Nghịch lý của Man Utd: Mua Ronaldo khi không cần tiền đạo, nhưng có thể bán khi cần

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 10/07/2022 16:45(GMT+7)

Nếu Cristiano Ronaldo ra đi trong thời gian còn lại của kì chuyển nhượng mùa hè, phải thừa nhận rằng lần thứ hai khoác áo Manchester United của cầu thủ này là một thảm họa. 


 

Công bằng mà nói, Ronaldo chơi không tệ. Ở tuổi 36, Ronaldo vẫn duy trì đẳng cấp của mình: Anh là cầu thủ ghi bàn nhiều thứ ba tại Premier League, cũng như ghi 6 bàn sau 7 trận tại Champions League. Đôi khi, siêu sao Bồ Đào Nha một tay đem về chiến thắng cho nửa đỏ thành Manchester, với ví dụ là những cú hat-trick trong chiến thắng 3-2 trước Norwich City và Tottenham Hotspur.

Mặt khác, khả năng liên kết với các đồng đội của Ronaldo lại không thật sự tốt. Cầu thủ sinh năm 1985 cũng không còn đủ thể lực để liên tục gây sức ép lên đối phương. Sẽ là bất lợi cho M.U, nếu họ chỉ biết dựa vào lão tướng năm nay đã bước sang tuổi 37. 

Đến thời điểm này, chúng ta đều hiểu rằng để Ronaldo đá chính giống như có lợi thế dẫn trước một bàn, nhưng lại bất lợi về người. United đã quyết định chơi canh bạc này, và nhiệm vụ của các HLV là phải tìm ra đội hình để tối ưu hóa điểm mạnh, đồng thời khỏa lấp những khiếm khuyết của cầu thủ này. 

Nhưng điều đáng nói nhất phải là bản chất kì quặc của câu chuyện này: M.U đã kí hợp đồng với Ronaldo khi họ không cần một tiền đạo, và có vẻ sẽ bán anh khi họ rất cần một chân sút trên hàng công.

Rõ ràng Manchester United không cần phải kí hợp đồng với Ronaldo, trong bối cảnh họ vẫn còn những lựa chọn hợp lí. Bạn có thể thắc mắc rằng ngay cả Pep Guardiola cũng theo đuổi Ronaldo cơ mà. Tuy nhiên, xét về mặt vị trí thuần túy, Manchester City đang tìm kiếm một tiền đạo hàng đầu sau khi Sergio Aguero ra đi. Ban đầu họ để ý tới Harry Kane, sau đó là Ronaldo, trước khi hiểu rằng không có sự lựa chọn đẳng cấp thế giới nào khác xuất hiện vào mùa hè năm ngoái. Họ quyết định chờ đợi và như chúng ta đã biết, họ đã có chữ kí của Erling Haaland khi TTCN mới mở cửa chưa lâu.


 

Trên thực tế, M.U phải vội kí với Ronaldo vì họ không thể đứng nhìn một huyền thoại của đội bóng gia nhập Man City. Giống như việc họ đặt niềm tin vào Ole Gunnar Solskjaer, đó là về câu chuyện về mặt thương hiệu hơn là yêu cầu chiến thuật của đội.

Để đưa Ronaldo trở về mái nhà xưa, Sir Alex Ferguson đã can thiệp. Rio Ferdinand cũng không đứng ngoài cuộc. M.U về cơ bản trở thành đội bóng của những người muôn năm cũ. Thương vụ Ronaldo khiến hầu hết người hâm mộ hài lòng và có lẽ ban lãnh đạo đội bóng cũng cảm thấy vậy. 

Nhưng trước khi Ronaldo đến, hàng công của đội chủ sân Old Trafford đang có phong độ tốt. M.U sở hữu một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất đất nước: Mason Greenwood, người đã ghi bàn trong cả ba trận đấu ở giải VĐQG trước khi Ronaldo ký hợp đồng.

Họ có Edinson Cavani. Trong mùa giải đầu tiên, tiền đạo người Uruguay đá chính 13 trận ở Premier League, vào sân thay người 13 lần và không được sử dụng trong 12 trận. Về cơ bản, Cavani là một phương án B hoàn hảo, nhất là khi cứ 137 phút anh lại nổ súng một lần.  

Họ có Marcus Rashford, người khi đó đang chơi sa sút, nhưng đã ghi 28 bàn trong hai mùa giải trước đó và Anthony Martial, người đã đóng góp 1 bàn trong trận đầu mùa với Everton.

Đó là những lựa chọn không tồi chút nào: Một số 9 trẻ trung và một cựu binh làm phương án dự phòng. Hai lựa chọn còn lại có thể dạt biên. Chúng ta thậm chí còn chưa nhắc đến cầu thủ ghi bàn hàng đầu của United từ mùa giải 20/21, Bruno Fernandes, người mà mặc dù số bàn chủ yếu đến từ những quả phạt đền, cũng như vẫn phải nỗ lực nhiều hơn ở khả năng tuân thủ chiến thuật, đã chứng minh đẳng cấp khi được chơi tự do, với các bàn thắng và đường kiến tạo đến tương đối đều đặn.

Để rồi bây giờ, sau khi Ronaldo cập bến M.U được một năm, những dấu hiệu tích cực ở trên đều biến mất. Greenwood tự loại mình ra khỏi cuộc chơi từ năm ngoái. Cavani đã ra đi. Martial ra đi dưới dạng cho mượn và hầu hết người hâm mộ M.U sẽ rất vui nếu anh không trở lại Old Trafford. Phong độ của Rashford tỏ ra rất tệ trong 18 tháng qua. Fernandes trở nên kém hiệu quả hơn hẳn khi cả đội phụ thuộc vào Ronaldo. Một đội bóng cũng không thể vận hành hiệu quả khi có tới hai cầu thủ chơi tự do.

Nghĩa là hiện tại M.U thực sự cần một người có thể làm hai điều mà Ronaldo vẫn làm: Dẫn dắt hàng công và ghi bàn. Lý tưởng nhất thì họ sẽ tìm ai đó còn có thể pressing và chịu khó phối hợp với đồng đội. Nhưng trên TTCN hiện tại không có sẵn những lựa chọn như vậy. Ngoài ra, những đối thủ lớn nhất của M.U như Liverpool và Man City cũng đã kịp đem về những chân sút được theo đuổi nhất châu Âu.


 

Mặc dù vậy, dù không nói điều này một cách công khai, chúng ta hiểu rằng Erik ten Hag sẽ không quá thất vọng nếu Ronaldo ra đi. Đội trưởng ĐT Bồ Đào Nha khó lòng đáp ứng những các nguyên tắc chiến thuật cơ bản đã làm nên thương hiệu của Ten Hag ở Ajax Amsterdam. Các chiến lược gia chuyển từ CLB nhỏ sang các đại gia châu Âu cũng thường gặp khó trong việc thích nghi, đặc biệt là về cách đối phó với những ngôi sao tên tuổi.

Nghe có vẻ khó chấp nhận, nhưng M.U và Ten Hag nên học theo Man City: Ngồi yên trong một năm, thay vì lao vào TTCN một cách tuyệt vọng để đem về một tiền đạo không phù hợp. Ten Hag đã chứng tỏ khả năng tạo ra một đội bóng mạnh mẽ mà không có số 9 cổ điển: Trong trận bán kết Champions League năm 2019, ông đã bố trí tiền vệ kiến thiết Dusan Tadic đá cắm. Chiến lược gia Hà Lan đang kì vọng sẽ làm được điều tương tự với Rashford.

Lần đầu tiên ra đi của Ronaldo ở Manchester United cho phép Wayne Rooney, Dimitar Berbatov và sau này là Nani đứng lên khỏa lấp cho sự vắng mặt của cầu thủ này. Trong khi đó, quyết định bán Romelu Lukaku của Solskjaer đã giúp Rashford và Martial tiến bộ hơn rất nhiều, mặc dù vẫn còn những hoài nghi rằng liệu họ có nên bán chân sút số một của mình một lần nữa.

Một khi Ronaldo ra đi, những người hâm mộ đội bóng này sẽ đòi hỏi có sự thay thế, khiến M.U sẽ cảm thấy họ buộc phải hành động. Giờ đây, họ sẽ dành vài tuần tới để tìm kiếm sự thay thế cho một cầu thủ mà thậm chí họ không cần vào năm ngoái.

Lược dịch bài viết “United signed Ronaldo when they didn’t need a striker – but could sell him when they do” của Michael Cox (The Athletic)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

Cuộc khủng hoảng tại Man City: Vấn đề của một đội bóng thiếu cường độ và tốc độ

Pep Guardiola gần đây từng nói rằng “không có triều đại thành công nào tồn tại mãi mãi” nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ Man City trên-đỉnh-cao càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đây có lẽ là giai đoạn mà Pep cảm thấy “bất lực” nhất trong nỗ lực giúp The Citizens chơi thứ bóng đá chất lượng cao…

Atletico Madrid: Trở lại những cuộc đua!

Bàn thắng ở phút 94 rạng sáng nay của Antoine Griezmann trước Sevilla đã giúp cho Atletico Madrid của Diego Simeone có cuộc lội ngược dòng không tưởng 4-3 ngay trên sân nhà Estadio Metropolitano. Mọi chuyện truớc đó ngỡ đã kết thúc với đội chủ nhà sau khi họ bị đối thủ dẫn trước 3-1 đến tận phút thi đấu thứ 62 trong trận đấu muộn nhất ngày Chủ nhật.

Arsenal và những miếng đánh từ chấm đá phạt góc

Cứ mỗi tuần trôi qua và Arsenal lại ghi bàn… từ phạt góc. Mới nhất là 2 pha lập công trong thắng lợi 2-0 trước Man United. Đó đã là bàn thắng thứ 21 và 22 từ các tình huống dàn xếp đá phạt góc của Arsenal tại Premier League, tính từ đầu mùa trước. Thống kê này là hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ CLB nào khác của giải đấu.