Emmanuel Eboue: Bi kịch không của riêng ai

Tác giả Elflaco - Thứ Ba 02/01/2018 15:02(GMT+7)

Trong hàng nghìn, hàng triệu cậu bé đam mê bóng đá và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp cầu thủ đâu phải ai cũng đủ tài năng và vận may để có thể trở thành triệu phú nhờ cái nghề của mình. Nhưng ở chiều ngược lại, có rất nhiều cầu thủ-triệu phú, vì những lý do khác nhau, đã mất tất cả và rơi xuống đáy sâu của khủng hoảng chỉ không lâu sau khi chia tay sự nghiệp đỉnh cao.
Emmanuel Eboue: Bi kịch không của riêng ai3
Trong những ngày cuối năm 2017, Thế giới bóng đá đón nhận 2 sự kiện với những cảm xúc trái ngược. Huyền thoại bóng đá George Weah, cầu thủ người Phi duy nhất xưa nay giành “Quả bóng vàng” châu Âu chính thức trở thành tổng thống Liberia. Và trước đó không lâu là câu chuyện của Emmanuel Eboue, hậu vệ phải nổi tiếng người Bờ Biển Ngà, từng là thành viên trụ cột của Arsenal giai đoạn 2004-2011 rơi vào cảnh cùng quẫn bi đát đến mức không ai có thể tưởng tượng nổi.
 
Eboue, trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền với Mirror, kể rằng anh mất tất cả, tiền bạc, địa vị và thậm chí cả quyền làm cha vì… quá tin vợ. Chuỗi ngày bi kịch của Eboue bắt đầu từ cuộc ly hôn đầy cay đắng với vợ cũ Aurelie. Khi ra toà, Eboue mới biết được rằng tất cả tài sản của anh đều đã được chuyển sang tên vợ.
 
Eboue khẳng định phần lớn trong toàn bộ số tiền anh kiếm được (trong quãng thời gian chơi bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ cho Galatasaray) anh đều gửi về quê nhà cho vợ. Tất cả các hạng mục đầu tư hay mua bán bất động sản, đều do vợ anh quyết định. “Vợ tôi đưa bất cứ giấy tờ ngân hàng nào tôi cũng ký. Tại sao ư? Vì cô ấy là vợ tôi" – Eboue nói với Mirror.
Emmanuel Eboue: Bi kịch không của riêng ai2
Và niềm tin ấy của Eboue đã đẩy anh xuống đáy của bi kịch. Không nhà, không việc làm lại nợ nần chồng chất, Eboue thậm chí phải sống chui lủi, phải ờ nhờ nhà bạn và nhiều lần tính đến chuyện tự tử. Nhưng thật may, câu chuyện của Eboue trên Mirror đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ và nhiều cánh tay đã giang ra cứu vớt anh. Các CLB cũ của Eboue, từ Galatasaray đến Arsenal đã đưa ra những lời đề nghị giúp đỡ Eboue. Không chỉ là tiền bạc trước mặt mà còn là 1 công việc đàng hoàng với mức thu nhập đủ để anh vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
 
Câu chuyện của Eboue thật buồn nhưng nó không phải cá biệt. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng cùng quẫn của Eboue trong quãng thời gian vừa qua, thực ra xuất phát từ chính bản thân cầu thủ này hơn là niềm tin tuyệt đối vào người vợ sau đó đã khiến anh điêu đứng. Đa số những cầu thủ như Eboue có xuất phát điểm thấp và quãng thời gian theo đuổi sự nghiệp bóng đá đỉnh cao dù đem lại cho anh rất nhiều tiền cùng cuộc sống tiện nghi nhưng cũng lấy mất đi cơ hội học hành hay thậm chí đơn giản hơn chỉ là cơ hội để hoàn thiện bản thân.
 
Tại những Học viện bóng đá, các cầu thủ như Eboue có thể được dạy văn hoá, được trang bị những kiến thức cơ bản về toán học và xã hội học nhưng chẳng có bất cứ khoá học nào dạy cho họ cách quản lý tiền bạc. Điều này tạo ra một lỗ hổng lớn đối với các cầu thủ bóng đá, những người nhận được những món tiền kếch xù khi còn quá trẻ nhưng lại chẳng biết cách nào để sử dụng cho đúng. Eboue là một điển hình kiểu này, với những buổi tiệc tùng xa xỉ những chiếc xe hơi hào nhoáng thời trai trẻ và giờ là cuộc sống cùng quẫn ở tuổi 34.
 
Để trợ giúp quản lý tài chính, thông thường các cầu thủ tìm đến các nhà tư vấn. Tuy nhiên, không phải nhà tư vấn nào cũng tốt hay sẵn sàng đặt lợi ích của cầu thủ nên trên hết. Vì thiếu hiểu biết và đặt niềm tin vào những “quân sư” kiểu này, nhiều cầu thủ đã ném tiền của mình vào những lĩnh vực đầu tư có rủi ro cao, từ chứng khoán đến bất động sản. Và vào cuối sự nghiệp cầu thủ, nhiều người mới ngã ngửa khi biết rằng họ đang nợ rất nhiều tiền thuế. Theo Gael Jouinot, chuyên gia tư vấn tài chính và luật có tiếng cho nhiều cầu thủ chuyên nghiệp, đó là những “sai lầm hoàn hảo”. 
 
Trước Eboue, đã biết bao trường hợp cầu thủ-triệu phú rơi vào cảnh khánh kiệt mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính sự thiếu hiểu biết trong cách quản lý tiền bạc của họ, từ thú chơi ngông trong những năm tháng kiếm tiền quá dễ, từ những khát vọng làm giàu đầy rủi ro hay thậm chí vì cả những “cơn nghiện ngập” khó từ bỏ. 
 
Brad Friedel nợ nần chồng chất bởi Học viện bóng đá Ohio mà anh dồn tất cả vốn liếng bị “sập tiệm” năm 2011. Thần đồng bóng đá Anh một thời Lee Hendrie cũng rơi vào cảnh phá sản, thậm chí tự tử 2-3 lần vì hàng loạt vụ đầu tư sai lầm và cú sốc nặng hậu ly dị y hệt như trường hợp của Eboue. Keith Gillespie, tiền vệ lừng danh một thời của Newcastle thì mất tất cả bởi chìm sâu trong những canh bạc đỏ đen của trò cá độ bóng đá. Paul Gascoigne khánh kiệt vì nghiện rượu. 
 
Danh sách những ngôi sao bóng đá triệu phú rơi vào cảnh bần hàn trước Eboue, Gillespie hay Hendrie thực ra đã có rất nhiều rồi với những Dean Windas, Celestine Bakayoko, John Barnes, Arne Riise, Dieter Hamman, David James,  hay Eric Djemba… Theo thống kê của Xpro, 60% cầu thủ tại Anh rơi vào tình trạng khánh kiệt chỉ 5-6 năm sau khi kết thúc sự nghiệp. Trong khi đó, hơn một nửa số cầu thủ tại Pháp cũng gặp khó khăn về tài chính sau khi giải nghệ. 
 
Những ví dụ điển hình nêu trên cho thấy, việc phổ biến những kiến thức cơ bản về quản lý tài chính cho cầu thủ ở các trung tâm đào tạo bóng đá cũng như những CLB bóng đá chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Để ít nhất chúng ta, những người yêu bóng đá không phải chứng kiến thêm một trường nào tương tự như Eboue nữa.

ELFLACO (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.