Cách Christian Pulisic chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ở Milan

Tác giả Nam Giang - Thứ Hai 25/03/2024 16:51(GMT+7)

Sau khi chia tay 2 cầu thủ chạy cánh phải ở mùa hè 2023, AC Milan tạo ra cuộc cạnh tranh ở vị trí này bằng việc mua cả Christian Pulisic lẫn Samuel Chukwueze trong cùng thời điểm, tính đến nay, ngôi sao người Mỹ là người thắng cuộc, dù cho anh vừa trải qua một mùa giải gây thất vọng tại Chelsea.

 

2 cầu thủ chạy cánh phải là Junior Messias (Genoa) và Alexis Saelemaekers (Bologna) đã tạm biệt Milan ở kỳ chuyển nhượng hè 2023. Đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự ở vị trí này, Rossoneri chiêu mộ Pulisic từ Chelsea và Chukwueze từ Villarreal.

Kết quả, khi mùa giải 2023/24 đã trôi qua 3/4 chặng đường, phần thắng thuộc về tân binh mang áo số 11, dù Pulisic là người chia tay đội bóng cũ trong nỗi buồn, chứ không phải Chukwueze.

Cuộc cạnh tranh của Pulisic và Chukwueze

Pulisic không hề có lợi thế hay được Milan ưu ái trong cuộc cạnh tranh suất đá chính ở vị trí chạy cánh phải với Chukwueze. Cả 2 cầu thủ này đều có mặt tại San Siro ở cùng một thời điểm (tháng 7/2023)

Đây cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp họ chơi bóng tại Ý. Trước khi đặt chân tới Milan, Pulisic thi đấu ở Đức (Borussia Dortmund) và Anh (Chelsea), còn Chukwueze chỉ chinh chiến ở Tây Ban Nha (Villarreal).

Điều đó đồng nghĩa với việc: Cả Pulisic lẫn Chukwueze đều có cùng một quãng thời gian để làm quen với môi trường Serie A cũng như lối chơi của HLV Stefano Pioli ở Milan. Không ai có nhiều thời gian và kinh nghiệm hơn ai.

 

Tuổi tác của 2 tân binh này cũng gần như không có sự khác biệt. Pulisic sinh năm 1998. Chukwueze sinh năm 1999. 1 năm cũng là con số chênh lệch tương tự của thời hạn hợp đồng mà 2 cái tên này. Cầu thủ người Mỹ ký tới năm 2027. Còn hợp đồng của cầu thủ người Nigeria có thời hạn tơi năm 2028.

Milan còn trả cho 2 gương mặt này cùng một mức lương (5.13 triệu euro/năm) và mua cùng một mức giá (20 triệu euro). Giá trị chuyển nhượng của Pulisic cũng ngang bằng Chukwueze ở thời điểm cả 2 cập bến San Siro (được Transfermarkt định giá 25 triệu euro).

Rossoneri đã cố gắng hết sức để tạo ra cuộc cạnh tranh công bằng nhất có thể ở vị trí chạy cánh phải cho Pulisic và Chukwueze. Đó là về phía CLB, vậy còn về phía cá nhân thì sao?

Nếu xét phong độ, Chukwueze mới là người có lợi thế hơn, chứ không phải Pulisic. Trước khi trở thành tân binh của Rossoneri, cựu cầu thủ Chelsea chỉ ghi đúng 1 bàn và có vỏn vẹn 2 kiến tạo sau 30 lần ra sân (1.012 phút thi đấu) ở mùa giải 2022/23. Trong khi đó, các con số này của cựu cầu thủ Villarreal lần lượt là 13, 11 và 50 (3.262 phút).

Về mặt tinh thần, Chukwueze có sự hưng phấn nhờ màn trình diễn ở Tây Ban Nha. Còn Pulisic chỉ muốn quên đi những gì anh vừa thể hiện ở mùa giải năm ngoái.

Về thể trạng, chân sút người Nigeria không dính bất kỳ chấn thương nào ở mùa trước. Trong khi đó, chân chạy cánh người Mỹ từng phải nghỉ thi đấu 59 ngày (từ ngày 5/1 tới 5/3) và bỏ lỡ 13 trận đấu của Chelsea cũng như ĐTQG vì một chấn thương đầu gối.

Chukwueze phần nào nhỉnh hơn Pulisic, chí ít là về mặt tâm lý và thể trạng, trong cuộc cạnh tranh vị trí chính thức giữa họ tại Milan. Nhưng những gì đã diễn ra cho thấy: tân binh sinh năm 1998 đã thể hiện được trình độ và đẳng cấp của một ngôi sao từng vô địch Champions League (mùa 2020/21).

Trong khi đó, cầu thủ sinh năm 1999 từng thừa nhận mình không có cửa cạnh tranh với Pulisic. “Pulisic đang chơi rất tốt nên Pioli không thể để anh ấy dự bị. Tôi vẫn còn phải cố gắng rất nhiều”, Chukwueze phát biểu sau trận thắng 3-1 trước Hellas Verona hôm 17/3.

 

Sự trở lại của Pulisic trong màu áo Milan

Với 9 pha lập công và 6 kiến tạo, Pulisic đang là cầu thủ có số lần trực tiếp góp dấu giày vào bàn thắng cao thứ nhì (15) trong đội hình Milan tại Serie A mùa năm nay, chỉ sau con số 20 của Olivier Giroud – lão tướng đã có kinh nghiệm thi đấu tại hạng đấu số 1 nước Ý từ năm 2021.

Ngay cả ngôi sao tấn công Rafael Leao – người đang là cầu thủ có giá trị cao nhất hàng ngũ Rossoneri (90 triệu euro trên Transfermarkt) – cũng chưa thể sánh bằng thành tích của Pulisic. Leao 11 lần đóng góp vào các bàn thắng (4 bàn và 7 kiến tạo).

Nếu cộng gộp, con số này của cả Junior Messias (7) lẫn Saelemaekers (5) ở Serie A 2022/23 chỉ là 12. Messias có 25 lần ra sân ở mùa trước, Saelemaekers có 30. Còn Pulisic mới chỉ đá 27 trận ở mùa này.

Ở Ngoại Hạng Anh 2022/23, tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng của cựu sao Chelsea chỉ đạt mức 5%. Trung bình mỗi trận, Pulisic chỉ có 0.5 pha đi bóng qua người (đạt tỷ lệ thành công 37%). Còn ở Serie A 2023/24, 2 con số đó đã tăng lên thành 19% và 1.4 (49%).

Trước khi trở thành một phần của Milan, Pulisic chỉ có giá trị 25 triệu euro trên Transfermarkt. Nhưng đến nay, giá trị chuyển nhượng của số 11 đã đạt mức 32 triệu euro.

Trước mùa 2023/24, cầu thủ gốc Croatia chỉ có duy nhất 1 mùa có trên 20 lần góp công vào bàn thắng. Đó là mùa 2019/20, khi Pulisic ghi 11 bàn và có 10 kiến tạo tại Chelsea. Tuy nhiên, với việc Milan còn tới 9 vòng đấu ở Serie A và chuẩn bị thi đấu tại tứ kết Europa League (gặp AS Roma), chân sút 25 tuổi vẫn còn tận 2 tháng để cải thiện thành tích của mình. Pulisic chắc chắn sẽ có thể phá kỷ lục cá nhân ở mùa năm nay.

“Đây là một trong những thời điểm mà tôi có phong độ cao nhất trong sự nghiệp của mình”, số 11 mới của Milan chia sẻ sau khi ghi bàn duy nhất trong chiến thắng tối thiểu trước Empoli hôm 10/3.

“Pulisic là điểm sáng hiếm hoi trong một mùa giải đáng thất vọng của Milan”, nhà báo Nicky Bandini bình luận trên The Guardian. “Pulisic đang ‘hồi sinh’ ở Milan sau khi trải qua quãng thời gian khó khăn ở Chelsea”, tác giả Eduardo Burgos viết trên AS. Còn “Pulisic đã tìm được nơi mình thuộc về” là dòng tiêu đề của cây viết James Westwood trên Goal.

Những yếu tố giúp Pulisic tìm lại chính mình trong màu áo Milan

Trong 4 mùa giải thuộc biên chế Chelsea, Pulisic từng phải nghỉ thi đấu 413 ngày vì 13 ca chấn thương khác nhau. Trung bình mỗi mùa, chân chạy cánh người Mỹ phải ngồi ngoài 103 ngày. Nhưng ở mùa giải năm nay, Pulisic mới chỉ phải đóng vai khán giả bất đắc dĩ trong 21 ngày.

Mùa hè vừa qua, ngôi sao sinh năm 1998 đã đăng ký tập luyện tại SAT Soccer – một trung tâm tập luyện nhằm nâng cao hiệu suất thi đấu của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tại Mỹ.

The Athletic cho biết, trong một tuần ở SAT Soccer, Pulisic chủ yếu làm việc với Ethan Sonis – giám đốc điều hành của trung tâm. Ngoài xây dựng kế hoạch tập luyện nhằm cải thiện khả năng dứt điểm của cựu cầu thủ Dortmund, Sonis còn đưa ra các phương án để hạn chế tỷ lệ chấn thương cho Pulisic.

 

Ngoài ra, môi trường Ý, cả về chuyên môn bóng đá lẫn cuộc sống thường ngày ngoài sân cỏ, phù hợp với Pulisic hơn Anh và Đức. “Milan thoải mái hơn nhiều so với London và thân thiện hơn so với Đức”, chân sút người Mỹ chia sẻ với tạp chí GQ.

“Tôi đang tận hưởng việc mình được chào đón nồng nhiệt tại đây. Tôi cảm nhận được sự ủng hộ và nhiệt tình từ tất cả mọi người tại San Siro. Tôi từng chơi bóng ở những bầu không khí tuyệt vời ở châu Âu, nhưng đây chắc chắn là nơi tuyệt vời nhất”.

Pulisic cũng cho biết mình rất thấu hiểu những chỉ đạo của Pioli và đang cố gắng học tiếng Ý. “Tôi đang cố gắng học ngoại ngữ, nhưng tôi đã có thể hiểu mọi chỉ dẫn của các thành viên trong BHL Milan”.

“Các hậu vệ Ý không dễ bị đánh bại. Nhưng Ngoại Hạng Anh lại là giải đấu có nhịp độ chơi quá cao. Phong cách chơi bóng ở Ý phù hợp với Pulisic hơn”, Ruud Gullit – cựu cầu thủ Milan – bình luận về khả năng hòa nhập với đội bóng mới của người hậu bối.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Pulisic có khởi đầu hứa hẹn ở CLB mới. Trong mùa đầu tiên đầu quân cho Chelsea (2019/20), tân binh mang áo số 22 ghi 11 bàn và có 10 kiến tạo sau 34 lần ra sân. Nhưng trong 3 mùa tiếp theo, Pulisic chỉ có trung bình 5 lần “nổ súng” và 4 lần “dọn cỗ” mỗi mùa.

Ngôi sao người Mỹ đang tìm lại chính mình trong màu áo Milan. Nhưng liệu, đây chỉ là hiệu ứng “tuần trăng mặt” tạm thời, hay sẽ thực sự là lời khẳng định cho sự trở lại của anh?

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.