Helenio Herrera: Thầy phù thủy của thế giới bóng đá (P1)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Hai 15/04/2019 20:05(GMT+7)

Zalo

Trước các trận đấu trên sân khách, Herrera luôn là người ra sân đầu tiên và khiến đám đông cổ động viên của đối phương phải la hét với mình, qua đó làm họ mệt mỏi không thể nói lên lời nào nữa khi đến lượt chúng tôi ra sân

Helenio Herrera là một trong những vị huấn luyện viên đặc biệt nhất mà thế giới bóng đá từng sản sinh ra, theo tất cả các cách mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Ông cầm cương các đội bóng của mình bằng sự kết hợp giữa kỷ luật thép, chế độ tập luyện khắc nghiệt đến mức khủng khiếp, thói quen tâm lý lập dị, trại huấn luyện kiểu quân đội và chế độ ăn kiêng được lên kế hoạch một cách nghiêm ngặt. Không có bất kì ai khác sở hữu một ý chí, một khát khao chiến thắng mãnh liệt hơn ông – và cũng không ai sẵn sàng đi xa như ông để đạt được điều đó. Các phương pháp của ông cực kì khắc nghiệt và tàn khốc, các đội bóng của ông vô cùng tàn nhẫn và máu lửa.
Helenio Herrera Thầy phù thủy của thế giới bóng đá (P1) hình ảnh
 
Trong xuyên suốt hai nhiệm kì huấn luyện thành công nhất trong sự nghiệp, với Barcelona từ năm 1958 đến 1960, và với Internazionale từ năm 1960 đến 1968, tính cách lập dị của ông đã để lại một ấn tượng đặc biệt khó quên với giới truyền thông. Những cụm từ đầy phong phú và những lời lăng mạ mà người ta gán cho ông – dù đúng hay sai – cũng đủ để làm ra cả một cuốn từ điển. Là một con người luôn cho mình là trung tâm của mọi thứ, ông như say sưa chìm đắm trong sự chú ý mà người ta nhắm vào mình.

Khi ông xuất bản cuốn hồi ký của mình, Sid Lowe đã phải thốt lên trong cuốn sách “Fear and Loathing in La Liga” của anh: “Helenio Herrera đích thực là một con quỷ! Bây giờ, ông ta đang viết hồi ký! Ôi lạy chúa! Ông ta cảm thấy mình chưa tạo ra đủ ồn ào ư! Hay ông ta cho rằng các tờ báo chưa giành đủ cho mình sự chú ý! Hay thậm chí ông ta nghĩ rằng mấy câu nói của mình chưa xâm chiếm mọi ngôi nhà, mọi văn phòng, mọi cuộc hội thảo và mọi không gian công cộng! Lẽ nào ông ta cho rằng mình chưa được ngưỡng mộ đủ! À, đừng nói với tôi là ông ta thấy người ta ghét mình chưa đủ đấy!”

Herrera từng tuyên bố rằng ông chính là người đã phát minh ra rất nhiều khía cạnh của bóng đá hiện đại. Một số trong đó là chém gió, nhưng hầu hết đều là sự thật. Chúng bao gồm các trại huấn luyện và hệ thống Catenaccio – một biểu tượng từ đó đến nay đã luôn gắn liền với bóng đá Italia. Ông chính là mẫu “huấn luyện viên hiện đại” đầu tiên được sản sinh ra trên thế giới. Ông đã giúp nâng tầm vị thế của một huấn luyện viên, cả về mặt danh tiếng, quyền lực và sức ảnh hưởng.
Helenio Herrera: Ga phu thuy hai mat3
 
Ông là nhà chiến thuật đầu tiên nhận được sự tung hô sau những chiến thắng, là vị huấn luyện viên đầu tiên dám lên tiếng yêu cầu mức lương mà mình được hưởng phải ngang bằng các cầu thủ ngôi sao trong đội. Ông khéo léo áp dụng những “chiêu trò” thúc đẩy động lực và theo dõi đời tư của các cầu thủ dưới quyền. Các nhà phê bình thường cho rằng ông luôn đi rất xa để có thể đạt được chiến thắng. Hơn một lần, chuyện “đi quá xa” này có liên quan đến các cầu thủ của ông. “Tôi đã nhiều lần bị cáo buộc là quá bạo ngược và tàn nhẫn với các cầu thủ của mình,” Ông thừa nhận, theo cuốn “Inverting the Pyramid” của Jonathan Wilson ghi chép lại. “Nhưng tôi chỉ đơn thuần là thực hiện những việc mà sau này mọi câu lạc bộ đều học tập theo: Chăm chỉ, cầu toàn, rèn luyện thể chất, ăn kiêng và ba ngày tập trung trước mỗi trận đấu.”
 
Tất cả các yêu cầu về chuyện kiêng cữ mà Herrera áp đặt đều được tạo ra nhờ việc mô phỏng theo cuộc sống riêng của ông. Ông không bao giờ hút thuốc và hiếm khi uống rượu bia. Theo cô con gái Luna của ông, các món mì ống mà ông ăn đều chỉ chứa dầu ô liu và parmesan. Ông có thói quen tập yoga mỗi buổi sáng. Khi thức dậy, ông sẽ tự nói với bản thân: “Mình mạnh mẽ, điềm tĩnh, mình không hề sợ hãi bất cứ thứ gì, mình thật đẹp đẽ.” Ông thậm chí còn rất thận trong với việc uống quá nhiều nước, ông giấu các chai nhựa trên sàn nhà và giữ chúng bằng chân khi ăn cùng các con.

Chính lối sống đầy kỷ luật này là nguồn gốc đã tạo nên một nhân cách nhiệt thành, mạnh mẽ mà không ai có thể bắt chước được. “Hãy cứ tiếp tục đánh giá ông ta theo cái cách mà tâm trạng của bạn đưa đẩy,” Gianni Brera, nhà phê bình bóng đá vĩ đại nhất Italia, viết về Herrera vào năm 1966. “Gã thô lỗ và thiên tài, tên hề và một nhà khổ hạnh, tên đểu cáng và một ông bố mẫu mực, gã gia trưởng và một ông chồng chung thủy, một gã vênh váo, khoác lác và một người đàn ông “nói ít làm nhiều”, một tên kém tài và một quý ông hoàn hảo, một gã hoang tưởng và một người đàn ông cuồng tín với việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Herrera chính là tất cả những điều trên, và thậm chí là còn hơn thế nữa.”
Helenio Herrera
 
Herrera sinh ra tại Buenos Aires và có bố mẹ là người Tây Ban Nha. Cha của ông, Francisco, là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ, lưu vong từ Andalusia và làm nghề thợ mộc để kiếm sống. Mẹ của ông, Maria Gavilán Martinez, làm nghề lau dọn thuê. Có rất nhiều nghi vấn xoay quanh ngày sinh thật sự của Herrera. Hộ chiếu Pháp, Tây Ban Nha và Argentina cho thấy ông sinh vào năm 1916, nhưng trang web chính thức của ông thì lại nói rằng ông đã tự làm năm sinh của mình sai lệch đi 6 năm. Mốc thời gian được ghi trên tài liệu gốc đã ghi ông sinh vào ngày 10 tháng 4 năm 1910.
 
Vào năm 1920, gia đình của Herrera – vô cùng nghèo khổ và đang tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn – đã rời Argentina để chuyển đến Casablanca, khi đó đang là một thành phố thuộc địa của Pháp. Herrera đã đăng ký vào học tại các trường học ở Pháp và kết bạn với người Do Thái, người Pháp, người Italia và người Tây Ban Nha. Cũng vào thời điểm đó, ông bắt đầu chơi bóng đá. Sau khi gia nhập Roches Noires và Racing Casablanca, ông rời Paris vào đầu những năm 1930 để thi đấu cho Club Athlétique des Sports Généraux, Stade Français (hai lần), Charleville, Excelsior Roubaix, Red Star Olympique và CSM Puteaux.

Ông vốn là một hậu vệ rất được kì vọng, nhưng khả năng thực tế lại có đầy hạn chế. Theo website chính thức của Herrera, ông đã phải làm rất nhiều công việc khác ngoài chơi bóng. Ông đi đến từng nhà để bán dung dịch đánh bóng đồng thau cho các bà nội chợ. Ông dạy môn giáo dục thể chất tại các ngôi trường. Ông có bằng tốt nghiệp vật lý trị liệu để trở thành một nhân viên mát xa. Năm 1930, khi được gọi đi nghĩa vụ quân sự, ông đang làm việc như một chuyên gia về sợi thủy tinh, một vật liệu được sử dụng để làm đồ cách nhiệt và cả trong chiến tranh, cũng nhờ đó mà Herrera tránh được việc phải tham gia vào các trận chiến. 
 
Chấn thương đầu gối mà Herrera dính phải ở tuổi 20 đã cản trở tham vọng của ông. Sau một mùa giải khoác áo Puteax, vào mùa 1944/1945, ông đã quyết định từ giã sự nghiệp cầu thủ. “Đời cầu thủ của tôi chẳng ra gì cả,” Ông kể lại, theo cuốn sách của Wilson ghi chép. “Ưu điểm lớn nhất của tôi chính là việc các ngôi sao bóng đá thường rất tự phụ mỗi khi chuyển hướng sang làm huấn luyện viên. Họ hoàn toàn không biết cách dạy cho người khác những việc mà mình đã từng làm rất giỏi. Tôi thì không như vậy.”
 
Mặc dù phải mang những hạn chế về mặt thể chất, nhưng bù vào đó, Herrera lại có một bộ não chiến thuật siêu việt. Khi ông nghỉ hưu, các khái niệm và lý thuyết đã dần hoàn thiện trong tâm trí ông. Năm 1945, ông tái gia nhập Stade Francais với tư cách là huấn luyện viên trưởng. Ba năm sau, ông đầu quân cho Real Valladolid, trước khi đến với Atlético Madrid, gắn bó với họ từ năm 1949 đến 1953 và mang về hai chức vô địch La Liga. Sau đó, ông chuyển sang dẫn dắt cho Malaga, Deportivo Deportivo de La Coruña và Sevilla, trước khi nắm quyền tại Belenenses của Bồ Đào Nha trong mùa giải 1957/58.

Vào thời điểm đó, các phương pháp lập dị của ông đã được biết đến rộng rãi trên bán đảo Iberia. “Trước các trận đấu trên sân khách, ông ấy luôn là người ra sân đầu tiên và khiến đám đông cổ động viên của đối phương phải la hét với mình, qua đó làm họ mệt mỏi không thể nói lên lời nào nữa khi đến lượt chúng tôi ra sân,” Adriano Escudero, một thành viên trong đội hình Atletico, hồi tưởng lại. Alfonso Aparermo, một cầu thủ khác của Atletico, kể lại với FIFA.com: “Ông ấy từng bắt chúng tôi tập luyện điên cuồng đến ba tiếng mỗi ngày. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là, khi trận đấu vào ngày chủ nhật đến, chúng tôi sẽ có thể nghiền nát bất kì đối thủ nào.”
Helenio Herrera: Ga phu thuy hai mat2
 
Năm 1958, Barcelona bổ nhiệm Herrera vào chiếc ghế huấn luyện với nhiệm vụ hàng đầu là giúp họ truất ngôi Real Madrid. Đội bóng xứ Catalan đã giành chức vô địch quốc gia vào các năm 1952 và 1953, nhưng cán cân quyền lực đã thay đổi với việc Real Madrid ký hợp đồng với Alfredo Di Stefano sau một cuộc tranh chấp kéo dài, quyết liệt và mang đậm tính chính trị, với Barca, cùng với đó là sự can thiệp của chính phủ. Mối thù giữa hai cái tên đầy duyên nợ này vẫn được kéo dài cho đến tận ngày nay. Một số người Catalan tuyên bố rằng Franco đã can thiệp để biến Real Madrid trở thành đội bóng hùng mạnh nhất Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn bị bác bỏ ở thành phố Thủ Đô của “xứ sở bò tót”. Vào tháng 7 năm 2014, Alfredo Relaño, biên tập viên của Diario AS, một trong hai tờ báo thể thao có trụ sở tại Madrid ở Tây Ban Nha, đã xuất bản một bài viết dài 4.000 chữ nhằm mục đích làm sáng tỏ mọi nghi vấn. Câu chuyện kết thúc với một phần phụ chương có năm luận điểm, đã đưa bài viết lên thành 6.000 chữ. Theo kết luận của Relaño, vai trò của Franco đã bị phóng đại quá mức, và kết quả của thương vụ này hoàn toàn phụ thuộc vào những thỏa thuận mà Real Madrid đã đưa ra; đặc biệt là với tài năng của Santiago Bernabeu, vị chủ tịch đầy khí chất đã lãnh đạo đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha từ năm 1943 đến năm 1978.
 
Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, thì sự xuất hiện của Di Stéfano vào năm 1953, đã thay đổi tất cả mọi thứ. Madrid đã đăng quang tại giải vô địch quốc gia vào các năm 1954, 1955, 1957 và 1958, cùng với đó, họ cũng đoạt luôn ba chức vô địch Châu Âu đầu tiên, từ năm 1955 đến năm 1957. Barcalona đã không thể vô địch giải quốc nội, họ cũng không đạt đủ điều kiện để tham dự cúp châu Âu. (năm 1956, đội bóng vô địch La Liga là Atletico Club).
Helenio Herrera Thầy phù thủy của thế giới bóng đá (P1) hình ảnh 5
 
Tình hình lúc đó là vô cùng ảm đạm và không có chút hy vọng nào đối với câu lạc bộ xứ Catalan. Barca sở hữu một tập thể ngôi sao kiệt xuất, với những cái tên như Luis Suarez, một playmaker người Tây Ban Nha và bộ ba người Hungary - László Kubala, Sandor Kocsis, Zoltán Czibor. Nhưng tâm lý tự ti và sợ hãi đã phủ lấp câu lạc bộ này. Còn Di Stéfano thì đang tỏa sáng rực rỡ. “Cậu ta là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá,” Herrera nhận xét. “Cậu ta có thể chơi như một hậu vệ, một tiền vệ và một tiền đạo chỉ trong một trận đấu. Còn Pelé chỉ có thể chơi ở hàng công. Di Stéfano có thể làm tất cả mọi thứ, bao gồm cả những việc mà Pelé có thể làm. Nếu Pelé là một lead violin, thì Di Stéfano là cả một dàn nhạc.” (còn nữa)

Lược dịch từ bài viết “The Wizard” của Thore Haugstad, được đăng tải trên Time on the Ball.

Nam Khánh (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow