Kepa Arrizabalaga và hành trình rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 02/11/2021 19:00(GMT+7)

Từ một cái tên nhận rất nhiều chỉ trích, Kepa đang chứng tỏ anh vẫn có thể đóng góp giá trị cho Chelsea.

CHẠM ĐÁY NỖI ĐAU

Đã ba năm trôi qua kể từ Chelsea phá vỡ hợp đồng để đưa Kepa Arrizabalaga từ Athletic Bilbao với số tiền kỉ lục 71 triệu bảng... để chúng ta thẳng thắn một điều: Kepa có thể sẽ không bao giờ tương xứng với số tiền trên. Bi hài ở chỗ, đã có quá nhiều dấu hiệu cho thấy đó là thương vụ thất bại.

Trước hết, đó là một vụ mua sắm hoảng loạn. Thibaut Courtois sau những lần “tỏ tình” với Real Madrid trong các cuộc phỏng vấn, bất thình lình đòi sang Real Madrid bằng được, đúng vào thời điểm Allison Becker đã đồng ý đến Liverpool. Maurizio Sarri cần một thủ môn chơi chân giỏi, còn thị trường chuyển nhượng thì sắp đóng cửa. Chelsea trong vai một người đi chợ hoa chiều 30 Tết nhưng vẫn muốn có cây đào tươm tất trong nhà, chấp nhận trả đủ 71 triệu bảng để đưa Kepa Arrizabalaga về sân Stamford Bridge.

Điều này khiến các chuyên gia có phần ngạc nhiên. Họ không hiểu tại sao Chelsea lại bỏ ra số tiền lớn đến thế cho một thủ môn có những con số thống kê khá bình thường ở La Liga. Cây viết Derrick Yam của Statsbomb đã hơn 5 lần dùng từ “trung bình” khi miêu tả thông số của thủ thành người Tây Ban Nha. 

Mùa giải đầu tiên của Kepa dưới thời Sarri diễn ra không quá tệ, dù tỷ lệ cứu thua 67,5% vẫn là tỷ lệ thấp nhất của Kepa từ trước đến giờ. Những màn trình diễn thuyết phục ở một vài thời điểm (như trận gặp Eintracht Frankfurt chẳng hạn, khi anh đẩy được hai quả phạt đền) là đủ để che đi những tồn đọng của anh.

Ảnh: Getty Images

Nhưng mùa giải đó giống như mỳ gói, bề ngoài bao bì rất đẹp nhưng thực tế thì không như vậy. Đến khi Frank Lampard lên nắm quyền, một HLV vẫn còn non kinh nghiệm để bố trí một hàng thủ vững chãi, Kepa sở hữu tỷ lệ cứu thua thấp đến khó tin (53,47%, thấp nhất trong số các thủ môn chơi ít nhất 1000 phút tại Premier League). 

Chelsea nhìn chung phòng ngự rất tệ hại trong giai đoạn 2019/2020. Không đội bóng nào ở Premier League để lọt lưới nhiều hơn 8 bàn do các đợt phản công như họ. 10% các pha dứt điểm mà Chelsea phải nhận ở trong vòng cấm; chỉ Crystal Palace, Newcastle và Sheffield United (11%) là có tỉ lệ cao hơn. Ngoài ra, chỉ có Amiens – đội bóng đã xuống hạng ở giải Ligue 1 của Pháp để thủng lưới từ các pha cố định nhiều hơn đội bóng của Lampard tính trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. 

Tuy nhiên, việc để thủng lưới hơn tới 12 bàn so với dự kiến (xGOT – chỉ số đại diện cho khả năng bóng sẽ vào lưới cao đến đâu sau khi cú sút trúng đích được tung ra - của Kepa là 34,33 bàn, nhưng số bàn thua phải nhận lên tới 47 bàn) vẫn là con số quá tệ đối với một thủ môn. Các chuyên gia bắt đầu vào cuộc và những khiếm khuyết bắt đầu được chỉ ra: khi chuẩn bị thực hiện một pha cản phá, Kepa có xu hướng vung tay về phía sau cơ thể trước khi đổ người. 

Trên lý thuyết, động tác này giúp thủ môn có lực hơn để đổ người, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc anh ta sẽ cần lâu hơn một tích tắc so với các thủ môn khác, để đưa cánh tay về phía trước một lần nữa nhằm thực hiện pha cản phá. Ngoài ra, sở hữu một thân hình có phần nhỏ người so với một thủ môn (cao 1m86) khiến Kepa không thể làm chủ vòng cấm của mình, đặc biệt là ở các tình huống cố định. Rất hiếm khi thủ môn sinh năm 1994 bắt được dính bóng; các pha ra vào của thủ môn người TBN cũng không tỏ ra hợp lý về mặt thời gian.

Đó là thời điểm niềm tin của các cổ động viên dành cho Kepa gần như chạm đáy. Không nhiều đội phải xoay vòng thủ môn như Chelsea thời điểm đó. Chelsea thủng lưới số bàn kỉ lục (54 bàn) trong một mùa giải.

RŨ BÙN ĐỨNG DẬY

Lampard nhanh chóng đưa Edouard Mendy về sân Stamford Bridge mùa giải 2020/2021. Dù sau đó Lampard bị sa thải, Mendy vẫn là chốt chặn đáng tin cậy ngay cả khi Thomas Tuchel nắm đội.

Chelsea đứng trước tình huống khó xử. Một mặt họ vẫn muốn cho Kepa cơ hội để làm lại, bởi số tiền bỏ ra là quá lớn để buông bỏ anh; nhưng 71 triệu bảng cho một thủ môn dự bị giống như bạn dát vàng cái ghế massage ở nhà xong một năm chỉ dùng 2 đến 3 lần. Mức lương của Kepa cũng quá cao (170.000 bảng/tuần) khiến các đội bóng khác chùn tay khi mượn anh.

Ảnh: Getty Images

Tuchel sẵn sàng cho Kepa cơ hội (đó cũng là điều ban lãnh đạo mong muốn), nhưng đây là hoàn cảnh mà Kepa hoàn toàn có thể chấp nhận ăn không ngồi nhận lương đến khi hết hợp đồng dài tận... 7 năm.

Rất may cho ban lãnh đạo và cho cả những ai hâm mộ thủ thành người Tây Ban Nha, Kepa không phải là kẻ yêu sách. Âm thầm tập luyện (xem các buổi tập của đội có thể thấy Kepa bắt rất chắc tay), nâng cao thể chất (thể hình của Kepa dày lên trông thấy), để đến khi được bắt chính trong các “bài test” nhỏ (gặp Newcastle, Brighton hay các đội bóng nhỏ ở cúp FA), Kepa tỏ ra vô cùng chắc chắn. Thậm chí thủ môn sinh năm 1994 bắt rất tốt khi Chelsea gặp Manchester City ở bán kết FA Cup, dẫn đến việc Tuchel sẵn sàng cho Kepa bắt chính trận chung kết (dù đó là trận đấu có phần đen đủi, khi Kepa bị thủng lưới ở cú sút nguy hiểm đầu tiên của Leicester City).

SÁNG LÒA

Khi chưa thể lấy lại vị trí chính thức từ tay Mendy trong thời gian thi đấu chính thức, Kepa lại thể hiện rất tốt khi đội phải bước vào các loạt đá phạt đền. Sở hữu khả năng bắt penalty cực tốt, Kepa đã một tay cứu đội nhiều lần. Một quả penalty ở trận đấu điên rồ với Valencia, loạt sút phạt đền với Tottenham tại Carabao Cup 2018/2019 hay trận bán kết Europa League với Eintracht Frankfurt. Ngay cả khi dính vào vụ lùm xùm với ông thầy Sarri ở trận chung kết Carabao Cup 2018/2019, Kepa cũng đẩy được một quả phạt đền.

Đó là tiền đề để Tuchel rút Mendy ra trong trận chung kết Siêu cúp châu Âu với Villarreal và thay bằng Kepa, khi trận đấu chỉ còn 2 phút nữa là đến loạt đá luân lưu. Sau trận đấu, ông có nói rằng đó là quyết định dựa trên thông số, dữ liệu và đã được bàn bạc từ sớm, chứ không phải quyết định cảm tính. Theo thống kê của chuyên gia phân tích thủ môn John Harrison, Tuchel hoàn toàn có lý: số quả phạt đền Mendy có thể cản phá rơi vào khoảng 4 quả, nhưng anh chỉ cản được 2 trong số đó. Trong khi đó thành tích bắt 11m của Kepa vượt trội hơn hẳn, khi đẩy được 5 quả phạt đền dù theo dự kiến chỉ có thể cản phá được 4 quả.

Ảnh: Getty Images

Kepa đẩy được hai quả phạt đền trong trận đấu đó. Thông điệp của Tuchel khá là rõ ràng cho một số HLV cố thay đổi người để đá phạt đền nhưng vẫn thất bại: thay người đá 11m tốt chỉ giúp họ thực hiện tốt một lượt đá, trong khi thay một thủ môn bắt 11m tốt có thể giúp họ thay đổi cả một loạt đá luân lưu.

Còn với Kepa, đó đơn giản là niềm tin đã được lấy lại. Hình ảnh “Kepa thay không ra” chính thức khép lại, thay vào đó là việc Kepa sẽ trở thành người cứu rỗi Chelsea mỗi khi có loạt đá luân lưu. Có một điều thú vị ở EFL Cup mùa này: Chelsea khá thoải mái trong việc đưa đội hình dự bị ra sân khi gặp hai đối thủ khó chịu là Aston Villa và Southampton, bởi một khi không thể giải quyết đối thủ trong 90 phút, Kepa sẽ làm phần việc của mình ở loạt đá phạt đền. Chúng ta đang nói đến một trong những thủ môn bắt 11m tốt nhất thế giới hiện tại: Chelsea thắng 5 trong 7 loạt phạt đền có sự góp mặt của Kepa. Anh cũng trở thành thủ môn cản phá nhiều quả phạt đền nhất trong lịch sử Chelsea (8 lần).

Từ một vật tế thần (Scapegoat), cho đến việc trốn chạy thực tại (Scape) bằng việc tập luyện chăm chỉ và chờ đợi cơ hội, để rồi trở thành cầu thủ vĩ đại (G.O.A.T) trong mắt nhiều người, sẽ là cả một quá trình dai dẳng và đầy rẫy những khó khăn, áp lực của Kepa Arrizabalaga.

Khổ tận cam lai, cái tên Kepa đang trở nên vô cùng đáng tin cậy. Sau những thành công ở loạt đá phạt đền, cơ hội trở lại bắt chính đang rõ ràng bao giờ hết, nếu anh tận dụng tốt việc Mendy thi đấu giải AFCON 2021 vào tháng 1 năm sau để tỏa sáng.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.