Trong danh sách những nhà cầm quân xuất sắc nhất và làm việc ở các CLB lớn nhất thế giới trong vài năm trở lại đây, số lượng HLV đến từ Đức đang chiếm phần lớn. Có thể ngay lập tức kể đến Jurgen Klopp, Thomas Tuchel, Julian Nagelsmann, Hansi Flick hay người mới đến với Premier League (nhưng danh tiếng thì đã được ngưỡng mộ từ trước đó) là Ralf Rangnick.
Từ trước tới nay, Đức luôn là đất nước của các HLV giỏi nhưng chưa khi nào việc sử dụng một chiến lược gia người Đức lại trở thành xu hướng như lúc này. Trong quá khứ, các HLV bóng đá người Đức luôn ưa thích lối chơi phụ thuộc nhiều vào thể chất cầu thủ hay nói cách khác là “nhanh, mạnh và quyết liệt”.
Với họ, bóng đá giống như một ngọn lửa khát khao luôn hừng hực cháy hơn là một môn nghệ thuật cùng những người nghệ sĩ chơi đùa với trái bóng. HLV kỳ cựu Felix Magath từng thừa nhận việc lớn tiếng hò hét, thậm chí là quát tháo, luôn là một phương pháp hiệu quả để thúc đẩy cầu thủ. Sự gai góc được truyền lại qua nhiều thế hệ và chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy đặc tính ấy ở các HLV đương thời, tiêu biểu như Jurgen Klopp. Thomas Tuchel và Julian Nagelsmann trông có vẻ dễ chịu hơn ở vẻ bề ngoài nhưng khi cần, họ cũng sẵn sàng trở thành tiếng nói có trọng lượng nhất của tập thể theo đúng nghĩa đen.
“Các HLV người Đức đang được săn đón trên khắp châu Âu”, nhà báo người Đức Raphael Honigstein cho biết, “Jurgen Klopp và Thomas Tuchel đều đã khẳng định được giá trị nhưng tôi tin rằng cả các HLV Đức của thế hệ tiếp theo cũng sẽ sớm tìm thấy cơ hội ở những đội bóng lớn. Họ hiểu rõ những đòi hỏi của bóng đá hiện đại. Họ sẵn sàng đưa ra câu trả lời thuyết phục cho nhu cầu vươn tới đỉnh cao của các cầu thủ. Tiếp theo đó là khả năng kết nối các cá nhân cầu thủ, truyền cho họ năng lượng, thúc đẩy họ. Đó đều là những kỹ năng cực kỳ quan trọng ”.
Để đạt đến tiêu chuẩn cao nhất, một HLV không chỉ làm việc với những ý tưởng chiến thuật đơn thuần mà còn phải xây dựng được niềm tin tuyệt đối với các học trò. Đó là con đường duy nhất để dẫn đến thành công.
“Thật lòng, tôi thật sự tự hào”, Hansi Flick phát biểu trước toàn đội khi tiếp quản Bayern Munich vào tháng Mười một năm 2019, “Toàn bộ ban huấn luyện chúng tôi đều tự hào khi được cùng các bạn chiến đấu trên hành trình này”.
Cần nhớ rằng, thời điểm Hansi Flick mới đến cũng là giai đoạn Bayern Munich đang hết sức khó khăn. Họ mới trải qua khoảng thời gian khủng hoảng cùng Niko Kovac và chẳng ai dám nghĩ rằng sự thay đổi đến từ một HLV tạm quyền lại có thể mang đến thành công mĩ mãn đến như vậy. Từ đó cho đến cuối mùa giải, số danh hiệu mà Hansi Flick giành được còn nhiều hơn cả số trận thất bại của Bayern Munich. Bí quyết của ông không gì khác chính là mối quan hệ thân thiết với học trò.
HLV Hansi Flick
Ngoài cương vị HLV trưởng, Flick còn đóng vai trò như một hình mẫu cho các cầu thủ, là gương mặt của đội bóng và là một sợi dây liên kết tất cả mọi người. Đây cũng là phương pháp huấn luyện mà Jurgen Klopp áp dụng rất thành công ở Mainz, Dortmund và Liverpool. Ông nói với các cầu thủ rằng họ cần chơi một thứ bóng đá khác biệt và thuyết phục để có được sự tin tưởng từ họ. Kết quả chính là những chiếc đĩa bạc Bundesliga, chiếc cúp tai voi Champions League và danh hiệu Premier League đầu tiên sau 30 năm cùng Liverpool.
Không chỉ được trang bị nền tảng kiến thức tiến bộ, các HLV người Đức còn có một đức tính rất đáng ngưỡng mộ đó là tinh thần cầu tiến. Lịch sử bóng đá đã ghi danh rất nhiều những “nhà cách tân” nhưng không có ai trong số đó đến từ Đức. Helenio Herrera người Argentina phát minh ra đặc sản phòng ngự Catenaccio của bóng đá Italia trong những năm 60 của thế kỷ trước. Rinus Michels đưa bóng đá Hà Lan lên một tầm cao mới với thứ bóng đá tổng lực trứ danh. HLV huyền thoại người Ý Arrigo Sacchi định nghĩa lại bóng đá vào cuối thập niên 80 với phương pháp phòng ngự khu vực. Pep Guardiola tạo nên cú ăn 6 vĩ đại của Barcelona với chiến thuật Tiki taka. Sau nhiều năm học hỏi và tự đúc kết, người Đức cuối cùng cũng đã tạo ra một khái niệm bóng đá cho riêng mình, được biết đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây với cái tên “Gegenpressing”. Cách chơi này đang ngày một chứng minh tính hiệu quả của nó và trở thành một xu hướng chiến thuật trên toàn thế giới.
Khi bước chân vào con đường “quần đùi áo số”, không cầu thủ nào là không ước mơ đến những đỉnh cao cùng một sự nghiệp lâu dài nhất có thể, nhưng đâu phải ai cũng đủ tài năng và may mắn để đạt được những điều đó. Tuy nhiên, kết thúc thời gian chơi bóng và sớm bắt đầu công việc huấn luyện lại là điểm chung của không ít những HLV xuất chúng. Pep Guardiola trở thành HLV ở tuổi 36, Jose Mourinho ở tuổi 37, Arsene Wenger thì mới chỉ 34. Với các HLV người Đức cũng vậy. Jurgen Klopp chính thức huấn luyện khi ông mới 34. Thomas Tuchel tiếp quản Mainz khi ông ở tuổi 35. Hansi Flick bắt đầu sự nghiệp của mình với một đội bóng hạng tư ở tuổi 31 còn Julian Nagelsmann được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV trưởng của CLB Hoffenheim khi ông mới chỉ 28 tuổi và trở thành HLV trẻ nhất trong lịch sử giải VĐQG Đức.
“Là một HLV trẻ cũng có những lợi thế riêng”, Nagelsmann nói trong buổi họp báo đầu tiên của mình, “Tôi ở trong cùng một thế hệ với các cầu thủ, có thể dễ dàng hơn để đặt mình vào hoàn cảnh của họ, hiểu được tâm tư của họ không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống. Đó là những thuận lợi của tôi so với những HLV lớn tuổi hơn”.
Với các đội bóng lớn trên hầu khắp châu Âu, chiếc ghế HLV trưởng thường sẽ được trao cho những HLV dạn dày kinh nghiệm. Còn ở Bundesliga, họ đang đi ngược lại với thói quen này. Không chỉ là môi trường phát triển tuyệt vời cho các cầu thủ trẻ, giải VĐQG Đức còn là nơi những HLV trẻ có cơ hội “thử lửa”. Theo quan niệm của người Đức, thế hệ HLV lớn tuổi sẽ có xu hướng làm việc theo cái cách mà họ quan sát và được huấn luyện trong quá khứ. Cách làm ấy đã mang lại thành công trong những thập kỷ 80 hay 90 của thế kỷ trước nhưng lại hoàn toàn không phù hợp với thời điểm hiện tại. Bằng chứng là đã có những thành viên của đội tuyển Đức vô địch thế giới tại Italia 90 sau này tham gia vào công tác huấn luyện nhưng chẳng mấy ai thành công. Thực tế, một HLV giỏi không nhất thiết phải là một cầu thủ xuất sắc.
Sau cùng, một yếu tố có vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của thế hệ HLV người Đức hiện tại (và có thể là cả tương lai) đó chính là tính kế thừa. Trong dòng chảy của bóng đá Đức, có ba cái tên nhận được rất nhiều sự tôn trọng mặc dù tiếng tăm của họ với thế giới là tương đối khiêm tốn. Đó là Volker Finke, Christoph Daum và Ralf Rangnick. Ngày 23/8/1994 là một cột mốc lịch sử khi một Freiburg nhỏ bé khiến gã khổng lồ Bayern Munich “phơi áo” với tỉ số 5-1. Thắng lợi vẻ vang này được dựa trên chiến thuật pressing đồng bộ của Volker Finke. Đây không phải là lối chơi lạ lẫm vào thời điểm này nhưng cách đây gần 30 năm, đó thực sự là một ý tưởng mang tính cách mạng và đã đặt nền móng cho những sự thay đổi của bóng đá Đức sau này.
Giống như Finke, Ralf Rangnick cũng là một nhà cách tân bóng đá. Ông giới thiệu những khái niệm chiến thuật mới, đề cao lối chơi tấn công và đặt trọn niềm tin vào các tài năng trẻ. Dưới bàn tay của Rangnick, Hoffenheim và Leipzig đã tư những đội bóng hạng ba và hạng tư trở thành những CLB có tiếng ở Bundesliga.
So với Finke hay Rangnick, Christoph Daum lại có một bí quyết riêng và hết sức đặc biệt để đi tới thành công.
Ông đã đưa Stuttgart đến với chức vô địch Bundesliga vào năm 1992 nhưng cái cách Daum làm được điều đó lại được miêu tả là “luôn chấp chới giữa điên rồ và sự xuất chúng”. Người ta gọi Daum là người đã thay đổi bóng đá Đức vào những năm 90 và là người giỏi nhất trong việc khơi gợi ngọn lửa nhiệt huyết từ các học trò. Phương pháp của ông cũng rất đa dạng, từ những khoản thưởng “nóng” ngay trong phòng thay đồ cho đến việc đưa một chuyên gia aerobic đến để giúp các cầu thủ thư giãn. Những cầu thủ góp mặt trong đội hình vô địch năm đó của Stuttgart đều có chung một ý chí răng họ sẵn sàng “đổ máu” vì Christoph Daum.
Không chỉ kế thừa về mặt triết lý, giữa các HLV người Đức còn có một sợi dây kết nối trực tiếp giúp họ tạo nên một phong cách làm việc và hướng phát triển thống nhất. Joachim Low từng làm trợ lý cho Jurgen Klinsmann trước khi bắt đầu chu kỳ thành công của mình. Điều tương tự cũng diễn ra với Hansi Flick và Joachim Low, Marco Rose, Thomas Tuchel hay Julian Nagelsmann và Ralf Rangnick.
“Các HLV người Đức luôn biết cách thích nghi với môi trường làm việc”, nhà báo Raphael Honigstein chia sẻ, “Họ không có xu hướng làm việc ở những CLB giàu có nên họ rất linh hoạt trong các phương án. Họ sẽ không đến một đội bóng và đòi hỏi một trung vệ hay một tiền đạo mới. Thay vào đó, họ xoay sở để tạo ra kết quả tốt nhất với những gì có trong tay, cải thiện đội bóng thông qua hệ thống chiến thuật, sáng tạo ra các ý tưởng mới, sự chăm chỉ và cống hiến hết mình. Đó mới là nền tảng vững chắc. Và khi có điều kiện kết hợp tất cả những điều này với các cầu thủ đẳng cấp hàng đầu, họ sẽ tạo ra công thức chiến thắng”.
Nguồn tham khảo: “Why German coaches are the best?” và “The real Rangnick” của truyền hình DW.
Một bức thư được chính danh thủ Mario Gotze soạn trên diễn đàn The Players’ Tribune về hai khía cạnh Mario Gotze cầu thủ bóng đá và Mario Mario Gotze con người đời thường, gửi đến hai thiên thần nhỏ của anh.
Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.
Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.
Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.
Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.