Andrey Arshavin và câu chuyện dài về vụ chuyển nhượng tới Arsenal (P1)

Tác giả Elflaco - Thứ Hai 30/11/2020 17:37(GMT+7)

Andrey Arshavin là cầu thủ người Nga đầu tiên và duy nhất xưa nay từng khoác áo Arsenal. Sự nghiệp của tiền đạo này trong hơn 4 năm khoác áo CLB chủ sân Emirates, 2009-2013 khó có thể nói là thành công như kỳ vọng nhưng đủ để fan “Pháo thủ” có những kỷ niệm sâu sắc về anh.

 
Tuy nhiên, rất ít người biết tường tận về vụ chuyển nhượng của Arshavin, từ Zenit sang Arsenal đầu năm 2009. Vụ chuyển nhượng mà những diễn biến và trăm ngàn tình tiết của nó hoàn toàn có thể dựng thành một bộ phim bom tấn…
 
********
Dennis Lachter, người Do Thái gốc Ukraine, sinh ra tại Nga là một doanh nhân, chuyên gia môi giới, có quan hệ sâu rộng với nhiều nhân vật nổi tiếng tại Mỹ như Mike Tyson, Guy Ritchie và Madonna. Lachter cũng chính là đạo diễn một trong những vụ chuyển nhượng ly kỳ nhất, trắc trở nhất và khó tin nhất trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại: Andrey Arshavin tới Arsenal.
 
Nhưng vào mùa Thu 2007, Lachter, trong chuyến công cán tại Ghana, tuyệt nhiên không có một chút liên hệ nào với Andrey Arshavin. Đó là thời điểm ông nhận được một cuộc gọi từ Nga. Một giọng Nga lạ hoắc nhưng với thông điệp rõ ràng: “Chúng tôi muốn nói chuyện với ông về Arshavin”.
 
Lachter biết Arshavin, một ngôi sao bóng đá đang nổi như cồn ở Zenit. Nhưng chàng trai này không phải là khách hàng của ông. Vài cuộc điện thoại sau đó đủ để Lachter nắm bắt được vấn đề: có một nhân vật “cỡ bự” tại Nga, có quan hệ với Zenit - CLB chủ quản của Arshavin, muốn tiếp cận ông để bàn về chuyện tương lai của chàng tiền đạo 26 tuổi.
 
“Tôi không thích những cuộc điện thoại kiểu này. Nhưng người đang cố tiếp cận tôi chắc chắn là một “Cá Lớn” (Big Fish). Tôi rời Nga từ năm 1992 để sang Mỹ lập nghiệp nhưng tôi sinh ra tại Nga và biết thừa những chuyện này là như thế nào. Hoàn toàn mờ ám” – Lachter.
 
 
Vài tháng sau, Lachter trở lại Moscow để dự tiệc sinh nhật một người bạn. Tại đây ông có cuộc gặp định mệnh với “Cá Lớn”.
 
Một gã mặc đồ đen tiến lại phía tôi và nói: “Chúng tôi có chuyện cần bàn với ngài”. Tôi đáp “Anh là ai?”. Gã trả lời: “Ông chủ của tôi đang ở đây và muốn nói chuyện với ngài”. Tôi theo chân gã và chính thức “diện kiến”… “Cá Lớn”.
 
“Cá Lớn” thủng thẳng mở lời: “Gặp được cậu đúng là chẳng dễ dàng”. Tôi đáp: “Không cần phải vòng vo. Hãy vào thẳng công việc luôn”.
 
“Công việc” ở đây là Andrey Arshavin.
 
“Cá Lớn” muốn Lachter tìm cho Arshavin một CLB mới, ở 1 trong những giải bóng đá hàng đầu châu Âu. Theo “Cá Lớn” thì Arshavin đã chán ngấy với việc phải chơi bóng tại Nga cho Zenit và muốn tiến lên một cấp độ cao hơn: “Thằng bé đủ giỏi để tìm kiếm vận may ở nước ngoài”.
 
Nhưng có 1 vấn đề, Arshavin đã có đại diện hợp pháp, người mà theo mô tả của “Cá Lớn” chỉ là dạng “ếch ngồi đáy giếng”. Kế hoạch sơ bộ được “Cá Lớn” phác thảo: Lachter tìm kiếm những CLB quan tâm tới Arshavin và sau đó cung cấp những thông tin đó cho đại diện của cầu thủ này.
 
Lachter bắt tay ngay vào việc. Thông qua Jonathan Barnett, một trong những chuyên gia môi giới cầu thủ có tiếng ở Anh, Lachter đã có trong tay bản danh sách đối tác tiềm năng nhất. Nhưng khi trực tiếp cung cấp danh sách này cho đại diện của Arshavin thì thứ mà Lachter nhận được lại là câu trả lời… ngoài dự kiến: “Thân chủ của tôi KHÔNG BAO GIỜ có ý định rời Zenit”.
 
Bất ngờ nhưng với Lachter thì cũng chẳng sao hết, coi như thoát khỏi mớ bùng nhùng này. Lachter gần như quên luôn Arshavin và “Cá Lớn” sau cuộc nói chuyện với đại diện của ngôi sao người Nga.

 
********
Cuối năm 2007. Lachter lại ở Ghana. Lại một cuộc gọi số lạ khác. Và lại một giọng Nga không quen biết khác. Đi thẳng vào vấn đề: “Ngài đã có tin gì tốt cho Arshavin của chúng tôi chưa vậy?”. Theo lời giải thích sau đó thì Arshavin đã liên tục hỏi người đại diện của mình để tìm một CLB mới, nhưng câu trả lời là “Không có đối tác nào quan tâm hết”.
 
Lachter lúc này thực sự nổi đóa. “Nghe này, Cái quái gì đang xảy ra thế. Thằng này đã đưa trực tiếp cho đại diện của Arshavin một danh sách dài những CLB quan tâm nó. Nhưng tay đại diện nói Arshavin “đếch” muốn rời Nga. Nếu Arshavin thực sự muốn đi, bảo thằng nhóc gọi điện cho tôi”.
 
Chưa đầy nửa giờ sau. Một cuộc gọi từ Nga cho Lachter. Lần này là Arshavin!
 
“Arshavin nói: Tôi biết ngài là ai. Vì thế tôi sẽ nói ngắn gọn thôi…. Tôi muốn chơi bóng ở nước ngoài. Liệu chúng ta có thể làm được điều gì đó không, thưa ngài?”.
 
Lachter nói thẳng với Arshavin rằng “Mọi chuyện đều có thể, với 1 điều kiện cậu phải giải quyết vấn đề người đại diện hiện tại”. Ba ngày sau, Lachter trở thành người đại diện hợp pháp duy nhất cho mọi hoạt động đàm phán để có thể chuyển nhượng Arshavin tới 1 CLB Tây Âu.
 
Một công việc không hề đơn giản. Tại Nga không chỉ có một “Cá Lớn”. Còn nhiều “Cá Lớn” khác muốn can thiệp vào chuyện tương lai của Arshavin, theo chiều ngược lại. Zenit, trong khi đó, không chỉ là 1 CLB bóng đá bình thường tại Nga.

Đó là đội bóng… thần tượng của tổng thống Nga Vladimir Putin, một người sinh ra và lớn lên ở St. Petersburg. Arshavin, thời điểm đó, là cầu thủ mà Putin đặc biệt yêu thích. Zenit, CLB thuộc sở hữu siêu tập đoàn Gazprom, vốn dĩ không hề thiếu tiền lại có mối quan hệ chính trị cao cấp.
 
Trong quá trình đàm phán với Zenit và tìm kiếm CLB mới cho Arshavin, Lachter đối mặt với vô vàn áp lực, chịu sự giám sát gắt gao từ chính… Chính Phủ Nga.
 
“Có lần, một sĩ quan đã đến thắng nhà tôi tại Moscow và nói: “Tôi nhận lệnh gửi giấy mời ông đến làm việc với FSB – Tổng cục An ninh Liên bang Nga (tiền thân là KGB - Ủy ban an ninh Quốc gia Nga). Sau đó, họ đưa tôi tới Lubyanka, văn phòng cũ của KGB và để mặc tôi một mình ở đó trong cỡ 2 tiếng” – Lachter nhớ lại.
 
“Sau 2 giờ, một sĩ quan bước vào. Anh ta lên tiếng: “Dennis này, ông đã sống ở nước ngoài một thời gian dài nên có lẽ không hiểu Arshavin với Zenit có Ý NGHĨA như thế nào. Nói thẳng luôn nhé, chúng tôi muốn Arshavin phải ở lại Nga”.
 
“Khi tôi đến Lubyanka, họ lấy thắt lưng của tôi, lấy dây buộc giày, giữ điện thoại, tất cả mọi thứ của tôi. Trong 6 giờ dài đằng đằng ấy, không ai biết Dennis này ở đâu, kể cả bà xã đang mang thai của tôi. Họ còn nói: “chúng tôi biết mẹ ông sống ở đâu” và “để đảm bảo rằng mẹ của ông vẫn ổn” thì nên suy nghĩ thật chín trước khi định làm bất kỳ điều gì”.
 
“Có ngu mới không biết “điều gì” ở đây chính là Arshavin. Khi được “phóng thích” khỏi đó, trong tôi có cả sự sợ hãi và nỗi tức giận. Nhưng cũng ngập tràn một quyết tâm: “Có chết thì thằng này cũng phải đưa Arshavin đi khỏi Zenit bằng được”.
 
********
Tháng 3/2008, Lachter có mặt tại Marseille để xem trận Zenit làm khách trước Marseille ở vòng 1/8 Cúp UEFA. Một nguồn tin thân cận báo với Lachter rằng, dự khán Velodrome hôm ấy có một nhân vật đặc biệt: Arsene Wenger. Được biết, Wenger đến để xem giò Samir Nasri, thần đồng 20 tuổi của Marseille.
 
Sau 55 phút, Zenit của Arshavin bị đội chủ nhà dẫn 3-0. Được giới thiệu với Wenger, Lachter ngay lập tức mở lời: “Ngài đánh giá thế nào về số 10 của Zenit, Arshavin? Wenger trả lời: “Chàng trai này là cầu thủ hay nhất trên sân. Tôi đáp lại: Ngài đùa tôi chắc, làm sao mà cầu thủ thuộc đội đang thua 0-3 mà lại hay nhất cơ chứ. Wenger thủng thẳng: “Tin tôi đi, tôi biết mình đang nói gì”.
 
“Gần cuối hiệp hai, Arshavin thực hiện một pha đi bóng từ giữa sân, vượt qua 2 cầu thủ Marseille và ghi 1 bàn thắng tuyệt vời”, Lachter hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ phản ứng của Wenger. Ông ấy tràn ngập niềm hứng khởi. Tôi biết, từ lúc ấy, Wenger có cảm giác ĐẶC BIỆT với Arshavin”.
 
Lachter và Wenger vẫn giữ liên lạc khi Zenit tiếp tục tiến băng băng trên hành trình chinh phục UEFA Cup mùa ấy, với đỉnh cao là thắng lợi 2-0 trước Rangers ở trận chung kết. Trận đấu diễn ra tại Etihad, Manchester, Anh. Arshavin đặt dấu giày trong cả 2 pha lập công của Zenit và nhận giải cầu thủ Xuất sắc nhất trận chung kết.
 
Nhưng phải đến VCK EURO 2008, cái tên Arshavin mới thực sự gây bão. Bị treo giò 2 trận đầu tiên vòng bảng, Arshavin vẫn tỏa sáng rực rỡ ở giải đấu mà anh là thủ quân của tuyển Nga. Đỉnh cao chính là trận thắng Hà Lan 3-1 ở tứ kết.
 
 
Trong nỗ lực đẩy nhanh vụ chuyển nhượng Arshavin, Lachter đã gọi điện cho Wenger. “Gần như ngay lập tức Wenger ngắt lời tôi: Cậu có nói gì cũng vô ích, chàng trai này không dành cho chúng tôi”. Không hiểu ý của Wenger lắm nên tôi hỏi lại và đây là câu trả lời: “Sau màn trình diễn xuất sắc vừa rồi (trận Nga thắng Hà Lan), chắc chắn sẽ có rất nhiều CLB hàng đầu theo đuổi cậu ấy. Tôi thích Arshavin nhưng hoàn cảnh tài chính hiện tại của Arsenal không cho phép. Tôi rất tiếc, nhưng thực sự Arsenal chẳng thể làm được gì trong lúc này”.
 
Thời điểm đó, Wenger đang ở Vienna, nơi chỉ cách khách sạn đội tuyển Nga đóng quân khoảng 1.6 km. Lachter muốn thiết kế một cuộc gặp trực tiếp giữa Wenger và Arshavin. Nhưng HLV người Pháp từ chối. “Tôi thích Arshavin. Nhưng gặp trực tiếp lúc này là điều không nên. Thêm nữa tôi cũng không muốn rơi vào cuộc chiến khốc liệt với hàng loạt CLB hàng đầu khác” – Wenger giải thích với Lachter.
 
“Wenger giống như một nhà tiên tri nhìn thấy được tương lai qua quả cầu pha lê vậy. Bởi chỉ vài phút sau cuộc nói chuyện với ông ấy, tôi nhận được cuộc gọi từ Barcelona”, Lachter nhớ lại. “Nhưng đó không phải là tin tốt. Đại diện của Barcelona gọi cho tôi chỉ để thông báo rằng đề nghị mua Arshavin vừa bị Zenit từ chối”.
 
Đại diện của Barcelona nói với Lachter rằng CLB xứ Catalan đã gửi tới Zenit một đề nghị hỏi mua Arshavin với giá 25 triệu euro. Và câu trả lời từ phía Zenit thì sốc hơn cả sốc: “Arshavin. OK, nhưng đổi lại chúng tôi muốn có Messi với giá 30 triệu”.
 
Barcelona là CLB trong mơ của Arshavin từ thời thơ ấu. Vì thế khi Lachter thông báo với Arshavin về việc Zenit đã ném đề nghị của Barca vào sọt rác, cầu thủ này hoàn toàn suy sụp. “Cậu ấy ngồi bệt trên thảm, không nói không rằng, bất động như 1 xác ướp, đôi mắt trống rỗng”. Tất cả những gì Lachter có thể làm vào lúc ấy là nói với Arshavin: “Hãy tập trung chơi cho tốt. Việc còn lại để tớ lo”.
 
********
Tottenham là CLB nghiêm túc nhất với Arshavin. Cuối Hè 2008, Jonathan Barnett, mối ruột của Lachter ở Anh, được Tottenham ủy quyền thay mặt CLB đàm phán vụ chuyển nhượng này với phía Zenit.
 
Lachter và Barnett gặp chủ tịch Zenit - Alexander Dyukov tại St. Petersburg. Nhưng các cuộc đám phán tốn nhiều thời gian và công sức chẳng đạt được bất kỳ tiến triển tích cực nào. Barnett gần như mất kiên nhẫn: “Bọn họ có thực sự muốn bán Arshavin không vậy, hay đây chỉ là một trò đùa chó chết”. 
 
Lachter, một người Nga, sớm nhận ra vấn đề. “Zenit được chống lưng bởi Gazprom, hoàn toàn không chịu bất kỳ áp lực tài chính nào để phải bán đi ngôi sao hay nhất. Họ đơn giản là “đếch” muốn bán và đang cố tình chơi chúng ta bằng việc tăng giá vô tội vạ, hết lần này đến lần khác”.
 
Giọt nước tràn ly đến vào cuối tháng Tám năm ấy, trước trận tranh Siêu cúp châu Âu giữa Zenit và Man United, khoảng 3-4 ngày trước khi kỳ chuyển nhượng bóng đá Anh đóng cửa. Theo thỏa thuận đạt được từ các phía, đại diện của Tottenham, Zenit sẽ ngồi với nhau lần cuối sau trận đấu để chốt hạ vụ chuyển nhượng Arshavin. “Chúng tôi ngồi đó, với Arshavin và đại diện Tottenham, chờ dài cổ nhưng bọ họ (Zenit) không bao giờ xuất hiện” – Lachter.
 
Đại sảnh khách sạn Hotel de Paris, Monte Carlo, khi đó chỉ còn lại hai người, Lachter và một Arshavin đang chán chường khi hi vọng cuối cùng có thể rời Zenit trong kỳ chuyển nhượng Hè 2008 vụt khỏi tầm tay với.
 
“Nghe này chàng trai, nếu cậu thực sự muốn rời Zenit bằng mọi giá, chúng ta cần thay đổi chiến thuật. Đi với ma thì đành phải mặc áo giấy vậy”.
 
Những ngày sau đó, Lachter đã thông báo tình hình “vụ Tottenham – Arshavin” cho rất nhiều đầu báo và các hãng thông tấn của Anh, từ Sky Sports, Daily Telegraph đến Daily Mail. “Tôi đã cố làm điều này, nhiều lần, với các tờ báo Thể thao Nga, nhưng không một dòng tin nào về chuyện Arshavin xuất hiện. Còn báo Anh, bạn biết rồi đấy”.
 
 
Hàng trăm bài viết liên quan đến Arshavin được xuất bản. Telegraph còn tiến xa hơn khi trích dẫn “lời tâm sự” của Arshavin: “Mọi khúc mắc nằm ở CLB chủ quản và giờ chỉ có Tottenham đủ… can đảm theo đuổi cuộc đàm phán. Mong muốn ra đi của tôi rất mãnh liệt. Hiện tại vẫn vậy. Dù thực tế tôi chẳng thể làm được gì, ngoài mong đợi một phép màu xuất hiện. Nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu để được ra đi, được chơi bóng ở 1 CLB hàng đầu châu Âu. Nếu bỏ cuộc lúc này, e rằng tôi chẳng còn cơ hội nào nữa. Tôi luôn hy vọng, vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, các ông chủ của Gazprom thức dậy với tâm trạng vui vẻ và quyết định: “Chúng ta đã nghe đủ lời than vãn của Arshavin rồi – hãy để gã này đi thôi”.
 
Một số tờ báo khác thậm chí đưa tin Arshavin đang cân nhắc việc đình công để chống lại Zenit. Mức độ tác động khủng khiếp của truyền thông Anh khiến Zenit chột dạ. Đại diện cho phía Zenit, HLV trưởng CLB thời điểm đó - Dick Advocaat lên tiếng trấn an dư luận tại Nga: “Chúng tôi vẫn làm đúng mọi trình tự của 1 vụ chuyển nhượng. Có lẽ Tottenham sẽ quay lại với một đề nghị làm hài lòng tất cả các bên. Zenit vẫn đang chờ điều đó”.
 
Nhưng cuộc chiến được Lachter khơi mào khiến ông gần như mất… sạch bạn bè tại Nga và bị khủng bố liên tục bởi Zenit. “Cứ mỗi 2 tiếng, họ (Zenit) lại nã điện thoại cho tôi. “Anh đang làm cái quái gì thế? Anh điên à? Anh nghĩ mình là ai mà dám “chơi” chúng tôi như vậy?”.
 
Áp lực là rất lớn nhưng Zenit có lẽ không biết, tôi là một kẻ kiên định đến cùng. “Rất tiếc, tôi đã hứa với những đứa nhóc nhà tôi rằng, bố nó sẽ làm tất cả để đưa Arshavin rời khỏi nước Nga”.
 
 
Lược dịch: Like a ‘f***ing movie’: Behind Arshavin’s incredible move to Arsenal (James McNicholas – The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.