Hành trình của Jurgen Klopp của Liverpool đang thăng hoa hơn bao giờ hết. Sau chức vô địch Champions League, mùa giải này Liverpool đang hướng đến danh hiệu vô địch nước Anh sau 30 năm chờ đợi với vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng. Vậy ông đã làm thế nào để đoàn kết tất cả mọi người trong đội lại với nhau để cùng nhìn về một hướng? Cuộc phỏng vấn của ký giả James Pearce với nhà cầm quân người Đức cho The Athletic sẽ phần nào cho bạn câu trả lời.
Hành trình của Jurgen Klopp của Liverpool đang thăng hoa hơn bao giờ hết. Sau chức vô địch Champions League, mùa giải này Liverpool đang hướng đến danh hiệu vô địch nước Anh sau 30 năm chờ đợi với vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng. Vậy ông đã làm thế nào để đoàn kết tất cả mọi người trong đội lại với nhau để cùng nhìn về một hướng? Cuộc phỏng vấn của ký giả James Pearce với nhà cầm quân người Đức cho The Athletic sẽ phần nào cho bạn câu trả lời.
1. Jurgen Klopp mở cánh cửa văn phòng của ông ở Melwood.
“Ồ, nếu tôi biết là anh, tôi sẽ không phải lo khi đang tắm đâu”, ông đùa và tiếng cười rộn vang khắp hàng lang.
“Công việc mới thế nào rồi?”.
HLV của Liverpool được căng tin phục vụ một bát sữa chua trái cây lớn. Ông vừa trở lại với công việc sau một tuần nghỉ ngơi cùng người vợ Ulla. Mặc một chiếc áo hoodie đỏ, quần đen và đi đôi giày trắng, trông ông tràn đầy năng lượng và sẵn sàng cho những gì phía trước. Klopp tỏa ra sự tích cực. Trong 4 năm, ông đã biến CLB từ một đội bóng lạc lối trở thành nhà vô địch châu Âu và hiện đang dẫn đầu Premier League. Kể từ sau thời đại của huyền thoại Bill Shankly bắt đầu vào 60 năm trước, chẳng ai có tầm ảnh hưởng ở CLB Liverpool lớn hơn Klopp.
Sự sắc sảo trong chuyển nhượng và sự nhạy bén chiến thuật của HLV chính là chìa khóa, tuy nhiên điều nổi bật nhất chính là kỹ năng quản trị nhân sự của Klopp. Có dành thời gian ở công sở của ông mới thấy được ông đã làm thế nào để ông thúc đẩy những cộng sự phát huy hết tài năng, nỗ lực cùng sự gắn kết.
“Quái vật về tinh thần” là cách ông miêu tả đội bóng Liverpool vào cuối mùa giải trước và sự kiên cường đó chính là yếu tố quan trọng giúp chủ nhân của 6 chức vô địch C1/Champions League tiếp tục hành trình tìm kiếm danh hiệu Premier League đầu tiên.
Klopp nói: “Yếu tố tâm lý có tầm quan trọng như thế nào trong một đội bóng? Nếu bạn thích thì nó là tất cả luôn. Bạn có thể sở hữu khả năng kỹ thuật tốt nhất nhưng nếu không sẵn sàng thể hiện nó ra thì bạn cũng không thể phát huy hết được. Trong bóng đá cũng chẳng khác là mấy so với đời thường. Bước đầu tiên để đạt được những gì bạn muốn là phải nghĩ mình có thể làm được. Bạn muốn làm nó, bạn muốn đạt được nó thì bạn phải tìm cách để đến được đó.
Nó luôn luôn giống như việc đặt ra câu hỏi và tìm đáp án, đặt câu hỏi và tìm câu trả lời. Đúng, không đúng, thử xem thế nào và mắc sai lầm. Chúng ta phải làm như thế và trong bóng đá chẳng khác gì cả. Nếu bạn là một người tự tin bẩm sinh, bạn sẽ sẵn sàng đương đầu thử thách. Nếu bạn là một người thiếu tự tin thì bạn sẽ luôn sợ thất bại”.
Liverpool - đội bóng mới chỉ nhận 1 trận thua trong 51 trận đã qua ở Premier League - vẫn đang tiếp tục trên hành trình tìm kiếm vinh quang. Một chiến thắng trước nhà vô địch Manchester City đã giúp họ tạo ra khoảng cách 8 điểm với đối thủ. Chỉ Manchester United trong mùa giải 1993/1994 mới dẫn trước với khoảng cách điểm lớn hơn họ sau 12 vòng Premier League. Trong 7 trận gần nhất khi Liverpool phải nhận bàn thua trước thì họ thắng 6 và hòa 1.
Thể lực là một yếu tố quan trọng nhưng Klopp hiểu là mọi thứ sâu xa hơn thế. “Tất nhiên, điều đó là tất cả”, ông nói và vỗ vào đầu mình. “Nhưng bạn không thể chỉ yêu cầu nó và làm bộ như các cầu thủ sẽ đáp ứng. Nếu dễ thế thì bạn chỉ cần bảo họ trong thời điểm bị dẫn 1-0 khi trận đấu còn 10 phút là ‘các cậu vẫn phải tin’ là được.
Bạn phải tạo ra điều gì đó và những điều tất cả chúng tôi cùng tạo ra đã bắt đầu từ khá lâu rồi. Hiện tại mọi người nhắc về chúng nhưng tôi cảm thấy không thoải mái lắm khi đề cập tới vì tôi không xem đó là điều hiển nhiên. Chúng tôi thường lội ngược dòng nhưng chúng tôi không cho phép mình coi đó là thứ kiểu gì chẳng có. Chỉ là vì nó xảy ra khá thường xuyên nên về mặt tâm lý khá rõ ràng mà thôi. Nếu bạn làm được cái gì đó tốt thì lần sau, bạn hoàn toàn có thể làm lại được. Nếu bạn thất bại, bạn cần tin là ‘mình có thể làm được’. Ít nhất bạn phải thấy cơ hội có thể thành hiện thực. Đó là những gì các cầu thủ chúng tôi đã làm trong suốt 4 năm qua. Hiện nay mọi thứ đã khác biệt”.
Ảnh hưởng của Klopp lên tư duy của Liverpool đã mở rộng ra cả bên ngoài phòng thay đồ. Các cổ động viên đã được tiếp thêm động lực và pháo đài Anfield đã được hồi sinh. Liverpool đã trải qua 46 trận bất bại trên sân nhà ở Premier League kể từ tháng 4/2017 - chuỗi thành tích dài thứ 2 trong lịch sử CLB.
Giờ đây mọi thứ khác xa 4 năm trước lúc Klopp cảm thấy “khá cô đơn” khi nhìn thấy người hâm mộ ra về sớm trong thời điểm đội bóng của ông thua 1-2 trước Crystal Palace trong giai đoạn hạ màn. “Sau khi tôi tới, chúng tôi đã nói về việc tại sao mọi người lại bỏ về sớm. Tôi không bao giờ hiểu được điều đó nhưng tôi có thể tưởng tượng được toàn bộ vấn đề”, nhà cầm quân người Đức bộc bạch.
“Tôi làm như thế khi tôi đến xem một trận đấu với tư cách HLV trưởng. Tôi sẽ rời sân sớm 15 phút và chạy tới chỗ gửi xe để ra ngoài. Nhưng còn là người hâm mộ? Tôi không hiểu được. Chúng tôi đã phải làm việc nhiều về vấn đề này.
Bạn phải tin rằng mọi thứ là có thể xảy ra. Cách tốt nhất để tự tin vào chính bản thân mình là làm nó đi và sẽ thấy nó thành hiện thực. Nhưng nếu bạn đã thử rồi không thành công trong lần đầu tiên và bạn từ bỏ thì bạn có vấn đề thực sự.
Làm lại, làm lại và làm lại. Đó là những gì diễn ra ở đây. Tất cả nằm ở sức mạnh tâm lý, thái độ và cá tính. Chẳng có gì trong đó chỉ được truyền thụ ngày một ngày hai mà có cả. Cũng chẳng tính cách gì đã có từ khi chúng ta được sinh ra. Tất cả hình thành qua những trải nghiệm mà bạn có trong đời.
Lúc này chúng tôi có câu chuyện mà chúng tôi đã viết trong vòng 4 năm. Một vài cầu thủ đã ở đây cả 4 năm qua, một vài người khác thì ít hơn. Tất cả bọn họ đều nhận ra rằng chúng tôi có thể làm được theo một cách cụ thể vì chúng tôi có rất nhiều sức mạnh từ bên ngoài - từ CLB, từ cổ động viên, từ lịch sử.
Chúng tôi nói về lịch sử khi tôi đến và đó có thể là một gánh nặng. Giờ đây, nó giống như một tấm đệm lò xo vậy. Bạn có thể nhảy đi nhảy lại. Tất cả đã thay đổi. Làm sao mà chúng tôi thay đổi được? Tôi chẳng biết. Chúng tôi chỉ làm việc về điều đó từ ngày đầu tiên vì rõ ràng bạn cần tạo ra một tinh thần mà các cầu thủ sẽ có thể thể hiện mình dễ dàng hơn so với tinh thần trong đội khi tôi mới đến”.
Đội hình của Klopp không thiếu những ví dụ về các cầu thủ đã phải chiến đấu để vượt qua nghịch cảnh và khó khăn để đạt tới đẳng cấp cao nhất. “Đúng, chắc chắn là nó có ích rồi”, ông tiếp tục. “Bạn phải học cách chiến đấu từ sớm. Bạn muốn những điều mà rất nhiều người nói là không thể thì bạn phải kiên định và nói ‘không, nó có thể, tôi muốn thử, tôi muốn làm được’.
Có một vài cầu thủ mà mọi người khi nhìn thấy họ từ thời điểm đầu tiên sẽ nghĩ là ‘ồ, thật đặc biệt’. Nhưng cầu thủ giỏi nhất thế giới hiện nay, có lẽ là Lionel Messi, khi cậu ấy còn nhỏ thì khá bé. Chẳng ai nghĩ cậu ấy có đủ thể hình để sẵn sàng thi đấu bóng đá chuyen nghiệp cả. Rõ ràng, cậu ấy đã làm được.
Đó là một câu chuyện cho mọi người thấy rằng chuyện gì cũng có thể. Nhưng nếu không có may mắn trong những thời điểm quyết định thì bạn vẫn không có cơ hội. Đúng người còn cần cả đúng thời điểm, đúng trận đấu nữa để bạn có thể nghĩ rằng ‘đúng, mình thấy điều gì đó ở cậu ấy’. Chúng ta hoàn toàn không chịu trách nhiệm một mình cho sự nghiệp của mình. Chúng ta luôn cần được mọi người lựa chọn”.
2. Trên kệ sách ở văn phòng của Klopp có một bản của cuốn sách mới ‘Ask A Footballer’ của James Milner bên cạnh một cái bình đựng bã kẹo cao su và một vài chiếc mũ có dòng chữ Liverpool FC. Ngoài ra là một DVD bộ phim “Care” của BBC được viết kịch bản bởi biên kịch Jimmy McGovern - một người Liverpool.
Trên bức tường đối diện là những vinh quang trong quá khứ: những bức ảnh đen trắng của các biểu tượng Anfield như Shankly và Bob Paisley. Từ bàn làm việc của ông có thể nhìn ra các sân tập của Melwood.
Với rất nhiều cảm xúc, niềm đam mê và sự tập trung mà Klopp mang lại, sự chú ý đến chi tiết của chủ nhân giải thưởng HLV xuất sắc nhất năm 2019 của FIFA thường bị bỏ qua. Ông tự hào về những lợi ích cận biên đã đạt được qua việc bổ nhiệm những người như trưởng bộ phận dinh dưỡng Mona Nemmer và HLV phụ trách ném biên Thomas Gronnemark.
Bên cạnh Klopp là các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể mà The Athletic có thể tiết lộ độc quyền là Liverpool đã mang về thêm một người nữa vào đội ngũ trong mùa hè vừa qua. Chuyên gia tâm lý học thể thao Lee Richardson đã làm việc với các cầu thủ từ tháng 7 và có văn phòng riêng ở Melwood - nơi ông xuất hiện 3 ngày mỗi tuần.
Cựu tiền vệ Watford, Black Rovers và Aberdeen được trưởng phòng hiệu suất và hồi phục y tế Phil Jacobsen của Liverpool mời về về từ Hull City. 10 năm trước, Richarlison từng có giai đoạn ngắn dẫn dắt Chesterfield trước khi đổi nghề. Ông từng nằm trong thành phần ban huấn luyện của Sam Allardyce ở West Ham và Crystal Palace với vai trò chuyên gia tâm lý.
Trong suốt triều đại của Brendan Rodgers, Liverpool đã từng có sự phục vụ của bác sĩ tâm lý thể thao Steve Peters - người đã từng góp phần giúp những vận động viên đua xe đạp Sir Chris Hoy và Victoria thành công ở Olympic.
Tuy nhiên, mối quan hệ đó đã khép lại không lâu sau khi Klopp tới vào năm 2015. Trong vài năm gần đây, Liverpool có sự phục vụ của chuyên gia tâm lý Yvie Ryan. Cô là một nhân vật nổi tiếng và được kính trọng ở CLB và hiện đang làm việc bán thời gian với các đội trẻ ở Kirkby.
“Hiện tại chúng tôi có Rico”, Klopp xác nhận. “Anh ấy từng là cầu thủ rồi HLV và sau đó học ngành tâm lý học thể thao. Những gì anh ấy đang làm cho chúng tôi thật tuyệt. Anh làm việc rất cụ thể với các cầu thủ và tôi chẳng biết họ nói chuyện gì với nhau cả. Tôi không bận tâm. Đó là sự bổ sung tuyệt vời. Nó giúp chúng tôi tiếp tục bước đi. Thật khó để tìm ra đúng người nhưng giờ chúng tôi cảm thấy thật tuyệt khi có anh ấy trong đội ngũ”.
Trái với Peter - người luôn cần cảm thấy mình là trung tâm của mọi thứ ở Liverpool - Richarlison lại hài lòng với vai trò chuyên biệt hơn. Gặp gỡ ông hoàn toàn là lựa chọn của cầu thủ và ông cũng không can thiệp vào các trận đấu. Điều này phù hợp với phong cách quản trị của Klopp hơn. Thực tế, khi nhắc đến những người có mặt trên sân thì Klopp cũng chính là nhà tâm lý học của Liveprool.
“Tôi không biết các cầu thủ nghĩ gì nhưng đúng, tôi có trách nhiệm với chuyện đó”, chiến lược gia 52 tuổi khẳng định với ký giả James Pearce của Liverpool. “Khi nói đến việc thi đấu, đầu tư thể lực, những việc kiểu như họ muốn làm bao nhiêu thay vì họ phải làm bao nhiêu - đó là nhiệm vụ của tôi.
Có thể đó là tâm lý học, tôi cũng chẳng biết nữa, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ như thế. Tất nhiên, tôi phải có ảnh hưởng trong cách suy nghĩ của họ. Sẽ mất thời gian để tạo ra bầu không khí, ở đó các cầu thủ lắng nghe bạn hoặc các cầu thủ sẽ kể cho bạn về một vài vấn đề. Nhiệm vụ của tôi là quan sát họ liên tục và thấy những gì họ làm và tại sao họ lại làm thế. Nếu tôi có thể hiểu tại sao thì tôi có thể tạo ảnh hưởng. Nếu tôi không biết tại sao họ làm những điều đó thì tôi sẽ chẳng có tác động nào cả.
Đó là lý do tôi nói khi chúng tôi chiến thắng thì các cầu thủ có trách nhiệm, còn khi chúng tôi thua thì đó là trách nhiệm của tôi. Tôi nhìn nhận vấn đề như thế. Nếu chúng tôi thua, có nghĩa là thông điệp tôi truyền đi chưa được trọn vẹn. Nhiệm vụ của tôi là phải làm cho họ hiểu được. Với tôi, để đảm bảo là họ hiểu thì tôi cần biết về họ nhiều nhất có thể.
Tôi đã gặp vấn đề với ngôn ngữ của mình rồi. Nếu tôi lại còn gặp khó khăn với việc thấu hiểu các chàng trai ấy nữa thì chúng tôi chắc chắn có vấn đề. Biết nhiều hơn về cầu thủ là điều lớn nhất tôi có thể làm được”.
Klopp có một sở trường đặc biệt trong việc chọn đúng từ ngữ ở đúng thời điểm. Sau khi đánh bại Barcelona ở bán kết lượt về Champions League mùa trước, một số cầu thủ đã nhắc đến bài nói chuyện đầy tính cảm hứng của ông trong cuộc họp đội ở khách sạn Hope Street trước khi đến Anfield. “Thế giới bên ngoài đang nói là không thể. Và hãy thành thật đi, nó có lẽ là không thể thật. Nhưng vì là các cậu, vì là các cậu nên chúng ta vẫn có cơ hội”, ông nói với các cầu thủ.
Đội trưởng Jordan Henderson nhớ lại: “Các cầu thủ có thể thấy HLV tin tưởng đến thế nào, và điều đó khiến chúng tôi tin vào những gì ông nói. HLV có niềm tin mãnh liệt vào chúng tôi: bất kể chuyện gì xảy ra, bạn phải chiến đấu đến phút cuối cùng”.
Còn Roberto Firmino, khi được hỏi về cảm xúc khi làm việc cùng Klopp, anh nói: “Qua mỗi ngày, Jurgen lại truyền động lực cho chúng tôi theo những cách khác nhau”.
Vậy điều này đến từ đâu? Klopp nở nụ cười: “Xin lỗi, tôi sẽ viết một cuốn sách về những điều tôi làm nếu tôi biết tại sao tôi lại làm thế. Nhưng có thể tôi sẽ không bao giờ viết sách vì tôi không biết tại sao những điều này lại diễn ra như thế. Tôi chỉ phản ứng theo từng trường hợp mà thôi. Công việc, cuộc sống của tôi là nghĩ về những điều xảy ra ở đây 24/7.
Các buổi tập kéo dài trong 1 tiếng rưỡi hoặc 2 tiếng mỗi ngày. Còn lại 22 tiếng! Có rất nhiều thứ ảnh hưởng đến các cầu thủ. Các buổi họp thường dựa trên những điều đã qua - những gì đã diễn ra ở trận đấu gần nhất, những gì xảy ra ngày hôm qua,… Chúng tôi có thể sử dụng điều gì? Tôi luôn phải phản xạ.
Tôi thường không nhớ mình nói gì. Nếu các cầu thủ không nói chúng với báo chí sau đó thì tôi cũng chẳng biết mình đã từng nói vậy. Tôi nhớ Divock Origi sau trận đấu với Dortmund (tứ kết Europa League năm 2016 khi Liverpool lội ngược dòng 1-3 để thắng lại 4-3), cậu ấy nói: ‘HLV bảo chúng tôi vào giữa hiệp rằng nếu chúng tôi có thể xoay chuyển trận đấu thì đó sẽ là câu chuyện mà chúng tôi có thể kể cho các cháu mình về giá trị của sự nỗ lực’.
Nhưng nếu dễ thì tôi đã thường xuyên nói với bọn họ những câu như thế! Chúng ta luôn muốn có chuyện để kể cho các cháu mà! Khi chúng tôi bắt đầu một cuộc họp đội, điều duy nhất tôi thực sự biết mình sẽ nói gì chính là câu đầu tiên”.
Thật sao? Phần còn lại ngẫu hứng ư?
“Tất cả do những điều xảy ra suốt cả tuần và chúng nằm trong đầu tôi. Tôi chẳng viết điều gì ra cả”, ông giải thích. “Tôi chỉ nghĩ về những điều giá trị để nói với các cầu thủ. Một buổi tập nhảm nhí, buổi tập rất tốt, đại loại thế. Tôi biết nó có thể đáng hoặc không đáng nghe - giống như tôi luôn nói về những điều đúng đắn vậy. Nhưng tôi tin vào bản thân 100% khi tìm những từ phù hợp.
Tôi chỉ biết câu đầu tiên mà mình định nói thôi. Tôi không căng thẳng vì tôi còn không biết câu thứ 2 là gì. Tôi luôn nhận ra sau một buổi họp là tôi chảy mồ hôi ở đây [ông chỉ vào trán]. Đó là khi tôi cảm thấy độ nóng của buổi họp. Tôi không nhận ra chúng cho đến khi mồ hôi rơi xuống mặt và tôi nghĩ ‘không phải là ấm nữa rồi’. Rõ ràng là nóng hơn nhiều.
Nếu cuộc họp trước trận là thời điểm duy nhất chúng ta nói về bóng đá thì thường sẽ kéo dài trong 2 tiếng rưỡi. Nhưng ở đây chỉ kéo dài trong 10 đến 15 phút là tối đa. Hầu hết mọi thứ đã được chia sẻ rồi.
Chúng ta sẽ lặp lại những điều đã nói trong suốt cả tuần. Do đó, tôi nghĩ là có ý nghĩa hơn nếu nói cho các cầu thủ biết tại sao nó lại giá trị, tại sao nó lại cần làm điều đó mãnh liệt hơn thứ khác. Tất cả chúng tôi phải ở một trạng thái mà tất cả có thể đạt hưng phấn cao nhất. Bạn không thể thức dậy vào 8 giờ sáng sau một đêm say bí tỉ và cố gắng leo lên dãy núi Rocky hay đỉnh Everest được. Điều đó là không thể. Chúng ta phải ở một trạng thái mà mình sẽ nói là ‘giờ là bước này, giờ là bước kia’. Đó là những điều chúng tôi cố gắng tạo ra liên tục”.
3. Tâm lý học thể thao là môn mà Klopp đã phải học để đạt chứng chỉ khoa học thể thao ở đại học Goethe University Frankfurt trong khi vẫn còn đang thi đấu ở Mainz vào giữa thập niên 90. Đó là một chủ đề mà HLV huyền thoại Wolfgang Frank rất say mê. Frank - người có 2 giai đoạn dẫn dắt Mainz - là nhân vật có tầm ảnh hưởng to lớn tới nghiệp huấn luyện của Klopp. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông cũng làm theo người thầy của mình.
“Đúng, Wolfgang đọc sách liên tục”, Klopp nói. “Ông ấy bảo các cầu thủ rằng chúng tôi phải dành ra ít nhất nhất 10% lương để mua các cuốn sách tâm lý học. Nhưng tôi chưa từng mua một cuốn nào cả!
Thành thực mà nói, ngay cả khi các cầu thủ mua sách theo yêu cầu, họ cũng chẳng biết thêm điều gì khác đâu. Họ thậm chí còn chẳng hiểu cái tiêu đề! Họ chỉ mua vì đó là mệnh lệnh của HLV thôi.
Tôi chỉ đọc những gì tôi cần để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cùng. Tôi nhớ là mình đã tới gặp vị giáo sư trong trong ngành tâm lý học thể thao. Tôi mở cửa, ông ấy ngồi ở bàn làm việc và nói rằng ‘nếu cậu muốn nói về động lực thì ra khỏi văn phòng tôi đi!’
Tất cả mọi người muốn làm bài về động lực. Tôi mấp máy ‘động…’ nhưng rồi nói: ‘Ồ không, em muốn nói về cái khác…’ Thật sự là tôi không đọc nhiều sách về tâm lý học đâu. Nếu có nhiều sách về ‘lẽ thường tình’ thì có thể tôi sẽ đọc.
Nếu bạn hỏi tôi ‘ông có điểm mạnh không?’ tôi sẽ trả lời là đó không phải chân phải, không phải ở chân trái, tôi thực sự không thông minh. Nhưng còn về lẽ thường thì sao? Đúng. Tôi thực sự có thể đánh giá mọi thứ một cách đúng đắn - miễn là tôi không để cảm xúc lấn át quá trong suốt trận đấu.
Trước và sau mỗi trận, tôi hoàn toàn cân bằng. Nếu bạn kể tôi về một vấn đề, tôi sẽ có thể nói cho bạn nghe nó có nghiêm trọng hay không và làm thế nào để giải quyết. Đó là một trong những điểm mạnh của tôi. Tôi luôn làm như thế. Đó là điểm mạnh của tôi - lẽ thường tình hơn là tâm lý học. Biến những điều lớn lao trở nên lớn hơn và làm những điều nhỏ nhặt nhỏ đi”.
Dù thắng hay thua, Klopp đều nói rất ít với các cầu thủ trong phòng thay đồ ngay sau trận đấu. Ông thích đợi khi mọi thứ ổn định lại. Những cuộc nói chuyện thật sự sẽ diễn ra ở Melwood vào sáng hôm sau.
“Không cần phải nói chuyện ngay lập tức sau mỗi trận. Chúng tôi chỉ có 2 hay 3 phút là tối đa thôi mà”, ông giải thích. “Những gì tôi nói ngay sau mỗi trận thường rất ngẫu hứng và ngắn gọn. Những điều xoàng xĩnh thường không quá hấp dẫn, chúng tôi có thể nói chuyện vào ngày hôm sau mà.
Sau mỗi trận đấu, bạn thường bị cảm xúc lấn át nhưng đồng thời cũng rất bận. Các cầu thủ sẽ trả lời truyền thông hoặc kiểm tra doping. Khi bạn muốn nói những điều hay ho, bạn nên nghĩ kỹ và thời điểm đó thì chẳng có thời gian để nghĩ nữa. Tôi không cần đọc báo để biết là chúng tôi hay hay dở. Tôi biết điều đó từ trước khi tôi đọc bất cứ điều gì. Tôi bảo họ là quan điểm duy nhất thực sự có giá trị là suy nghĩ của tôi. Ngày hôm sau, tôi sẽ phân tích cho các cầu thủ vấn đề”.
4. Trong suốt cuộc phỏng vấn này, phòng làm việc của Klopp liên tục có những tiếng gõ cửa từ trưởng phòng vật lý trị liệu Lee Nobes và trưởng phòng thể chất Andreas Kornmayer. Họ muốn thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến thể lực sau khi các cầu thủ trở về Melwood từ đợt tập trung đội tuyển quốc gia.
Đây chính là cuộc sống của Klopp. Ông luôn xử lý các vấn đề và thử thách. Cửa phòng ông luôn rộng mở cho các nhân viên đội bóng và cầu thủ. Có bao giờ ông thấy mệt không?
“Không, chúng hoàn toàn tiếp thêm năng lượng cho tôi chứ không hề hút năng lượng đâu”, ông trả lời. “Cuộc sống luôn xoay quanh những điều này. Tôi thích ở một mình. Đôi lúc tôi chẳng có vấn đề gì với sự cô độc cả, nhưng dù sao tôi vẫn thích có mọi người xung quanh, nói chuyện và lắng nghe họ. Tôi thực sự nghĩ rằng lắng nghe mọi người chính là thầy giáo tốt nhất trong cuộc sống này.
Điều tuyệt nhất là lắng nghe những người thông thái nói chuyện. Không phải ai cũng thông minh nhưng điều đó vẫn thú vị. Tôi luôn cố gắng hiểu mọi người mà tôi phải xử lý vấn đề. Chúng không hề làm tôi mệt mỏi. Điều tuyệt vời nhất trong cuộc việc của tôi là ở bên cạnh những người này, có cơ hội hỗ trợ họ và giúp họ phát huy hết năng lực.
Đó là kế hoạch sự nghiệp - để tạo ra sự nghiệp tốt nhất bạn có thể. Chỉ một vài người trong số chúng ta biết đó là sự nghiệp mình có được. Tất cả những người khác sẽ có chút nghi ngờ và nói ‘giá như mình làm cái này hay cái kia’. Tiệm cận tới sự nghiệp hoàn hảo - đó là mục tiêu của tôi với các cầu thủ”.
Vậy còn việc tận hưởng một chiến thắng thì sao? Người ta nói rằng khi Klopp đứng trước truyền thông sau chiến thắng của Liverpool trước Manchester City, ông đã phàn nàn rằng thiếu thời gian chuẩn bị cho chuyến làm khách đến Crystal Palace cuối tuần này. Ngay cả sau một chiến thắng, ông ngay lập tức hướng về thử thách tiếp theo cần phải vượt qua thay vì sống trọn khoảnh khắc.
“Đúng, bởi tôi ghét các đợt tập trung đội tuyển! Từ quan điểm cá nhân thì tôi ghét chúng”, ông đáp. “Sadio Mane thi đấu ở Thụy Sĩ (cho Senegal). Bạn chẳng biết gì về những trận đấu như thế. Cậu ấy rời sân ngay sau hiệp một và bạn nghĩ ‘ô’. Thực sự là có những tình huống như giết tôi vậy.
Bạn chẳng thể biết chính xác những gì đang xảy ra, cố gắng xem mình có thể làm gì và phải làm gì. Ngay khi Sadio gọi điện, chúng tôi đã có thể nắm được tình hình. Nhưng cậu ấy là cầu thủ chứ không phải người tổ chức tất cả mọi thứ xung quanh. Giải quyết những vấn đề như thế chẳng dễ dàng chút nào”.
5. Liverpool sẽ cần thêm nhiều khoảnh khắc tuyệt vời nữa nếu họ muốn chấm dứt 30 năm chờ đợi làm nhà vua của bóng đá Anh. Mục tiêu giành danh hiệu này không phải một nỗi ám ảnh với đội bóng vùng Merseyside. Tuy nhiên các cổ động viên khao khát nó vô cùng. Mùa giải trước, Liverpool đã để tuột chức vô địch vào tay City với chỉ 1 điểm kém hơn trước khi nâng cúp Champions League ở Madrid.
Lần này, các học trò của Klopp đang ở một vị thế vững chắc hơn tại đấu trường quốc nội và HLV của họ biết rằng việc giữ tinh thần và sự tập trung sẽ quyết định đến kết quả của chặng đường dài. “Không quá khác biệt so với mùa trước”, ông khẳng định. “Tôi biết mọi người sẽ căng thẳng. Tất cả đều nghĩ chúng tôi cần chiến thắng tất cả trận đấu nếu không đối thủ sẽ bắt kịp. Nhưng trong những thời điểm khi mọi người nghĩ thế thì họ cũng đang nghĩ là các đội bóng khác không đánh rơi điểm số nào.
Mùa giải trước, City không thua bất cứ trận nào khi cả 2 đội chúng tôi cạnh tranh chức vô địch. Nhưng điều không có nghĩa là thành tích ấy sẽ lặp lại. Mùa trước rất có ích cho tương lai của chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn tập trung vào từng trận đấu. Chúng tôi biết là phải giành chiến thắng.
Tôi bước vào trận chung kết Champions League mùa giải trước với thành tích trong lịch sử không quá tốt, đội bóng cũng bước vào trận đấu với thành tích thất bại 1 năm trước đó. Nhưng nếu bạn dùng lịch sử đúng cách thì nó sẽ luôn là sự hỗ trợ.
Tất cả chúng ta đều là con người tất nhiên sẽ có những nghi ngờ. Tôi thực sự sợ phải ở một mình trong khách sạn 3 hay 4 tiếng trước trận chung kết vì tôi chẳng được tương tác với ai. Thường thì lúc đó tôi ngồi trên ghế hoặc nằm trên giường và chuẩn bị. Nhưng vào cái ngày diễn ra trận chung kết, tôi ở trong phòng và ngủ suốt 2 tiếng. Tôi ngạc nhiên khi tỉnh dậy và tâm trạng vẫn rất tốt. Tôi chẳng biết tại sao lại như thế. Tôi không ép buộc bản thân mình phải có tâm trạng tốt. Nhưng quả thực tôi háo hức chờ đợi đến trận đấu. Tôi tin vào các cầu thủ. Tôi thực sự cảm thấy tích cực trước trận đấu. Thật tuyệt vời".
Và niềm tin của Klopp dành cho các cầu thủ đã được đền đáp xứng đáng ở những sân khấu lớn nhất. Với Siêu cúp châu Âu giành được sau Champions League và vào tháng tới sẽ là đấu trường Club World Cup, mọi thứ đã sẵn sàng cho một kỷ nguyên vàng. Đây là thời đại của Liverpool.
“Những kinh nghiệm mà chúng tôi có thật quan trọng. Mùa giải trước một lần nữa cho chúng tôi thấy rằng phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Nếu bạn nhìn lại sự nghiệp của tôi, bạn sẽ thấy tôi luôn đi đến cùng. Thật không thể tin được.
Khi tôi trở thành nhà vô địch Đức cùng Dortmund, đó là lần thứ 3 mọi thứ được định đoạt ở vòng đấu cuối cùng. Rồi sau đó chúng tôi còn một trận chung kết nữa vào cuối mùa giải. Luôn luôn cố gắng dù kết cục có thể cay đắng. Ulla không quá thích điều đó đâu nhưng đây là một phần trong sự nghiệp của tôi. Tôi nên làm quen với nó. Chúng ta nên cố gắng nén mọi thứ chặt nhất có thể”.
Thời gian phỏng vấn kết thúc. Klopp có việc cần làm với ban huấn luyện và sau đó là buổi tập chiều. Hành trình không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo của ông tiếp tục.
Lược dịch từ bài viết “Jurgen Klopp exclusive: When we start a team meeting the only thing I really know I am going to say is the first sentence” của tác giả James Pearce trên The Athletic
CG