Ravel Morrison và sự thật về “thần đồng mất tích” (P2)

Tác giả Elflaco - Thứ Tư 30/09/2020 22:29(GMT+7)

Zalo

Rooney đánh giá sự nghiệp của Morrison, với nỗi thất vọng, dựa trên quan điểm đạo đức cầu thủ. Có phần đúng (về hiện tượng) song lại không đúng (về bản chất). Nhưng không phải tất cả những ai từng hoặc đang có sự gắn kết với Old Trafford đều quay lưng với Morrison kể từ sau khi Sir Alex để anh rời Man United.

 
Ở chuyên mục bình luận độc quyền cho Sunday Times gần đây, Wayne Rooney có viết về Morrison như thế này: “Ravel sở hữu tất cả những phẩm chất tốt nhất để trở thành cầu thủ số 1 ở vị trí của cậu ấy. Nhưng Ravel lại luôn phải vật lộn chiến đấu với những thứ chẳng liên quan đến bóng đá, như lối sống và môi trường xã hội. Thật đáng tiếc khi Ravel không thể vươn tới đẳng cấp cao nhất trong nghề này. Như Paul (Pogba) hay Jesse (Lingard). Bởi với tôi, Ravel là chàng trai có tiềm năng xuất sắc nhất, vượt tất cả các đồng đội cùng trang lứa… cả dặm vậy”.
 
Rooney đánh giá sự nghiệp của Morrison, với nỗi thất vọng, dựa trên quan điểm đạo đức cầu thủ. Có phần đúng (về hiện tượng) song lại không đúng (về bản chất). Nhưng không phải tất cả những ai từng hoặc đang có sự gắn kết với Old Trafford đều quay lưng với Morrison kể từ sau khi Sir Alex để anh rời Man United.
 
Gary Neville là 1 trong số đó. Giống như Burchnall, Neville có quan điểm rất rõ ràng: tuyệt đối không thể coi Morrison là kẻ gây rối, kẻ phá hoại hay tất cả những “nhãn mác xấu” mà người đời gắn cho cầu thủ này.
 
Neville đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về gia đình, hoàn cảnh xuất thân của Morrison, người đã trải qua một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm cha mẹ, từng có nhiều năm dài sống cùng với ông bà. “Rav đã lớn lên trong một hoàn cảnh vô cùng phức tạp, phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn thời niên thiếu” – Neville cho biết.
 
Colin Gordon, 1 trong những người giám hộ của Morrison-vị-thành-niên giai đoạn cậu bị cha me bỏ rơi, kể rằng: “Thường thì Rav luôn là một đứa trẻ đáng yêu. Bản chất của Rav là tốt nhưng vấn đề là cậu ấy chẳng biết mình cần phải làm gì để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp”.
 
Tại Sheffield United mùa trước, Morrison không có mấy cơ hội để thể hiện mình. Nhưng lý do hoàn toàn không liên quan vấn đề kỷ luật của cầu thủ này. HLV Chris Wilder đơn giản là đã xây dựng được một bộ khung thi đấu ổn định và sơ đồ vận hành của Sheffield United cũng không có chỗ cho một “số 10” – vị trí quen thuộc của Morrison.
 
Sang Middlesbrough, Morrison thể hiện tốt trong những trận đầu tiên nhưng đại dịch covid-19 bùng phát, mùa giải bị gián đoạn khiến anh lỡ cơ hội tiếp tục hành trình khẳng định. Khi bóng đá trở lại được 1 tuần thì HLV Jonathan Woodgate – người sẵn sàng tin dùng Morrison - bị sa thải. Người thay thế, HLV kỳ cựu Neil Warnock nhận nhiệm vụ giúp Middlesbrough trụ hạng thành công, đơn giản là không dám “mạo hiểm” với Morrison.
 
Tại Riverside và Bramall Lane, những thành viên của 2 CLB Middlesbrough hay Sheffield United tuyệt nhiên không ai phàn nàn về thái độ và sự chuyên nghiệp của Morrison. Đa số đều thừa nhận sự ngạc nhiên khi được làm việc với một Morrison hoàn-toàn-khác với những gì mà họ được biết qua báo chí.
 
Danh sách những nhân vật bóng đá danh tiếng từng có trải nghiệm tốt với Morrison thực ra không hề ít. Đó là HLV trưởng tuyển Anh Gareth Southgate, người có giai đoạn huấn luyện Morrison ở U21 “Tam sư”. Đó là Harry Redknapp, thầy của Morrison ở QPR, người từng thừa nhận rằng mình đã cố gắng ký với cầu thủ này ít nhất 3 lần khác. Đó là Ole Gunnar Solskjaer trong quãng thời gian ông làm HLV trưởng đội dự bị Man United.
 
**********
Rất nhiều điều đã xảy ra trong đời Morrison kể từ khi anh phải đứng trước “vành móng ngựa” ở Toà án Manchester…
Đó là tháng 2/2011, chỉ 3 tháng sau khi ra mắt đội một United, Morrison đối mặt với 2 tội danh: bao che tội phạm và đe dọa tấn công nhân chứng. Hai người bạn từ thuở thiếu thời của Morrison bị kết án về một vụ cướp giật có vũ trang trên đường phố. Nạn nhân là một cậu bé 15 tuổi.
 
Morrison đã gửi cho nạn nhân hàng loạt tin nhắn đe dọa để cố gắng ngăn cậu bé đưa ra bằng chứng chống lại 2 người bạn của mình ở phiên tòa xét xử. Morrison sau đó còn góp mặt trong đám đông “trẻ trâu” khoảng 15-20 người bao vây và ném đá vào nhà riêng của nạn nhân.
 
Trong phiên tòa xét xử Morrison, Thẩm phán, sau khi nhận được báo cáo về chứng ADHD của Morrison, đã đặt ra một câu hỏi với người giám hộ của cầu thủ này, rằng “Liệu CLB Man United đã chăm sóc Morrison đúng cách hay không?”
 
Sự thật là KHÔNG. Đại diện United thừa nhận, họ biết về bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý ở Morrison nhưng dùng thuốc để điều trị là… không thể. United lo ngại, việc dùng thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của cầu thủ rất giàu triển vọng này. Lời giải thích từ Man United cho biết, nếu sử dụng thuốc điều trị ADHD thường xuyên, Morrison chắc chắn sẽ thất bại ở bất kỳ bài kiểm tra y tế nào, bởi trong thành phần thuốc có chất cấm với cầu thủ chuyên nghiệp.
 
United cũng đưa ra bằng chứng rằng họ đã nộp đơn lên Ủy ban chống Doping của Anh xin đặc cách cho trường hợp của Morrison, để cầu thủ này được phép dùng thuốc điều trị ADHD nhưng yêu cầu này bị từ chối. Rốt cuộc, trong nhiều năm dài ở Học viện United, Morrison đã không dùng bất kỳ loại thuốc nào khiến anh phải “chung sống” ngày qua ngày với chứng ADHD.
 
United có cái khó của mình. Nhưng rõ ràng, Morrison sau khi bị cha mẹ bỏ rơi, lại thêm một lần nữa trở thành kẻ CÔ ĐỘC nhất, trong cuộc chiến với chứng bệnh quái ác cùng những hệ quả rắc rối theo sau, tại nơi mà anh coi là ngôi nhà thứ hai của mình – United.
 
Ravel Morrison và sự thật về thần đồng mất tích (P2) hình ảnh gốc 3
 
*******
Có một cảm giác vô cùng khó tả đối với những người dự phiên tòa xét xử Morrison hơn 9 năm trước, đó là “nhân vật chính” thể hiện một thái độ hoàn toàn thờ ơ với những gì đang xảy ra xung quanh mình. Morrison như thể không biết là mình đã phạm tội và anh chỉ ở đó, phiên-tòa-xét-xử-mình, như một khách lạ… đến nghe phán rồi ra về.
 
Không có án giam giữ nào cho Morrison, thay vào đó anh “chỉ” bị quản chế trong vòng 1 năm. Bởi Tòa án Manchester, dựa trên chứng bệnh ADHD và bản lý lịch sạch sẽ trước đó của cầu thủ trẻ này để đưa ra một phán quyết khoan hồng.
 
Nhưng khi Tòa án đưa ra phán quyết cuối, rằng Morrison sẽ phải bồi thường cho nạn nhân 500 bảng Anh thì chàng trai của chúng ta lại sửng sốt và nổi đóa ngay giữa phiên tòa. Tài khoản cá nhân của Morrison vào thời điểm đó, theo báo cáo từ phía Ngân hàng, không còn… một cắc dù theo hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Man United, ngày 25 hàng tháng anh nhận 3.400 bảng tiền lương.
 
Chẳng ai biết tại sao Morrison “cháy túi”. Bản thân chàng trai chưa đầy 18 tuổi này cũng chịu. Và cũng chẳng có bất kỳ ai đại diện nào của CLB Man United xuất hiện ở phiên xét xử khi Tòa án cần một lời giải thích. Đi cùng Morrison, ngoài mẹ của anh – bà Sharon chỉ có luật sư bào chữa.
 
Cuối năm 2011, Morrison ra tòa lần hai, lần này là ở Salford, với tội danh đánh người. Vẫn không có bất kỳ thành viên nào của United xuất hiện cùng anh. “Họ (United) lúc nào cũng ra rả rằng luôn lo nghĩ cho sự nghiệp cầu thủ của tôi, nhưng thực tế thì họ có thèm quan tâm gì đến tôi đâu” – Morrison nói với The Times năm ngoái, trong bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi của anh sau khi rời United.
 
Ravel Morrison và sự thật về thần đồng mất tích (P2) hình ảnh gốc 3
 
********
Ravel Morrison không phải kiểu cầu thủ thích la cà hộp đêm. Anh thậm chí còn ghét các thể loại bia rượu. Nhưng Morrison, thích… tốc độ. Điều hoàn toàn dễ lý giải với một chàng thanh niên phải sống chung với chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý. Morrison thường bị bắt gặp ở những góc phố Manchester, trên một chiếc BMX xẹt qua bạn như một cơn lốc. Vài lần khác, Morrison tông đổ cánh cổng trung tâm huấn luyện Carrington của Man United bằng chiếc xe bán tải màu trắng của mình.
 
Morrison cũng “chết danh” với những dòng “tweet” châm trích đồng đội và thành viên “Quỷ đỏ”, dính dáng đến một vài vụ chôm đồ ở Học viện United, chuyện bị FA phạt vì bình luận “làm nhục” fan trên Twitter… Thậm chí còn có tin đồn rằng Morrison luôn giữ súng trong người khi không phải thi đấu hay luyện tập (điều thì không đúng).
 
Nhưng đã rất lâu rồi, kể từ lần cuối cùng Morrison dính dáng đến một vụ rắc rối. Những người hiểu rõ Morrison có lý khi nói rằng, thật không công bằng khi hầu hết mọi câu chuyện về cầu thủ này đều là những thứ tiêu cực.
 
Sự nghiệp cầu thủ của Morrison chắc chắn không hề vứt đi như đa số lầm tưởng. Theo Burchnall, Morrison đã nhận được nhiều lời mời gia nhập đội từ các CLB của Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan và hạng Nhất Anh. Hàng ngày, Morrison vẫn tập luyện chăm chỉ với HLV cá nhân để chuẩn bị cho bước “xê dịch” mới.
 
Điều mà Morrison cần nhất lúc này, hơn bất kỳ thứ gì, chính là một HLV sẵn sàng đặt niềm tin vào anh, trao cho anh cơ hội đá ở một vị trí có thể phát huy hết phẩm chất bóng đá của mình.
 
Cuộc sống vẫn tiếp diễn và Rav, người đã trải qua biết bao thách thức và nghịch cảnh, chắc chắn sẽ không lùi bước trên hành trình của đời mình. Đó có thể là hành trình không-giống-ai, nhưng hoàn toàn đáng cảm thông và trân trọng….

Và thật may mắn cho anh, ngày hôm nay, anh có bến đỗ thứ 11 của mình trong sự nghiệp: Den Haag - một đội bóng ở Hà Lan. Chúc mừng Morrison!
 
Lược dịch: Who will speak up for Ravel Morrison? (The Athletic)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kylian Mbappe vs Barcelona: Thuốc đắng dã tật

Kylian Mbappe nuốt trọn những lời chỉ trích vì màn trình diễn ở trận lượt đi tứ kết Champions League 2023/24 gặp Barcelona, biến chúng thành động lực, rồi làm tất cả im lặng ở trận lượt về.

Khi Foden đã luyện cú sút của mình đạt tới cảnh giới hoàn hảo

Những pha chạm bóng nhẹ nhàng trước khi tung ra cú sút đều là những phong cách của cá nhân Foden. Anh luôn có một khả năng xử lý quả bóng rất nhẹ nhàng và linh hoạt kể cả khi dẫn bóng hay nhận bóng từ đồng đội. Kỹ năng ấy giúp Foden luôn đảm bảo trái bóng trong tầm kiểm soát của bản thân trước khi anh thực hiện một cú sút.

X
top-arrow