Mainz 05: Góc khán đài nhỏ của Jurgen Klopp

Tác giả Frank - Thứ Năm 14/09/2023 16:15(GMT+7)

Cuối tuần trước là quãng thời gian yên ả với các giải VĐQG châu Âu khi họ tạm dừng để nhường chỗ cho vòng loại Euro 2024. Nhưng với Mainz 05, họ lại đón chào một nhân vật đặc biệt trong một sự kiện cũng rất đặc biệt: Jurgen Klopp với chiếc áo phông và mũ lưỡi trai quen thuộc xuất hiện tại trận giao hữu giữa Mainz 05 và Duisburg. 

 

Đó là trận đấu cuối cùng mà khán đài phía Nam của sân Bruchwegstadion – sân nhà cũ của Mainz 05 mở cửa đón khách trước khi bị phá hủy. Sân vận động cũ kỹ với vỏn vẹn 18,700 chỗ ngồi ấy chính là một phần ký ức trong sự nghiệp của Klopp. Đây là nơi ông xỏ giày ra sân trong 11 năm trước khi chấm dứt sự nghiệp quần đùi áo số. Cũng chính tại nơi đây, Klopp bắt đầu sự nghiệp huấn luyện đầy ắp những kỷ niệm thăng trầm của mình.

Dưới bàn tay của vị chiến lược gia sinh năm 1967, Mainz 05 từ một đội bóng tỉnh lẻ đã tiến bộ vượt bậc để ghi tên mình trên bản đồ bóng đá nước Đức. Họ trình diễn một lối chơi phóng khoáng và luôn hừng hực khí thế của những cầu thủ trẻ. Đó là những bước đi đầu tiên để Klopp định hình nên lối đá gegenpressing nổi tiếng sau này.

Nhưng không chặng đường nào chỉ toàn trải bước trên hoa hồng. Hai năm đầu tiên dưới thời Jurgen Klopp, Mainz 05 đều đứng thứ 4 tại giải hạng Hai Bundesliga và xếp sau nhóm 3 đội thăng hạng. Đỉnh điểm của nỗi đau chính là mùa giải 2002/2003 khi họ bằng điểm đội thứ 3 là Eintract Frankfurt và vuột mất tấm vé thăng hạng khi kém đối thủ đúng… 1 bàn thắng. 

 

Những ký ức buồn đó đã được xóa nhòa chỉ 1 năm sau đó khi Mainz 05 cán đích ở vị trí thứ 3 và lần đầu tiên lên chơi tại Bundesliga. Trong mùa hè 2004, một hình ảnh biếm họa đã được đăng nhiều trên các mặt báo tại Đức khi Mainz 05 đứng tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của Bundesliga. Đại diện cho một thành phố nhỏ với dân số chỉ vỏn vẹn 200 nghìn người, một ngân sách eo hẹp và chưa từng lên chơi tại giải đấu cao nhất nước Đức, Mainz 05 giống như một đội bóng bước ra từ một câu chuyện cổ tích. 

Những ký ức đó có lẽ đã ùa về trong tâm trí Klopp khi ông đứng ngắm nhìn khán đài phía Nam của Bruchwegstadion lần cuối. Bruchwegstadion đã không còn là sân nhà của Mainz 05 từ năm 2011, và Klopp cũng đã trải qua những đỉnh cao mới kể từ khi rời đội bóng phía Tây nước Đức, nhưng sau tất cả, đây vẫn là một nơi đặc biệt nhất với ông. 

 

Chính tại nơi đây, nền móng của gegenpressing, của thứ bóng đá heavy metal được khơi nguồn. Cũng chính tại nơi đây, Klopp học được cách xây dựng một thứ văn hóa gắn kết đội bóng với các CĐV, những người đã theo dõi và ủng hộ ông kể từ khi còn là cầu thủ. Đó chính là những thứ căn cơ nhất để Klopp xây dựng nên những thành công cùng Borrussia Dortmund hay Liverpool sau này.

 

Có lẽ cũng chính bởi thế mà kể cả sau khi trở thành tân vương của châu Âu năm 2019 cùng Liverpool, Jurgen Klopp vẫn khẳng định: “Vô địch Champions League thì đúng là rất tuyệt. Nhưng với tôi, thành tựu lớn nhất trên cương vị HLV vẫn là việc đưa Mainz 05 thăng hạng Bundesliga năm 2004.”

Câu nói đó cho thấy tình yêu của một con người chung thủy và sự khiêm tốn của một thiên tài. Ngay cả khi đứng trên đỉnh châu Âu, Jurgen Klopp vẫn luôn coi trọng nơi mình khởi đầu. Dortmund có thể nổi tiếng với “The Yellow Wall” tại Signal Iduna Park, Liverpool có thể tự hào với chảo lửa mang tên Anfield, nhưng với Jurgen Klopp, những góc khán đài nhỏ tại Bruchwegstadion vẫn luôn có một vị trí rất đặc biệt.

Và có lẽ cũng bởi thế, thay vì tận hưởng những ngày nghỉ ở một bãi biển hay quan tâm tới những tin đồn về chiếc ghế HLV trưởng ĐT Đức, Klopp trở lại với thành phố Mainz bé nhỏ để nói lời tạm biệt với góc khán đài của riêng mình.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.