London. Stamford Bridge. Tối 19/4/2014. Vòng 34 Premier League. Chủ nhà Chelsea tiếp đội khách Sunderland. Thời điểm ấy, Chelsea – trong mùa giải đầu tiên thuộc nhiệm kì hai của Jose Mourinho – vẫn đang trong cuộc đua vô địch tay ba với Liverpool và Manchester City.
|
Fabio Borini: Gã trai từng khiến Mourinho khóc hận |
Sunderland, xếp thứ 3 từ dưới lên ở BXH Premier League, rõ ràng chẳng có gì để so sánh với Chelsea của Mourinho. Nhất là khi The Blues có lợi thế sân nhà Stamford Bridge – nơi chứng kiến kỉ lục bất bại tại Premier League của riêng Mourinho mới được nối dài lên con số 77 sau trận thắng đẹp Stoke City 3-0 trước đó 2 tuần.
Ngay từ phút 12, Chelsea đã có bàn mở tỉ số khi Samuel Eto’o dứt điểm cận thành chuẩn xác sau pha kiến tạo đẹp, từ chấm đá phạt góc, của Willian. Nhưng niềm vui của Chelsea không kéo dài quá lâu. Chỉ 5 phút sau, cũng từ một tình huống dàn xếp đá phạt góc, pha dứt điểm căng bên ngoài vòng cấm của Marcos Alonso (chính là Alonso đang đảm nhiệm vị trí “wingback” bên hàng lang trái của Chelsea 2 năm qua) khiến thủ thành đội chủ nhà Mark Schwarzer không thể bắt dính bóng tạo điều kiện cho Connor Wickham đá bồi gỡ hòa 1-1 cho Sunderland.
Trận đấu giằng co trong sự bế tắc của Chelsea trước một Sunderland phòng ngự rất có tổ chức, cho đến phút 80, thời điểm một bước ngoặt quan trọng xảy đến. Nhận một pha chuyền về đơn giản của đồng đội, hậu vệ Azpilicueta bỗng nhiên trượt chân trụ, không chế bóng hỏng tạo điều kiện cho tiền đạo đội khách Josmer Altidore cướp bóng và dẫn sâu vào khu 16m50 Chelsea. Azpilicueta đuổi theo và xoạc bóng. Altidore ngã vật xuống sân. Trọng tài chính Michael Dean ngay lập tức chỉ tay vào chấm phạt đền. Những tình huống quay chậm sau đó cho thấy Altidore, với pha “diving” thượng thừa của anh ta đã đánh lừa thành công đội ngũ trọng tài tại Stamford Bridge.
Sunderland được hưởng quả đá 11m. Bên ngoài đường pitch, trợ lý HLV Farian nhẩy bổ vào trọng tài thứ 4 Phil Dowd như thể muốn “ăn thua đủ” khiến Jose Mourinho phải cố hết sức mới giữ được người đồng nghiệp trong vòng kiểm soát. Trách nhiệm đá phạt đền của Sunderland được trao cho tiền đạo đeo số áo 31, người trưởng thành từ Học viện bóng đá Chelsea và ra mắt Premier League cũng ở Chelsea. Rất bình thản, “số 31” chờ Schwarzer đổ người sang một bên mới dứt điểm nhẹ nhàng vào giữa cầu môn. 2-1 cho Sunderland và đội khách giữ vững tỉ số này đến kết trận. Thắng lợi cực kỳ quan trọng trong kì tích trụ hạng của “Mèo đen” mùa giải 2013/14.
|
Fabio Borini: Đặt dấu chấm hết cho kỉ lục bất bại sân nhà tại Premier League của Jose Mourinho |
Và “số 31” của Sunderland ở trận đấu đáng nhớ ấy, một người cũ của Stamford Bridge và cũng chính là cái tên đặt dấu chấm hết cho kỉ lục bất bại sân nhà tại Premier League của Jose Mourinho, chính là Fabio Borini. Hôm nay ngày 29/3, chàng tiền đạo người gốc Bentivoglio, xứ Emilia-Romagna ấy, người từng khoác áo 2 trong số 4 CLB thuộc “Big Four” Premier League (Chelsea và Liverpool), người từng và đang chơi cho gần nửa số đội thuộc nhóm “7 chị em Serie A”, từ Parma tới Roma rồi Milan hiện tại, chính thức bước sang tuổi 27.
Borini là thế hệ cầu thủ 9X của bóng đá Italia nhưng nhiều khi có một cảm giác rất lạ là, khiến người ta nghĩ chàng trai này từ lâu đã thuộc nhóm “cựu trào” rồi. Có lẽ là bởi, trong sự nghiệp của mình, Borini khiến các CĐV bóng đá quen mặt bởi anh chuyển CLB quá nhiều và quá thường xuyên. Kể từ năm 2011 tới giờ, Borini đã kinh qua 7 lượt CLB khác nhau, từ Chelsea tới Swansea, từ Parma qua Roma, từ Liverpool về Sunderland và giờ là Milan.
Sự nghiệp cầu thủ của Borini, tính đến thời điểm hiện tại, không có quá nhiều điều để nói. Là tiền đạo nhưng anh chẳng ghi bàn nhiều. Sau 214 trận chính thức, tính mọi đấu trường, kể từ ngày ra mắt Chelsea cách đây 9 năm, Borino sở hữu vỏn vẹn 40 bàn thắng. Anh cũng chưa từng một lần giành danh hiệu tập thể, ở các đội bóng mà mình kinh qua. Về mặt cá nhân, lần tôn vinh hiếm hoi và duy nhất dành cho Borini, là giải “Cầu thủ trẻ của năm” của CLB Sunderland, trong mùa giải 2013/14 mà những đóng góp của tiền đạo này đã giúp “Mèo đen” trụ hạng thành công.
|
Fabio Borini và Frank Lampard |
Borini từng nhận được rất nhiều sự kì vọng, từ nhiều giới, khi anh lập vô số kỉ lục ghi bàn ở các tuyến trẻ Chelsea. Nhưng rốt cuộc, Borino chưa từng cho thấy anh có khả năng vươn tới nhóm các cầu thủ hay nhất trong thời đại này. Đến thời điểm này, khi Borini đang chơi như một “wing-back” tại Milan, qua các đời HLV Vicenzo Montella và Gennaro Gattuso, thì có thể nói sự nghiệp của cầu thủ này chắc chắn sẽ không thể bứt xa thêm nữa. Nhưng tại sao, Borini, một chàng cầu thủ không có danh gì, lại là cái tên chẳng hề xa lạ với các CĐV và tới giờ vẫn được fan hâm mộ bóng đá của Việt Nam nhắc tới thường xuyên với ít nhiều tình cảm?
Lý do có lẽ là bởi, Borini là cầu thủ của những khoảnh khắc đặc biệt. Như khoảnh khắc anh sút tung lưới Chelsea từ chấm phạt 11m 4 năm trước cùng biểu cảm lạnh lùng khi “ăn mừng” bàn thắng đặt dấu chấm hết cho huyền thoại bất bại của Mourinho. Như khi anh ghi bàn gỡ hòa 2-2, vẫn vào lưới Chelsea, để từ đó Sunderland có màn ngược dòng thắng 3-2 chung cuộc trước The Blues hồi tháng 5/2016. Hay trước đó, tháng 2/2012, khi anh lập cú đúp giúp Roma hủy diệt Inter 4-0. Hay mới đây, khi anh ghi bàn ấn định tỉ số 4-0 cho Milan, trên sân SPAL, trong thắng lợi đậm nhất của Rossoneri dưới thời HLV Gattuso.
Đấy mới là pha ghi bàn đầu tiên của Borini, tại Serie A, cho Milan, trong một mùa giải mà anh chơi hay một bất ngờ ở vị trí lạ lẫm: wing-back bên phải. Thực ra, cho tới trước thời đại của những Diego Costa tại Chelsea hay Firmino ở Liverpool, thì Borini chính là 1 trong những cầu thủ gây ấn tượng lớn nhất ở một vai trò chiến thuật đặc biệt: “tiền đạo-phòng ngự”. Borini không ghi nhiều bàn thắng trong sự nghiệp của mình, ngoài lý do ít được trao cơ hội khi khoác áo các CLB lớn, thì còn vì cách chơi dị biệt của riêng anh. Là tiền đạo nhưng Borini lại… rất thích phòng ngự, tích cực lùi sâu, không ngại xoạc bóng, sẵn sàng phạm lỗi bất kì lúc nào khi thấy cần thiết. Hai năm trước, trong một cuộc nói chuyện với Guardian, Borini đã dùng từ rất đắt “blind job” để miêu tả cách chơi của anh, vai trò của anh ở Sunderland. Là một tiền đạo nhưng Borini đảm nhiệm rất nhiều phần việc mà không-phải-ai-cũng-nhìn-thấy-được.
|
Anh đang là 1 trong cầu thủ đáng xem nhất trong cuộc hồi sinh của Milan tại Serie A |
Và có lẽ cũng vì cách chơi ấy mà Borini chỉ hợp với những đội bóng nhỏ-trung bình với mục tiêu số 1 là trụ hạng. Cũng vì cách chơi ấy mà anh chỉ là ngôi sao lóe lên trong một giai đoạn ngắn, đặc biệt là trong những lần anh khoác áo một CLB nào đó theo dạng cho mượn, khi mà tính chiến đấu và khát khao khẳng định mình của Borini hệt như liều thuộc trái tim cho đội bóng sẵn sàng “đặt cược” vào anh. Còn khi được kí hợp đồng chính thức hay gia nhập 1 đội bóng nào đó theo dạng chuyển nhượng có phí và được chờ đợi sẽ là cây ghi bàn chủ chốt thì Borini lại chẳng làm được gì nổi bật.
Đâu phải ngẫu nhiên, những mùa giải hay nhất của Borini, đều gắn liền với những lần anh… “đi ở”. Borini ghi 6 bàn trong 9 trận cho Swansea ở giai đoạn 2 mùa giải 2010/11 giúp CLB này lần đầu thăng hạng Premier League. Đấy là lần đầu tiên Borini khoác áo 1 đội bóng theo Hợp đồng mượn. Serie A 2011/12, Borini ghi 9 bàn và kiến tạo 6 đường chuyền thành bàn trong 24 lần ra sân cho Roma, theo một HĐ mượn khác. Rồi tiếp đó, 7 bàn thắng giúp Sunderland ngược dòng trụ hạng Premier League 2013/14. Còn hiện tại, anh đang là 1 trong cầu thủ đáng xem nhất trong cuộc hồi sinh của Milan tại Serie A. Và như thường lệ, vẫn là một Borini đá cho Milan theo dạng mượn, từ Sunderland – đội có thể rớt thêm một hạng nữa khi mùa giải này khép lại.
Borini – một “unsung-hero” ở những đội bóng vật lộn trụ hạng. Borini – kẻ im thin thít lặn mất tăm khi được chờ đợi sẽ tỏa sáng ở những CLB hàng đầu. Borini – cái tên của những khoảnh khắc đặc biệt. Hay Borini – cầu thủ chỉ bùng nổ khi bị “thúc vào hông” bằng các bản hợp đồng cho mượn. Người đời sẽ có muôn vàn cách để đánh giá về Borini, về sự nghiệp của anh, về hành trình mà anh đã đi và đang đi. Nhưng dù là tầm thường hay dị thường, thì Borini trước sau vẫn là chính anh, kẻ đã ra sân là luôn chiến đấu với tinh thần “không-bao-giờ-nói-chết”.
ELFLACO (TTVN)