Ngày hôm nay, “thiên thần” - cái cách mà chúng ta vẫn thường gọi Kaka - bước sang tuổi 38: gương mặt đã nhiều gió sương nhưng anh vẫn sẽ mãi là biểu tượng về cái đẹp tinh khôi và hoàn mỹ của túc cầu giáo.
Trước thềm World Cup 2002, Rivaldo được các phóng viên hỏi tài năng nào của Brazil sẽ thực sự đáng xem ở giải đấu tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Câu trả lời của ngôi sao Barcelona khiến giới truyền thông khá hoang mang.
“Có một cậu trai đang chơi cho Sao Paulo tên là Kaka, vị trí thi đấu phía sau 2 tiền đạo. Ở châu Âu, các anh chưa biết bất cứ điều gì về cậu ấy, tuy nhiên hãy theo dõi nếu cậu ấy được chọn tham dự World Cup”, Rivaldo bày tỏ. Cánh phóng viên thực sự hoang mang bởi “kaka” trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là… phân. Mặc cho sự bối rối của giới truyền thông, Rivaldo vẫn quả quyết cầu thủ đó sẽ là một ngôi sao lớn trên bầu trời bóng đá.
Gần 5 năm sau, chàng trai ấy - Kaka - người từng khiến truyền thông rối bời bởi biệt danh của mình đã trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Một chàng trai với gương mặt đẹp thánh thiện và tâm hồn trao gửi cho Chúa, một cầu thủ với những dáng chạy lả lướt mà chẳng cần cầu kỳ, Kaka hiện lên như một nguồn cảm hứng cho rất nhiều người yêu bóng đá. Đã có rất nhiều những mỹ từ được dùng để nói về Ricardo Izecson dos Santos Leite (tên thật của Kaka). Suốt một thời gian, anh là biểu tượng của vẻ đẹp hoàn mỹ với một cầu thủ: tài năng, tính cách và ngoại hình.
Trước năm 2018, trước khi Cristiano Ronaldo và Lionel Messi thay nhau giành Quả bóng vàng và thống trị hơn một thập kỷ trên đỉnh bóng đá, Kaka là người gần nhất nhận giải thưởng này. Trước kỷ nguyên YouTube, Facebook, Twitter, Instagram - hay nói chung là mạng xã hội - bùng nổ, Kaka là số một. Trong buổi lễ trao giải thưởng Quả bóng vàng vào tháng 12/2007 tại Zurich, Thụy Sĩ, đứng trước rất nhiều những gương mặt hàng đầu của làng túc cầu, cầu thủ người Brazil tuyên bố: “Đây là kỷ nguyên mới của bóng đá, một vòng xoay mới đang bắt đầu. Trước đây chúng ta có những cầu thủ xuất sắc, nhưng hiện nay những lứa cầu thủ mới đang bắt đầu làm nên lịch sử”.
Kaka nói đúng. Kỷ nguyên thống trị của Messi và Ronaldo đã thay đổi hoàn toàn lịch sử. Họ tạo ra một "cõi riêng" về tầm ảnh hưởng, số lượng bàn thắng, những cuộc cạnh tranh về thương mại giữa các nhãn hàng, những câu chuyện hậu trường xoay quanh họ luôn là chủ đề nóng trong cả thập kỷ. Nhưng vào năm 2007, Kaka là số một.
Sau khi Kaka đã chuyển tới Real Madrid với bản hợp đồng kếch xù, Andrea Pirlo chia sẻ: “Trong 2 hay 3 năm qua, cậu ấy là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Từng có thời điểm các đội bóng chẳng biết làm thế nào để ngăn cậu ấy lại cả”. Ngày tới AC Milan, anh gia nhập với mức giá 8,5 triệu euro mà chủ tịch Silvio Berlusconi miêu tả nó chẳng khác nào giá một “củ lạc”; ngày anh rời đi, Rossoneri thu về 67 triệu euro.
Thế nhưng những gì tinh hoa nhất của nghề cầu thủ anh đã bỏ lại ở San Siro, những điều đẹp đẽ nhất đã không còn kể từ ngày anh dứt chiếc áo đỏ đen mà ra đi. Thật đáng tiếc, ngôi sao Brazil không trụ lại được trong cuộc chơi với 2 người đồng nghiệp đứng cùng với anh tại Zurich gần 13 năm trước.
Không có kiểu thi triển bóng thêu hoa dệt gấm như Ronaldinho, lối chơi của Kaka là sự tối giản. Nhưng đôi khi tối giản lại là điều tuyệt vời nhất. Kaka lướt đi trên sân nhẹ bẫng bằng kỹ năng kiểm soát, sự uyển chuyển của đôi chân, cái đầu lạnh và sự nhanh nhẹn. Darren Fletcher, Gabriel Heinze và Patrice Evra chắc chắn không thể quên buổi tối tháng 4 của 2007 trên sân Old Trafford, Kaka đã vượt qua cả 3 bọn họ trước khi hạ gục nốt Edwin Van der Sar chỉ bằng một cú dứt điểm chìm.
Các cổ động viên Celtic có lẽ cũng chưa quên cái cách Kaka đi bóng solo từ vòng tròn giữa sân rồi dứt điểm qua 2 chân Artur Boruc, mặc kệ những cái bóng áo xanh trắng ra sức bám đuổi. Còn các Milanista sẽ luôn nhớ tới cú đúp của Filippo Inzaghi trong trận chung kết Champions League 2007 mà Kaka là người kiến tạo nên bàn thứ 2. Trước đó 2 năm, cầu thủ người Brazil thậm chí còn thực hiện một pha kiến tạo đẹp mắt và ấn tượng hơn thể để Hernan Crespo ghi bàn vào lưới Liverpool cũng ở một trận chung kết cúp châu Âu.
Nhà báo kỳ cựu Gabriele Marcotti nhận xét: “Phép thuật của Kaka không phải thứ phép thuật được sinh ra từ những chuyển động hào nhoáng hay những cú chạm hoa mỹ. Đó là loại phép thuật đặc biệt và cũng hiệu quả nhất, kỹ năng được chắt lọc thành những gì tinh túy nhất. Không có gì lãng phí, mọi thứ đều được sử dụng có mục đích”. Còn HLV Carlo Ancelotti bày tỏ: “Cậu ấy cực kỳ điểm tĩnh và tỉnh táo, không bao giờ quá hưng phấn hay ủ dột”.
Kaka là cầu thủ hiền và lành. Sau khi nhận giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA (2007), thay vì đắm mình trong những cuộc tiệc tùng thâu đêm, anh trở lại quê nhà Sao Paolo để tham dự một buổi triển lãm đặc biệt ở trụ sở trung tâm truyền giáo thành phố. Tại đây, suốt nhiều năm liền Kaka vẫn đóng góp thu nhập cho nhà thờ. “Tôi thuộc về Chúa”, chúng ta đều quen thuộc dòng chữ trên áo đó của anh.
Anh tin Chúa từng cứu sự nghiệp của mình sau một tai nạn kinh hoàng năm 18 tuổi và niềm tin đúng đắn giúp anh có một sự nghiệp chuẩn mực về đạo đức. Bởi thế mà tiền đạo Alexandre Pato từng tiết lộ khi mới tới AC Milan, Ronaldo “O Fenomeno” đã giơ một cuốn tạp chí Playboy ra và hỏi anh rằng “cậu về phe tôi hay phe Kaka, một người luôn sống với chuẩn mực của nhà thờ”.
Những ngày này, các trận bóng hầu hết đang phải dừng lại. Tuy nhiên trên các nền tảng của UEFA hay FIFA, những trận cầu kinh điển của quá khứ vẫn đang được chiếu lại. Và nếu bạn có gặp lại gương mặt Kaka, có được chứng kiến lại những bước chạy lả lướt của anh trên sân, hãy trân trọng bởi đó là những ký ức đẹp của một thuở chúng ta đam mê trái bóng tròn. Ngày hôm nay, “thiên thần” - cái cách mà chúng ta vẫn thường gọi Kaka - bước sang tuổi 38: gương mặt đã nhiều gió sương nhưng anh vẫn sẽ mãi là biểu tượng về cái đẹp tinh khôi và hoàn mỹ của túc cầu giáo.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.
Những lời tâm sự được chính cựu danh thủ Adriano viết trên website The Players’ Tribune, về nhịp sống tại khu ổ chuột nơi anh sinh thành, về quyết định rời bỏ thế giới bóng đá đỉnh cao hào nhoáng để tìm lại về nơi đây.