Rivaldo và hành trình tìm lại ánh hào quang tại Deportivo La Coruna

Tác giả Ole - Thứ Bảy 03/08/2024 15:26(GMT+7)

Sau kỳ Olympic thảm họa vào mùa Hè năm 1996, cái tên Rivaldo Vitor Barbosa Ferreira đã trở thành tâm điểm chỉ trích của công chúng Brazil.

 

Xứ sở samba không hề che giấu tham vọng muốn đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội Atlanta. Vào thời điểm ấy, Brazil đang thống trị World Cup và Copa America, thế nhưng danh hiệu Olympic vẫn là một mục tiêu có phần “xa xỉ” mà Selecao chưa thể chạm tới.   

Đội bóng áo vàng xanh thực sự phải chịu nhiều áp lực, đặc biệt là Rivaldo. Hai năm trước, cầu thủ sinh năm 1972 gần như đã giành được một suất chính thức trong đội hình Brazil của HLV Carlos Alberto Parreira tham dự World Cup 1994. Với khả năng đã được thừa nhận ở giải quốc nội trong một thời gian dài, Rivaldo dường như chính là câu trả lời cho bài toán sáng tạo trên hàng công của ĐTQG. Nhưng rồi một quyết định thay đổi muộn màng vào phút chót đã khiến tài năng 22 tuổi bị loại, bởi lý do Parreira thích… chất thép của Dunga hơn thay vì phong cách samba ẩn chứa nhiều rủi ro. Đây thực sự là một “bản án” khiến Rivaldo trẻ tuổi suy sụp. Trớ trêu hơn nữa là Brazil lại còn vô địch World Cup sau 24 năm.

Mặc dù vậy, tới thời điểm Thế vận hội diễn ra, Parreira đã rời khỏi băng ghế huấn luyện của Selecao và Rivaldo đã được Mario Zagallo triệu tập trở lại để gia nhập hàng tiền đạo do “Người ngoài hành tinh” Ronaldo dẫn dắt. Được kỳ vọng khá nhiều nhưng dường như sự tự tin đã hoàn toàn biến mất với ngôi sao mang áo số 10. ĐT Brazil lọt vào tới bán kết nhưng Rivaldo thì chẳng thể ghi bàn.

Trước một Nigeria vô cùng tài năng với những Nwankwo Kanu hay Victor Ikpeba trong đội hình, đại diện đến từ Nam Mỹ đã phải hứng chịu một cơn ác mộng. Đội bóng áo vàng xanh dẫn trước 3-1 tới khi trận đấu chỉ còn 12 phút nhưng đã tự hủy hoại chính mình và chung cuộc để thua bởi bàn thắng vàng của Kanu trong hiệp phụ. Không ai khác, Rivaldo chính là “vật tế thần” trên các mặt báo tại quê nhà với hàng tá cơ hội bị bỏ lỡ cùng tình huống để mất bóng dẫn tới bàn thua thứ hai của đội nhà trước Nigeria.    

Những lời nhận xét từ quá khứ của HLV Parreira về Rivaldo, bao gồm thái độ ích kỷ và thiếu tin cậy có vẻ như đã trở thành sự thật. Tại một quốc gia mà người hâm mộ bóng đá đạt tỷ lệ 100%, anh nhanh chóng trở thành nhân vật bị căm ghét bậc nhất. Không một ai chào đón cầu thủ mang áo số 10 khi anh trở về quê nhà, trong khi các tờ báo liên tục giật title rằng Rivaldo chính là… kiến trúc sư cho màn “đầu hàng” của Brazil tại Olympic 1996, chẳng khác gì cách giới truyền thông Anh nguyền rủa Beckham sau khi bị loại khỏi World Cup 1998.

“Tôi vẫn nhớ y nguyên những ký ức cay đắng về thời kỳ này. Nhưng mọi chuyện cũng cho phép tôi tìm thấy động lực để chứng tỏ rằng tất cả những lời chỉ trích ấy là bất công đến thế nào”, Rivaldo nhớ lại.

Ở độ tuổi 24, một tài năng Nam Mỹ tất nhiên sẽ có thừa sự khao khát được chơi bóng tại châu Âu. Trước Thế vận hội, Rivaldo đã sẵn sàng gia nhập Parma, CLB vừa công bố ký hợp đồng với anh ngay từ đầu mùa hè. Nhưng sau giải đấu, thỏa thuận đã lập tức bị hủy bỏ khi đại diện Calcio từ chối yêu cầu về mức lương của cầu thủ người Brazil. Để rồi, sự chối bỏ của Parma cuối cùng lại trở thành một “món hời” cho Deportivo La Coruna và chính Rivaldo, trên con đường tìm kiếm lại ánh hào quang của riêng mình.  

 

Khá trùng hợp là đội bóng xứ Galicia cũng rơi vào cảnh “ngã ba đường” ở mùa Hè năm 1996, sau sự ra đi của Bebeto với một khoảng trống tương đối nan giải. Trong 4 mùa giải trước đó, chân sút này đã cống hiến tới 86 bàn thắng sau 136 trận cho CLB miền Tây Bắc bán đảo Iberia. Những nỗ lực tìm kiếm một tiền đạo Nam Mỹ khác để thay thế Bebeto đã được Chủ tịch Augusto Cesar Lendoiro tính đến với các thương vụ theo đuổi Amaral, Savio hay đáng chú ý nhất là Giovanni. Nhưng rồi, mọi cuộc đàm phán đều không thành công. Khi Giovanni gật đầu với Barca, Lendoiro mới dần chuyển sự chú ý của mình sang Rivaldo và rõ ràng, đây là một hành động khôn ngoan.

Gia nhập Depor với mức phí kỷ lục 10,5 triệu bảng, hơn 6000 người hâm mộ đã có mặt để chứng kiến lễ ra mắt của Rivaldo, nơi Chủ tịch Lendoiro khẳng định rằng: “Anh ta còn xuất sắc hơn Giovanni của Barcelona”. Về phần cá nhân, Rivaldo cũng chấp nhận từ chối sự quan tâm từ Dortmund sau khi được những người đồng hương như Bebeto, Mauro Silva hay Donato khuyên chơi bóng tại sân Riazor.

 

“Bebeto và Mauro Silva đã chia sẻ những điều tích cực về thành phố này cũng như người hâm mộ tại đây nên tôi thực sự nóng lòng được thi đấu cho Deportivo”, Rivaldo cho biết.

Thêm một điều đáng mừng là ở Tây Ban Nha, anh sẽ được nhận mức lương cực kỳ hậu hĩnh, được cho là lên tới 1 triệu USD mỗi năm, một con số mơ ước vào thời điểm bấy giờ.

Sự hoài nghi là khó tránh khỏi khi người ta ngờ vực rằng Rivaldo có thể sẽ giống như những người Brazil khác, với thói sinh hoạt vô tổ chức và niềm đam mê với cuộc sống ban đêm, như Romario tại Barca chẳng hạn.

“Khi tôi đến Tây Ban Nha, mọi người luôn nghĩ rằng tôi sẽ bay về quê nhà vào mỗi kỳ nghỉ, thức trắng đêm để ăn mừng một trận thắng nào đó và không tuân thủ kỷ luật của CLB”, ngôi sao người Brazil sau này nhớ lại, “Đâu đó điều này cũng có thể đúng với một số người khác nhưng không phải tôi. Với tôi, gia đình quan trọng hơn. Giờ thì họ đã biết Rivaldo là ai và tôi luôn thực hiện lời hứa của mình”.

Những tố chất đặc biệt, khả năng kết hợp giữa tốc độ và kỹ thuật xử lý trái bóng một cách hoàn hảo đã giúp Rivaldo tạo nên những tác động mà hiếm ai dự đoán trước được. Anh ghi bàn thường xuyên, liên tục và để lại dấu ấn trong rất nhiều bàn thắng.

Chỉ trong 5 lần ra sân đầu tiên cho CLB chủ sân Riazor, Rivaldo đã ghi được 5 bàn thắng. Cầu thủ tấn công người Brazil với đôi chân mảnh khảnh gần như sở hữu tất cả, với sự linh hoạt khác thường giúp anh có thể làm tốt mọi việc, từ những pha dứt điểm khó tin cho đến những cú đệm bóng giống như một trung phong chuẩn mực.

Có nhiều lý do để người ta gọi mùa giải 1996/97 được gọi là “mùa giải Rivaldo” tại Riazor. Chỉ một mùa trước đó, Depor đã tụt xuống giữa bảng xếp hạng La Liga. Nhưng với Rivaldo trong đội hình, Super Depor đã kết thúc năm 1996… bất bại và chỉ kém đội đầu bảng Real Madrid đúng 2 điểm. Bản hợp đồng tới vùng Galicia có lẽ là không thể hoàn hảo hơn, một đội bóng mang đến cho ngôi sao người Brazil sự tự do cần thiết để thỏa sức phát tiết những phẩm chất thiên tài của mình, một nơi giúp anh được thể hiện bản thân mà không phải chịu quá nhiều áp lực như Real, Barca hay ĐTQG.

 

Tất nhiên, Depor không phải không có những hạn chế. Nếu ở thời điểm ấy, CLB có thể mang về những bản hợp đồng như Roy Makaay hay Diego Tristan thì có lẽ, cơn khát danh hiệu sẽ sớm được giải tỏa. Thực tế là họ đã chùn bước trên thị trường chuyển nhượng. Thay vào đó, đại diện xứ Galicia chấp nhận về thứ ba sau Real Madrid của Raul và Barca với Rô “béo” thăng hoa tột độ. Rivaldo kết thúc mùa giải với 21 bàn thắng, một con số quá ấn tượng với một cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ tấn công. 

Những tiềm năng của cầu thủ người Brazil ngày càng trở nên rõ nét và trong một nỗ lực ở nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình tại sân Nou Camp, Bobby Robson sau cùng đã thuyết phục thành công Barca chi ra số tiền thu được từ thương vụ bán Ronaldo cho Inter Milan để đưa Rivaldo về Catalonia. Thậm chí, Robson còn khuyên ban lãnh đạo Barca không nên chiêu mộ Steve McManaman với lý do tài năng từ Nam Mỹ sẽ đảm bảo đầu ra bàn thắng ổn định hơn. Và ít nhất thì ông đã không sai.

Trong 5 năm khoác áo Barca, Rivaldo ghi tới 130 bàn thắng. Khi chia tay Nou Camp, anh là người ghi bàn nhiều thứ 9 trong lịch sử CLB, với 2 chức vô địch La Liga, một Cúp Nhà vua và giành được cả Quả bóng vàng lẫn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA. 

 

Rivaldo cũng thoát khỏi những nỗi ám ảnh về Olympic 1996 bằng chức vô địch Copa America 1999 cũng như World Cup 2002 - giải đấu mà anh ghi được 5 bàn thắng. Những vinh quang trong màu áo Selecao sau cùng đã dập tắt mọi lời chỉ trích mà HLV Parreira từng đưa ra, khi Rivaldo từng bước vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp.

Cậu bé sinh năm 1972 xuất thân từ một khu ổ chuột nghèo đói đã lớn lên với ước mơ chơi bóng để tìm kiếm sự giàu có. Khi treo giày ở độ tuổi 40, anh cũng gần như đã đạt được tất cả những gì mình muốn nhờ tài năng và tinh thần quyết tâm đáng kinh ngạc. Thế nhưng, ai cũng hiểu rằng, ngôi sao người Brazil sẽ không thể làm được điều đó nếu không có sự dang tay cứu rỗi của Deportivo La Coruna, đội bóng với sứ mệnh giúp Rivaldo tìm lại ánh hào quang của chính mình.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.