Tôi sợ hãi khi nghĩ rằng danh tiếng của mình có thể bị hủy hoại bởi một sự cố ngoài ý muốn sau hàng trăm pha tắc bóng mạnh mẽ nhưng hợp lý và hoàn toàn không có ác ý mà mình đã thực hiện trong sự nghiệp. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Nani không dính phải một chấn thương nghiêm trọng, bởi vì tôi chưa từng gặp bất kỳ cầu thủ nào tán tận lương tâm đến mức có ý nghĩ muốn làm tổn hại sự nghiệp của một người đồng nghiệp cả.
Tôi đã chẳng thể nào ngủ nổi sau pha tắc bóng mà mình đã thực hiện với Nani, và chưa bao giờ gặp một cầu thủ nào thực sự muốn đồng nghiệp của mình dính chấn thương.
Tôi đang nằm đau đớn trên bàn điều trị tại Ewood Park. Đó là vào tháng 9 năm 2003, chân tôi bị gãy và sắp phải đối mặt với một khoảng thời gian dưỡng thương rất dài, thì bỗng ngoài cửa có tiếng ồn ào.
Bố của tôi, Philly, đã đi từ khán đài đến phòng thay đồ, đầu óc bừng bừng lửa giận với hậu quả mà tôi phải hứng chịu vì “pha tranh chấp kinh dị” của Lucas Neil, và sau đó phải rời xa sân cỏ nhiều tháng.
“Đó là pha tắc bóng của một thằng hèn,” huấn luyện viên trưởng của tôi, Gerard Houllier, thể hiện sự phẫn nộ.
Huấn luyện viên trưởng của Blackburn Rovers vào thời điểm ấy, Graeme Souness, đã phản pháo lại: “Ông sẽ phải từng chơi bóng thì mới hiểu được bản chất của những chuyện xảy ra trên sân. Có thể tình huống đó trông giống một pha triệt hạ, nhưng nó không hề có ác ý.”
Ngay cả giám đốc điều hành của Hiệp Hội Cầu Thủ Chuyên Nghiệp, Gordon Taylor, cũng vào cuộc. “Tôi không thể nào tin rằng Lucas cố ý làm cậu ấy chấn thương,” Ông ta nhận định.
Trong suốt nhiều ngày, có cảm giác như tất cả mọi người đều đang thay mặt tôi tỏ ra giận dữ, hoặc bày tỏ sự thông cảm với cái gã đã hủy hoại mùa giải của tôi.
Một trong những người bạn thân nhất của tôi, David Thompson, đã tình cờ gặp Neil tại Trafford Centre của Manchester và gọi điện thoại cho tôi để hỏi rằng liệu tôi có muốn thằng cha đó chịu chút “quả báo” nào không. Bất cứ ai biết về con người Tommo (và việc cậu ấy rất nhỏ con) đều sẽ hiểu rằng đây chỉ là một lời nói đùa, nhưng sau đó đã bị đám truyền thông xuyên tạc, bóp méo khi tôi đưa nó vào cuốn tự truyện của mình, tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy vấn đề này đã trở nên nhạy cảm đến mức nào.
Hai người duy nhất không liên tục lải nhải về biến cố đó chính là những người liên quan trực tiếp đến nó, mặc dù Neill đã xin lỗi tôi sau khi vụ việc này diễn ra được hai ngày.
Tôi đã chấp nhận lời xin lỗi của cậu ấy và tiến bước, đó chính là lý do vì sao tôi không thể nào bị chửi là một thằng đạo đức giả sau khi thực hiện một pha tắc bóng kinh hoàng tương tự với winger của Manchester United, Nani, vào tháng Ba năm 2011.
Hồi ấy, quyết định mà tôi đưa ra thực sự là quá ngu ngốc và cực kỳ đáng trách. Tôi đã thể hiện sự hiếu chiến của mình khi thấy Sir Alex Ferguson đưa Nani sang cánh trái với mục đích tấn công tôi ở vị trí hậu vệ phải. Tôi muốn kèm Nani càng chặt càng tốt, không để lộ bất kỳ khoảng trống nào, đó là suy nghĩ của tôi trước khi thực hiện một pha tranh chấp mang thông điệp rằng cậu ta sẽ không thể vượt qua mình, nhưng khi tôi lao vào thì quả bóng đã được đẩy đi.
Tôi đã rất hoảng hốt. Quá trình suy nghĩ của tôi bị sai lệch và tôi đã mắc phải một tội lỗi hết sức nghiêm trọng, khâu lựa chọn thời điểm trong pha tắc bóng đó đã sai lầm một cách tệ hại. Đến cả tôi cũng thấy rất kinh khủng khi xem lại khoảnh khắc ấy.
Đêm hôm đó tôi đã chẳng thể nào ngủ được, tâm trí tôi bị ám ảnh bởi pha tắc bóng khủng khiếp kia và phản ứng của công chúng đối với nó. Tôi tự hào vì được biết đến là một cầu thủ quyết liệt, dũng mãnh và tinh thần tranh đấu cực kỳ cao chứ không phải một kẻ thích gây thương tích cho đối phương.
Tôi sợ hãi khi nghĩ rằng danh tiếng của mình có thể bị hủy hoại bởi một sự cố ngoài ý muốn sau hàng trăm pha tắc bóng mạnh mẽ nhưng hợp lý và hoàn toàn không có ác ý mà mình đã thực hiện trong sự nghiệp. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Nani không dính phải một chấn thương nghiêm trọng, bởi vì tôi chưa từng gặp bất kỳ cầu thủ nào tán tận lương tâm đến mức có ý nghĩ muốn làm tổn hại sự nghiệp của một người đồng nghiệp cả.
Tôi đã hồi tưởng lại ký ức ghê rợn ấy trong sự xôn xao của những sự kiện diễn ra vào ngày 17/10 tại Goodison Park và từ đó đưa ra câu trả lời cho lý do tại sao mặc dù sự thương cảm của tôi hoàn toàn hướng về Virgil Van Dijk, nhưng tôi tuyệt đối không thể đồng ý với quan điểm cho rằng Jordan Pickford đã thực sự muốn triệt hạ đối thủ của cậu ta trong pha tranh chấp nguy hiểm kia. Tôi hiểu cảm giác của cả hai người họ. Đối với Van Dijk, sự dày vò mà cậu ấy phải hứng chịu nằm ở thể xác. Còn đối với Pickford, nó nằm ở tâm lý – cảm giác tội lỗi là điều không thể tránh khỏi.
Với tư cách là một cựu cầu thủ và hiện tại là một bình luận viên, tôi phải cố gắng đánh giá mọi chuyện một cách tỉnh táo và tránh đi việc bị chỉ trích là tiêu chuẩn kép. Đó là lý do vì sao tôi đã gạt bỏ sang một bên những cảm xúc đơn thuần sau pha tắc bóng của Pickford, và nhìn nhận một cách thật cẩn thận về nó – liều lĩnh, như không ác ý.
Pickford đã làm điều mà tôi từng làm với Nani. Chuyển động ban đầu của cậu ta hướng đến quả bóng, không để ý đến đối thủ. Khi nhận ra mình đã hành động muộn và rời khỏi vị trí an toàn, cậu ta bắt đầu hoảng sợ, mất kiểm soát và lao vào Van Dijk. Đó là những hành động của một cầu thủ thi đấu thiếu điềm tĩnh. Đây không phải là chuyện mới mẻ gì ở Pickford. Hiện tại, cứ mỗi khi cậu ta đưa ra một quyết định quan trọng nào trên sân, thì đó sẽ thường là một sai lầm. Trong tình huống này, sai lầm của cậu ta đã gây nên một hậu quả nghiêm trọng cho trung vệ của Liverpool.
Những tình huống khủng khiếp kiểu này là thứ chúng ta thỉnh thoảng sẽ gặp phải trong các trận đấu. Những chấn thương nghiêm trọng là một nguy cơ nghề nghiệp luôn tiềm ẩn. Với tư cách là những con người chuyên nghiệp, ban huấn luyện và các fan luôn yêu cầu chúng tôi không bao giờ ngần ngại trong việc thực hiện một cú tắc bóng – đặc biệt là trong một trận Derby. Tôi xin cam đoan với các bạn, khi làm như vậy, điều mà chúng tôi quan tâm là thể hiện sự quyết liệt để chứng minh khả năng của bản thân và giúp ích cho đội, không phải gây chấn thương cho đối thủ.
Tương tự, sự phẫn nộ, xót xa của Liverpool không phải là điều hiếm gặp và tôi có thể thấy rõ sự đạo đức giả ở những kẻ chỉ trích câu lạc bộ cũ của tôi đã “quá lố” trong phản ứng tức thì của họ với vụ việc này. Cảm giác bị đối xử bất công trong những quyết định quan trọng đã thổi bùng lên ngọn lửa giận giữ của một bối cảnh sau trận đấu vốn cũng đã rất phức tạp. Bởi vì tất cả những chuyện này diễn ra trong một trận Derby Merseyside và pha tắc bóng của Pickford không bị trừng phạt, vậy nên sự dâng trào của cảm xúc là rất dễ hiểu.
Nói về lũ ngu ngốc trên các phương tiện truyền thông xã hội đang không ngừng công kích Pickford hay Richarlison, đám này không đại diện cho toàn bộ fanbase của Liverpool, tương tự như đám Evertonians đã liên tục tấn công Neil Taylor của xứ Wales khi cậu ấy làm gãy chân Seamus Coleman trong một trận đấu cấp đội tuyển quốc gia vào năm 2017, hay vụ việc của Heung-Min Son và Andre Gomes một năm trước. Thật kinh ngạc, những phản ứng đáng nể nhất sau các sự cố đó đã đến từ chính Coleman và Gomes.
Một vấn đề lớn hơn đối với Pickford và huấn luyện viên trưởng của cậu ấy, Carlo Ancelotti, là chàng trai này sẽ không thể nào tránh được việc bản thân thu hút cực kỳ nhiều sự chú ý bất cứ khi nào ra sân. Đối với mọi cầu thủ, đây là một tình huống hết sức nguy hiểm.
Nếu một vị huấn luyện viên trưởng tham dự mọi cuộc họp báo trong khi biết rằng mình sẽ liên tục được hỏi về cùng một cá nhân vì những lý do tiêu cực – như đã diễn ra trong trường hợp của Ancelotti khi bước vào cuộc đối đầu với Southampton – rồi sẽ đến lúc ông ấy tự hỏi rằng liệu tay cầu thủ kia có thực sự xứng đáng để mình chấp nhận sự phiền nhiễu đó không.
Thật không may cho Pickford, hiện tại thì câu trả lời cho trường hợp của cậu ấy là “không”. Ancelotti chắc chắn đang rất đau đầu với những sai lầm của thủ môn này, và đó chắc chắn không phải là một trình độ tương xứng với tham vọng của Everton.
Những chuyện diễn ra vào ngày 17/10 đã tóm tắt lại sự nghiệp của Pickford kể từ kỳ World Cup trước. Mỗi khi cậu ấy mắc một sai lầm, nó đều sẽ gây nên một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Chúng ta không phải đang nói về một ngày “hắt hơi xổ mũi” diễn ra bất ngờ. Pickford vốn đã chơi kém trong suốt 18 tháng qua, và đó là lý do vì sao bản hợp đồng lớn tiếp theo của Ancelotti phải là một thủ môn mới. Sự chú ý vào pha tắc bóng của Pickford đã làm dư luận phân tâm khỏi một màn trình diễn “dưới tiêu chuẩn” khác của cậu ấy.
Nhưng với VAR, những sự chú ý sau trận đấu sẽ càng lúc càng tập trung nhiều hơn vào màn trình diễn của Pickford, việc cậu ấy suýt nữa bị đuổi khỏi sân sớm, suýt nữa khiến đội phải nhận một quả penalty và không thể cản phá cú dứt điểm của Jordan Henderson vào phút cuối.
Trở lại với năm 2003, khoảng thời gian dưỡng thương kéo dài rất lâu của tôi đã tạo nên những hệ quả tiêu cực với cả bản thân tôi và câu lạc bộ. Mỗi khi Liverpool phải nhận một kết quả không như ý trong những tuần tiếp theo, Houllier đều nhắc đến sự vắng mặt của tôi. Chuyện đó diễn ra nhiều đến mức người thay thế tôi, John Arne Riise, đã phải than phiền riêng với tôi.
“Nản thực sự luôn anh ạ. Mỗi khi lão huấn luyện viên nói về việc ổng nhớ anh, chuyện đó lại càng khiến em mất tự tin,” Riise bảo với tôi.
Tôi đồng ý với vụ này và bảo cậu ấy hãy bày tỏ quan điểm đó với huấn luyện viên đi, cậu ấy đã làm vậy.
Khi cả thế giới đều hướng về Van Dijk, có một nguy cơ rất lớn là Joe Gomez hoặc Joel Matip cũng sẽ trải qua những cảm giác tương tự như Riise. Đó là lý do vì sao trận thắng và giữ sạch lưới trước Ajax vào ngày 22 tháng 10 mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu Liverpool thua, chắc chắn mọi câu hỏi dành cho Klopp đều sẽ liên quan đến trung vệ đang vắng mặt của ông ấy.
Gạt sang một bên yếu tố cảm xúc, Klopp càng ít đề cập và được hỏi về Van Dijk từ bây giờ cho đến khi cậu ấy trở lại, thì sẽ càng tốt. Điều đó có nghĩa là đội bóng của ông ấy vẫn đang tiếp tục tiến bước mà không có cậu ta.
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “The fall-out from 'horror' tackles can be toxic - I should know” của Jamie Carragher, đăng tải trên Telegraph.
Ruud van Nistelrooy đã không giành được chiến thắng trong trận đầu tiên tại Premier League với tư cách huấn luyện viên tạm quyền Manchester United khi “Quỷ đỏ” bị Chelsea cầm chân 1-1 tại Old Trafford. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực về tinh thần và chiến thuật phát đi từ United.
Ngày trở lại Anfield rạng sáng thứ Tư này của Xabi Alonso không phải là dịp để bản thân anh lẫn người hâm mộ Liverpool cảm thấy nuối tiếc. Mà là để hồi tưởng lại những năm tháng xưa cũ, và để trao cho nhau lời chào trọn vẹn còn thiếu.
Đây là Bryan Mbeumo! Cầu thủ hiện đang đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới tại Premier League mùa này với 8 bàn thắng sau 9 lần ra sân, chỉ kém 3 bàn so với người dẫn đầu là Erling Haaland.
Raphinha có vẻ không thích phỏng vấn lắm, nhưng anh cũng không tỏ ra khó chịu khi được chúng tôi (tờ El Pais – Tây Ban Nha) tiếp cận. Anh nói chậm rãi, lướt qua một số câu hỏi, nhưng không hề né tránh: Raphinha là kiểu người thẳng thắn.
Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.