trưởng tại đội bóng Bắc London. “Đó chính là mục tiêu của tôi. Năm đầu tiên là để thiết lập các nguyên tắc và xây dựng nền móng. Còn năm thứ hai là thời điểm tràn đầy hy vọng gặt hái các danh hiệu.”

Trước sự khởi đầu không mấy suôn sẻ của Spurs sau đó, ông hoàn toàn có thể rút lại tuyên bố ấy và nhấn mạnh vào những điểm tích cực trong tiến độ phát triển của đội bóng, đặc biệt là sau trận thua 1-0 ngay trên sân nhà trước đại kình địch cùng thành phố Arsenal hồi tháng 9; họ vẫn chỉ là một đội bóng non trẻ đang ở trong quá trình chuyển giao và phong độ của họ vốn đã rất thất thường từ những tháng đầu của mùa giải trước.

Thay vào đó, Postecoglou đã càng mạnh miệng hơn nữa. “Để tôi nói rõ lại nhé – tôi không ‘thường xuyên’ giành được các danh hiệu trong mùa giải thứ hai, mà là ‘luôn luôn’ giành được chúng khi bước sang mùa thứ hai, và điều đó sẽ không thay đổi,” ông nhấn mạnh với Sky Sports một lần nữa sau trận đấu kể trên. “Tôi mà đã tuyên bố điều gì thì tức là tôi tin chắc vào tuyên bố đó.”

Quả thật là Postecoglou đã không ít lần xoay chuyển vận mệnh của các đội bóng mà ông dẫn dắt, chấm dứt những cơn khát danh hiệu kéo dài hàng thập kỷ, đưa cúp về cho các đội bóng ở Australia và Nhật Bản.

Nếu nhiêu đó vẫn chưa đủ để khiến bạn tin vào “truyền thuyết Ange”, thì hãy tìm hiểu sâu hơn một chút về sự nghiệp cầm quân của người đàn ông này và bạn sẽ thấy rằng những tuyên bố táo bạo kể trên của ông là hoàn toàn có cơ sở.

Kể từ khi trở thành một nhà cầm quân trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp vào năm 2009, Postecoglou gần như luôn giành được ít nhất một danh hiệu trong mùa giải thứ 2 dẫn dắt một đội bóng – giúp Brisbane Roar, Yokohama F. Marinos, Celtic và ĐTQG Australia được tận hưởng hương vị đăng quang sau những năm tháng trắng tay dài đằng đẵng. Nếu không có niềm tin lớn lao và vững chắc ấy, Postecoglou – một gương mặt tương đối vô danh ở quần đảo Anh cho đến khi chuyển tới dẫn dắt Celtic vào năm 2021 dù đã hành nghề huấn luyện hơn 20 năm – có thể sẽ không bao giờ có cơ hội dẫn dắt một CLB như Tottenham.

Tuần này, nhà cầm quân người Australia đang đứng trước cơ hội đưa vinh quang trở lại phần lãnh thổ của Spurs tại Vương Quốc Anh khi Tottenham trạm chán Manchester United trong trận chung kết Europa League vào thứ Tư và tiếp tục duy trì thành tích mà rõ ràng là ông rất tự hào.

Sự tích Cứ sang mùa hai là có cup của Ange Postecoglou 1
Postecoglou và Matt Smith (giữa) sau trận chung kết A-League 2012 (Ảnh: Bradley Kanaris/Getty Images)

KHỞI ĐẦU CỦA “TRUYỀN THUYẾT”

Thành công đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện của Ange Postecoglou đã đến ngay tại đội bóng đầu tiên mà ông dẫn dắt, đưa South Melbourne – CLB mà ông đã gắn bó từ thuở còn là một cậu bé và có 9 năm khoác áo đội một – đến với chức vô địch quốc gia trong mùa giải thứ hai ngồi trên chiếc ghế thuyền trưởng.

Chính tại South Melbourne, Ferenc Puskas đã định hình nên triết lý bóng đá của Postecoglou – thứ vốn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người cha gốc Hy Lạp với phương châm ‘Κάτω η μπάλα’ (tạm dịch: Cầm bóng thật chặt) – khi vị huyền thoại người Hungary ghé qua Australia vào những năm cuối trong cuộc hành trình huấn luyện trải dài tới 6 trên 7 châu lục của mình.

Trong 3 năm Puskas làm việc ở Melbourne, Postecoglou đã kiêm nhiệm cả vai trò phiên dịch viên, đôi khi còn làm tài xế riêng cho ông, và tranh thủ từng khoảnh khắc để học hỏi nhiều nhất có thể từ cựu danh thủ huyền thoại từng 3 lần vô địch cúp C1 châu Âu này. Lần đầu tiên Postecoglou đưa những kiến thức đó vào thực tế là tại CLB quê hương của mình: Triển khai hệ thống 4-3-3 với các hậu vệ biên liên tục dâng cao, những nét đặc trưng mà cho tới nay ông vẫn kiên định áp dụng tại Tottenham Hotspur Stadium.

Sau khi rời South Melbourne, Postecoglou đã dẫn dắt các đội tuyển U17 và U20 của Australia, nhưng một cuộc đối đáp đầy căng thẳng với Craig Foster – cựu tiền vệ của Crystal Palace và ĐTQG Australia, khi ấy đã trở thành một MC truyền hình –  trên chương trình “The World Game” của đài SBS đã khiến ông, theo lời kể của chính nhà cầm quân này, trở thành “một gã không ai dám thuê”. Sau những nhiệm kỳ ngắn ngủi ở đội bóng hạng Ba Hy Lạp Panachaiki và đội bóng bán chuyên Whittlesea Zebras ở Melbourne, Postecoglou đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong vai trò một bình luận viên truyền hình để rồi từ đó nhận được lời mời dẫn dắt Brisbane Roar. Và tại đây, ông đã cứu vãn được tiếng tăm của bản thân và vực dậy sự nghiệp cầm quân của mình.

Tiếp quản một Brisbane đang vô cùng bết bát vào giai đoạn giữa mùa giải 2009/10, Postecoglou chẳng thể nào ngay lập tức xoay chuyển tình thế. Cuối cùng, họ kết thúc mùa giải ở vị trí áp chót, nhưng không bị xuống hạng nhờ hệ thống khép kín của A-League (tương tự như MLS và Liga MX). Tuy nhiên, như thường lệ trong sự nghiệp cầm quân của mình, mùa giải đầu tiên chỉ là bước đệm cho Brisbane làm quen với thứ bóng đá cường độ cao mà chiến lược gia này theo đuổi, cũng như tận dụng kỳ nghỉ giữa hai mùa để chiêu mộ những cầu thủ có nền tảng kỹ thuật và thể chất phù hợp với mục tiêu hướng tới các danh hiệu trong mùa giải kế tiếp.

Sự tích Cứ sang mùa hai là có cup của Ange Postecoglou 2

Postecoglou trầm ngâm sau chiến thắng của Australia tại Asian Cup 2015 (Ảnh: Asanka Brendon Ratnayake/Getty Images)

“Điều khiến tôi ấn tượng nhất là ông ấy muốn xây dựng nên một đội quân mà bóng đá Australia chưa từng được chứng kiến,” Matt Smith – một trung vệ được chiêu mộ về trước mùa giải 2010/11 từ CLB bán chuyên Brisbane Strikers – chia sẻ. “Tôi là một phần của nhóm tân binh được ông ấy đưa về để làm thay đổi diện mạo của bóng đá Australia. Tôi là một ‘ball-playing centre-back’ (thuật ngữ dùng để chỉ những trung vệ giỏi chuyền chọc, xử lý bóng), và tại thời điểm đó, ở Australia không có quá nhiều cầu thủ giống như tôi.”

“Ange có một cặp mắt rất tinh tường trong việc nhìn nhận các cầu thủ. Ông ấy làm gì cũng có kế hoạch cụ thể. Ông ấy là một trong những người thông minh nhất mà tôi từng gặp – rất giỏi quản lý, tổ chức và luôn tư duy rõ ràng về thứ phong cách ông ấy muốn đội bóng của mình thi triển, cũng như những mục tiêu mà ông ấy muốn đưa họ hướng tới.”

Sau một mùa hè tất bật với 5 bản hợp đồng mới và rèn luyện cho các cầu thủ thấm nhuần phong cách bóng đá của mình trong giai đoạn tiền mùa giải, kết quả là Brisbane đã đoạt lấy vị trí đầu bảng một cách đầy thuyết phục, giành được 65 điểm sau 30 trận đấu, nhiều hơn đội nhì bảng Central Coast Mariners tận 8 điểm, và chỉ để thua duy nhất 1 lần.

“Thành quả đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi,” Smith nói. “Toàn đội đều tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống đang vận hành và phong cách mà chúng tôi theo đuổi – nó đã ăn sâu vào tâm khảm của chúng tôi. Đối với chúng tôi, việc hoàn thành chính xác vai trò của cá nhân mình và cùng nhau thực hiện thật tốt các quy trình đã trở thành một nỗi ám ảnh. Cả đội đều say mê thứ bóng đá mà Ange mang tới và đồng lòng nhất trí dồn toàn tâm toàn ý về một hướng đi chung.”

 

“Toàn thể ban huấn luyện và tất cả mọi người đều đồng lòng cùng nhau đẩy và kéo con thuyền đi theo một hướng, và ai cũng cảm thấy rằng chức vô địch chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi, rồi cứ thế tiếp tục vững bước tiến lên. Hồi đó, chúng tôi không còn bị ám ảnh bởi chuyện kết quả thắng – bại trên sân nữa: Đúng là chúng rất quan trọng, nhưng điều mà chúng tôi say mê và dồn hết sự tập trung vào là sự tiến bộ. Luôn luôn làm việc chăm chỉ hết mình. Chúng tôi biết, với thứ bóng đá mà chúng tôi đang chơi, sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ gặt hái được những thành quả ngọt ngào.”

Chính sự tập trung vào tiến độ phát triển trong tình cảnh liên tục thu về những kết quả kém cỏi ở giải VĐQG là một phần không thể thiếu để giúp Postecoglou duy trì niềm tin bên trong phòng thay đồ Tottenham. Trước vòng bán kết Europa League, nhà cầm quân người Australia đã chia sẻ với các cầu thủ về “Tín điều của người đập đá (Stonecutter’s Credo) – một hình ảnh ẩn dụ về sự kiên trì kể cả khi sự tiến triển chưa hiện ra rõ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Sự tích Cứ sang mùa hai là có cup của Ange Postecoglou 3
 

Sau khi chiếm lĩnh vị trí đứng đầu vòng bảng, Brisbane bước vào loạt trận “Final Series” hai lượt với đội nhì bảng Central Coast để tranh vé vào chơi trận Chung kết (Grand Final), nơi sẽ quyết định nhà vô địch của A League. Sau chiến thắng với tổng tỷ số 4-2 của Brisbane, định mệnh đã đưa hai đội tái đấu ở trận chung kết vài tuần sau đó (Central Coast đã vượt qua Gold Coast United – đội thắng cuộc trong loạt trận play-off của các đội đứng ở những vị trí từ thứ 3 đến thứ 6 tại vòng bảng – trong trận đấu quyết định chủ nhân của tấm vé chung kết còn lại, trận “Preliminary final”) và Brisbane đã lên ngôi vô địch sau loạt sút luân lưu nghẹt thở.

Sang mùa giải thứ ba, tuy Postecoglou không thể tiếp tục giúp đội bóng này chiếm ngôi đầu ở vòng bảng, nhưng một lần nữa, ông lại giành được chiến thắng ở Grand Final. Brisbane Roar đã trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử A-league giành chức vô địch 2 mùa liên tiếp.

Dù đã có những điều chỉnh nhỏ về chiến thuật để đưa Tottenham tiến xa ở Europa League – sử dụng đội hình 4-2-3-1 trước Eintracht Frankfurt và Bodo/Glimt ở các vòng tứ kết và bán kết, đồng thời giảm đi cường độ pressing – nhưng ở Brisbane, những điều chỉnh chính yếu của Postecoglou lại nằm ở cách ông chạm đến tâm lý các cầu thủ trong những thời khắc then chốt.

“Từ kinh nghiệm rút ra sau những lần vô địch của mình, tôi phải nói rằng ông ấy chính là người truyền cảm hứng giỏi nhất mà tôi từng làm việc cùng,” Smith chia sẻ. “Cái cách ông ấy khơi gợi động lực cho cả đội là điều mà tôi chưa từng thấy bao giờ trong giới thể thao. Tôi tin chắc rằng nếu bạn hỏi bất kỳ ai trong đội hình Brisbane Roar khi ấy, ai cũng sẽ khẳng định rằng mình sẵn sàng đâm đầu vào tường vì ông ấy. Ông ấy không cần phải thay đổi bất kỳ điều gì vào những thời điểm quan trọng của mùa giải cả. Mọi thứ đều đã được xây dựng xong từ lâu rồi.”

“Từng lời ông ấy nói đều thấm sâu vào chúng tôi. Cứ mỗi lần ông ấy bước vào phòng họp, cả đội đều sẽ nghĩ: ‘Không biết hôm nay ổng sẽ nói gì để khiến mình muốn chiến đấu đến cùng đây nhỉ?’, và lần nào ông ấy cũng nói đúng điều cần nói.”

VƯƠN TẦM LÊN CẤP ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA

Cuộc hành trình tiếp theo của Postecoglou là đảm nhận một công việc mà ông từng ứng tuyển… từ tận 13 năm trước đó – trở thành HLV trưởng của ĐTQG Australia. Khi ông tiếp quản chiếc ghế thuyền trưởng tại đây vào năm 2013, đội tuyển này đang trượt dốc nghiêm trọng, họ phụ thuộc quá nhiều vào một thế hệ cầu thủ già nua và vừa nhận 2 trận thua thảm liên tiếp với cùng tỷ số 6-0 trước Brazil và Pháp. Nhận ra rằng mình không thể áp dụng triết lý bóng đá từng thành công vang dội ở Brisbane cho dàn nhân sự chủ chốt lớn tuổi đó, Postecoglou đã thực hiện một cuộc đại phẫu lực lượng trước khi bước vào vòng chung kết World Cup 2014 ở Brazil.

“Khi ấy, tôi nghĩ cả đội đều toàn là lính mới cả,” cựu hậu vệ Jason Davidson hồi tưởng. “Vì mớ bòng bong trước thềm World Cup, Ange được đưa về và gần như ‘xới tung’ mọi thứ lên. Ông ấy đã gọi lên tuyển rất nhiều cầu thủ trẻ chỉ vừa mới bắt đầu bước ra ánh sáng. Ông ấy muốn đem tới World Cup một đội hình trẻ trung hơn, bất chấp vấn đề thiếu kinh nghiệm.”

Kỳ World Cup năm ấy đã trở thành một bài học quan trọng đối với đoàn quân non trẻ của Postecoglou. Họ bị rơi vào bảng tử thần, phải chạm trán Chile (nhà vô địch của Copa America 1 năm sau đó), Tây Ban Nha (nhà đương kim vô địch thế giới) và Hà Lan (đội bóng sẽ tiến tới tận vòng bán kết). Australia đã thua cả 3 trận vòng bảng, tuy nhiên trải nghiệm đó đã giúp Postecoglou hiểu rõ hơn về dàn nhân sự của mình trước khi bước vào Asian Cup 2015 – giải đấu được ví như “Euro của châu Á”.

Tuy hiện nay Tottenham đang trải qua một mùa giải tệ hại tới mức nhiều người cho rằng không thể biện minh, kể cả khi họ đánh bại được Manchester United trong trận chung kết Europa League sắp tới để giành chức vô địch ở đấu trường này, nhưng cách Postecoglou chuẩn bị cho kỳ Asian Cup năm ấy lại có nhiều điểm tương đồng với đội bóng mà ông đang xây dựng ở Bắc London.

Dưới thời ông, hàng loạt trụ cột lâu năm của Spurs cũng đã bị đẩy đi giống Australia thuở ấy: Eric Dier, Hugo Lloris, và Davinson Sanchez – đội bóng này đã được làm mới bằng những cái tên trẻ trung hơn, sung mãn hơn và kỹ thuật hơn để phục vụ cho thứ bóng đá của ông – như Micky van de Ven, Mathys Tel và Wilson Odobert. Và với tư cách một chuyên gia truyền động lực, khả năng đoàn kết đội ngũ bất chấp áp lực từ dư luận của Postecoglou, với những bài phát biểu và các hoạt động truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần cực mạnh trước trận đấu, chính là chìa khóa thành công của Australia chỉ 7 tháng sau nỗi thất vọng World Cup.

“Tài truyền động lực của ông ấy đã được thể hiện rõ rệt ở Asian Cup,” Davidson hồi tưởng. “Chúng tôi là nước chủ nhà và tính tới thời điểm đó thì đã sát cánh bên nhau được tầm 6 đến 8 tháng. Trước thềm giải đấu, một ngày nọ ông ấy đã tập trung cả đội lại, tất cả đều mặc áo đấu của đội tuyển quốc gia và yêu cầu từng người bước lên phát biểu trước toàn đội về chủ đề ‘việc được khoác áo ĐTQG có ý nghĩa gì đối với bạn?’. Vì bản thân cũng từng có được vinh dự này, vậy nên chính ông ấy cũng làm vậy. Đối với một số người, đó là một khoảnh khắc vô cùng xúc động – họ kể về quá khứ khắc nghiệt, về những gì họ đã phải đánh đổi và đã phải nỗ lực đến nhường nào để được đứng ở đây.

“Buổi tâm sự ấy đã thực sự gắn kết cả đội lại với nhau,” Davidson hồi tưởng. “Trên xuyên suốt cuộc hành trình năm đó của chúng tôi, bạn có thể dễ dàng nhận thấy niềm tin và sự đoàn kết được tạo nên qua cái cách ông ấy thúc đẩy toàn đội tiến lên và cố gắng tạo nên những điều đặc biệt, và chúng tôi đã đủ may mắn để làm được điều đó.”

Australia đã đối đầu với Hàn Quốc trong trận chung kết, và trước sự cỗ vũ cuồng nhiệt của đám đông khán giả trên sân nhà Sydney, họ đã giành chiến thắng 2-1 sau khi kéo trận đấu tới tận 2 hiệp phụ.

Nhiều năm sau, sau chiến thắng 2-0 mà Tottenham giành được trên sân khách trước Bodo/Glimt ở vòng bán kết Europa League, tài khoản mạng xã hội của CLB này đã đăng tải một đoạn video ngắn ghi lại bài phát biểu đầy cảm hứng của Postecoglou sau trận đấu. Davidson kể rằng đoạn clip ấy đã ngay lập tức gợi lên trong anh ký ức về bầu không khí trong phòng thay đồ của ĐTQG Australia trước trận chung kết năm nào.

Anh chia sẻ: “Đó chính là cách ông ấy xây dựng nên một môi trường mà tất cả mọi người đều là một gia đình, còn mọi thứ khác chỉ là những tiếng ồn chẳng đáng bận tâm ở bên ngoài. Ông ấy muốn đảm bảo rằng tất cả mọi người trong phòng thay đồ đều ‘chung lưng đấu cật’, cùng nhau xung trận và cống hiến hết mình. Chúng tôi thắng cùng nhau, thua cũng cùng nhau. Trên hết, chúng tôi luôn cùng nhau làm mọi thứ.”

“PHÉP MÀU” Ở NHẬT BẢN

Chặng dừng chân tiếp theo của Postecoglou là Nhật Bản, khi ông tiếp quản Yokohama F. Marinos vào năm 2018.

Marinos là một trong những CLB giàu truyền thống và danh tiếng bậc nhất J-league, nhưng vào thời điểm đó, họ đã phải trải qua hơn một thập kỷ không giành được chức vô địch quốc gia nào. Trong mùa giải đầu tiên dưới thời Postecoglou, phong độ của họ cực kỳ bất ổn và phải nhờ tới hiệu số bàn thắng bại mới thoát được cảnh phải đá play-off trụ hạng. Có một chuỗi 3 trận đấu có thể lấy ra để làm hình ảnh tiêu biểu cho mùa giải đó của Marinos – họ đè bẹp Vegalta Sandai tới 8-2, nhưng sau đó lại để thua 2-5 trước FC Tokyo và 1-4 trước Sanfrecce.

Mùa giải năm ấy, Marinos chính là đội bóng duy nhất đứng ở nửa dưới BXH mà vẫn giữ được hiệu số bàn thắng bại dương: Họ ghi được 56 bàn (chỉ kém hơn đội vô địch Kawasaki Frontale đứng 1 bàn) và cũng để thủng lưới 56 lần – con số cao thứ 3 giải đấu.

Tương tự như đoàn quân Marinos của năm 2018, Tottenham hiện tại cũng đang là một đội bóng đứng ngay phía trên nhóm xuống hạng nhưng vẫn giữ được hiệu số bàn thắng bại dương – trường hợp gần nhất giống vậy ở Premier League là Man City của mùa giải 2003/04, xếp thứ 16 với hiệu số +1. Tuy nhiên, tương tự như ở Brisbane, Postecoglou đã hồi sinh Marinos với một kỳ chuyển nhượng sôi động trước mùa giải 2019, xác định chính xác những vị trí cần nâng cấp để đưa CLB lên một tầm cao mới.

“Rõ ràng đây là một quá trình cần thời gian, và tất cả mọi người đều tin tưởng vào nó. “ Dan Orlowitz, một nhà báo bóng đá hoạt động ở Nhật, chia sẻ. “Họ đã thực hiện những bản hợp đồng rất khôn ngoan trong kỳ nghỉ giữa 2 mùa giải.

“Cuối cùng, Ange có được một đoàn quân mà từng người đều hiểu rõ thứ bóng đá ông ấy muốn xây dựng. Họ triển khai nó cực kỳ nhuần nhuyễn và trở nên bất khả chiến bại. Những gì ông ấy làm đã kết tinh trên sân đấu một cách đầy mê hoặc – xem đội bóng đó thi đấu thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời, bất kể đối thủ của họ là ai.”

Sự tích Cứ sang mùa hai là có cup của Ange Postecoglou 4

Yokohama F. Marinos giành chức vô địch đầu tiên sau hơn một thập kỷ dưới thời Postecoglou (Ảnh: Etsuo Hara/Getty Images)

Đối thủ cạnh tranh chức vô địch trực tiếp với Marinos là FC Tokyo đã có được một sự khởi đầu mùa giải đầy thuận lợi, một phần là nhờ được đá nhiều trận sân nhà từ sớm vì sân nhà của họ sắp được trưng dụng cho giải Rugby World Cup 2019. Nhưng đội bóng của Postecoglou đã kết thúc mùa giải theo một cách không thể tuyệt vời hơn: Thắng 10 trong 11 trận cuối cùng để đăng quang ngôi vô địch. Thú vị thay, Marinos cũng đã phải tạm chia tay sân nhà Nissan có sức chứa 69.000 chỗ ngồi của họ vì Rugby World Cup, nhưng sau đó lại chơi cực kỳ thăng hoa ở sân NHK Spring Mitsuzawa  – nơi chỉ có sức chứa khoảng 14.000 chỗ ngồi nhưng lại rất nổi tiếng với bầu không khí cực kỳ cuồng nhiệt.

Trên cuộc hành trình Europa League 2024/25, những màn trình diễn tốt nhất của Tottenham đã xuất hiện trước Bodo/Glimt và Frankfurt – những trận đấu mà họ cũng phải chơi trước sức nóng khủng khiếp tỏa ra từ trên các khán đài, cả trên sân nhà lẫn sân khách. Nếu họ có thể nâng chức vô địch vào ngày mai, thì khả năng thi đấu thăng hoa trong nghịch cảnh sẽ chính là yếu tố then chốt dẫn tới thành quả đó.

Sau khi Postecoglou rời Marinos để chuyển tới Celtic vào năm 2021, CLB Nhật Bản này đã bổ nhiệm 3 HLV người Australia liên tiếp (Kevin Muscat, Harry Kewell và John Hutchinson) với hy vọng tái hiện “phép màu Ange”. Muscat đã giúp họ giành được 1 chức vô địch J1 League, nhưng trong lòng người hâm mộ, không ai để lại dấu ấn sâu đậm như Postecoglou cả.

“Tôi nghĩ một ngày nào đó họ sẽ dựng tượng ông ấy trước sân vận động,” Orlowitz nhận định. “Ông ấy là một trong những vị HLV có sức lôi cuốn mạnh nhất từng xuất hiện ở J-League trong nhiều năm trở lại đây. Ông ấy tin tưởng tuyệt đối vào những gì mình làm và mọi người cũng vậy – niềm tin của ông ấy có sức lây lan rất mạnh mẽ.”

VÀ HÀNH TRÌNH TIẾP NỐI “TRUYỀN THUYẾT” Ở TRỜI ÂU

Tại Celtic, Postecoglou đã giành chức vô địch quốc gia Scotland và League Cup ngay trong mùa giải đầu tiên nắm quyền, sau đó tạo nên một cú ăn ba quốc nội ở mùa giải thứ hai. Trong mùa giải thứ hai đó, đội bóng của ông đã gia tăng thêm cường độ lối chơi, qua đó làm giảm nhẹ chỉ số PPDA (Passes per defensive action: Tức số đường chuyền trung bình cho phép đối thủ thực hiện được trước khi bị truy cản bởi một hành động phòng ngự - đây là một trong những thước đo hiệu quả nhất về cường độ pressing của một đội bóng) từ 9,2 thành 8,0, trở nên áp đảo hơn về quyền kiểm soát bóng (tăng từ 70% trung bình mỗi trận lên 72%), và đạt hiệu suất ghi trung bình 3 bàn mỗi trận (tăng từ mức 2,6 ở mùa đầu tiên). 

Việc gần như mọi đội bóng do Postecoglou dẫn dắt đều cải thiện rõ rệt trong mùa giải thứ hai hoàn toàn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo HLV trưởng Peter Cklamovski của ĐTQG Malaysia – người từng là một trợ lý thân tín của Postecoglou, đã theo chân ông tới Panachaiki, Brisbane, ĐTQG Australia và Marinos – thì đó chính là thành quả của những nền móng được ông bắt tay xây dựng ngay từ ngày đầu tiên nắm quyền.

Sự tích Cứ sang mùa hai là có cup của Ange Postecoglou 5
 

Chín tháng sau khi Postecoglou úp mở về một mùa giải vinh quang cho Spurs trong chiến dịch 2024/25, giờ đây trận chung kết Europa League sẽ là cơ hội cuối cùng để ông khiến những kẻ nghi ngờ năng lực của mình phải câm lặng.

Mặc dù chiến thắng tại Bilbao – nếu có – vẫn sẽ không thể che giấu được sự kém cỏi tới mức tệ hại của Spurs ở đấu trường quốc nội mùa này, nhưng nó chắc chắn sẽ đọng lại rất lâu trong ký ức của một CLB đã trắng tay quá lâu rồi.

Theo Elias Burke, The Athletic.

Nhận định Tottenham vs MU (2h00 ngày 22/5): Thiên đường và địa ngụcNhận định Tottenham vs MU (2h00 ngày 22/5): Thiên đường và địa ngục
Nhận định Tottenham vs MU ở mức cân bằng, đội thắng ở trận đấu này sẽ có tất cả còn đội thua sẽ trải qua một mùa giải thất bại toàn tập.
Chức vô địch Europa League quan trọng với Tottenham hơn vé dự C1Chức vô địch Europa League quan trọng với Tottenham hơn vé dự C1
Theo HLV Ange Postecoglou, chức vô địch Europa League sẽ mang nhiều ý nghĩa với Tottenham hơn là một suất dự Champions League đơn thuần.
Son Heung-min chỉ ra điều Tottenham cần chú ý ở trận đấu MUSon Heung-min chỉ ra điều Tottenham cần chú ý ở trận đấu MU
Son Heung-min không muốn nỗi đau ở chung kết Champions League 2019 trở lại với Tottenham trong trận đấu tới đây với MU.
Tottenham vs Man United: Cúp bạc, vé vàng, tranh hùng đoạt mệnhTottenham vs Man United: Cúp bạc, vé vàng, tranh hùng đoạt mệnh
Tựa lưng vào sông mà đánh, cả hai đội bước ra thảm cỏ San Mames ở chung kết Europa League đêm nay đều ở thế không còn gì để mất. Định mệnh đưa họ gặp nhau ở mùa giải thất vọng nhất trong lịch sử của nhau. Lạ lùng thay, họ đều nắm cơ hội thoát hiểm bằng một lối tắt; và đang làm tốt không tưởng ở “tà đạo” đó so với tiêu chuẩn của chính mình ở mùa này.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Franco Mastantuono: “Thần đồng” 17 tuổi sắp gia nhập Real Madrid có gì đặc biệt?

Những fan Real Madrid đang thất vọng vì kết quả hòa 1-1 trong trận ra quân tại FIFA Club World Cup 2025 trước Al Hilal có thể tìm đến cái tên này để lạc quan: Franco Mastantuono. Thần đồng 17 tuổi của River Plate - người vừa có show diễn bùng nổ trước Urawa Red Diamonds trước đó 1 ngày – sẽ chính thức trở thành cầu thủ Real Madrid vào tháng 8 năm nay với giá chuyển nhượng 63 triệu euro.

Khi cuộc đời cho bạn quả "Wirtz"

Tháng 11 năm ngoái, chỉ một ngày sau khi Liverpool hạ nhục Bayer Leverkusen, đội bóng khi đó chỉ thua 2 trong 68 trận gần nhất trên mọi đấu trường tại Champions League ở Anfield, Wirtz bước ra sân tập tại Kirkby và hoàn toàn bị choáng ngợp bởi những gì anh thấy.

X
top-arrow