Shunsuke Nakamura, Kazuyoshi Miura và lý do cầu thủ Nhật Bản vẫn thi đấu dù ở ngưỡng tuổi “ông chú”

Tác giả CG - Thứ Hai 09/09/2019 10:02(GMT+7)

Zalo

Trong lịch sử hiện đại, đội hình AC Milan huyền thoại của Paolo Maldini cũng chỉ có độ tuổi trung bình 33,6 là cao nhất. Vậy tại sao các cầu thủ Nhật Bản vẫn có thể thi đấu tốt khi đã ngấp nghé ngưỡng tuổi 40?

Là một phân tích viên ở J2 League, các tin tức của giải đấu mà tôi làm việc thường không xuất hiện ở các cơ quan thông tấn báo chí chính thống về thể thao của Anh, nhưng khi cuộc chuyển nhượng Shunsuke Nakamura từ Jubilo Iwata đến Yokohama FC được xác nhận, tôi đã không phải dùng Google dịch để dịch thông tin này từ các trang thể thao Nhật Bản nữa. Thương vụ ấy lớn đến mức tôi có thể dễ dàng thấy nó khi đang xem các tin thể thao buổi sáng.
 
Ly do cau thu Nhat Ban van thi dau du o nguong tuoi 40
Lý do cầu thủ Nhật Bản vẫn thi đấu dù ở ngưỡng tuổi 40
Tôi nghĩ có 2 lý do giải thích tại sao câu chuyện này thu hút đến vậy. (Và ý tôi ở đây “thu hút” tức là một vài câu ngắn gọn trong phần bóng đá châu Á khá ít người quan tâm ở BBC thôi).
 
Thứ nhất, Nakamura là cầu thủ gắn liền với sự hoài niệm. Vào giữa thập niên 2000, cầu thủ này đã làm câm lặng những lời xì xào bàn tán rằng việc anh tới Celtic chỉ đơn thuần là một chuyến đi làm hình ảnh. Nakamura đã mang tới sự sáng tạo, chất kỹ thuật, sự tinh tế cho đội bóng của HLV Gordon Strachan và khiến các cổ động viên Celtic không thể hài lòng hơn.
 
Vũ khí lợi hại và cũng là thứ làm nên thương hiệu của tiền vệ người Nhật Bản chính là kỹ năng đá phạt trực tiếp bậc thầy, cái chân trái của anh thậm chí có thể coi còn “ngoan” hơn chân phải của Beckham. Chẳng còn ví dụ nào mẫu mực hơn là 2 cú đá phạt vào lưới Edwin van der Sar ở 2 lượt trận vòng bảng Champions League năm 2006, trong đó bàn thắng ở lượt về tại Scotland của Nakamura đã giúp đội bóng chủ sân Celtic Park đánh bại Manchester United.
 
Điều này dẫn đến lý do thứ 2 sẽ khiến bạn không thể không quan tâm tới cuộc chuyển nhượng này: Nakamura năm nay đã 41 tuổi và vẫn chưa hề giải nghệ, theo đuổi sự nghiệp truyền thông hay huấn luyện. Anh vẫn đang thi đấu và thậm chí còn chuyển tới một đội bóng mà anh không phải cầu thủ lớn tuổi nhất. Yokohama FC là CLB của huyền thoại và kỷ lục gia Kazu Miura.
 
Đáng chú ý, 2 huyền thoại này vẫn là nhân tố quan trọng trong đội hình chính của Yokohama. HLV Takahiro Shimotaira thậm chí có thể xếp vào từng vị trí một cầu thủ trên 30 tuổi để tạo nên đội bóng có độ tuổi trung bình 36,5. Điều này khiến tôi suy nghĩ. Liệu Yokohama FC có phải đội bóng có đội hình thi đấu chuyên nghiệp lớn tuổi nhất hay không? Có lẽ câu hỏi này phù hợp với chuyên mục The Knowledge của The Guardian hơn là để tôi tự nghiên cứu, tuy nhiên tôi sẽ cố gắng tìm câu trả lời. 
 
Sau khi đã tìm hiểu câu chuyện khó tin này, tôi nhận ra rằng trong lịch sử hiện đại, đội hình AC Milan huyền thoại của Paolo Maldini cũng chỉ có độ tuổi trung bình 33,6 là cao nhất. Vậy tại sao các cầu thủ Nhật Bản vẫn có thể thi đấu tốt khi đã ngấp nghé ngưỡng tuổi 40?
 
Trong đời sống bóng đá chuyên nghiệp nói riêng và cả xã hội Nhật Bản nói chung, chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng. Nhật Bản là nước có tỷ lệ tuổi thọ cao nhất thế giới (84,2), một trong những lý giải của điều này có lẽ nằm ở chế độ ăn uống với những món có lượng cholesterol thấp gồm cá, rau và thực phẩm lên men. Cũng khá xác đáng khi khẳng định điều này cung cấp cho các vận động viên của họ nền tảng để thi đấu lâu hơn và không gặp phải tác động bất ngờ của yếu tố tuổi tác.
 
Để so sánh, bạn có thể quay trở lại năm 2015 khi David Moyes cố gắng áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn ở Manchester United cho các cầu thủ. Phản ứng đáp trả, theo lời của Rio Ferdinand trong cuốn tự truyện của mình, là: “Ông ấy đã chọc giận các anh chàng khi lấy đi những túi khoai tây chiên của họ”.
 
Nói một cách khái quát hơn, các huyền thoại ở Nhật Bản không bị giới hạn cơ hội hay ít khi phải kiểm chứng năng lực khi đã bước vào giữa quãng tam tuần. Người hâm mộ cũng rất dễ chịu, họ sẵn sàng bỏ qua cho những đôi chân mệt mỏi và tốc độ đã sụt giảm so với thời hoàng kim của các thần tượng trong quá khứ. Điều này không có nghĩa bất cứ ai cũng có thể chơi bóng mãi mãi mà vấn đề ở đây là dù tuổi tác đã cao nhưng chất lượng màn trình diễn trên sân vẫn phải đảm bảo, như những gì Nakamura thể hiện.
 
Đối với một số người, đơn giản chỉ cần xem Nakamura và Shinji Ono thi đấu là đủ; màn trình diễn của họ chắc chắn chẳng cần phải bàn cãi nữa. Cộng thêm đó, sự xuất hiện của những cầu thủ này khiến khán giả đến sân đông hơn, những khán đài sôi động hơn và áo thi đấu cũng được bán rất chạy. Nếu ở Anh, khi một CLB mang về một lão tướng như vậy, chắc chắn đội bóng đó sẽ bị xem là thiếu tham vọng hay chỉ là những kẻ có tầm nhìn ngắn hạn.
 
Điều thứ hai và cũng là cuối cùng, lý do tiên quyết giải thích tại sao các cầu thủ ở Nhật Bản có thể kéo dài sự nghiệp nằm ở cấu trúc tiền lương được thiết kế giống như tại một công sở bình thường hơn là một CLB thể thao.
 
Ở xứ sở mặt trời mọc, lương của bạn sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với tuổi tác. Gamba Osaka là một ví dụ. Yasuhito Endo - 39 tuổi, có 150 trận đấu cho đội tuyển Nhật Bản từ 2002 đến 2015 - vẫn là cầu thủ nhận lương cao nhất ở CLB này vào năm ngoái với số tiền 150 triệu yên/năm. Xếp thứ 2 trong danh sách là lão tướng 36 tuổi Yasuyuki Konno với mức lương 100 triệu yên/năm. Trong khi đó đội trưởng Genta Miura - 24 tuổi, tuyển thủ Nhật Bản thời điểm hiện tại - chỉ nhận mức lương tương đối thấp là 40 triệu yên/năm.
 
Kazuyoshi Miura
Kazuyoshi Miura
Xu hướng này không phải đơn lẻ ở một vài đội bóng. Trước khi xuống hạng dưới thi đấu, Nakamura vẫn là cầu thủ được trả lương cao nhất ở Jubilo Iwata tại J1 League (80 triệu yên) trong khi chẳng có ai trong đội hình nhận quá 60 triệu yên hết. Kengo Nakamura (38 tuổi) là người được trả lương cao nhất ở Kawasaki. Câu chuyện tương tự với Yuji Nakazawa (40 tuổi) ở Yokohama F.Marinos và Ogasawara (38 tuổi) tại Kashima.
 
Rõ ràng, ý định tìm kiếm một bến đỗ ổn định và sau đó giải nghệ là không có ở đây. Bạn sẽ không bị cổ động viên mỉa mai là quá béo hay thời vàng son đã ở quá khứ, ngược lại bạn có thể tiếp tục thi đấu trong khi khối lượng công việc được giảm bớt mà lương lại tăng đồng thời vẫn được người hâm mộ khen ngợi. Do đó, câu hỏi thực tế được đặt ra sẽ là: tại sao lại phải giải nghệ chứ?
 
Vậy có những lão tướng như thế trong đội có phải một điều tốt hay không? Phải thừa nhận, xem những huyền thoại này thi đấu đôi khi có thể khiến bạn phải hét vào màn hình rằng “Làm ơn, xin anh hãy chuyển đi” nhưng cũng có những khoảnh khắc thiên tài sẽ chứng minh tại sao những ngôi sao ấy lại có vị thế lớn như vậy. Tôi cũng đã được thấy Shinji Ono bằng xương bằng thịt chứ không còn chỉ là nghe danh, biết đến anh qua những con số thống kê hay là một cầu thủ đa năng có thể là sự bổ sung tuyệt vời trong đội hình Bayern Munich mà tôi sử dụng ở trò chơi quản lý bóng đá.
 
  Image result for shinji ono

Vì lẽ đó, lời nhắn nhủ của tôi tới các cầu thủ là hãy ăn uống tốt hơn, điều độ và khoa học hơn còn với người hâm mộ là hãy cứ thể hiện tình yêu vô điều kiện với những người hùng của mình đi. Nếu như vậy, có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục được chứng kiến những Le Tissier, Gerrard hay Scholes tỏa sáng cùng những khoảnh khắc thiên tài trong một vóc dáng cân đối, tận hưởng trận đấu và nhận lại tình cảm mà họ xứng đáng có được trên sân.
 
Dịch từ bài viết “Why do so many players in Japan continue to shine well ino their late 30s and 40s?” của tác giả Charlie Houghton trên These Football Times

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Ông hoàng tuyến giữa" Rodri và một năm bất bại đáng kiêng nể

Từ góc độ cá nhân, tuần vừa qua đã là một tuần đặc biệt trong sự nghiệp của Rodri. Không chỉ bởi vì cầu thủ 27 tuổi đã thực hiện thành công hai quả penalty trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Brazil vào tối thứ Ba, mà trận hòa 3-3 còn đảm bảo rằng Rodri đã trải qua một năm hoàn hảo khi không phải nhận bất kì thất bại nào khi ra sân cho cả câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia.

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

X
top-arrow