Kai Havertz: “Tôi thấy có mối liên hệ đặc biệt với những chú lừa”

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 05/04/2023 17:59(GMT+7)

“Một số đồng đội gọi tôi là donkey (con lừa - ND),” một nụ cười toe toét hiện trên khuôn mặt của Kai Havertz. “Không phải vì cách chơi bóng của tôi,” tiền đạo của Chelsea nói thêm, như thể anh nghĩ mình cần phải làm vậy (donkey còn có nghĩa là tên ngốc - ND). 

 
 

“Một số đồng đội gọi tôi là donkey (con lừa - ND),” một nụ cười toe toét hiện trên khuôn mặt của Kai Havertz. “Không phải vì cách chơi bóng của tôi,” tiền đạo của Chelsea nói thêm, như thể anh nghĩ mình cần phải làm vậy (donkey còn có nghĩa là tên ngốc - ND). 

Thay vào đó, anh nói với loài vật này một cách sâu sắc hơn. “Từ lâu rồi, tôi đã cảm thấy có mối liên hệ đặc biệt với những chú lừa. Đó là một loài vật điềm tĩnh; có lẽ tôi đã nhìn thấy mình trong chúng, bởi tôi cũng rất điềm tĩnh. Nó tỏ ra lạnh lùng, chẳng làm gì nhiều, chỉ muốn sống cuộc đời của mình. Tôi rất yêu chúng. Mỗi khi thua trận, tôi sẽ đến vườn thú. Nhìn vào những con vật, tôi thấy nét gì đó của con người trong chúng. Đó là một kiểu chữa lành tâm hồn, là nơi tôi cảm thấy bình yên.”

Đó là một buổi sáng lạnh và ẩm ướt ở Wimbledon. Havertz đang nói về cuộc sống, bóng đá và mọi thứ liên quan đến nó, kể cả chính trị, tiền bạc và chiến tranh. Bằng giọng nói mạch lạc và điềm tĩnh, tuyển thủ người Đức nói về sự thay đổi ở Chelsea nói riêng và thế giới bóng đá nói chung. Tất nhiên là cả chính bản thân anh: Về việc ghi bàn ấn định chiến thắng trong trận chung kết Champions League, về giấc mơ mà các cầu thủ muốn vươn tới cũng như áp lực theo đuổi họ. Nhưng trên hết vẫn là về động vật.

Hóa ra, đó là điều khiến anh xúc động nhất. Mẹ của Havertz là luật sư, còn bố là cảnh sát. Sinh ra và lớn lên ở Aachen, khi còn bé, họ đã tặng anh một chú lừa dễ thương. Năm Havertz 18 tuổi, bố mẹ đã tặng anh ba chú lừa, “một món quà đặc biệt, được nhận nuôi từ một khu bảo tồn”. Chú lừa đầu tiên tên là Toni, “giống tên của Rüdiger”, còn một chú lừa khác tên là Hope (hy vọng - ND) được cứu khỏi tay người bán thịt khi đang bị quấn dây quanh cổ. “Nó mất rồi, giờ nó đã có một cuộc sống tốt đẹp hơn,” cầu thủ 23 tuổi nói.

 

Sau trận lụt ở Đức năm 2021, một ý tưởng được Havertz nhen nhóm, với hệ quả là sự ra mắt của Kai Havertz Stiftung hôm thứ Tư, tổ chức từ thiện lấy cảm hứng từ việc chăm sóc động vật, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực phát triển thanh thiếu niên và chăm sóc người già. “Bóng đá không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi,” Havertz nói. “Những thứ khác có thể quan trọng hơn gấp 100 lần. Điều này không dễ để nói ra và có thể mọi người không thích điều đó, nhưng đó là cảm giác của tôi.” 

Nhưng đừng hiểu lầm Havertz. Cầu thủ sinh năm 1999 gọi bóng đá là “điều tuyệt vời nhất thế giới”, dù áp lực là rất lớn. Đã có những giây phút hỗn loạn, chứng kiến lệnh trừng phạt, cầu thủ phải tự trả tiền xăng và khách sạn, hàng chục bản hợp đồng mới tại Stamford Bridge và Chelsea đứng thứ 10 tại Premier League. Tuy nhiên, Havertz luôn khẳng định “không ai có thể nói rằng tôi không cống hiến 100%”.

Quá nhiều điều đã xảy ra và thật khó để giải thích với tư cách là cầu thủ. “Chúng tôi có một HLV mới và đội ngũ nhân viên mới,” Havertz chia sẻ. “Một phòng thay đồ hoàn toàn mới, với rất nhiều cá tính. Bạn phải thích nghi cũng như xây dựng các mối quan hệ. Tôi đã chơi với Jorginho trong hai năm rưỡi, tôi thích ở bên anh ấy.

“Sau đó, Jorginho gọi cho tôi vào một buổi tối và nói: 'Tôi sẽ ra đi'. Tôi kiểu: 'Cái gì vậy? Thế quái nào điều này có thể xảy ra?’ Đây là cách mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Đó là một điều rất đời thường. Bạn cần chấp nhận nó, bởi đó là bóng đá. 

 

“Đây là năm thứ sáu tôi thi đấu chuyên nghiệp và tôi đã được dẫn dắt bởi… 7 HLV: 4 người ở Đức và 3 người ở Chelsea. Hàng chục cầu thủ cập bến trong hè. Số tiền Chelsea chi ra cho Enzo Fernández và Mykhailo Mudryk là rất lớn. Nhưng bạn không thể mong đợi họ trở thành Neymar ngay lập tức. Giống như tôi, họ cần có thời gian.

“Mức giá của tôi là một vấn đề lớn,” Havertz, người đã gia nhập Chelsea với giá 72 triệu bảng từ Bayer Leverkusen năm 2020 thừa nhận. “Khi đó, tôi là cầu thủ đắt giá nhất Chelsea. Tôi không biết họ đã trả bao nhiêu tiền, nhưng đó là điều bình thường trong bóng đá; hãy nhìn vào những thương vụ chuyển nhượng gần đây của chúng tôi. 

“Điều đó mang đến áp lực, vì mọi người nghĩ bạn là Messi. Khi đó, tôi chỉ mới 21 tuổi. Mọi người không thấy điều đó; họ thấy mức giá cao ngất ngưởng của bạn, nên bạn phải chơi xuất sắc ngay từ ngày đầu tiên. Bạn có thể cảm nhận sự căng thẳng.

“Tôi cập bến Chelsea trong đợt dịch Covid. Điều đó có khi lại hay, vì 6 tháng đầu tiên của tôi tại Stamford Bridge diễn ra không suôn sẻ. Nếu người hâm mộ ở đó, họ có thể sẽ la ó bạn. Bạn nhìn thấy các ống kính đều chĩa vào bạn. 

“Tôi không lớn lên như vậy. Tôi không muốn trở thành tâm điểm và mọi người đều có thể nhìn thấy. Ban đầu mọi thứ cũng khá điên rồ. Ở Leverkusen, mọi người cũng chăm chú theo dõi tôi như vậy. Nhưng nếu bạn thêm mức giá ở đây (vừa nói, Havertz vừa chỉ vào đầu mình), áp lực là rất rõ ràng. Khi tôi 17, 18, 19 tuổi, bóng đá kiểm soát cuộc đời tôi. Nếu tôi có một trận đấu tồi tệ, tôi không biết sẽ đi đâu sau đó. 

 

Hẳn Havertz sẽ chăm lo cho những chú lừa? “Đúng vậy. Nhưng lừa không phải là con vật điển hình cho cầu thủ bóng đá.” Khi được hỏi liệu Havertz có cảm thấy khác biệt không, anh thừa nhận là có, nhưng cũng nhanh chóng phủ nhận rằng mình là người kiêu ngạo.

“Có một khuôn mẫu quen thuộc về những cầu thủ bóng đá: Xa xỉ và đầy hào nhoáng. Tôi đã gặp những cầu thủ chi tiêu quá nhiều vào những thứ mà bạn nghĩ: ‘Nó đáng để chi ư?’ Không phải ai cũng thừa nhận: ‘Tôi thích sống vậy đấy.’ Điều đó đôi khi hơi giả tạo.

“Tôi đã gặp những cá tính khác nhau. Toni Kroos là một trong số đó: Điềm tĩnh, thực tế, không quan tâm đến những thứ hào nhoáng. Anh ấy biết cuộc sống không chỉ có bóng đá. N'Golo Kanté là một trường hợp khác. Anh ấy dùng một chiếc điện thoại trong 10 năm, không quan tâm đến xe sang, cũng chẳng để ý đến quần áo hàng hiệu.

“Bạn không thể đánh giá mọi người vì cách tiêu pha của họ. Nếu điều đó làm họ hạnh phúc, tôi không quan tâm. Có thể trong thâm tâm họ cũng là người tốt, họ chỉ muốn tỏ ra cool ngầu thôi. Đôi khi, đó là cách để họ tạo nên vỏ bọc của chính mình.”

 

Đó là khi Havertz, người sẽ bước sang tuổi 24 vào tháng 6 kể chuyện từng mua một chiếc ba lô đắt tiền. Khi đó, anh mới 17 tuổi và “có lẽ tỏ ra hơi ngầu quá”. “Nó có màu trắng với ánh vàng, lấp lánh. Nhưng tôi chỉ nghĩ: ‘Đấy không phải là tôi.’ Tôi đã nói với bố mẹ về điều này. Nếu tôi thay đổi, họ sẽ nói: ‘Kai, đấy không phải hình ảnh của con đâu, dừng lại đi.’ 

Vậy chiếc ba lô bây giờ ở đâu? “Tôi lấy nó rồi,” bên kia phòng, Lea, em gái của Havertz lên tiếng. 

“Bạn phải tỏ ra ổn định về mặt tâm lý,” Havertz nói. “Nếu bạn chơi tệ, điều đó không khiến bạn trở thành người tồi tệ nhất trên trái đất. Mọi thứ diễn ra rất chóng vánh; vài tháng vừa rồi là một ví dụ điển hình. Mọi người đều khó chịu với tôi vì tôi không ghi bàn, họ muốn bán tôi đi. Bây giờ tôi ghi bàn và mọi người nói tôi là cầu thủ giỏi nhất. Có thể mọi người yêu mến tôi bây giờ, nhưng trong hai tuần nữa họ lại ghét tôi. Cho dù tôi có chơi hay đến đâu, tôi vẫn phải về nhà và bạn gái của tôi muốn tôi cho đĩa vào máy rửa chén.”

Ở Havertz có sự bình tĩnh, ổn định, lạc quan được kiểm soát hoàn hảo, bởi anh biết thành công có khi chỉ đến thoáng qua. Nếu mọi thứ không suôn sẻ ở giải quốc nội, hy vọng vẫn còn đó ở châu Âu. Đúng vậy, chúng ta đang nói về năm 2021, Champions League và cách Chelsea cứu rỗi mùa giải dưới thời một chiến lược gia mới. 

Đó là một chiến tích. Havertz thừa nhận rằng anh cảm thấy “vô cùng nhẹ nhõm” khi kết thúc mùa giải đầu tiên theo cách như vậy. “Frank Lampard đã ký hợp đồng với tôi. Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện vui vẻ. Ông ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều, dù mọi chuyện không suôn sẻ với ông ấy, vì vậy tôi rất biết ơn,” Havertz nhớ lại. 

“Sau đó, Thomas Tuchel đã cho tôi một ý tưởng khác về bóng đá. Mọi chi tiết đều có giá trị, từng centimet, cách bạn chạm bóng, kiểm soát bóng, nơi bạn chuyền, chân nào, di chuyển, tạo khoảng trống. Ông ấy đơn giản là ở đẳng cấp hàng đầu. Đến và giành chức vô địch Champions League chỉ sau 6 tháng, điều đó đã nói lên tất cả.

 

“Tôi và anh trai từng xem mọi trận đấu của Champions League. Cảm giác được cầm chiếc cúp cùng gia đình trên sân thật nhẹ nhõm. Tôi rất hạnh phúc với bàn thắng này. Tôi đã biến giấc mơ thời thơ ấu của mình trở thành hiện thực. 

“Và tham vọng vẫn còn đó. Tại Premier League, chúng tôi chơi không tốt lắm. Tôi biết người hâm mộ khá thất vọng, nhưng trước Dortmund, đó là bầu không khí cuồng nhiệt nhất mà tôi từng thấy. Bạn cảm thấy phấn khích. Premier League là giải đấu lớn và vô địch có khi còn khó khăn hơn, nhưng Champions League thì khác. Chỉ cần nghe bản nhạc hiệu và chơi bóng vào buổi tối, điều đó thật đặc biệt.”

Tiếp đến, Havertz dành lời khen ngợi cho Graham Potter. “Ông ấy rất phù hợp cho Chelsea dù đang hứng chịu những lời chỉ trích. Trong phòng thay đồ, mọi người đều biết phẩm chất của ông ấy”. 

Havertz dường như đã tìm thấy vị trí của mình trong đội, ngay cả khi không biết nên gọi đó là gì. “Tôi cảm thấy khó chịu với những người hỏi tôi điều này,” anh nói đùa. Nhưng tôi nghĩ mình không phải là một số 9 điển hình.” 

Khi chúng tôi đang trò chuyện, bạn gái của Havertz, Sophia bước vào cùng với chú chó của họ. Havertz sau đó kể câu chuyện của Hope, nói về việc giải cứu những chú chó khỏi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, những dự án trong đầu, những con vật nuôi cùng với quả bóng giúp tuổi thơ của anh trở nên “hoàn hảo”, từ thỏ, chuột lang, mèo, chó, ngựa trên những cánh đồng. Còn những chú lừa đã mang lại cho anh sự bình yên và cả một biệt danh nữa.

 

“Khi bạn thua trận, bạn luôn ở trong tâm trạng tồi tệ. Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi. Bạn trở nên trưởng thành hơn. Bạn gái tôi đã từ bỏ cuộc sống ở Đức để đến đây. Tôi không muốn về nhà và làm cho ngày của cô ấy trở nên tồi tệ. Bạn thường cảm thấy áp lực hàng ngày ở một đội bóng lớn như Chelsea. Nhưng khi tôi thực hiện quả phạt đền trong trận gặp Dortmund, có một khoảnh khắc tôi nhìn vào đám đông và nghĩ: 'Khi còn bé, mình đã mơ ước được ở đây',” Havertz nói. “Năm 10 tuổi, tôi không thể tưởng tượng được việc đá phạt đền để đưa Chelsea vào tứ kết Champions League.

“Rõ ràng là có sự lo lắng, nhưng tôi đã có thể thực sự tận hưởng khoảnh khắc hơn là cảm thấy áp lực. Đó là điều quan trọng nhất: Hãy nhớ rằng bạn bắt đầu chơi bóng, vì bạn yêu thích môn thể thao này.

“Đó là những gì tôi đã cố gắng thay đổi, bởi vì trước đây không giống như vậy. Tôi sẽ đến khu bảo tồn sau các trận đấu để ở bên những chú lừa, để giải phóng bản thân. Đó là một cảm giác tốt, một sự phục hồi. Trong vài năm qua, tôi đã nhận ra rằng mình có thể đền đáp lại điều gì đó. 

“Bóng đá là một trải nghiệm không tồi để khiến mọi người hạnh phúc. Nó mang lại cho họ niềm vui, một thứ gì đó để bấu víu. Nhưng còn có những cách khác. Không phải cứ quan tâm đến trái bóng 24/7 là điều tốt.”

Lược dịch, có chỉnh sửa bài phỏng vấn “Chelsea’s Kai Havertz: ‘From day one I felt a special relationship with donkeys’” của Sid Lowe (The Guardian)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.