Đêm 19/7 vừa qua, Đoàn Thể thao Việt Nam đã lên đường sang Tokyo, Nhật Bản để tham dự Olympic 2020. Cùng với những màn tranh tài khi thi đấu, có một cuộc chiến khác về hậu cần trong toàn bộ các quốc gia tới dự giải.
Trong buổi tối tại sân bay Nội Bài nơi Đoàn TTVN chuẩn bị lên đường sang Tokyo, hình ảnh quen thuộc là những thùng mỳ gói Hảo Hảo đã được chuẩn bị rất kỹ. Chia sẻ với Trên đường Pitch, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn khẳng định: “Hiện tại, công tác hậu cần đã chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo những thực phẩm, vật dụng giúp VĐV ăn uống, luyện tập. Theo quy định của Nhật chỉ được mang đồ khô, chứ chất đạm như thịt cá là khuyến cáo không được mang, nếu không sẽ không cho vào.”
Tất nhiên, 205 quốc gia/vùng lãnh thổ còn lại cũng sẽ đem theo hàng nghìn tấn thiết bị/lương thực như vậy. Olympic 2020 sẽ có hơn 11 nghìn VĐV tranh tài trong 339 nội dung thi, diễn ra tại 41 địa điểm thi đấu khác nhau. Cùng với những màn tranh tài khốc liệt, công tác hậu cần cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Từ vài tuần, thậm chí hàng tháng trước, hàng trăm container đã cập cảng Tokyo và Yokohama. Một số lượng nhiều hơn nữa sẽ cập bến theo đường hàng không và tất cả phải được bốc dỡ, vận chuyển nguyên vẹn – quan trọng nhất, đến đúng địa điểm và thời điểm.
Nước chủ nhà Nhật Bản đã chuẩn bị điều này với địa điểm Làng Olympic, một tổ hợp gồm 21 tòa nhà dân cư cao tầng, nằm ở vị trí vô cùng đắc địa. Nó cách sân bay khoảng 18km, cách cảng Tokyo 7km và cảng Yokohama 35km – những địa điểm mà hàng hóa sẽ cập bến. Từ Làng VĐV tới các địa điểm tổ chức thi đấu Olympic cũng khá thuận lợi – 28 SVĐ/nhà thi đấu quanh đó 10km, phần còn lại thì xa hơn (như đánh golf diễn ra tại CLB Kasumigaseki cách đó 70km).
Làng VĐV Olympic là nơi tập trung của 11 nghìn VĐV đến từ khắp nơi trên thế giới
Làng VĐV Olympic nằm ở vị trí đắc địa, bao quanh 3 mặt biển và gần những bến cảng
Khó khăn giữa mùa dịch bệnh
Các nhà quản lý các chuỗi cung ứng sẽ cho chúng ta biết rằng 30% chi phí và hơn 70% vấn đề trong vận chuyển sẽ diễn ra ở “quãng đường cuối cùng”, đó là vài km ngắn ngủi từ kho của các công ty giao hàng tới đích. Và thách thức lớn nhất tại Olympic 2020 sẽ là tình trạng tắc nghẽn giao thông của Tokyo, với hơn 37 triệu người sinh sống. Ngay cả khi đại dịch xảy ra khiến khán giả không tham dự, mật độ di chuyển hàng ngày vẫn rất cao.
Việc Olympic lùi lại 1 năm khiến công tác hậu cần của các quốc gia tham dự gặp nhiều vấn đề. ĐT Canada đã đóng gói 31 nghìn bộ trang phục vào năm 2020, giờ phải mở gói và treo trong một nhà kho tại Montreal trước khi đóng gói trở lại.
Hầu hết các đội đều đã xếp các pallet trong container từ nhiều tháng trước như thể chơi trò xếp hình. Brazil vận chuyển hơn 20 container vào đầu tháng 4. ĐT Anh còn sớm hơn, từ tháng 2.
Mùa dịch bệnh cũng khiến nước chủ nhà có ít tình nguyện viên hơn. Trước khi đại dịch xảy ra, Tokyo có 110 nghìn tình nguyện viên được tuyển dụng. Nhưng giờ, 10 nghìn người đã bỏ việc và khoảng 8 nghìn tình nguyện viên nước ngoài đã bị loại. Số lượng cuối cùng dành cho Olympic sẽ còn giảm đi nhiều hơn nữa.
Rất nhiều tình nguyện viên đã bỏ việc và biểu tình hủy bỏ Olympic Tokyo 2020
Bí quyết chiến thắng nằm trong những khối hàng mang đi
Các container đang hướng đến Nhật Bản có đầy đủ những vật dụng hàng ngày như ga trải giường, nệm, chăn, gối, vỏ gối, khăn tắm,… dành cho các VĐV và quan chức tại Làng Olympic. Tất nhiên, mỗi một quốc gia đều sẽ đem theo những vũ khí bí mật của riêng mình.
Nhiệt độ tại Tokyo hiện nay vượt ngưỡng 30 độ, và đội New Zealand đã phải chuẩn bị áo vest đá lạnh (ice vests), máy làm lạnh nước trái cây (slushie), quạt phun sương và máy biến áp để đảm bảo tất cả các thiết bị hoạt động bằng nguồn điện địa phương 100V.
Tất cả các đội đều mang theo đồ uống hồi phục thể lực và đồ ăn nhẹ, nhưng mỗi nước sẽ có cách riêng. Như nước Anh đem theo 45 nghìn túi trà lọc và 8 nghìn bình ủ cháo.
Những chiếc xe được BTC sắp xếp để đưa đón VĐV thi đấu tại Olympic Tokyo
Sau đó là các thiết bị thể thao. Những môn đặc biệt như chèo thuyền yêu cầu một số lượng vật dụng rất nặng và chiếm dụng không gian, như thuyền, cano, mái chèo, ván lướt sóng. Ngoài ra, môn nào cũng sẽ có những vật dụng cần thiết cho việc luyện tập, có thể kể đến thảm thi đấu, túi đấm, găng tay, súng, kiếm, vợt,… cùng hàng trăm ngàn bộ trang phục, đồng phục.
Nhưng đó chỉ là khâu chuẩn bị, còn có đến được nơi đúng thời gian và đảm bảo không hỏng hóc là điều khác. Một mảnh vỡ trong thiết bị luyện tập cũng có thể ảnh hưởng lớn tới hiệu quả thi đấu của VĐV, bởi một lẽ đơn giản – sẽ có rất ít cơ hội để chờ một vật dụng thay thế khác.
Những sai lầm rất nhỏ trong công tác hậu cần có thể đem tới hậu quả lớn. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, VĐV nhảy sào người Brazil Fabiana Murer đã không đạt được thành tích tốt nhất bởi không thể tìm được cây gậy đúng kích cỡ ưng ý.
Một kỳ Olympic đặc biệt
Với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đây sẽ là một kỳ Olympic khó khăn. Mới đây, đã có 1 quan chức trong Làng VĐV dương tính với Covid, khiến mọi hoạt động trong địa điểm này được nâng lên mức độ cảnh báo cao.
Tất cả các VĐV dự giải sẽ bị cấm đến các quán bar, nhà hàng. Những bữa tiệc ăn mừng chiến thắng cũng không được chấp nhận trong Làng Olympic, và tất cả các VĐV đều sẽ phải rời đi trong 48 giờ kể từ khi kết thúc môn thi đấu cuối cùng.
Nghi thức diễu hành trong lễ khai mạc/bế mạc cũng sẽ giới hạn những thành viên cầm cờ đoàn mới được tham dự. Với Đoàn TTVN, nhiệm vụ này được giao cho Nguyễn Huy Hoàng và Quách Thị Lan.
Sau 4 năm luyện tập gian nan để chờ tới kỳ đại hội thể thao lớn nhất thế giới, tất cả các VĐV đều hy vọng hòa mình vào bữa tiệc tại Olympic Tokyo 2020 – nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra khi dịch bệnh còn hoành hành.
INFOGRAPHIC: Những điều cần biết về Olympic 2020 Vài ngày nữa, kỳ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra tại Nhật Bản. Hãy cùng điểm qua những thông tin cần biết về Olympic Tokyo 2020 dưới đây.
Từ ngày 15/6 tới đây, người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới sẽ sống trong không khí ăn ngủ bóng đá cùng EURO 2024. Cùng điểm qua những điều đặc biệt nhất tại giải đấu này