Việc World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar đã gây nên nhiều ý kiến tranh cãi kể từ khi FIFA công bố đất nước này giành chiến thắng trong cuộc đua cho đến sát thời điểm giải đấu diễn ra. Trên The Guardian, cựu danh thủ Philipp Lahm chia sẻ góc nhìn của anh về điều này.
Qatar World Cup 2022
|
Với tư cách Giám đốc phụ trách tổ chức Euro 2024, tôi đã gặp gỡ nhiều người trong nền bóng đá Đức. Họ là những cô cậu bé mà tôi đã có dịp chụp ảnh selfie, những HLV trẻ dạy luật chơi cho các cầu thủ, những chủ tịch của các CLB nhỏ. Tất cả bọn họ đều yêu thích bóng đá, họ biết sức mạnh to lớn về mặt giáo dục mà bóng đá mang lại cũng như hiểu tầm quan trọng của nó với cộng đồng.
Tuy nhiên, khi các cuộc trò chuyện liên quan đến Qatar, thái độ của họ trở nên nghiêm trọng. Nhiều người chấp nhận đây sẽ là lần đầu tiên trong đời họ không xem một kỳ World Cup. Trước đây, một kỳ World Cup là ngày hội, với đám trẻ thì đó là khởi đầu tình yêu bóng đá. Ngày nay, một vài quán nhỏ đã cất những bàn bia và màn hình trong nhà kho.
Điều này khiến tôi càng tin tin rằng trao quyền tổ chức World Cup cho Qatar là một sai lầm. Giải đấu này không thuộc về nơi ấy.
Ông Sepp Blatter, người từng giữ cương vị chủ tịch FIFA thừa nhận việc trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar là quyết định sai lầm.
Ngay cả quy trình của FIFA cũng có vấn đề. Lần đầu tiên, nước chủ nhà của hai kỳ World Cup được công bố đồng thời với nhau. Qatar và Nga đều đã giành chiến thắng dù có những ứng viên mạnh hơn. Tổ chức giải đấu ở Qatar, lịch thi đấu bị hoãn từ mùa hè sang mùa đông. Ngay từ đầu, cái nóng bỏng rát của sa mạc đã không được tính đến dù báo cáo nội bộ của FIFA đã cảnh báo điều đó bên cạnh những thiếu sót khác của Qatar.
Chắc chắn có những lý do khác mang tính quyết định trong cái ngày bầu chọn diễn ra vào tháng 12/2010 đó. Nhiều người trong số 24 quan chức của FIFA tham gia bầu chọn sau đó đều đã bị cấm hoạt động, bị trừng phạt hoặc bị bắt, hai người thậm chí bị đình chỉ hoạt động trước cuộc bỏ phiếu.
Qatar đã có những tiến bộ trong việc đáp lại những lời chỉ trích từ người hâm mộ cũng như nghiên cứu của giới truyền thông bằng cách phê chuẩn một số thỏa thuận theo luật pháp quốc tế và đưa ra mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, tại đây, người đồng tính vẫn bị coi là tội phạm, phụ nữ không có đầy đủ quyền như đàn ông… Những điều kiện dành cho người lao động nhập cư - những người đã trực tiếp biến World Cup tại Qatar thành hình - cũng rất kém. Những sự ra đi của họ bị cho vào quên lãng và gia đình của họ không được bồi thường thỏa đáng.
Theo Forbes, World Cup 2022 sẽ tiêu tốn ít nhất 150 tỷ USD - cao gấp khoảng 10 lần World Cup 2018, giải đấu vốn cũng là đắt đỏ nhất lịch sử World Cup ở thời điểm ấy. Ở một quốc gia có diện tích bằng Kosovo và dân số ít hơn cả Berlin, có 8 sân vận động siêu hiện đại có lắp điều hòa.
World Cup 2022 tại Qatar chính là giải đấu đắt đỏ, tốn kém và xa xỉ nhất lịch sử bóng đá cũng như thậm chí cả thế giới thể thao nói chung. Theo ước tính, nước chủ nhà đã phải đầu tư ngân sách khoảng 220 tỷ USD để chuẩn bị cho một tháng lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh này.
Không có văn hóa cổ động nào được hưởng lợi từ điều này. Bình thường, không tới 1000 khán giả đến sân xem các trận đấu tại giải VĐQG Qatar. Bóng đá không phải môn thể thao nghiệp dư phổ biến ở Qatar và tại đây vẫn chưa có cơ hội cho các cô gái chơi bóng. Điều này cũng được xem là thiếu tính bền vững cho một giải đấu.
Cần phải nói rằng việc tổ chức World Cup tại một khu vực mới là hành động đúng đắn. Năm 2010, World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi. Trước đó, tôi từng tới Nam Phi để tìm hiểu về đất nước đăng cai giải đấu và hoàn cảnh nơi tôi sẽ thi đấu. Một kỳ World Cup cũng có thể mang tới đóng góp tích cực cho văn hóa bóng đá tại Trung Đông vì ở đó có những quốc gia có truyền thống bóng đá.
Hoặc bạn có thể mở rộng ra toàn bộ thế giới Arab, ví dụ các nước Morocco và Algeria. Tây Đức từng đối đầu Morocco ở World Cup 1970 và thua Algeria tại World Cup 1982. Trước khi đoạt chức vô địch World Cup 2014, chúng tôi đã phải bước vào hiệp phụ với Algeria tại vòng 16 đội. Trận đấu tại Porto Alegre hôm đó chẳng khác nào một trận đấu sân khách khi có rất nhiều cổ động viên Algeria đã tới đó.
Trong khi đó, Qatar chưa bao giờ giành quyền tham dự World Cup nhưng đất nước nhỏ bé này đã giành quyền đăng cai ngay lần đầu tiên tranh cử. Trên các sân vận động sẽ có nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng được trả tiền để khuấy động bầu không khí và PR trên mạng xã hội. Song, bầu không khí này sẽ không thu hút tôi với tư cách một người hâm mộ bóng đá. Tôi sẽ chỉ bay tới Qatar nếu công việc của tôi trong vai trò Giám đốc phụ trách tổ chức giải đấu yêu cầu. Vì không có nhiệm vụ ở đó nên tôi sẽ ở nhà.
Ở một số quốc gia, các đội bóng đã được yêu cầu tẩy chay giải đấu. Đó là điều mà mỗi người sẽ phải tự đưa ra quyết định. Tôi nghĩ đội tuyển Đức tham dự World Cup tại đó là đúng và tôi sẽ rất hạnh phúc nếu chúng tôi trở thành nhà vô địch. Qatar là đối tác kinh tế và nhà cung cấp năng lượng cho phương Tây, Đức duy trì các mối quan hệ ngoại giao với Qatar và quyết định đã có từ 12 năm trước.
Mọi người sẽ phải tự trả lời rằng liệu họ có xem các trận đấu World Cup trên truyền hình hay không. Còn tôi sẽ trả lời thế này: Đội tuyển quốc gia là điều rất quan trọng. Kỳ World Cup 2022 tại Đức sẽ phụ thuộc vào màn trình diễn của họ.
Dù trận chung kết diễn ra tại Qatar, tôi sẽ vẫn bật TV lên. Về cơ bản, World Cup là sự kiện lớn. Xét trên khía cạnh thể thao, một giải đấu cấp đội tuyển sẽ khó đoán hơn, nhiều đội có khả năng vô địch hơn là những giải VĐQG hay Champions League. Năm nay có thể sẽ có những bất ngờ. Nhịp thi đấu của cầu thủ đã khác, World Cup diễn ra vào giữa mùa giải nên các đội gần như không có sự chuẩn bị.
Có thể năm nay Nam Mỹ sẽ trở lại Có thể một đội tuyển châu Phi sẽ đánh bại một đội tuyển lớn hoặc một đất nước nhỏ của châu Âu sẽ lọt vào chung kết như Croatia năm 2018. Lionel Messi và Cristiano Ronaldo có lẽ sẽ từ giã sân khấu quốc tế hay một ngôi sao mới có thể xuất hiện.
Dù những yếu tố chính trị của World Cup này đặt ra nhiều câu hỏi nhưng rõ ràng đây vẫn là một ngày hội lớn.
Theo Philipp Lahm | The Guardian