Mohamed Salah: Đốm lửa hồng giữa đêm Ai Cập

Tác giả CG - Thứ Ba 10/10/2017 16:55(GMT+7)

Buổi chiều muộn; nền trời như màu lòng đỏ trứng, bóng tối dần buông, lớp sương mù đặc quánh bao phủ những con phố hiu quạnh. Những con hạc lội bùn sông Nile để bắt cua có lẽ là để ăn với món kofta mà chúng lấy được, một sự lãng phí của một thành phố đìu hiu.
Mohamed Salah: Đốm lửa hống giữa đêm Ai Cập
Quần áo đem phơi bị bỏ quên trên ban công. Không một tiếng la hét, không có âm thanh của bóng đá để phá vỡ đi sự tĩnh lặng. Cairo và những sắc màu của nó là một sự nhạt nhòa.
 
Nhưng những con mắt tập trung vào một trận đấu cách đó hàng trăm dặm. Một tình huống đỡ bóng lỡ trớn của Héctor Bellerín, Mohammed Salah chỉ chờ có thế lao vào cầu thủ người Tây Ban Nha như một con cá nhồng đang mỉm cười đắc thắng. Người Ai Cập và các Scouser (người dân thành phố Liverpool) dường như đều đứng bật dậy; Bellerín cố gắng đuổi theo khi Salah đang băng băng lao về phía khán đài Kop End. Anh ngoái đầu nhìn lại để tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc có thể để xem các cầu thủ Arsenal đang hụt hơi như thế nào trước những bước chạy của anh. Bóng đến vòng cấm địa, anh đối mặt thủ thành người CH Séc, một pha sửa lòng đơn giản bằng chân trái và bóng đi vào lưới.
 
Tất cả mọi người đều phải đứng lên. Trong những phòng khách của người Ai Cập, trong các quán rượu ở Liverpool và ngay tại sân Anfield, tất cả đều đang được chứng kiến cầu thủ chạy cánh này ăn mừng trong vui sướng, cái lưỡi thè ra và cánh tay dang rộng. Đó có lẽ không phải bàn thắng đẹp nhất của Salah, càng không phải pha lập công quan trọng nhất (vì trước khi anh ghi bàn tỉ số đã là 2-0) nhưng có lẽ nó đã gói gọn những gì tốt nhất mà anh sẽ mang tới cho Liverpool của Jurgen Klopp. Sự chính xác, tốc độ, trực diện và những bàn thắng. Rất nhiều bàn thắng là đằng khác. Anh là đại diện cho lối chơi đầy cảm xúc mà Klopp áp dụng: có bản sắc, chạy nhiều và pressing liên tục.
 
Tất cả những điều này cũng khiến người Ai Cập vô cùng yêu mến anh. Dù liên tục thống trị tại AFCON từ những năm 2000 nhưng Ai Cập chưa bao giờ sản sinh ra một cầu thủ hàng đầu gây phấn khích đến như vậy ở một trong những giải VĐQG lớn nhất châu Âu. Mido từng tiệm cận điều này và một trường hợp nữa đang nổi là Mohamed El Neny ở Arsenal, thế nhưng Salah là cầu thủ đầu tiên thực sự bứt lên được. Anh thậm chí còn được ngưỡng mộ hơn những gì anh làm được, khả năng của anh là đủ để giành giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất tuần của Champions League dù chỉ có một pha lập công trong khi những Ronaldo, Cavani và ngay cả John Stones còn ghi nhiều bàn hơn.
 
Tầm quan trọng của Salah với người Ai Cập lớn đến nỗi anh không cần phải thể hiện hết khả năng của mình cũng chiếm được phiếu bầu của tất cả mọi người. Sự sùng bái dành cho anh không chỉ gói gọn ở những màn trình diễn trên sân cỏ. Salah trong tư tưởng còn quan trọng hơn Salah với tư cách một con người.
 
Tất cả những điều trên được trợ giúp bởi một thực tế là anh thi đấu rất tốt trong màu áo đội tuyển quốc gia. 30 bàn sau 55 trận đấu là một con số ấn tượng với một cầu thủ chạy cánh và anh luôn có mặt cùng Pharaohs, ngay cả khi trải qua quãng thời gian thi đấu thất vọng tại Chelsea thì anh luôn sẵn sàng cống hiến cho màu áo Đỏ.
 
Thế nhưng bóng đá Ai Cập ngày càng có nhiều vấn đề. Kể từ sau sự kiện Mùa xuân Ả Rập năm 2011 dẫn đến sự sụp đổ của Hosni Mubarak sau 20 năm làm Tổng thống ở đất nước này, sự chia rẽ về các hệ tư tưởng ngày càng sâu sắc, tình trạng bất ổn ngày một tăng lên. Điều này lan sang cả bóng đá, một vết nhơ đã xảy ra ở sân vận động Port Said. Cuộc ẩu đả giữa các nhóm ultra của Al-Masry SC và Al-Ahly SC khiến giải vô địch quốc gia Ai Cập phải xóa sổ trong vòng 2 năm kể từ 1/2/2012.
 
Ultra của Al-Ahly là một phần của nhóm tổ chức chống lại chế độ quân sự đã thay thế Mubarak và những báo cáo của chính phủ cho thấy việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ngày càng gia tăng. Sự hiện diện của cảnh sát và an ninh mật khiến hơn 70 người chết, hơn 70 người bị bắt và số người bị thương không thể đếm nổi. Những ngọn lửa bùng phát và máu loang lổ khắp trên đường phố trong một đêm Cairo kinh hoàng. Thế nhưng, thảm họa này có lẽ càng làm nổi bật tầm quan trọng của Salah cũng như việc anh rời El Mokawloon SC và tới FC Basel.
 
Salah ra mắt trong màu áo El Mokawloon năm 18 tuổi và nhanh chóng trở thành một gương mặt không thể thiếu của đội bóng thủ đô Cairo. FC Basel liên tục quan sát và giữ sự chú ý dành cho anh. Không muốn tài năng người Ai Cập bị bỏ phí khi giải vô địch quốc gia của nước này bị hủy bỏ vào cuối mùa giải 2011/2012, Basel đã hành động bằng cách tổ chức một trận giao hữu với đội U23 Ai Cập. Salah vào sân từ ghế dự bị, ghi bàn trong chiến thắng 4-3 và sau đó chuyển tới Thụy Sĩ. Như vậy là viên than hồng sáng nhất của bóng đá Ai Cập đã được đốt cháy ngay trong thời khắc tăm tối nhất.
 
Tham nhũng và biến động chính trị trong những năm này khiến ở khắp mọi nơi, Ai Cập thiếu những con người có thể vượt qua được vấn đề ly giáo và chia rẽ bè phái làm xói mòn đất nước, xói mòn của cải quốc gia. Thế nên một cách rất tự nhiên, đúng như khái niệm của nó, những người anh hùng dân tộc phải trở nên lớn lao hơn con người thực sự của họ, giống như việc Salah giành giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất tuần của Champions League vậy. Quả thực là như thế, với sự tôn sùng của cả đất nước dành cho anh, Salah trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết ở Ai Cập. Anh chưa bao giờ chơi cho hai đội bóng lớn nhất trong nước - El-Ahly SC và Zamalek SC - nên không làm mất lòng bất cứ người hâm mộ nào của hai đội bóng này. Trong khi đó thời điểm thi đấu cho Fiorentina, Salah đã từng có hành động tưởng nhớ tới 74 người đã chết của Port Said với một chiếc áo có in số.
 
Một hiện tượng kỳ lạ nhưng phổ biến hiện nay là sự bất ổn chính trị thường là môi trường để những người anh hùng không chính thống xuất hiện. Họ gián tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người, họ là những người nổi tiếng, cầu thủ bóng đá, đột nhiên được trao gửi niềm tin rằng họ không giống như người bình thường. Ví dụ như chính phủ thời chiến của Anh từng sử dụng ngành công nghiệp giải trí để củng cố thứ Chủ nghĩa dân tộc lãng mãn mà họ gọi là “blitz spirit” (thể hiện chủ nghĩa khắc kỷ hay quyết tâm vượt qua khó khăn của một nhóm người). Sau này, những phát biểu của Didier Drogba vào năm 2005, sau khi kéo Bờ Biển Ngà tới VCK World Cup, đã trở thành một lời kêu gọi kết thúc cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước trong vòng 5 năm. Những gì mà Drogba nói ra được lắng nghe nhiều hơn việc các chính trị gia tham nhũng thể hiện trách nhiệm của họ.
 
Tuy nhiên, bản chất của sự tôn sùng mà người Ai Cập dành cho Mohamed Salah rất khác. Nó gần giống như những gì mà những người mơ mộng về thứ bóng đá giải trí vẽ ra. Bóng đá khởi nguồn cho chiến tranh, giống như cuộc “Chiến tranh bóng đá” giữa El Salvador và Honduras hay như trong Thế chiến thứ nhất. Salah sẽ không kết thúc hay khởi nguồn chiến tranh, nhưng anh có thể ngăn cản các hậu vệ, anh có thể bắt đầu một đợt phản công với sức bền của một cuộn dây Tesla, anh có thể ngăn chặn sự quá khích của các cổ động viên bằng cách nói chuyện với họ, anh có thể khiến người ta khóc, hát vang tên anh và đôi khi thế là đủ để ngăn cản những sự chia rẽ ở đất nước Ai Cập. Anh ít khi nói về tình hình chính trị ở nước mình và để đôi chân trái phù thủy mê hoặc những mảnh vỡ trong xã hội Ai Cập, từ những cồn cát ở sa mạc Sahara cho tới đống đổ nát tại ngọn hải đăng Alexandria. Anh nhắc nhở chúng ta về sức mạnh chính trị ngầm của những gương mặt giải trí, về vai trò văn hóa của những cú cắt vào bên trong từ cánh phải và đưa bóng vòng qua cánh tay thủ môn rồi bay vào lưới.
 
Và ngày hôm qua, bàn thắng từ đôi chân điềm tĩnh trên chấm phạt đền của anh đã đưa Ai Cập vào tới World Cup - điều mà họ đã chờ đợi suốt 28 năm, và còn đó là giấc mơ của thủ môn kì cựu Essam El-Hadary (45 tuổi) - người ra mắt màu áo ĐTQG kể từ năm 1996, lần đầu tiên được góp mặt ở sân chơi cao nhất đã không còn là giấc mơ nữa. Didier Drogba sau khi chứng kiến câu chuyện kì diệu ấy đã không ngần ngại gửi lời chúc mừng đến Salah: "Tôi cảm thấy tự hào vi người anh em đã trở thành thủ lĩnh đích thực của dân tộc. Chiến tích này làm tôi nhớ đến hình ảnh của chính mình và Đội tuyển Bờ Biển Ngà năm 2006"
 
Salah có lẽ sẽ không bao giờ được thừa nhận như một lực lượng chính trị nào đó - anh sẽ không phải là Drogba - nhưng làm thế nào mà anh có thể chống lại một cuộc chiến tranh đã chia rẽ đất nước mình? Với sự hỗn loạn của đời sống chính trị Ai Cập cũng như khi khả năng của Mohamed Salah đã sa sút thì vai trò xã hội của cầu thủ này vẫn sẽ tiếp tục tăng lên, vai trò của một đại diện giải trí phi chính trị trong một thế giới đậm mùi chính trị. Đã từ lâu, khi mà những con phố ở Cairo không bị đánh bom thì cũng trôi đi trong cái tĩnh lặng của sự sợ hãi, con mãnh hổ mang tên Salah vẫn lao lên và ngoặt bóng ở khu vực 16m50. Miễn là họ phải dừng lại trước mỗi cũ chạm bóng của anh thì anh sẽ vẫn là một biểu tượng “không chính thống” của người Ai Cập trong tương lai.
 
Lược dịch từ bài viết Mohamed Salah and The Political Power of the Apolitical Entertainer trên Football Paradise

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?