Antonio Rudiger: "Bài viết này sẽ không thể xóa bỏ phân biệt chủng tộc"

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 29/05/2021 20:19(GMT+7)

Antonio Rudiger đã phải chiến đấu chống lại nhiều nghịch cảnh để có được ngày hôm nay. Trên The Players Tribune, anh kể lại hành trình mà mình đã đi qua. Trên Đường Pitch dịch lại, gửi tới quý độc giả.

Ảnh: Getty Images

Chúng gọi tôi là “thằng mọi đen”. Chúng la hét, “Thằng chó, tới đây tao bố thí cho quả chuối nè”. Mỗi khi tôi chạm bóng, bọn nó sẽ bắt chước tiếng khỉ để nhục mạ tôi. Không phải chỉ một vài người đâu. Bọn người đó chiếm hẳn một phần lớn trong đám cổ động viên Lazio trong trận Derby della Capitale diễn ra hồi năm 2017. 
 
Đây chẳng phải là lần đầu tiên tôi phải nếm trải mấy trò xúc phạm chủng tộc, nhưng chính là lần tồi tệ nhất. Bọn người đó thực sự thù ghét tôi. Bạn có thể nhận thấy điều này khi nhìn vào mắt chúng.     
 
Hồi đó, tôi đã không thể hiện phản ứng nào cả. Tôi không rời khỏi sân đấu. Tôi không muốn chúng nó được khoái chí, rồi có thêm động lực. Nhưng trong lòng, bất kể bạn mạnh mẽ đến thế nào, chỉ cần bạn là một con người có trái tim đang đập, ngày hôm ấy sẽ khắc sâu vào tâm trí bạn, không bao giờ tan biến. 
 
Bất cứ khi nào có chuyện như thế này xảy ra, thế giới bóng đá sẽ phản ứng ra sao? Mọi người sẽ cảm thán: “Ối trời ơi, vụ này thật khủng khiếp”. Các câu lạc bộ và các cầu thủ post một thông điệp ngắn gọn trên Instagram: “End racism!!!” (chấm dứt phân biệt chủng tộc). Tất cả mọi người hành động như thể “chỉ là vài thằng thiểu năng thôi mà”. Sẽ có một cuộc điều tra, nhưng chẳng có động thái thực sự hữu ích nào xuất hiện sau đó cả.
 
Thỉnh thoảng, chúng ta có một chiến dịch lớn trên các mạng xã hội, và mọi người đều cảm thấy hài lòng với bản thân, cho rằng bấy nhiêu hành động là đủ rồi, và sau đó chúng ta tiếp tục cuộc sống thường ngày. Nhưng chẳng có gì thực sự thay đổi cả. 
 
Bạn biết không, tôi rất thường xuyên nghĩ về Daniele De Rossi. Anh ấy đã đến gặp tôi sau trận đấu với Lazio và nói những điều mà tôi không nghĩ mình đã từng được nghe trước đây. Khi đó, tôi vẫn đang cảm thấy vô cùng tổn thương, vô cùng tức giận. De Rossi ngồi xuống bên cạnh tôi và nói, “Toni, anh biết mình sẽ chẳng bao giờ có cùng cảm nhận giống cậu. Nhưng hãy cho anh được hiểu nỗi đau của cậu. Điều gì đang diễn ra trong đầu cậu thế?” 
 
Anh ấy chẳng đăng một tweet (dòng trạng thái trên Twitter) nào cả. Anh ấy chẳng đăng một hình vuông màu đen trên các tài khoản mạng xã hội của mình. Anh ấy chỉ đơn giản là quan tâm, lo lắng cho tôi. 
 
Rất nhiều người trong thế giới bóng đá đã đưa ra những tuyên bố công khai, nhưng họ chưa bao giờ thực sự quan tâm đến cá nhân bạn. Còn De Rossi thì thực sự muốn hiểu cảm giác của tôi. Anh ấy là một nhân vật biểu tượng của câu lạc bộ. Một huyền thoại. Khi tôi bước vào phòng thay đồ lần đầu tiên, chỉ cần nhìn thấy anh ấy thôi cũng đã khiến tôi cảm thấy mình như thể một thằng nhóc đang vô cùng lo lắng. 
 
Nhưng vào thời điểm khổ sở nhất của tôi, De Rossi đã quan tâm, lo lắng cho tôi với tư cách một con người. Anh ấy muốn thấu hiểu tôi. 
 
Liệu tôi có đang khiến một số người cảm thấy khó chịu với những chia sẻ như thế này không? Có lẽ vậy, nhưng tôi biết cả thế giới sẽ theo dõi trận chung kết Champions League diễn ra vào cuối tuần này, và tôi muốn đích thân nói lên những sự thật đang hiện hữu. Đây không phải là một cuộc trò chuyện 10 phút.  Đây không phải một dòng trạng thái trên Instagram. Đây là cuộc đời tôi. 

Ảnh: Getty Images
 
***
Có một điều luật bất thành văn ở khu tôi sống mà tất cả mọi người đều biết. 
 
Bất kể bạn là ai, nếu bạn lớn lên ở Berlin-Neukölln như tôi, hoặc ở các vùng ngoại ô của Paris, hay tại bất kỳ khu dân cư nhập cư nào trên thế giới, bạn sẽ biết về điều luật này: Nếu bạn thấy mẹ của một ai đó đang đi trên phố trong khi mang theo một đống túi xách đồ mua từ chợ, bạn phải dừng bất cứ điều gì mình đang làm và giúp bà ấy. 
 
Dù cho bạn vừa đánh nhau với con trai của bà ấy trên một sân bóng đá cách đây 5 phút, bạn cũng phải giúp mang những chiếc túi xách đó đến tận căn hộ của bà ấy!!! Đó là nhiệm vụ của bạn. Tất cả mọi người đều có một nhận thức rằng mặc dù chúng tôi có xuất thân khác nhau và sử dụng những ngôn ngữ khác nhau ở nhà, nhưng tất cả chúng tôi đều đang là hàng xóm của nhau trong khu phố này. 
 
Mặc dù trong số chúng tôi có đủ loại người khác nhau, nhưng tất cả chúng tôi đều đang sống ở nơi này cùng nhau. Thế giới rất lạnh lẽo. Nhưng bên trong mỗi người luôn hiện hữu sự ấm áp. Đây là một trong những bài học đầu tiên mà bạn được học khi còn nhỏ. 
 
Thật không may, bạn cũng sẽ được học những bài học vô cùng khắc nghiệt. 
 
Một ngày nọ, tôi đang đi bộ trên con đường gần tòa nhà của mình thì nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi người Đức đang tay xách nách mang một số túi hàng tạp hóa. Bà ấy trông rất mệt mỏi và chật vật. Thế là tôi đã đến gần với ý định giúp đỡ. Tôi nói: “Để cháu giúp bà xách mấy cái túi. Cháu có thể xử lý chúng”. 
 
Và tôi sẽ không bao giờ quên được chuyện người phụ nữ này đã tỏ ra rất sợ hãi khi quay về phía tôi. Bà ấy nghĩ rằng tôi đang cố ăn cắp mấy cái túi của mình. Đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thôi. Nhưng bạn sẽ không bao giờ quên đi được chuyện này. Sự ngây thơ của tôi – nó đã hoàn toàn biến mất.
 
Đó là khi tôi nhận ra, “Ồ, một số người sẽ luôn nhìn mình theo kiểu này, chắc là vậy nhỉ? Mình sinh ra ở đây, nhưng mình sẽ không bao giờ là một người Đức đối với một số người Đức”.
 
Cảm xúc của tôi khi đó rất phức tạp, bởi vì nước Đức đã trao cho gia đình tôi rất nhiều thứ. Bố mẹ tôi là những người tỵ nạn từ cuộc nội chiến ở Sierra Leone. Rất nhiều người không thực sự biết những chuyện gì đã xảy ra ở đó. Châu Phi? Châu Phi là gì cơ? Chỉ là những hình ảnh trên TV về mấy đứa trẻ đói khát với những cái bụng bự. Bạn cảm thấy thương xót về điều này trong một giây, rồi sau đó bạn chuyển kênh. Đối với một số người, châu Phi chỉ là thế. Một thế giới thứ ba, một thế giới bị lãng quên.  
 
Có một thứ tâm lý mà chúng tôi gọi bằng cái tên “con mèo trên cây”. 
 
Khi bạn thoát khỏi một cuộc nội chiến và đến với một nơi “đất lành chim đậu” như nước Đức, ban đầu bạn sẽ cảm thấy rất sốc lúc bật TV lên và thấy tin tức về một con mèo bị mắc kẹt trên cây. Nó đã tự mình trèo lên đó. Nó chỉ đang “chill” mà thôi. Nhưng người ta đã làm gì? Họ gọi cảnh sát và xe cứu hỏa đến để “cứu” con mèo. Mọi người quây quần bên gốc cây. Một vài người trong số họ khóc lóc. Họ cử một lính cứu hỏa leo lên một chiếc thang, và anh ta giải cứu con mèo, sau đó họ cho nó một tấm chăn và một bát sữa. Tất cả mọi người phấn khởi hoan hô. 
 
Người lính cứu hỏa là một anh hùng. Con mèo là một ngôi sao.  Nhưng còn hai triệu người phải di tản trong một cuộc nội chiến ở châu Phi thì sao? Đó chỉ là một con số. Đối với con mèo, họ khóc lóc. Còn đối với những người châu Phi, họ thậm chí không muốn liếc nhìn dù chỉ một lần. 
 
Tuy nhiên, tôi muốn nói rõ một chuyện: Bố mẹ tôi rất biết ơn khi được sống ở Đức. Họ từ chối gọi Neukölln là một khu phố nghèo. Trên thực tế, đối với họ, đó luôn là “một thiên đường trên mặt đất.” Không còn tiếng súng. Không còn tiếng bom nổ trong đêm. Không có tiền, nhưng bình yên. 
 
“Sự giàu có” đối với chúng tôi mang một định nghĩa hoàn toàn khác biệt. Trong suy nghĩ của chúng tôi, “giàu có” là có thức ăn để ăn, có đồ uống để uống. Bạn có một chiếc đĩa lớn ở giữa bàn với một ít cơm jollof và một ít thịt gà? Ngày hôm đó bạn rất là sang chảnh đấy, bạn tôi ơi. 
 
Đối với tôi, bóng đá không phải là giấc mơ. Nó là sự sống còn. 
 
Chuyện này gần giống như việc bạn chọn trở thành một thợ sửa ống nước, thợ làm bánh, hoặc một luật sư vậy. Đó là một con đường để đổi đời. Tôi sẽ là một kẻ nói dối nếu bảo với bạn rằng tôi đã mơ ước có những chiếc siêu xe, hoặc được chơi ở Champions League, hay bất kỳ điều gì tương tự. Không, cuộc phiêu lưu bóng đá này là nhằm mục đích đưa gia đình tôi rời khỏi Neukölln, vào thời cả nhà còn sống ở đó. 
 
Tôi có thể nhớ chính xác khoảnh khắc mà mình nhận ra điều này. Vào một buổi sáng, tôi đi vào bếp và xin mẹ một ít tiền (nhưng tôi không còn nhớ rõ mục đích là để làm gì nữa). Tôi chỉ xin vài euro mà thôi. Nhưng mẹ đã không thể đưa đồng nào cho tôi cả. 
 
Và tôi nhớ chính xác điều gì đã làm tổn thương mình. Chẳng phải việc mẹ đã nói không. Mà là vẻ mặt của bà ấy. Chúng ta hiểu rõ mẹ của mình hơn những gì chúng ta biết về bất kỳ ai khác. Điều khiến trái tim tôi tan nát là tôi có thể thấy rằng mẹ rất muốn đưa tiền cho mình, nhưng không thể làm điều đó.
 
Và tôi đã tự nói với bản thân  – theo đúng nghĩa đen: “Mình phải cố gắng trở thành một người đàn ông thực thụ thật nhanh chóng. Mình phải đưa gia đình thoát khỏi cái xó này.” 

Ảnh: AP
 
Lúc đó tôi chỉ mới 8 tuổi thôi, nghiêm túc đấy. Nếu bạn không lớn lên trong một khu nhập cư, có thể bạn đang nghĩ rằng tôi đã phóng đại. Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng có một số người sau khi đọc đến những dòng này đã thốt lên: “8 tuổi ư? Người anh em, cậu thật may mắn. Tôi đã phải cố trở thành một người đàn ông có thể tham gia gánh vác gia đình vào năm 6 tuổi đấy!!!”
 
Những người ngoài cuộc, đôi khi thật khó để họ có thể hiểu được.
 
Tôi nhớ sau khi Thomas Tuchel vừa trở thành HLV trưởng của Chelsea, ông ấy đã hỏi tôi một câu hỏi rất thú vị. Đương nhiên, chúng tôi đều là người Đức, nhưng chúng tôi chẳng biết gì về nhau cả. Tôi đã phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn ở Chelsea trước khi Tuchel tiếp quản đội bóng, vậy nên khi ông ấy tiếp cận mình, tôi nghĩ rằng ông ấy đang cố tìm hiểu tôi.
 
Ông ấy nói, “Toni, cho tôi hỏi cậu một chuyện nhé. Tôi đã quan sát cậu và nhận thấy rằng cậu cực kỳ năng nổ trên sân cỏ. Cậu đã thi đấu với rất nhiều cảm xúc. Nguyên nhân là do đâu vậy?”
 
Và tôi đã kể cho ông ấy nghe câu chuyện của mình. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với nhau. Nhưng trên thực tế, tôi có thể chỉ cần nói một từ là đã quá đủ: “Neukölln”. 
 
Nó ngắn gọn và dễ hiểu. Tôi đã từng hăng say chơi bóng trên những sân đấu bê tông ở đó, đôi giày của tôi rách một cách thảm thương. Tôi chơi máu lửa đến mức mọi người đã bắt đầu gọi tôi là Rambo. Tôi đã chơi như thể mình có rất nhiều điều để chứng minh. Bởi vì sự thật đúng là vậy. 
 
“Mày không thuộc về nơi này,” Bạn có biết tôi đã nghe điều đó bao nhiêu lần không? Bạn có biết tôi đã bị bảo hãy cút về châu Phi bao nhiêu lần không? Bạn có biết tôi đã bị gọi là “thằng mọi đen” bao nhiêu lần không?
 
Hồi 8 tuổi, tôi đã phải hỏi bố mình: “‘Nigger’ là gì vậy bố?”
 
Một số đứa trẻ tại trường học đã ăn một loại kẹo của Đức tên là “a schoko küsse” – “một nụ hôn chocolate”. Nhưng bọn nó thích gọi thứ kẹo này bằng cái tên “a nigger küsse”. Và tôi thực sự không biết từ này có nghĩa là gì, vì vậy tôi đã hỏi bố, và ông ấy đã nói với tôi một câu trả lời thực sự sâu sắc. 
 
Ông ấy bảo, “Đó là một từ vô học, con trai. Nhưng lý do mà bọn trẻ ở trường con sử dụng nó là vì bố mẹ của chúng luôn nói từ này ở nhà”.
 
Khi bạn lớn lên trong hoàn cảnh thường xuyên bị nhục mạ bằng cái từ vô học đó, bạn có một sự lựa chọn: Bạn có thể chọn phớt lờ nó và cố gắng giữ phẩm cách của mình, hoặc bạn có thể dùng nắm đấm để đáp trả mấy đứa đang gây chuyện với mình. Rất nhiều lần, tôi đã phải chọn dùng nắm đấm để nói chuyện. Rất nhiều lần, tôi phải chảy máu. Tâm lý đó đã góp phần định hình nên “phiên bản” cầu thủ bóng đá của tôi. 
 
Đổi đời chính là giấc mơ của tôi, và tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần làm để hiện thực hóa nó.  
 
Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày mà mình rời khỏi mái ấm gia đình vào năm 15 tuổi để gia nhập học viện Borussia Dortmund. Mẹ tôi đã khóc suốt cả tuần. Bà ấy không muốn rời xa tôi. Ngay cả bây giờ, khi nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ hồi đó… wow. Ký ức đó mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc, rất nhiều đau xót. 
 
Nhưng tôi đã nói với mẹ, ngay trước khi chia tay: “Một ngày nào đó, tất cả những điều này sẽ được đền đáp xứng đáng. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ lại được ở bên nhau”.
 
Tôi nhớ mình đã đóng cửa trước và tự nhủ rằng: “Mày đã bước ra thế giới bên ngoài một bước. Nhưng gia đình mày vẫn ở đây. Mày phải kéo họ theo cùng mình”.
 
Ngày hôm đó đã trôi qua 13 năm, nhưng cảm giác cứ như thể chỉ mới hôm qua thôi vậy. Tôi sẽ không bao giờ tin được rằng một ngày nào đó mình sẽ được chơi trong một trận chung kết Champions League. Bạn có biết là có bao nhiêu đứa trẻ tài năng mà tôi đã lớn lên cùng trên những con đường thậm chí đã chưa bao giờ có cơ hội bước ra ánh sáng hay không? 
 
Khi bạn xuất thân từ một nơi như Neukölln, bạn không chỉ phải tranh đấu với những cầu thủ tài năng khác để vươn lên đỉnh cao. Bạn còn phải tranh đấu với sự kỳ thị nữa. Khi còn là một cầu thủ trẻ của VfB Stuttgart ở Đức, tôi chưa bao giờ bị xâm phạm trực tiếp như khi ở Ý. Chuyện đó diễn ra một cách kín đáo hơn nhiều.
 
Ngay sau khi bạn có một vài trận đấu không tốt, đột nhiên cánh truyền thông sẽ bắt đầu đào bới sâu vào lý lịch của bạn. Và giờ thì việc họ gọi bạn như thế nào luôn là một chuyện chắc chắn!
 
“Antonio Rüdiger, đến từ Berlin-Neukölln.” 
 
Ahhh, cậu ta quá hiếu chiến. Cậu ta có lối đá quá xù xì. Dễ hiểu thôi, bởi vì cậu ta đến từ Neukölln.

Ảnh: Getty Images
 
Nếu bạn đánh nhau trên sân tập và bạn có xuất thân từ một khu phố nào đó sáng sủa hơn, họ sẽ nói gì? Bạn là một chiến binh, một thủ lĩnh.  Và nếu bạn đến từ một kiểu vùng lân cận như Neukölln thì sao? Bạn là một tên bất lương, bạn thật nguy hiểm.  
 
Bạn thấy sự kỳ thị trong trường hợp này diễn ra như thế nào? Rất tinh tế và kín đáo. Cùng một kiểu tính cách, nhưng cách mô tả khác nhau. 
 
Sau đó, bạn đến một nơi như Ý, và việc này được thực hiện ở một cấp độ hoàn toàn khác, cao hơn nhiều. Và hãy để tôi nói rõ nhé: Tôi yêu nước Ý. Tôi yêu Roma. Mọi người sẽ ôm lấy bạn và trao cho bạn một nụ hôn ngay vào lần đầu tiên họ gặp bạn. Nơi này có một nền văn hóa rất ấm áp. Nhưng có một số kẻ trong giới truyền thông sẽ luôn muốn chơi những “trò chơi” của bọn nó, và những trò chơi đó có thể trở nên rất nguy hiểm. 
 
Trong trận Derby della Capitale đầu tiên của mình, tôi không gặp bất kỳ vấn đề nào với đám ultra của Lazio cả. Không có sự xúc phạm và lăng mạ. Nhưng trước trận derby thứ hai của mình tại Ý, tôi đang trả lời phỏng vấn với một phóng viên khi hắn ta hỏi tôi về HLV trưởng của Lazio, Simone Inzaghi. 
 
Tôi nói với hắn, “Ồ, tôi thực sự không biết về ông ấy, nhưng tôi nghe kể ông ấy đang làm rất tốt công việc của mình ở đó.”
 
Ý của tôi là mình không biết gì về cá nhân ông ấy. Nhưng thằng cha nhà báo đó đã bóp méo những gì tôi nói và định hướng chúng thành ra nghe như thể tôi không tôn trọng Inzaghi. Như thể tôi đang nói rằng mình chưa bao giờ nghe về ông ấy. Hắn ta chỉ đang cố đổ dầu vào lửa để tạo nên những lùm xùm hút khách. Đó là khi cỗ máy truyền thông mạng xã hội khởi động, và bạn không thể làm bất kỳ điều gì để ngăn cản nó cả. Khi trận đấu diễn ra, tôi đã trở thành một nhân vật phản diện, và sự điên cuồng đã xuất hiện. 
 
Đây là lý do tại sao tôi luôn cười bất cứ khi nào có người hỏi: “Tại sao tình trạng lăng mạ, phân biệt chủng tộc này lại xảy ra? Kẻ nào lại rắp tâm làm một chuyện khủng khiếp đến vậy?” Chà, chúng ta hãy xem xét sâu hơn. Hãy nhìn lên các khán đài. 
 
Điều gì sẽ xảy ra khi mọi người đang la hét những lời nhục mạ tại một trận đấu? Những người xung quanh họ sẽ làm gì? Hầu hết bọn họ đều hành động như thể chẳng có chuyện gì nghiêm trọng đang hiện hữu cả. Có thể họ thậm chí còn cười cợt. Rồi sau đó họ không dính dáng gì đến việc này cả, bởi vì họ “vô tội”. 
 
Hãy đi xa hơn nữa. Ngay cả chúng tôi, trong tư cách những cầu thủ bóng đá, chúng tôi cũng là một phần của hệ thống này. Đã bao nhiêu lần chúng tôi có những cuộc trò chuyện sâu sắc như thế này trong phòng thay đồ? Thành thật mà nói, thì không thường xuyên. Có vẻ như tất cả chúng tôi đều có quá nhiều thứ khác thu hút sự chú ý nên chẳng hề thực sự nói về những chuyện như thế này trong cuộc sống thực. Luôn có PlayStation, Instagram, xe cộ, trận đấu tiếp theo – luôn có thứ gì đó khiến chúng tôi phân tâm khỏi những vấn đề khắc nghiệt trong cuộc sống và những cuộc trò chuyện không mang màu sắc sáng sủa.
 
Tại sao lại phải khó chịu chứ? Tại sao lại phải nói về những chuyện khiến chúng tôi buồn bực? Chúng tôi vốn đã phải xoay sở với quá nhiều áp lực rồi. Vậy là chúng tôi đã làm gì thay vào đó? Chúng tôi đăng vài đoạn caption trên Instagram. 
 
“Kick Racism Out!!!!” (xóa bỏ phân biệt chủng tộc).
 
Đăng bài, đăng bài và đăng bài. Sau đó cảm thấy bản thân đã làm được một việc lớn lao. Nhưng thực sự thì chúng tôi đã chẳng làm gì cả. Chẳng có gì thay đổi cả. Công việc, nhiệm vụ của tôi không phải là tìm hiểu tại sao tình trạng này lại tồn tại. Nhưng tôi biết nó có “mùi vị” như thế nào. 
 
Cay đắng. Nó có vị cay đắng. 
 
Bạn có thể đang hỏi tại sao tôi lại muốn nói về chuyện đó vào lúc này. Được rồi, hãy nhìn lại tất cả những gì tôi đã trải qua tại Chelsea ở mùa giải này. Chỉ mới 4 tháng trước, tôi là một cái gai trong mắt nhiều người. Vào thời điểm đó, nếu bạn đọc về tôi trên báo chí Anh, bạn sẽ có một hình dung rất khác về con người của tôi so với sự thật. Tôi thậm chí không thể nói rằng mình cảm thấy bản thân đang bị hiểu nhầm. Bởi vì tôi cảm thấy như mọi người chẳng biết gì về mình cả. 
 
Họ chỉ biết cái tên của tôi: Rüdiger.  Đối với họ, cánh truyền thông nói gì về tôi thì tôi là người như vậy. Mọi thứ đã càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn, và tôi thì không được ra sân nhiều, vì vậy tôi rất dễ trở thành một vật tế thần. 
 
Tôi chắc chắn rằng bạn đã đọc được rất nhiều bài viết, tin tức về chuyện này: Tôi là lý do khiến HLV trưởng bị sa thải. Tôi mang đến những trạng thái tiêu cực. Bạn chắc chắn biết chính xác những điều tôi đang nói. Và tình trạng xúc phạm, phân biệt chủng tộc mà tôi phải hứng chịu trên mạng xã hội trong khoảng thời gian đó thật điên rồ. 
 
Và tôi muốn nhấn mạnh những điều sau đây. Tôi không nghĩ rằng cánh truyền thông tại Anh công kích mình vì xuất thân hay màu da. Nhưng tôi muốn mọi người hiểu điều gì sẽ xảy ra khi những thứ như thế này được viết để nói về bạn. Nếu bạn chịu khó suy ngẫm thật sâu sắc, bạn sẽ thấy một mặt rất đen tối của nhân loại. Bạn sẽ hiểu rằng, chúng ta vẫn còn một chặng đường rất rất dài cần phải đi với tư cách là cả một xã hội. 

Ảnh: Getty Images
 
Và hãy xem câu chuyện có thể thay đổi nhanh chóng đến thế nào. Bốn tháng trước, mạng xã hội đã nói rằng tôi là một thằng vô dụng. Kai không đủ trình. Timo không đủ trình. Dù cho Kai và Timo chỉ vừa mới chuyển đến một đất nước mới giữa một đại dịch. Dù cho chúng tôi là con người, không phải những con robot. Họ không quan tâm đến những chuyện đó. Họ chỉ muốn chửi bới chúng tôi là mấy thằng vô giá trị mà thôi. 
 
Còn bây giờ, 4 tháng sau, chúng tôi đang sắp bước vào một trận chung kết Champions League. Có thể đây sẽ là một bài học hữu ích dành cho tất cả mọi người. Có lẽ vậy. Nhưng tôi không chắc lắm về điều đó. Vấn đề của những bài học là bạn phải thực sự lắng nghe nếu bạn muốn học được bất kỳ điều gì. 
 
Có bao nhiêu người thực sự muốn lắng nghe? Có bao nhiêu người đã xem bài viết này và nhấn nút like bên dưới vì nó khiến họ cảm thấy hài lòng và đồng thuận? Có bao nhiêu người thực sự đọc những dòng chữ này của tôi, và suy ngẫm về chúng một cách sâu sắc?
 
Bạn biết điều gì thật buồn cười không? Đôi khi mọi người nói với tôi rằng: “Toni, tại sao cậu bận tâm nhiều đến vậy chứ? Đó chỉ là mấy trò troll trên mạng xã hội thôi mà. Đâu phải là người thật”.
 
Thôi nào. Trong vài tuần qua, tôi đã nhận được nhiều tin nhắn có nội dung về cơ bản là giống nhau: “Toni, tôi xin lỗi”. Chúng không được gửi đến từ các bot. Chúng được gửi đến từ những con người thật, xin lỗi tôi vì những lời xúc phạm khủng khiếp mà họ ném cho tôi vào tháng 1. 
 
Nhưng hãy tự hỏi bản thân bạn, tại sao họ lại làm điều này? Bạn có nghĩ rằng họ đã nhìn vào bên trong trái tim mình và quyết định phải chấn chỉnh bản thân? Bạn có nghĩ rằng họ đã nhìn vào bản thân mình trong gương thật lâu?  Tôi không biết nữa. Có thể đúng, có thể không. 
 
Nhưng tôi biết rằng chúng tôi đang chiến thắng. Vậy nên giờ đây đối với họ tôi đang là một kẻ hữu dụng. Có lẽ tôi thậm chí còn được trở thành một con người trong mắt họ. Tôi không có bất kỳ cảm xúc thù hận nào đối với những người đó cả. Nhưng tôi sẽ nói một điều với họ: Nếu bạn thật lòng với những gì mình nói, và bạn thực sự đang xin lỗi, đừng gửi cho tôi một tweet nào.
 
Hãy rời khỏi điện thoại của bạn một phút. Ngừng đăng bài. Hãy tự chấn chỉnh, giáo dục bản thân. Đọc một cuốn sách về lịch sử người da đen và thực sự khai mở tâm trí bạn với các trải nghiệm của những người khác. Việc này có ý nghĩa hơn nhiều so với hành động gửi một tweet. Đây là một điểm khởi đầu lý tưởng dành cho chúng ta. 
 
Nghe này, tôi không có ngây thơ đâu. Tôi không mong đợi mọi thứ sẽ thay đổi chỉ trong một sớm một chiều. Tôi không hy vọng thế giới bóng đá sẽ cùng nhau tiêu diệt nạn phân biệt chủng tộc trong 48 tiếng như họ đã giết chết Super League. 
 
Chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề này chỉ với một chiến dịch trên các mạng xã hội, hoặc bằng bài viết này. Tôi đã sống đủ lâu để không còn ấp ủ những hy vọng của một đứa trẻ nữa. 
 
Nhưng tôi cũng không tuyệt vọng. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu – mãi mãi. Bởi vì tôi biết ngoài kia vẫn có những người thực sự quan tâm. Tôi biết có những người thực sự lắng nghe tôi. 
 
Đối với bạn, tôi đang chia sẻ một cách thật lòng. Đối với bạn, tôi sắp chơi trận chung kết Champions League này. Các bạn là những người đã cùng tôi đau khổ, cùng tôi khóc. 
 
Và, inshallah, nếu tôi có thể được nâng chiếc cúp danh giá đó vào thứ Bảy, vậy thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng bạn đang được nâng chiếc cúp này cùng một cậu bé đến từ Neukölln.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

Dẫn dắt Manchester United sẽ là một rủi ro lớn với Ruben Amorim?

Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.