Phàm là cầu thủ, việc thích nghi với môi trường thi đấu là điều cực kỳ quan trọng. Và càng đặc biệt hơn nếu đấy những cầu thủ Đông Á được chuyển sang trời Âu.
|
Shunsuke Nakamura: Ánh trăng trên bầu trời Celtic Park |
Bởi vì đó không chỉ là bước tiến trong sự nghiệp của riêng cầu thủ ấy, mà còn là sứ mạng “du học” của một nền bóng đá.
Không ít những cầu thủ Nhật Bản đã bị Tây hóa bớt khi thi đấu tại châu Âu. Nhanh nhẹn hơn, đơn giản hơn, mạnh mẽ hơn. Như xưa là Nakata có thể ganh đua tốc độ và phần nào tỳ đè với những chiến binh ở Serie A, hay nay là Kagawa, cỗ máy kiến tạo cực kỳ hiệu quả ở Dortmund. Thế nhưng, Shunsuke Nakamura lại là trường hợp cá biệt.
“Nakamura sang Celtic? Cậu ấy điên sao?”
Hàng loạt tờ báo thể thao Nhật Bản đã từng đưa ra những nghi vấn như vậy. Không phải vì họ nghi ngờ tài năng của Nakamura, và Celtic cũng không hẳn là câu lạc bộ quá lớn để áp lực có thể giết chết đôi chân tài năng ấy. Đơn giản chỉ là sự phù hợp.
Tiền vệ sinh ra ở Yokohama đã từng được thi đấu tại châu Âu mất ba năm ấy chứ. Ba năm ở Reggina, một câu lạc bộ tầm trung của Serie A. Ngày Nakamura lên đường “du học”, người Nhật đã kỳ vọng rất nhiều. Anh là tài năng trẻ sáng nhất của thế hệ mình cùng với Nakata. Và người hâm mộ càng yên tâm hơn khi con đường mà Nakamura đi, cũng chính là bước lên chính con đường mà Nakata dày công xây dựng. Thế nhưng, sau ba năm, tất cả chỉ còn là tiếng thở dài.
|
Shunsuke Nakamura gia nhập Celtic |
Chấn thương ảnh hưởng đến phong độ, môi trường thi đấu quá khắc nghiệt đã khiến cho Nakamura đánh mất chính mình. Ở châu Âu chứ không phải Nhật Bản. Cầu thủ to lớn hơn, thi đấu quyết liệt hơn rất nhiều. Mảnh đất ấy quá xù xì, nó không dành cho đôi chân có phần mềm yếu của anh. Đã có lúc, giới mộ điệu xuất hiện những lời khuyên trở về dành cho chàng tiền vệ này. Vậy mà Nakamura lại quyết định đến Celtic? Sao có điều lạ kỳ đến thế?
Nơi mà ai cũng hình dung đến thứ bóng đá gắn liền với môn Rugby với những cầu thủ to cao, dùng sức mạnh chiến thắng đối phương. Ở Ý mà Nakamura còn không chịu nổi sức, thế làm sao mà tồn tại được ở Scotland. Thế nhưng, chàng tiền vệ thư sinh ấy không những có thể trụ vững trong màu áo sọc xanh trắng, mà chỉ cần bốn năm ở đấy, anh trở thành huyền thoại đích thực của đội bóng thủ đô Glasgow.
Một đêm đông ở Glasgow, Celtic tiếp gã khổng lồ Manchester United trên sân nhà. Đội bóng sọc trắng xanh được hưởng một quả đá phạt tầm 30m chếch về phía cánh phải theo hướng tấn công. Nakamura đứng trước bóng, khuôn mặt vẫn bình thản như mọi khi. Anh lấy đà nhẹ nhàng và khua lòng trong chân trái cực kỳ điệu nghệ. Bóng lướt đi theo quỹ đạo cong như vầng trăng đáp xuống mành lưới của Quỷ đỏ. Thủ thành Van Der Sar đã bay người hết cỡ trong vô vọng. Anh còn lạ gì cú đá của tuyển thủ Nhật Bản. Thật ra lần này thì anh đã tiến bộ hơn là không đứng nhìn như lần chạm trán trên sân Old Trafford. Hai lần đối đầu, hai vầng trăng khuyết xé toang bầu không khí trên thảm cỏ xanh. Nakamura thật sự khiến tất cả phải thán phục.
|
Shunsuke Nakamura và cú đá phạt ngày ấy |
Và không chỉ những cổ động viên của Man United, mà tất cả những đối thủ khác của Celtic đều kiêng dè mỗi lần nhìn thấy cú cứa lòng của Nakamura. Thời điểm ấy, ngoại trừ “thánh” Juninho của Lyon ở vào đẳng cấp quá khác biệt, thì cũng ít ai có thể tự tin xếp trên tiền vệ số 25 về khả năng sút phạt hàng rào. Những quả đặt lòng không quá cầu kỳ như Beckham nhưng độ hiểm hóc hoàn toàn không kém cạnh. Nó có vẻ giống với kiểu sút phạt của Messi sau này nhưng có gì đó uy lực hơn và đa dạng hơn ở những điểm đặt bóng. Tóm lại, nếu Juninho nắm giữ thương hiệu về “knuckle shot”, thì những pha cứa lòng của Nakamura cũng mang một giá trị nhất định trong cách nhìn của người hâm mộ.
Nhưng đóng góp của tiền vệ người Nhật Bản không chỉ ở những quả đá phạt. Được chơi bên cạnh những tiền vệ khá cứng cỏi như Petrov hay Gravesen, Nakamura tha hồ được bảo vệ để có thể dành hết tâm trí cho lối đá của mình. Số 25 là viên ngọc quý được đính vào chiếc quyền trượng của nhà vua Scotland, niềm tự hào của nửa xanh lá thành phố Glasgow. Chiếc chân trái ma thuật cùng bộ não cực kỳ thông minh, tuy có xu hướng hơi lệch cánh nhưng anh thực sự là điểm nhấn với lối chơi rất bình thản.
Nakamura mang một khuôn mặt trầm tư rất điển hình của những nhạc trưởng sinh ra vào cuối những năm 1970. Nếu Riquelme toát nên vẻ trầm mặc mang nét khắc khổ của người du mục, Pirlo thì lại là sự suy tư của một người nghệ sĩ, hay Larmpard với cái nét điềm tĩnh cực kỳ bản lĩnh. Thì Nakamura, cái khuôn mặt êm dịu ấy như toát lên cái tính thiền rất điển hình của những con người ở cực phía Đông.
Quan niệm của người Á Đông nói chung và Nhật Bản nói riêng rất xem trọng ánh trăng. Ánh trăng có chu kỳ mọc trong ngày, tròn khuyết trong tháng rất đều đặn và kiên định chứ không tùy thuộc theo mùa như mặt trời. Ánh trăng cũng hiền hòa dù tỏa sáng trong màn đêm, chứ không dữ dội như ánh nắng. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những bức tranh nói về thiền cũng thường có hình ảnh mặt trăng trong đó: nhẹ nhàng và kiên định.
Những quả sút phạt của Nakamura dĩ nhiên như vầng trăng khuyết xé lưới đối phương. Và lối đá của anh cũng như ánh trăng, hiền dịu chậm rãi, hay nói chính xác là có tính thiền trong đó. Không bốc đồng và cũng ít ganh đua. Trong môi trường bóng đá va chạm dữ dội và tốc độ cao như Scotland mà Nakamura vẫn giữ được phẩm chất ấy. Quả đó là một câu chuyện kỳ lạ đáng phải học hỏi.
|
Shunsuke Nakamura vs Xavi |
Và những năm tháng của anh ở Celtic cũng tròn vẹn như ánh trăng rằm. Dù chỉ là một đội bóng xưng bá được ở trong giải quốc nội, nhưng có lẽ một con người như anh chỉ cần thế là đã đủ. Sự nghiệp tuy không có những cuộc phiêu lưu như Nakata hay sự cầu tiến như Shinji Kagawa, nhưng giá trị của Nakamura để lại là không thể phai mờ. Bằng chứng là chính bản thân những người ở giải vô địch Scotland đã vinh danh anh như một huyền thoại thực sự.
Mười năm đầu thế kỷ 21, mười năm chứng kiến sự cách mạng rất mạnh mẽ của bóng đá Nhật Bản với nhiều ngôi sao. Và trong đội hình đầy tài năng ấy, Nakamura luôn được mang chiếc áo số 10. Số áo mà ai theo dõi truyện tranh Nhật Bản nhiều chắc cũng hiểu nó có ý nghĩa sâu đậm như thế nào đối với bóng đá đất nước mặt trời mọc. Đó không chỉ là số áo của ngôi sao sáng nhất, nhạc trưởng đội bóng mà còn là số áo mang cả tinh hoa và linh hồn của thứ bóng đá mà họ tôn sùng. Nakamura, một cầu thủ thi đấu ở phương Tây nhưng không bị Tây hóa. Đó là sự đại diện cho con đường hòa hợp chứ không hòa tan của bóng đá và con người Nhật Bản.
PHƯƠNG GP (TTVN)