Philippe Coutinho: Hiên ngang trên con đường mình đã chọn

Tác giả Elflaco - Thứ Ba 12/06/2018 17:09(GMT+7)

Tháng 1/2017, Philippe Coutinho đặt bút kí vào bản gia hạn hợp đồng với Liverpool, nhận mức lương mới 150 nghìn bảng/tuần – cao nhất Anfield. Trong những ngày ấy, ngôi sao trẻ người Brazil nói “trái tim anh thuộc về Liverpool. Và anh, không một khắc nào, dám nghĩ về một CLB khác”.
Philippe Coutinho: Hiên ngang trên con đường mình đã chọn
Cuối tháng 7/2017. Trung tâm Melwood của Liverpool. Coutinho ở đó, đối diện với HLV Juergen Klopp và rất nhiều đồng đội đã gắn bó với anh 4-5 năm qua, với một lời tuyên bố: anh đã có cho mình một con đường mới và hoàn toàn sẵn sàng cho một chuyến “xê dịch” rời xa Anfield. Đích đến là Barcelona.
 
Rất nhiều sự kiện đã diễn ra, tại Melwood, tại Anfield, với Liverpool và với Coutinho kể từ ngày ngôi sao số 1 của “The Kops” bày tỏ một cách quyết liệt về giấc mơ khoác áo Barcelona. Coutinho không được Liverpool sử dụng trong giai đoạn đầu mùa với chấn thương là lý do được đưa ra. Sau đó, anh trở lại đội hình chính, tiếp tục thể hiện những màn trình diễn đẳng cấp cao. Để rồi trong những ngày đầu tiên của 2018, đúng 1 năm sau lời tuyên thệ về “giá trị của tình yêu và lòng trung thành” với Liverpool, Coutinho rời đi. Để lại Anfield sau lưng, thẳng tiến tới Barcelona.
 
Trong rất nhiều cầu thủ đã đến Liverpool và từ bệ phóng tại Anfield trở thành ngôi sao đẳng cấp hàng đầu để rồi chọn cho mình một bến đỗ mới, như Xabi Alonso, như Fernando Torres, như Luis Suarez và như Philipe Coutinho, không cái tên nào để lại cảm giác đau đớn, ức chế, tiếc nuối như ngôi sao người Brazil. Bởi khác với thế hệ đàn anh, những thông tin về chuyện đi-ở của Coutinho khởi đi từ cuối mùa giải 2016/17 và kết thúc vào đầu năm nay khiến người Liverpool sống trong nỗi phấp phỏng trong hơn nửa năm trời. Họ thất vọng, buông xuôi rồi lại kì vọng để rồi sống trong tâm trạng của kẻ bị phản bội.
 
Coutinho và Klopp
Bóng đá đương đại, nơi tiền bạc và vinh quang đóng vai trò tiên quyết, không có chỗ cho lòng trung thành một cách tuyệt đối. Như thế hệ của những Paolo Maldini, Baresi hay chính Steven Gerrard của Liverpool. Nhưng người Liverpool, kể cả thực tế nhất, kể cả khi đã tìm thấy cho mình một niềm hi vọng mới mang tên Mohamed Salah, vẫn không hề mong đợi ngôi sao số 1 của Anfield trong nhiều mùa giải liên tiếp, rời đi theo cách như thế. Chỉ sau 1 năm anh nói “Anfield là nhà”, chỉ sau 1 năm anh khẳng định mục tiêu lớn của đời mình là “trở thành huyền thoại của The Kop”. Như Gerrard. Như Rush.
 
Giờ thì Coutinho ấy đã là cầu thủ của Barca được gần nửa năm. Trong ngần ấy thời gian, Coutinho đã là nhà vô địch La Liga, đã đăng quang cả Copa del Rey. Danh hiệu là thứ mà Coutinho, kể từ khi gia nhập Liverpool năm 2013 cho đến khi anh rời đi vào đầu năm nay, trong 6 mùa giải liên tiếp, chưa một lần với tới. Ở Liverpool, Coutinho là ngôi sao số 1. Ở Premier League, anh luôn đứng trong hàng ngũ những cầu thủ xuất sắc nhất. Nhưng “số 1” hay “xuất sắc nhất” liệu có thực sự giá trị khi những chiếc Cúp vẫn ở ngoài tầm với. Kể cả khi Liverpool-của-Coutinho đã tiến rất gần với 2 trận chung kết (và thất bại) ở mùa giải 2015/16. Quan điểm là tùy mỗi người. Nhưng lựa chọn thì là quyền của Coutinho!
 
Quan điểm là tùy mỗi người. Nhưng lựa chọn thì là quyền của Coutinho!
Thành hay bại trong sự nghiệp của một cầu thủ chơi ở cấp độ cao nhất, đôi khi không liên quan tới tài năng mà anh ta sở hữu, mà là chuyện đưa ra những lựa chọn trong những thời khắc quan trọng nhất. Có những người coi việc gắn bó lâu dài thậm chí là trọn đời cầu thủ với nơi mà anh ta thực sự coi là nhà, không màng chuyện danh hiệu có hay không. Có những người, chấp nhận chỉ trích, sẵn sàng đối mặt với búa rìu dư luận, với nỗi uất hận không dễ nguôi ngoai từ chính những CĐV từng hô vang tên mình, để chọn cho mình một hướng đi, một bến mới, nơi có thể giúp anh ta thỏa khát vọng có-danh-gì trong đời.
 
Không như Gerrard Liverpool. Không như Le Tissier của Southampton. Không như rất nhiều thế hệ danh thủ người Italia. Coutinho chọn vế thứ 2. Chấp nhận trở thành “kẻ phản bội”, chấp nhận “đóng vai phản diện” trong mắt và trong tim những người Liverpool, để bước trên con đường mà ở đó anh thực sự là một nhà vô địch. Coutinho chắc chắn sẽ không bao giờ nhận được sư tha thứ của Liverpool bất chấp đấy là nơi anh từng sống và từng cống hiến biết bao tinh túy của tuổi trẻ đầy khao khát. Và có lẽ, sâu trong tim mình, ở một vài khoảnh khắc nào đó, Coutinho cũng không tha thứ cho chính anh vì đã “quay lưng” như thế. Nhưng Coutinho chắc chắn không cần bất kì sự thông cảm nào, cho quyết định của anh, cho con đường mà anh đã chọn.
 
Coutinho và những người đồng đội ở tuyển Brazil
Quyết định ấy, con đường ấy, của Coutinho đã tạo điều kiện cho anh trở thành nhà vô địch, chỉ sau vài tháng ở Barcelona. Đã giúp anh đảm bảo một suất vững chắc trong đội hình mạnh mẽ và đầy khát khao của Brazil cho mục tiêu chinh phục cúp Vàng tại Nga hè này. Và thực ra, đấy không phải là lần đầu tiên, Coutinho, người hôm nay bước sang tuổi 26, phải đưa ra những lựa chọn “trái tim” cho hành trình của đời mình. Như quyết định gạt đi những giọt nước mắt và nỗi mặc cảm để bước chân vào lò trẻ Vasco Da Gamma khi còn là một chú nhóc. Như quyết định đặt trước cho mình một chuyến “xê dịch” không thể tin nổi, tới Inter, năm mới 15 tuổi. Và rồi khi vỡ mộng ở Inter là lựa chọn tới Liverpool, ở tuổi 20. 
 
Sau Liverpool là Barcelona, với 2 chiếc cúp chỉ sau chưa đầy nửa năm và giờ là giấc mộng Vàng cùng Brazil ở World Cup 2018. Mặc cho người đời chỉ trích, mặc cho thiên hạ phán xét. Coutinho vẫn đang sải những bước vững chắc trên con đường mà anh đã chọn. Con đường của kẻ chinh phục những đỉnh cao!

ELFLACO (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.