Cesc Fabregas là một trong những cầu thủ tài năng nhất mà Arsenal từng sở hữu, nhưng rốt cuộc lại bị xem như một biểu tượng cho sự suy tàn của đội bóng vĩ đại này. Wenger đã phải thay thế những người cận vệ của thế hệ cũ và xây dựng nên một đội ngũ mới dựa trên sự tôn sùng của ông với thứ bóng đá của Barcelona, tiến hành điều đó xoay quanh mảnh ghép trung tâm là Fabregas.
Vốn là một ngôi sao lớn trong triều đại của Arsene Wenger tại Arsenal, chắc chắn không đời nào có chuyện Cesc Fabregas bị đánh giá thấp tại nước Anh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta đã nhận thức được đầy đủ về sự xuất sắc của anh.
Nhờ vào dữ liệu được cung cấp bởi Opta, có thể thấy rằng, từ mùa giải 2008/2009 trở đi, Fabregas không chỉ là cầu thủ xuất sắc nhất của The Gunner, mà anh còn là một người “gánh team”.
NHỮNG SỐ LIỆU THỐNG KÊ ẤN TƯỢNG
Tính từ tháng 8 năm 2008, chỉ có duy nhất David Silva là thực hiện nhiều hơn con số 73 pha kiến tạo của Fabregas tại Premier League, với thành tích 90 lần hỗ trợ đồng đội lập công sau 301 trận đã chơi. Nhưng đừng quên, thành tích của Fabregas đã được tạo nên chỉ từ 212 trận (tính cả khoảng thời gian khoác áo Chelsea).
Trong số những cầu thủ đã chơi hơn 200 trận tại Premier League, chỉ có Wayne Rooney (424), Eden Hazard (557) và Silva (649) là tạo ra nhiều cơ hội từ bóng sống hơn Fabregas (422).
Nếu không phải vì những chấn thương đã liên tục khiến tiền vệ người Tây Ban Nha phải ngồi ngoài ở các mùa giải 2008/2009, 2009/2010 và 2010/2011, Fabregas hoàn toàn có thể đứng đầu, hoặc ít nhất là sát nút với vị trí ấy, về khâu tạo cơ hội trong mỗi mùa, và trên thực tế, anh vốn cũng đã vô đối trong các mùa giải đó về số đường chuyền thành công ở phần sân đối phương mỗi 90 phút, đứng trên cả những Michael Essien, Luka Modric, Paul Scholes, Steven Gerrard và Xabi Alonso từ mùa 08/09 đến 10/11.
SO SÁNH VỚI CÁC ĐỐI THỦ
Fabregas là người cầm trịch lối chơi, điều tiết nhịp độ trận đấu và hoạt động như một “nhạc trưởng” của Arsenal. Đó cũng chính là cái vai trò mà Luka Modric của Real Madrid đã đảm nhận trong những năm gần đây, và chúng ta có thể so sánh hai người họ bằng những dữ liệu thu thập được ở mùa giải 2010/2011, khi tiền vệ người Croatia mang đến một sự nâng cấp đầy ấn tượng cho tuyến giữa của Tottenham Hostspur sau khi gia nhập đội bóng này vào mùa hè. Ngôi sao của Arsenal cũng đảm nhận cùng một vị trí và vai trò như Modric, nhưng đã thể hiện một sự vượt trội rõ rệt so với cầu thủ người Croatia ở rất nhiều khía cạnh:
|
Chú thích: Attack (tấn công). Vision (nhãn quan). Passing (chuyền bóng). Defence (phòng ngự). Physical (thể chất). Dribble (rê dắt) |
Hai radar phía trên và phía dưới có thể cho chúng ta thấy vai trò của Fabregas tại Arsenal đã phát triển như thế nào, khi mà dữ liệu của mùa giải 2010/2011 thiên về hướng một “cầu thủ của tập thể” hơn là một “người gánh team” của mùa giải 2008/2009:
Các thông số ghi nhận mỗi 90 phút của Fabregas đã đưa anh lên đứng đầu các hạng mục chuyền bóng và nhãn quan trong mỗi mùa giải mà chúng ta đang đề cập. Nhưng output phòng ngự của anh là đặc biệt cần lưu ý trong radar trên, chính nó đã cho chúng ta thấy sự khác biệt về trách nhiệm của anh so với Gerrard tại Liverpool, người đã đảm nhận vai trò tiền vệ tấn công (nói cụ thể hơn là “hoàn toàn tập trung vào tấn công”) ở mùa giải 2008/2009.
Fabregas là một deep-lying playmaker, tạo ra các cơ hội từ một hàng tiền vệ 3 người và liên tục tham gia vào tất cả mọi quá trình của lối chơi – từ tấn công cho đến phòng ngự. Mặc dù sở trường của cầu thủ người Tây Ban Nha là sáng tạo và cầm trịch lối chơi, nhưng anh đã thực hiện đến 2,64 pha tắc bóng mỗi 90 phút, cao hơn rõ rệt so với con số 1,74 của Gerrard (và thậm chí còn đứng trên cả những tiền vệ phòng ngự chính gốc như Darren Fletcher hoặc Marouane Fellaini), có nhiều tình huống cắt đường chuyền hơn, và còn phạm lỗi nhiều hơn (Gerrard có trung bình 0,68 pha phạm lỗi mỗi 90 phút, Fletcher là 1,04 mỗi 90 phút và Fabregas là 1.27 mỗi 90 phút). Nói ngắn gọn, thì Fabregas đã phải tham gia phòng ngự nhiều hơn (và thậm chí là còn xuất sắc hơn) cả những chuyên gia phòng ngự.
Lampard, cũng giống như Gerrard, là một tiền vệ chơi thiên về tấn công và là nhân tố chủ chốt trong chức vô địch của Chelsea ở mùa giải 2009/2010, còn Fabregas là trung tâm tất cả của mọi hoạt động mà Arsenal thi triển trên sân, cắt đường chuyền, tắc bóng, thực hiện những pha phối hợp bóng ngắn, chuyền dài và kéo bóng. Output đầy ấn tượng ở hạng mục rê dắt bóng chính là một minh chứng cho việc anh luôn sẵn sàng tự mình cầm bóng và đột phá, hoặc nhận đường chuyền từ đồng đội và bảo vệ bóng không bị mất vào chân đối phương.
Vấn đề nan giải nhất ở tầm ảnh hưởng cực lớn của Fabregas đến tất cả mọi khía cạnh trong lối chơi của Arsenal là khi anh gặp chấn thương – một điều đã xảy ra quá thường xuyên trong khoảng thời gian khoác áo The Gunners của tiền vệ người Tây Ban Nha – thì đội bóng này sẽ thi đấu chẳng khác gì “rắn mất đầu”.
Jack Wilshere đã thể hiện hình ảnh của một ngôi sao ở mùa giải 2010/2011, đặc biệt là những khi Fabregas không thể ra sân thi đấu, nhưng với việc tập thể Arsenal chỉ có mỗi Van Persie là thực sự đứng cùng đẳng cấp với tiền vệ người Tây Ban Nha vào thời điểm đó, và cũng là một cầu thủ rất nhạy cảm với chấn thương, sự vắng mặt thường xuyên của hai người họ đã mang đến những hậu quả rất rõ rệt. Arsenal đã trở nên quá phụ thuộc vào người nhạc trưởng kiệt xuất của họ và sẽ ngay lập tức trở nên hết sức tầm thường khi không có được sự phục vụ của anh.
ARSENAL ĐÃ CHƠI NHƯ THẾ NÀO?
Đến mùa giải 2010/2011, Arsene Wenger đã bắt đầu thoát khỏi được sự tôn sùng đến mức ám ảnh của ông với Barcelona, để qua đó điều chỉnh lại đội hình thi đấu của The Gunners từ 4-3-3 sang 4-2-3-1. Những chiến thuật chuyền bóng và pressing mang tính thương hiệu của họ vẫn được duy trì, với việc đội bóng này sẽ cố gắng giữ chặt lấy quyền kiểm soát bóng và kiên nhẫn chờ đợi thời cơ thích hợp để tung đòn về phía đối phương. Chính vì vậy, sự thay đổi thực sự duy nhất chỉ là ở khía cạnh nhân sự trên sân.
Fabregas sẽ hoạt động tại không gian số 10, được tự do di chuyển và tác động đến lối chơi chung khi cần thiết ở phía sau Van Persie, một cầu thủ cũng đã phải rất chật vật với những chấn thương. Van Persie đã ghi được 18 bàn sau 25 trận ở mùa giải 2010/2011, còn Arsenal thì kết thúc ở vị trí thứ tư, và điều đó đã khiến người ta phải đặt câu hỏi về những gì mà The Gunners có thể đạt được nếu như cây săn bàn hàng đầu và cầu thủ quan trọng nhất của họ (Fabregas) hoàn toàn khỏe mạnh trong toàn bộ mùa giải.
Robin van Persie phiên bản 2011-2013: Sự thức giấc của con quái vật săn bàn
Vì một vài lý do mà Robin Van Persie thường không được đề cập đến như một trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử Premier League, mà rõ ràng nhất chính là...
Robin van Persie và khoảnh khắc lên ngôi vô địch Premier League
Trong suốt cả một sự nghiệp dài như thế, dĩ nhiên có rất nhiều khoảnh khắc đặc biệt, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là cái đêm mà chúng tôi lên ngôi vô địch sau...
Cặp đôi pivot Wilshere và Alex Song đã không có đủ sức mạnh càn quét, chất thép hoặc sự tinh quái để che chắn cho hàng phòng ngự một cách tốt nhất, còn các winger Theo Walcott và Andrey Arshavin thì chưa bao giờ có thể vươn đến được cái đẳng cấp mà mọi người hy vọng và trông chờ ở họ. Sự tầm thường đến đáng thất vọng này chính là chất xúc tác đã dẫn đến cái quyết định quay trở về Barcelona của Fabregas.
Fabregas đã bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên podcast của Arseblog rằng, anh nghĩ Wenger đáng lẽ ra đã nên nghiêm khắc hơn với các cầu thủ vào một số thời điểm, và than thở về sự sa sút trong chất lượng của các buổi tập ở những năm tháng “hậu Patrick Vieira.” Fabregas là một kiểu đội trưởng hoàn toàn khác so với những cái tên tiền nhiệm của anh, và với việc thiếu đi những người sẵn sàng lao vào tắc bóng một cách quyết liệt với đồng đội trong các buổi tập như William Gallas, Thierry Henry, Gilberto Silva hay Vieira, thứ giá trị cốt lõi của Arsenal đã suy yếu đi một cách trầm trọng. Chất lượng kỹ thuật ở đội ngũ nhân sự của đội bóng này chưa bao giờ là yếu kém, nhưng “giàn dáo” để hỗ trợ cho nó và giúp những người như Fabregas và Van Persie có thể trình diễn mọi tinh túy của họ đã biến mất.
Fabregas đã phải gồng gánh rất nhiều trách nhiệm trên sân khi mà đáng lẽ ra anh nên được toàn tâm toàn ý tập trung vào việc bổ sung thêm chất “ma thuật” để giúp Arsenal có thể tạo ra thật nhiều những pha triển khai tấn công mê hoặc và hiệu quả, chứ không phải là “đạo diễn” cho toàn bộ trận đấu.
Đặc điểm chung của những đội bóng xuất sắc nhất là số liệu thống kê của các cá nhân sẽ có xu hướng bổ sung, bù đắp cho những người đồng đội thi đấu bên cạnh họ, nhưng trong khi Wilshere là một Fabregas phiên bản chưa hoàn thiện vào thời điểm đó, còn Song thì chỉ đơn giản là một cầu thủ chơi tập trung hơn vào khâu phòng ngự mà thiếu đi những phẩm chất lãnh đạo “bẩn thỉu”, “đen tối” mà những tiền vệ phòng ngự thường có, và rồi Fabregas đã phải cố gắng gồng gánh tất cả những thiếu sót ấy.
Một mình anh đã phải làm công việc của cả hai tiền vệ, cầm nhịp và tạo ra các cơ hội. Sự thành công mà cầu thủ người Tây Ban Nha được tận hưởng trong màu áo Chelsea khi thi đấu bên cạnh một tiền vệ có tư duy phòng ngự như Nemanja Matic và sau đó là N’Golo Kante chắc chắn đã cho thấy Fabregas hoàn toàn có thể làm được nhiều điều hơn so với những gì chúng ta đã được chứng kiến ở anh trong khoảng thời gian cống hiến tại Emirates.
Fabregas là một trong những cầu thủ tài năng nhất mà Arsenal từng sở hữu, nhưng rốt cuộc lại bị xem như một biểu tượng cho sự suy tàn của đội bóng vĩ đại này. Wenger đã phải thay thế những người cận vệ của thế hệ cũ và xây dựng nên một đội ngũ mới dựa trên sự tôn sùng của ông với thứ bóng đá của Barcelona, tiến hành điều đó xoay quanh mảnh ghép trung tâm là Fabregas.
Cũng như rất nhiều ví dụ khác đã từng xuất hiện trong thế giới bóng đá, nếu như không phải vì xui xẻo, thì dự án này hoàn toàn có thể được nhớ đến như một kiệt tác. Nhưng thay vào đó, Arsenal đã phải vật lộn với các ca chấn thương, để rồi liên tục bị vấp ngã, và kết quả là Fabregas đã quyết định ra đi để theo đuổi những tham vọng riêng tại ngôi nhà cũ của mình.
Trong một thế giới song song nào đó khác, có lẽ kế hoạch của Wenger có thể đã đạt được những thành công vang dội, nhưng đây cũng chính là điểm thú vị của môn thể thao vua – đội bóng xuất sắc nhất không phải lúc nào cũng chiến thắng, và những cá nhân xuất sắc nhất không phải lúc nào cũng tạo nên một đội bóng xuất sắc nhất.
Nguồn: JJ Bull, Telegraph.