Helenio Herrera: Thầy phù thủy của thế giới bóng đá (P3)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Năm 02/05/2019 15:58(GMT+7)

Zalo

Giới truyền thông Italia đã đặt cho ông nicknamed là Il Mago – “Thầy phù thủy” – vì khả năng dự đoán kết quả của những trận đấu diễn ra vào cuối tuần một cách vô cùng chính xác.

Phần 1: Helenio Herrera: Thầy phù thủy của thế giới bóng đá (P1)

Phần 2: Helenio Herrera: Thầy phù thủy của thế giới bóng đá (P2)

Phần 3: 
 
Triều đại của Herrera tại Nezaruzzi khởi đầu khá chậm chạp. Họ đứng vị trí thứ ba vào năm 1961 và thứ hai vào năm 1962, sau Milan. Đối với một huấn luyện viên được hưởng một mức lương cao như Herrera thì đó bị xem là một thành tích không đạt đúng kỳ vọng. Trong năm đó, ông đã dẫn dắt đội tuyển Tây Ban Nha tại World Cup 1962 diễn ra ở Chile, nhưng La Roja đã sớm bị loại ngay từ vòng bảng. (Vài năm sau, Herrera cũng sẽ gia nhập ban huấn luyện của đội tuyển quốc gia Italia). Trở lại Italia, ông đã thành công trong việc giúp Inter giành được Scudetto đầu tiên sau 10 năm chờ đợi.
Illustration: Sammy Moody

Giới truyền thông Italia đã đặt cho ông nicknamed là Il Mago – “Thầy phù thủy” – vì khả năng dự đoán kết quả của những trận đấu diễn ra vào cuối tuần một cách vô cùng chính xác. Tại Venice, khi Kuper phỏng vấn Herrera và đề cập đến việc ông được gọi là một “Thầy Phù Thủy”, ông đã thừa nhận rằng mình không mấy yêu thích biệt danh này. “‘thầy phù thủy” không phải là một từ ngữ thuộc về bóng đá,” ông nói, theo Wilson viết lại. “’Đam mê’ và ‘sức mạnh’ mới là những từ ngữ thuộc về thế giới bóng đá. Lời khen ngợi tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận được là từ một người đã bảo rằng tôi đã làm việc đến 30 tiếng một ngày.”
 
Inter dưới triều đại của Herrera cũng có một biệt danh: La Grande Inter. Nhưng cái tên này vẫn chưa thể nói lên hết được về họ. Đó là một đội bóng kỷ luật, bền bỉ, sắt đá, khéo léo và máu lửa; được củng cố bởi chế độ tập luyện hợp lý và team-building của Herrera. Chiến thuật chính của họ là Catenaccio, nhưng nó đã được ông thêm vào những sự điều chỉnh cực kì quan trọng. Giacinto Facchetti, một cựu tiền đạo trung tâm đầy sức mạnh và có thể lực sung mãn, đã được ông huấn luyện lại thành một hậu vệ trái có khả năng lên công về thủ nhịp nhàng, một mũi khoan thường xuyên dâng cao tàn phá hành lang cánh của đối phương. Vào mùa giải 1965/1966, anh đã ghi được đến 10 bàn thắng.

Trấn giữ trung lộ là một Sweeper có lối chơi dũng mãnh, không khoan nhượng, sở hữu khả năng chuyền dài tuyệt đỉnh – Picchi – và hai trung vệ, Aristide Guarneri và Tarcisio Burgnich. Toàn bộ cánh phải được đảm nhận bởi Jair, một cầu thủ chạy cánh người Brazil đầy tốc độ. Ở hàng tiền vệ, Suarez đảm nhận vai trò nhạc trưởng, giật dây mọi thứ từ một vị trí lùi sâu. Corso hoạt động bên cánh trái, trong khi Mazzola – con trai của người đội trưởng huyền thoại của Torino, Valentino – đóng vai trò tiền đạo chủ lực. Herrera giải thích chiến thuật của ông như sau: “Một số lượng nhỏ những đường chuyền ngắn, được thực hiện rất nhanh để đưa bóng đến khung thành đối phương trong thời gian ngắn nhất có thể. Ở đó hầu như không có chỗ để thực hiện những pha rê bóng. Đó là một ‘công cụ’, không phải một hệ thống. Trái bóng luôn được luân chuyển xa hơn và nhanh hơn, khi không có một cầu thủ nào phía sau nó.”
 
Năm 1964, Inter đánh mất Scudetto sau một trận thua trong cuộc đối đầu có tính chất đầy quan trọng trước Bologna. Thế nhưng, họ đã giành được chức vô địch châu Âu đầu tiên sau khi đánh bại Real Madrid với tỷ số 3-1 trong trận chung kết diễn ra ở Vienna, nhờ vào cú đúp của Mazzola. Đó chính là trận đấu báo hiệu cho sự kết thúc của triều đại Ferenc Puskás và Di Stéfano. Đối với Herrera, đó là một màn báo thù ngọt ngào sau thất bại 6-2 của ông trước họ, thời ông vẫn còn dẫn dắt Barcelona. Trước trận chung kết đó, Miguel Muñoz, huấn luyện viên của Madrid, đã bị ám ảnh về Facchetti.

“Ông ấy khiến chúng tôi phát điên khi cứ liên tục nhắc đi nhắc lại về Facchetti và nhìn nhận anh ta bằng một sự nghiêm túc cao nhất có thể,” Di Stéfano kể lại, theo ghi chép của Sid Lowe. “Chính vì điều đó, tất cả mọi người đều đinh ninh rằng anh ta sẽ là một phiên bản Paco Gento của đối phương. Vậy, chuyện gì đã xảy ra ? Anh ta thậm chí còn không tấn công chúng tôi lấy một lần.” Trong trận chung kết đó, sự vượt trội của Inter đã chứng minh rõ nét những thế mạnh của Catenaccio. Hàng phòng ngự chơi lùi sâu, tổ chức một-kèm –một, với Picchi nhận nhiệm vụ “quét” những pha bóng nguy hiểm ở phía sau hai trung vệ. Di Stéfano đã mô tả với Lowe về Picchi như sau: “Anh ta là một trong những Sweeper chơi lùi sâu đến mức, nếu có một chút sương mù trên sân bóng và bạn nghĩ rằng mình đã vượt qua tất cả cầu thủ phòng ngự của họ, thì anh ta sẽ bất thình lình xuất hiện. ‘Thằng cha đó chui lên từ đâu vậy ? Cái đ** gì thế này ? Họ đang chơi với 12 cầu thủ à ?’”
 
Đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc ai là người đã phát minh ra Catenaccio. Herrera khẳng định rằng ông đã nghĩ ra hệ thống này trong suốt quãng sự nghiệp thi đấu ở Pháp, khi ông nảy ra ý tưởng tự đặt vào vị trí của một sweeper để trở thành người chỉ huy hàng phòng ngự. Nhưng những bằng chứng trong lịch sử đã cho thấy, ông chỉ đơn giản là người đã làm nó trở nên nổi tiếng hơn. Thậm chí còn có vài ý kiến cho rằng, người đứng sau sự xuất hiện của Catenaccio tại Inter không phải là Herrera, mà là những nhân vật khác. Theo ghi chép của Foot, người ta thường nói rằng, chính Moratti đã thuyết phục ông áp dụng nhiều chiến thuật thiên về phòng ngự hơn.

Theo Brera, sở dĩ Herrera chuyển sang sử dụng Catennacio tại Nezaruzzi là bởi ông đang lún sâu vào một cơn tuyệt vọng tưởng như không lối thoát sau một khởi đầu nghèo nàn vào đầu những năm 1960. Luận điểm này đã được củng cố bởi Arrigo Sacchi. “Khi mới đến Serie A, ông ấy thường sử dụng một thứ bóng đá thiên về tấn công,” Sacchi kể lại với Wilson. “Và sau đó, ông ấy đã thay đổi. Tôi nhớ khá rõ về một trận đấu mà họ đối đầu với Padova của Rocco. Inter hoàn toàn chiếm ưu thế trong trận đấu.

Padova chỉ có thể đưa bóng vượt qua vạch giữa sân vỏn vẹn ba lần, nhưng họ lại có thể ghi đến hai bàn và có một cú sút trúng cột. Và Herrera đã phải nhận vô số gạch đá từ truyền thông, cũng như cổ động viên sau trận đấu đó. Vậy ông ấy đã làm gì ? Ông ấy bắt đầu bố trí trong đội hình một Libero, nói Suárez đá lùi sâu và tung ra những đường chuyền dài, và triển khai một lối chơi phòng ngự phản công. Đối với tôi, La Grande Inter sở hữu những cầu thủ tuyệt vời, nhưng họ là một đội bóng chỉ thi đấu với một mục tiêu duy nhất: giành chiến thắng.”
 
Nhận định thứ hai của Sacchi là hoàn toàn đúng. Khát khao giành chiến thắng của Herrera lớn đến mức không có giới hạn. Đã có rất nhiều cáo buộc suýt chút nữa đã hủy hoại sự nghiệp của ông – dàn xếp tỷ số, mua chuộc trọng tài, cho cầu thủ sử dụng doping – nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra, vì vậy ông vẫn bình an vô sự. Ông đã thực hiện khá nhiều hành động có thể mô tả bằng câu “có lý nhưng không có tình”. Khi cha của Aristide Guarneri, một cầu thủ trong đội hình, qua đời vào đêm trước khi diễn ra trận Derby với Milan, Herrera đã quyết định giữ kín chuyện này để không làm anh ta mất tập trung trong trận đấu.

Năm 1965, Inter bảo vệ thành công cúp Châu Âu bằng việc đánh bại Benfica với tỷ số 1-0 trong một trận chung kết đầy tai tiếng tại Giuseppe Mezza, với một sân bóng lầy lội và ngập nước. Website chính thức của UEFA đã mô tả trận đấu này bằng dòng nhận định: “Đây không phải là một chiến thắng của chủ nghĩa thuần túy.” Trận bán kết cũng bị bao quanh bởi rất nhiều tranh cãi. Đội bóng của Herrera đã để thua 3-1 trước Liverpool, và trước khi trận lượt về diễn ra, theo Wilson kể lại, Bill Shankly đã tuyên bố rằng, một nhà báo người Italia đã nói thẳng vào mặt ông: “Ông không được phép giành chiến thắng.” Inter đã giành chiến thắng 3-0 trong một trận đấu đầy tranh cãi. Corso ghi bàn trực tiếp từ một pha đá phạt gián tiếp, còn tiền đạo Joaquín Peirò thì chặn bóng từ thủ môn Tommy Lawrence khi anh đang cố gắng phát nó lên. Đó đều là hai bàn thắng đầy nghi vấn. 
 
Bên cạnh vấn đề ai là người đã phát minh ra Catenaccio, cũng đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra với chủ đề là về “bản chất” của nó. Một số người cho rằng, hệ thống này mang tính “xây dựng” nhiều hơn cái danh tiếng mà thế giới biết về nó. Herrera khẳng định rằng hệ thống của ông đã bị hiểu sai, bởi vì có rất nhiều người đã sao chép nó, nhưng lại bỏ qua một số nguyên tắc về mặt tấn công. Quan điểm này đã được củng cố bởi Mazzola, người luôn cho rằng những định kiến sai lầm kia bắt nguồn từ cái “hình ảnh” mà Inter đã trưng ra ở đấu trường châu Âu, qua đó tạo nên “tiếng xấu” cho họ.

“Khi tôi nghe người ta nói về việc Inter sử dụng Catenaccio, tôi luôn phải đính chính lại rằng chúng tôi chỉ chơi Catenaccio khoảng 6 trận, và 40 trận khác là sử dụng bóng đá tấn công,” Mazzola bộc bạch với FIFA.com. “Tôi vẫn còn nhớ như in rằng, có những trận đấu trên sân nhà, hai trung vệ của đội là Picchi và Guarneri rãnh rỗi đến mức phải nhìn lên khán đài và tìm kiếm một cô nàng nóng bỏng nào đó để tán sau khi trận đấu kết thúc, bởi vì đối phương thậm chí còn không thể đưa bóng vượt qua vạch giữa sân đến một lần.

Nhưng sau đó, trong các trận đấu ở nước ngoài – tôi thừa nhận đây là một sai lầm – chúng tôi thường cảm thấy không thoải mái và an toàn, vì vậy nên quyết định sẽ thi đấu lùi sâu về phần sân nhà,” Ông nói thêm. “Chúng tôi có đến 5 cầu thủ tấn công trong đội, nếu tính cả Fachetti thì là 6 người, bởi vì anh ấy thường xuyên dâng cao tấn công, điều mà không mấy người đá cùng vị trí dám làm vào thời điểm đó. Đúng là thỉnh thoảng chúng tôi có sử dụng một hệ thống siêu phòng ngự khi phải thi đấu trên sân khách, nhưng chúng tôi thường xuyên đá với đội hình 4-2-4 và mọi người đều hoạt động rất chăm chỉ.”
 
Ở đấu trường quốc nội, những con số thống kê cũng đã vẽ ra một bức tranh đầy phức tạp. Mùa giải 1960/1961, Inter thể hiện một lối đá tấn công cuồng nhiệt và đã có những trận thắng với cách biệt rất lớn, họ đánh bại Atalanta với tỷ số 5-1, hạ gục Bari với tỷ số 2-1, nghiền nát Udinese và Vicenza với tỷ số lần lượt là 6-0 và 5-0. Họ kết thúc mùa giải năm đó với 73 bàn thắng sau 34 trận, chỉ xếp sau Juventus, đội bóng đã ghi đến 80 bàn. (Inter có lẽ đã ghi được nhiều bàn thắng hơn, nếu Herrera không đưa ra sân một đội hình gồm toàn các cầu thủ của đội trẻ trong một trận đấu với Juventus để phản đối phán quyết của Liên Đoàn Bóng Đá Italia. Họ đã thua trận đấu đó với tỷ số … 9-1).

Mùa giải tiếp theo, Inter ghi được 59 bàn, để thủng lưới 31 bàn – ít hơn 3 bàn so với mùa giải trước. Năm tiếp theo, những con số mà Inter đạt được có thể mô tả bằng hai chữ  “đỉnh cao”, họ chỉ phải nhận 20 bàn thua, và mặc dù chỉ ghi được 56 bàn, nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để giúp họ giành được Scudetto. Mùa giải 1963/1964, mặt trận phòng ngự của Inter lại tiếp tục tỏa sáng, họ chỉ để lọt lưới 21 bàn và ghi được 54 bàn. Chức vô địch quốc gia thứ hai mà Inter giành được dưới thời Herrera, vào năm 1965, là nhờ vào một lối chơi phóng khoáng hơn rất nhiều, với việc ghi được 68 bàn thắng và để lọt lưới 29 bàn.
 
Nói chung, Inter chỉ sử dụng một lối chơi “siêu phòng ngự” trong hai mùa giải. Họ có thể là một đội bóng bậc thầy trong việc phòng ngự khi họ muốn, nhưng Foot không hề cô đơn khi khẳng định rằng: “Cái danh tiếng đã luôn gắn liền với tên tuổi của Helenio Herrera như một ‘nhà truyền giáo đầy tranh cãi của Catenaccio’ chủ yếu là được xây dựng dựa trên cái tinh thần khát khao chiến thắng đến mức cực đoan của những đội bóng mà ông ấy dẫn dắt, chứ không phải vì thứ bóng đá mà họ đã chơi.”
 
Vào năm 1966, Inter bảo vệ thành công chức vô địch Serie A với thành tích bàn thắng/ bại gần như tương đương mùa giải trước đó. Ở đấu trường châu Âu, họ lọt vào trận bán kết, đụng độ với Real Madrid, đội bóng sẽ được nâng cao chức vô địch châu Âu thứ 6 trong lịch sử của họ. Mùa giải 1966/1967 kết thúc theo một cách đầy cay đắng. Inter lại lọt vào một trận chung kết cúp châu Âu khác, lần này là ở Lisbon, đối đầu với Celtic của Jock Stein. Đội bóng của Scotland đã đè bẹp đối thủ đến từ Italia với chiến thắng 2-1, bất chấp việc Mazzola đã ghi bàn mở tỷ số từ sớm bằng một quả penalty. “Đây là một kết quả không thể tránh khỏi,” theo tờ báo Mundo Deportivo của Bồ Đào Nha nhận định. “Dù sớm hay muộn, thì Inter của Herrera, Inter của Catenaccio, một Inter bị ám ảnh bởi hai chữ ‘chiến thắng’, cũng sẽ phải trả giá cho việc từ chối chơi một thứ bóng đá phóng khoáng, mang tính giải trí.”
 
Một số người đã đổ lỗi kết quả này cho cách huấn luyện của Herrera, khi ông đã khiến các cầu thủ bị kiệt sức vì những buổi tập khắc nghiệt. Trước trận đấu đó, Inter đã đặt một khách sạn bên bờ biển, gần Lisbon. “Không hề có ai ở đó, thậm chí kể cả các sếp lớn của đội, ngoại trừ các cầu thủ và huấn luyện viên,” Burgnich kể lại với Wilson. “Tôi không đùa đâu. Từ lúc cả đội ngồi trên xe buýt để đi qua cổng khách sạn, cho đến khi rời đi để đến sân vận động ba ngày sau đó, chúng tôi không hề nhìn thấy bóng dáng ai khác ngoài các huấn luyện viên và nhân viên khách sạn. Một người bình thường chắc chắn sẽ phát điên trong hoàn cảnh này. Sau nhiều năm làm việc cùng Herrera, chúng tôi cũng đã quen với chuyện này, nhưng, đến lúc đó, thậm chí chúng tôi đã đạt đến điểm đột phá mới của bản thân.”
 
Mùa giải năm đó sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Trở về Italia, Inter đã để mất Scudetto vào tay Juventus ở vòng đấu cuối cùng. Mùa giải 1967/1968, họ tụt xuống tận vị trí thứ 5, còn Herrera thì chuyển sang AS Roma. 
Tại đội bóng thủ đô, Herrera đã không còn có thể tái hiện lại những thành công mà ông đã đạt được cùng Inter. Trong 5 năm, ông chỉ giành được vỏn vẹn 1 chức vô địch Copa Italia, vào năm 1969. Nhưng những tranh cãi vẫn luôn đeo bám theo vị huấn luyện viên này. Vào năm đó, một cầu thủ của ông, Giuliano Taccola, đã lên cơn đau tim và qua đời. Trước trận đấu với Cagliari, mặc dù Taccola đang lâm bệnh, Herrera vẫn đưa anh đi theo cả đội  đến sân khách và bắt anh tham gia tập luyện trong buổi sáng trước trận đấu, giữa một thời tiết cực kì lạnh giá. Taccola đã theo dõi trận đấu từ trên khán đài. Anh ngã gục trong phòng thay đồ ngay sau đó và qua đời. Rất nhiều người đã đổ lỗi Herrera chính là kẻ đã gây ra cái chết của Taccola.
 
Năm 1973, ông rời khỏi Roma và tái hợp với Inter. Thế nhưng mùa giải duy nhất của Herrera trong lần tái hợp này lại không mấy thành công, còn ông thì lên cơn đau tim. Ông đổ lỗi chuyện này cho những căng thẳng trong công việc, và quyết định từ giã sự nghiệp huấn luyện. Nhưng đó chỉ là một giai đoạn tạm nghỉ. Vào cuối những năm 1970, ông đã tái xuất và đảm nhận vị trí huấn luyện viên trưởng tại Rimini; sau đó, ông tiếp tục quay lại với Barca và đồng hành với họ trong 2 mùa giải. Sau khi rời Tây Ban Nha, vào năm 1981, ông bắt đầu tham gia vào việc viết bài cho các tờ báo và cơ quan truyền thông.
Image result for helenio herrera inter

Herrera cùng vợ chuyển đến sống tại đảo Mazzorbo, nằm ở phía Bắc Venice. Vào ngày 9 tháng 11 năm 1997, Helenio Herrera qua đời. “Thành thật mà nói, tôi không biết làm thế nào mà ông ấy có thể sẵn sàng phô bày cho người đời thấy tất cả những khuôn mặt, khía cạnh của mình,” Những dòng văn được Brera viết vào 35 năm trước. “Điều quan trọng nhất đối với tôi chính là việc ông ấy không bao giờ giả tạo, ngay cả khi ông ấy cố ép bản thân làm chuyện đó. Herrera là một người đàn ông rất chân thật, dù cho không phải lúc nào chúng ta cũng thích ông ấy bởi sự chân thật đó.”
 
Lược dịch từ bài viết “The Wizard” của Thore Haugstad, được đăng tải trên Time on the Ball.

Nam Khánh (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn.

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow