Thổ Nhĩ Kỳ: Nét chấm phá từ những điệu Halay

Tác giả Ole - Thứ Hai 08/07/2024 14:33(GMT+7)

Đội bóng đến từ vùng đất ranh giới giữa hai châu lục Á, Âu chính là đại diện thiếu chất “châu Âu” nhất sẽ bước vòng tứ kết EURO 2024. Mặc dù vậy, sau những gì đã thể hiện trong trận thắng 2-1 trước ĐT Áo, nhiều người tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tạo nên nhiều bất ngờ tại giải đấu năm nay.

 

Trong con mắt của những người phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ tồn tại điểm chung với cộng đồng châu Âu, ngay cả khi thế giới hiện đại đã trở nên… phẳng hơn rất nhiều. Những khác biệt quá lớn về mặt sắc tộc, văn hóa, tôn giáo cộng thêm quá trình lịch sử xung đột kéo dài giữa đế quốc Ottoman và hàng loạt vương triều châu Âu được xem là cội nguồn của vấn đề khiến người ta luôn ám ảnh về vùng đất nằm giữa lục địa Á - Âu này. Và bóng đá cũng không phải ngoại lệ.

Thời gian gần đây, khi mà sự tiến bộ về khoa học thể thao ngày càng được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, khoảng cách giữa các nền bóng đá phần nào đã bị xóa nhòa. Minh chứng gần gũi nhất không gì khác chính là loạt knock-out đầu tiên tại kỳ EURO lần này, khi những “gã khổng lồ” của lục địa già như Bồ Đào Nha hay Anh đều chỉ giành được chiến thắng nghẹt thở trước các đại diện Đông Âu vốn bị đánh giá yếu hơn nhiều là Slovenia và Slovakia. Thậm chí, ngay cả nhà ĐKVĐ Italia cũng phải chấp nhận chia tay giải đấu sau một màn trình diễn tệ hại trước Thụy Sỹ, trong khi chủ nhà Đức đã trải qua một trận đấu không hề dễ dàng với Đan Mạch.

Chung cuộc, hầu hết các ông lớn đến từ phần phía tây của lục địa, khu vực có chất lượng bóng đá bậc nhất thế giới vẫn giành được vé vào tứ kết: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, trong khi Thụy Sỹ - đội đã đánh bại Ý cũng thừa hưởng một phong cách bóng đá tương đối gần gũi với những nền bóng đá hàng đầu châu Âu. Chỉ còn duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ giống như một kẻ ngoại đạo, một đội bóng không chỉ mang trong mình DNA từ vùng nội Á, mà còn sở hữu vô vàn sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa, chính trị trước thế giới phương Tây xa lạ.

Thế nhưng, đối với các khán giả trung lập, điều này dường như lại mang đến sự phấn khích cần thiết tại một giải đấu lớn. Giống như cách đây 16 năm, khi ĐT Thổ Nhĩ Kỳ của những Nihat Kahveci, Hamit Altintop, Semih Senturk hay Rustu Recber từng làm nên kỳ tích bằng việc lọt vào bán kết EURO 2008, thời điểm hiện tại, đội quân của HLV Vincenzo Montella cũng đang được kỳ vọng có thể tái hiện lại thành tích lịch sử này. Trước mắt những người Thổ chính là ĐT Hà Lan, đội bóng đã trình diễn một thứ bóng đá có thể nói là “hoàn hảo” trước Romania ở vòng 1/8. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có những niềm tin của riêng mình.

 

So với những công thức chiến thuật hơi phức tạp, những hệ thống triết lý có phần “cồng kềnh” mà nhiều đội tuyển tại châu Âu đang áp dụng thì Thổ Nhĩ Kỳ lại mang đến một thứ bóng đá tự do và phóng khoáng hơn hẳn. Khác với gegen-pressing được xây dựng, tổ chức một cách lớp lang, bài bản, thầy trò Montella sẵn sàng sử dụng nguồn năng lượng của mình để tạo ra sự hỗn độn trong thế trận bế tắc. Bàn thắng có thể đến với Thổ Nhĩ Kỳ theo nhiều cách khác nhau, từ phản công, phối hợp mảng miếng, sút xa cho tới tình huống cố định mà không cần tuân theo bất cứ quy luật nào. Đây rõ ràng là một điểm nhấn tiềm ẩn khả năng mang tới những sắc màu khác lạ cho vòng tứ kết sắp tới.

Hãy thử tưởng tượng rằng, một Hà Lan mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng bằng thứ bóng đá tổng lực, chơi tấn công bùng nổ sẽ chạm trán với một Thổ Nhĩ Kỳ phòng ngự bền bỉ, dai dẳng và cực kỳ khó chịu bởi sự hỗn độn và “vô nguyên tắc” mỗi khi có bóng. Cả hai bên đều sở hữu những cá nhân có khả năng tạo đột biến và khó lường như Gakpo, Xavi Simons, Dumfries hay Guler, Yildiz… Cần phải nhớ rằng, một trung vệ tưởng như đã rơi vào “ngõ cụt” của sự nghiệp như Merih Demiral cũng có thể lập cú đúp vào lưới ĐT Áo tại vòng 1/8 vừa rồi. Vậy nên sẽ chẳng có điều gì là không thể xảy ra trong màn so tài giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ tới đây.

Một kỳ EURO 2024 với rất nhiều cảm xúc và những giấc mơ của người Thổ thì vẫn còn vẹn nguyên, ít nhất là cho đến thời điểm này. Dù kết quả có ra sao đi chăng nữa thì thầy trò HLV Vincenzo Montella vẫn sẽ là một nét chấm phá đặc biệt nhất đối với ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu năm nay, một đội bóng đến từ phương Đông huyền bí. Khi những điệu haley vẫn đang vang lên mỗi ngày trên khắp các con đường từ Istanbul, Antalya hay tới những ngôi làng xa xôi ở Cappadocia, thì cũng là lúc các cầu thủ đến từ vùng đất ranh giới Á - Âu tiếp tục nhảy múa trên khắp các sân cỏ nước Đức…

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.