Giovanni Simeone: “Khi tôi còn nhỏ, bố chính là thần tượng”

Tác giả CG - Chủ Nhật 09/05/2021 16:03(GMT+7)

Zalo

Trong cuộc phỏng vấn với ký giả Sid Lowe trên tờ The Guardian, tiền đạo của Cagliari chia sẻ tại sao anh không chỉ là ‘tiểu Cholo’, nói về giấc mơ Champions League và những sở thích bên ngoài sân cỏ.

Giovanni Simeone
 
Trong số tất cả những cầu thủ bóng đá theo dõi diễn biến câu chuyện về Super League, Giovanni Simeone có lẽ là người chú ý nhiều nhất. Anh tự hỏi liệu giấc mơ của mình có bị chối từ hay không. Anh chưa từng thi đấu ở Champions League nhưng đó vẫn là ước mơ mà anh theo đuổi.
 
“Năm 13 tuổi, tôi có hình xăm đầu tiên trong đời”, tiền đạo của Cagliari nói. “Đáng lẽ phải 18 mới được xăm, nhưng tôi là một người hâm mộ Champions League nên đã quyết định xăm logo của giải đấu khi bản thân mới 13 tuổi. Bố tôi không muốn tôi làm thế. Còn mẹ thì nói: ‘Sao con làm vậy?’. Tôi đáp: “Vì sẽ có ngày con thi đấu và ghi bàn thắng đầu tiên ở đó…”
 
Simeone nhìn vào màn hình và kéo ống tay áo lên và hôn vào cánh tay. “… và hôn lên hình xăm này’”, anh chia sẻ kèm một nụ cười tươi. “Năm 13 tuổi, suy nghĩ của tôi là: ‘Đến châu Âu, châu Âu, châu Âu’”.
 
Với các cầu thủ trẻ ở Argentina, khát khao này không có gì lạ, nhưng với Simeone thì có. Với anh, đến châu Âu không chỉ là sự phát triển, mà còn là việc phải tìm chỗ đứng ở đó. Với Simeone, kết thúc 90 phút trên sân, anh là con người khác. Không chỉ bóng đá, anh còn quan tâm đến chiêm tinh, lịch sử, kiến trúc, thiền và còn nhiều thứ nữa. Trên tất cả chính là nhận thức về bản thân.
 
Song, bóng đá vẫn là cuộc sống của cầu thủ sinh năm 1995: một thứ gắn bó với anh từ lúc sinh ra và đã cùng đi với anh một hành trình dài. “Tôi vẫn còn nhớ hồi nhỏ ở trên sân cỏ, bị thúc cùi chỏ vào mặt và gãy một chiếc răng. Đó là chiếc răng đầu tiên mà tôi rụng. Khi đó tôi khoảng 5 tuổi. Tôi nằm trên sân và bố mẹ chạy vào sân tìm răng cho tôi”.
 
Thế rồi anh lại cười. “Và họ đã tìm thấy nó! Chú chuột Perez đã đến” [Truyện kể về chú chuột Pepito Perez tìm chiếc răng sữa cho cậu bé - PV].
 
Người cha chạy vào sân đó, tất nhiên, chính là Diego “El Cholo” Simeone. Trận đấu đó diễn ra ở Italy, nơi Simeone cha khi đó vẫn đang thi đấu cho Lazio. Nhưng 2 năm sau, cả gia đình lại chuyển nhà một lần nữa, họ trở về Tây Ban Nha vì Simeone khoác áo Atletico Madrid. “Tôi vẫn còn giữ bức hình cả đội ở Buenos Aires. Tôi muốn thi đấu ở trung tuyến như bố, nhưng bố lại bảo tôi: ‘Không, con phải đá cao hơn, sút bóng thật mạnh’. Các thủ môn rất bé và khung thành thì lớn, haha! Bố luôn nói: ‘Sút! Sút!’

Giovanni Simeone
Giovanni Simeone và các con. Ảnh: Getty Images
 
“Sau này chúng tôi trở về Argentina nhưng tôi luôn có suy nghĩ sẽ quay lại châu Âu. Tôi sinh ra ở Buenos Aires nhưng như thể tôi là người châu Âu vậy. Càng lớn tôi càng hiểu Argentina vẫn là quê hương nhưng trong sâu thẳm tôi cảm nhận thấy sự gần gũi với châu Âu, không chỉ là bóng đá mà còn là cuộc sống. Điều đó khiến tôi vừa có chất Nam Mỹ lẫn châu Âu trong người”.
 
Đó là một điều mang tính tiếp nối trong gia đình. Mới đây Gio vừa mới quay lại Tây Ban Nha để xem cậu em út Giuliano thi đấu cho Atletico Madrid B, trong khi cậu em liền kề anh là Gianluca đang đá cho Ibiza ở hạng 3. 
 
Anh nhớ lại những mảnh giấy nằm rải rác khắp nhà, những tờ ghi chú chiến thuật và thấy cha mình đẩy những chiếc đĩa quanh bàn ăn - “Tôi đi đến và thấy bố đang làm vậy. Tôi lên tiếng: ‘Bố à, bây giờ có ứng dụng rồi mà, bố lỗi thời rồi’” - và xem các buổi tập, học hỏi từ các cầu thủ ở đó. “Có Teo Gutierrez, Mandzukic, Villa, Abreu, nhưng người thực sự khiến tôi mê là Radamel Falcao. Tôi luôn hỏi bố về anh ấy và xem những gì anh ấy làm, anh ấy buộc dây giày ra sao và mọi chi tiết nhỏ như thế”.
 
Suốt quãng thời gian sự nghiệp của Giovanni Simeone từ đầu cho tới nay, nó không thường được xem là của riêng anh. “Khi tôi lên hạng nhất ở Argentina, họ bắt đầu gọi tôi là ‘El Cholito’, tiểu Cholo. Hay họ gọi tôi là ‘Con trai của Simeone’. Cứ thế tôi dần thận trọng nhiều hơn. Tôi đáp lại: ‘Tôi không phải El Cholito, tôi là Giovanni Simeone’. Tôi cố gắng chứng minh bằng cách thi đấu vì tôi được thi đấu không phải vì là con của bố tôi mà vì tôi ghi bàn, vì tôi muốn đến châu Âu.
 
Cũng thật khó cho các ông bố. Họ hiểu những cảm giác là các con họ không bao giờ có thể sánh với họ. Tôi đã ghi bàn, tiến bộ, lên đội một, nhưng như thể - và tôi đang nói về cảm xúc của mình - là chưa đủ.
 
Ngoài ra câu chuyện còn liên quan đến bối cảnh xã hội nữa. Ở hệ thống đào tạo trẻ ở River, tôi ở cùng những đứa trẻ không đủ ăn. Sự khác biệt rõ ràng rất lớn. Tôi cố gắng chứng minh rằng như biết bao đứa trẻ khác, tôi chỉ là một cậu bé cố gắng theo đuổi sự nghiệp, nhưng điều đó rất khó. Ban đầu, tập thể không chấp nhận tôi vì thân thế. Họ nói: ‘Sao mày lại đá bóng khi mày có tiền?’ Nhiều người trong số đó chơi bóng vì tiền, là cách để giúp đỡ gia đình. Với tôi bóng đá là niềm đam mê, với họ cũng vậy thôi, song bên cạnh họ có gia đình, người đại diện nói vào tai rằng: Tiền, tiền, tiền và tiền”.

Giovanni Simeone
Cha con nhà Simeone. Ảnh: Instagram nhân vật
 
Anh tiếp tục: “Một số người tin họ (chỉ) thi đấu vì tiền nên được lên hạng nhất rồi là xong. Đó là bởi khi còn nhỏ, họ sống trong một thế giới mà họ chỉ nghe về tiền, tiền. Họ chịu áp lực và những sức ép mà tôi không có.
 
Tôi chơi bóng vì tôi thích và không thực sự cảm thấy gì cho đến khi tới châu Âu năm 22 tuổi. Khi còn nhỏ, tôi không nhận thức mình đang làm gì. Ở Rayo (Majadahonda), tôi ghi 30 bàn trong 20 trận và mọi người nói ‘thật đáng kinh ngạc’, nhưng tôi không nghĩ gì. Ở River, năm tôi 15 tuổi, ông nội tôi đến xem. Sau trận, ông nói: ‘Gio à, ông sẽ nói cháu nghe điều mà ông đã nói với bố cháu ngày xưa: cháu sẽ thi đấu ở hạng nhất’.
 
Sau này nhìn lại, tôi nghĩ đó là bước tiến quan trọng của mình trong việc trở thành cầu thủ bóng đá. Tuy nhiên thời điểm đó tôi chỉ nghĩ: ‘Hay đấy, khá ổn’. Lúc ấy tôi chưa đạt được gì cả. Mục tiêu của tôi là: ‘Thi đấu ở châu Âu, chơi bóng ở châu Âu’”.
 
Genoa đã chiêu mộ anh, sau đó tới Fiorentina và Cagliari, kế đến là 50 bàn thắng ở Serie A. Song, kế hoạch không phải là như vậy, và anh thừa nhận bóng đá Italy không hoàn toàn phù hợp với mình. “Bóng đá Italy rất nặng tính chiến thuật: quân cờ này di chuyển thì quân cờ khác cũng phải di chuyển, giống như cờ vua vậy. Tôi cũng phải học cách thi đấu quay lưng lại khung thành, điều này trái ngược với lối chơi của tôi. Tôi luôn nói: ‘Mình sẽ thi đấu ở đây một năm, sau đó đến chỗ khác mình có thể đá khác’. Và mỗi năm tôi đều nói như vậy… và đến nay được 5 năm rồi.
 
Tôi không dự định như vậy nhưng trong cuộc sống thì có nhiều thứ xảy ra. Mọi thứ xảy ra vì năng lượng, vũ trụ đưa bạn đi”, Simeone nói. Và một câu hỏi không thể tránh khi phỏng vấn Simeone chính là liệu một ngày nào đó anh có đến Atletico hay nước Anh thi đấu hay không?

Giovanni Simeone
Giovanni Simeone hiện đang khoác áo Cagliari. Ảnh: Getty Images
 
“Bạn phải sẵn sàng cho cho bất cứ điều gì có thể xảy đến: người tồn tại là người biết thích nghi, không phải người lên kế hoạch. Nhưng tôi muốn nói là có. Tôi luôn bảo với bố rằng nền bóng đá tuyệt vời nhất hiện tại là bóng đá Anh. Tôi cũng nghĩ ở đó tôi có thể phát huy hết năng lực, đó là một nơi rất hấp dẫn và tôi muốn thử sức, có lẽ tôi sẽ phù hợp.
 
Bố chưa bao giờ nói đừng là cầu thủ thế này thế kia, làm thế này thế kia. Bố cho tôi sự tự do. Khi tôi còn nhỏ, bố là thần tượng của tôi: mọi đứa con đều muốn giống như bố mình. Và tôi yêu bóng đá. Bạn bỏ lại rất nhiều thứ nhưng nếu có đam mê thì bạn sẽ làm được”.
 
Và nếu chưa làm được thì sao? Simeone sẽ làm gì sau trận đấu? “Tôi học về huấn luyện thể lực. Nhưng còn rất nhiều điều nữa. Tôi muốn học về những chòm sao. Tôi thích lịch sử, đọc sách, phim tài liệu, tiểu sử, tâm lý học. Biết nhiều điều sẽ rất tốt. Tôi thích câu cá, đi bộ, thiền. Anh hỏi: Có nhiều cầu thủ khác như vậy không? Vâng, thì…”
 
Simeone thốt lên: “Không, sự thật là tôi không thể nghĩ ra ai cả. Mọi người bảo: ‘À, anh có thiền để đá bóng không?’ Và tôi nghĩ: ‘Không, à vâng, nó giúp cho bóng đá. Nhưng tôi làm thế vì tôi cảm thấy nó có ích. Có những đồng đội trải qua quãng thời gian không tốt và họ gọi tôi. ‘Dạy tôi thiền đi. Cậu làm gì để thấy khá hơn?’
 
Trái bóng tròn lăn rất nhanh. Và không chỉ bóng đá mà chính cuộc sống cũng vậy. Chỉ có 24 tiếng mỗi ngày và thời gian trôi đi nhanh mà bạn không thể nhận ra. Bạn nhấc điện thoại lên nói chuyện và một tiếng rưỡi trôi qua. Tôi tưởng tượng đến ngày mình giải nghệ… tôi ngồi trên sân tập, nhân viên trang phục đến và nói: ‘Cậu không đi sao?’ ‘Không, hãy để tôi ở đây, tôi đang vui’. Đó là điều tôi mong muốn. Tôi chỉ còn 10 năm nữa, đến năm 35 tuổi tôi sẽ dừng lại. Hãy để tôi tận hưởng hành trình này”.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

X
top-arrow