Juventus đã "khai thác" hình ảnh Ronaldo hiệu quả như thế nào?

Tác giả Thế Trung - Thứ Tư 06/01/2021 21:56(GMT+7)

Zalo

16h34 ngày 10 tháng Bảy năm 2018,Tài khoản của CLB Real Madrid đăng tải dòng trạng thái: “Comunicado Oficial: Cristiano Ronaldo” (Thông báo chính thức về Cristiano Ronaldo). Một dòng trạng thái đơn giản với chỉ vỏn vẹn bốn từ cùng một đường dẫn tới trang web của đội bóng nhưng nó thực sự là thông tin gây xúc động cực mạnh tới các CĐV của Real Madrid cũng như người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới.


“Một tuần trước, nếu tôi nói với anh rằng Ronaldo sẽ trở thành cầu thủ của Juventus, chắc anh sẽ buồn cười đến mức phải bò ra khỏi phòng mất”, một BLV truyền hình nói.

Quả thực, thương vụ Cristiano Ronaldo rời Real Madrid để chuyển tới Juventus là một câu chuyện khó tin dù nó đã xảy ra hơn 2 năm về trước. Năm 2009, khi “siêu cò” Jorge Mendes đưa Ronaldo tới thủ đô của Tây Ban Nha, mức phí phá vỡ hợp đồng của anh là 1 tỷ euro. 9 năm sau, khi Juventus ngỏ lời với Real Madrid về trường hợp của CR7, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.

Cristiano Ronaldo chủ động muốn chia tay Real và thực tế khi ấy hợp đồng giữa anh và đội chủ sân Santiago Bernabeu cũng chỉ còn 1 năm. . Nhiều người cho rằng việc Ronaldo gia nhập Juventus là thương vụ có lợi cho cả 3 bên. Real vừa nhận được khoản tiền chuyển nhượng 110 triệu euro, vừa tiết kiệm được 21 triệu euro tiền lương phải trả cho 1 năm còn lại của siêu sao người Bồ Đào Nha và “loại bỏ” được một cầu thủ không còn muốn cống hiến cho đội bóng. Cristiano Ronaldo đạt được mục đích chuyển sang một CLB mới với mức lương cao hơn. Vậy còn Juventus, họ đã nhận được gì ngoài cầu thủ xuất sắc nhất thế giới (bên cạnh Lionel Messi)?



Về thu nhập, lương của một mình Cristiano Ronaldo tại Juve (31 triệu euro/năm) thậm chí còn cao hơn tổng quỹ lương của cả đội Fiorentina (28.7 triệu euro/năm). Nếu đưa tất cả lên hóa đơn, tổng số tiền mà Juve đã chi ra để có được chữ ký của Ronaldo lên tới 350 triệu euro, bao gồm phí chuyển nhượng, tiền lương trả trong vòng 4 năm, các loại thuế và tiền hoa hồng cho người đại diện. Đây là số tiền khổng lồ nhưng có thể khẳng định rằng nó xứng đsang đến từng xu.

CLB Juventus và công ty mẹ Exor phải kiếm đủ 350 triệu euro để mua Ronaldo. Exor là công ty được sở hữu bởi gia đình Agnelli và đồng thời cũng là cổ đông chính của Fiat-Chrysler – công ty sản xuất ô tô lớn thứ tám trên thế giới. Mối quan hệ rắc rối này khiến quyết định mua Ronaldo của Juventus phải nhận rất nhiều sự phản đối. 30 trong số 350 triệu euro kể trên được góp từ Fiat và với những người đang làm việc ở đây, đó là một sự bất công trắng trợn. Họ biểu tình và đình công như một lẽ tất yếu. Thượng tầng công ty này giải thích rằng 30 triệu euro đó chính là một khoản tiền đầu tư mà chắc chắn sẽ sinh ra lợi nhuận. Mặt khác, họ cho rằng Cristiano Ronaldo cũng sẽ trở thành đối tác quảng cáo cho những mẫu xe Fiat. Thế nhưng, đây là điều chưa bao giờ xảy ra.

Juventus đã khai thác Ronaldo hiệu quả như thế nào hình ảnh
 

Ngoại trừ những công nhân nhà máy Fiat, hầu như tất cả số người còn lại ở Torino đều háo hức chào đón Cristiano Ronaldo. Cầu thủ sinh năm 1985 được coi như một nhân tố thúc đẩy kinh tế của thành phố. Du lịch và phục vụ ăn uống là hai ngành được hưởng lợi đầu tiên. Có một thống kê chỉ ra rằng sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo đã giúp lượng khách du lịch đến với Torino tăng tới 10%. Sự tăng trưởng này tương đương với khi mỗi thành phố được vinh danh là “Thủ đô văn hóa châu Âu” – một giải thưởng thường niên được trao bởi Liên minh châu Âu (EU).

Với Ronaldo, Juventus cũng kỳ vọng sẽ gia tăng được số lượng vé bán ra cho mỗi trận đấu, cũng như những sản phẩm liên quan khác như áo đấu, đồ lưu niệm,… Họ có đủ cơ sở để bảo vệ triết lý của mình rằng: “Khi giá trị đội hình của chúng tôi được nâng cao thì việc chúng tôi tăng giá vé cũng là điều bình thường”.

Nền bóng đá Italia cũng được hưởng lợi từ thương vụ đình đám này của Juventus. Có Ronaldo cũng đồng nghĩa với việc giải đấu nhận được nhiều sự chú ý hơn, nhiều khán giả đến các SVĐ hơn, nhu cầu xem Serie A trên truyền hình cũng tăng cao gấp nhiều lần. Có điều, sức hút từ cái tên Ronaldo còn lớn hơn thế và dù con số kỳ vọng của các nhà đầu tư là bao nhiêu, Ronaldo cũng đều vượt qua.

Ronaldo và Messi trực tiếp so tài trên sân cỏ, trong trận Barca 0-3 Juventus
 

Chỉ trong một tuần đầu tiên, nhà tài trợ Adidas đã phải sản xuất mẻ áo đấu mang tên Ronaldo mới. Số áo mà họ chuẩn bị cho cả mùa giải đã “cháy hàng”. Ấn tượng hơn, trong 24 giờ đầu tiên kể từ khi bản hợp đồng được công bố chính thức, Juventus bán được 520,000 áo đấu mang tên Ronaldo. Nếu cần một phép so sánh thì cả đội hình của “Lão Bà” chỉ bán được 850,000 chiếc áo trong một năm trước đó. Tính trung bình, mỗi chiếc áo đấu có in tên (dĩ nhiên là tên của Ronaldo) có giá 120 euro. Như vậy, với số áo bán được trong ngày đầu tiên, Adidas đã ngay lập tức thu về hơn 62 triệu euro. Thông thường, CLB sẽ được hưởng 10-15% tổng số tiền đó và trong trường hợp này, Juve đã nhận 6-9 triệu euro từ tiền bán áo của một mình Cristiano Ronaldo chỉ trong vòng 1 ngày.

Adidas chưa bao giờ tiết lộ cụ thể số lượng cụ thể áo đấu của Ronaldo mà họ đã bán được là bao nhiêu nhưng qua báo cáo tài chính của Juventus, có thể thấy rằng doanh thu của CLB đã tăng thêm 16 triệu euro từ các sản phẩm lưu niệm và 14 triệu euro từ tiền bán vé so với mùa giải trước đó. Tổng doanh thu của Juve cũng tăng thêm hơn 116 triệu euro. . Giá cổ phiếu của đội bóng cũng đạt được mức cao kỷ lục. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng Juventus chỉ mất hơn một năm để thu hồi vốn đầu tư vào thương vụ Cristiano Ronaldo.

Không chỉ dừng lại ở đó, việc Ronaldo chuyển tới Juventus còn tạo ra những nguồn lợi vô hình khác. Mạng xã hội chính là ví dụ điển hình. Trên Instagram, Crisitano Ronaldo là ngôi sao số một với gần 250 triệu người theo dõi. Nếu tính tổng số người theo dõi trên tất cả các nền tảng mạng xã hội, con số này là gần nửa tỷ người. Trong vòng 4 tuần đầu tiên ở Juve, Ronaldo đã giúp cho đội bóng mới của mình có thêm 2.5 triệu người theo dõi trên Twitter, YouTube, Facebook và 3.5 triệu người theo dõi mới trên Instagram. Sự xuất hiện của Ronaldo đã đưa Juve trở thành CLB có tài khoản Instagram lớn thứ ba trên thế giới trong năm 2020 sau Real Madrid và Barcelona (vượt qua chính Manchester United – đội bóng cũ của CR7).

Cristiano Ronaldo vô đối trên mạng xã hộiCristiano Ronaldo vô đối trên mạng xã hội
Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng minh anh là ông vua mạng xã hội khi xác lập một cột mốc ấn tượng trên Instagram nhân dịp đầu năm mới 2021.

Ngày nay, giá trị của một cầu thủ bóng đá không chỉ nằm ở đôi chân, tốc độ hay cái đầu của anh ta. Các chuyên gia cho rằng ít nhất 5% phí chuyển nhượng thể hiện giá trị của cầu thủ trên các nền tảng số. Nói cách khác, những ngôi sao mạng xã hội sẽ “được giá” hơn so với số cầu thủ khác. Tất nhiên, giá trị này của Ronaldo là mơ ước của mọi người đồng nghiệp và CLB. Thậm chí, số tiền quảng cáo mà Ronaldo thu được từ Instagram còn nhiều hơn cả tiền lương Juventus trả cho anh.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, Juventus chiêu mộ Cristiano Ronaldo có vẻ là một thương vụ “điên rồ”. Nhưng khi xem xét ở nhiều khía cạnh, những con số này đều có cái lý của riêng nó. Dĩ nhiên, lý do đầu tiên và quan trọng nhất để Juve mua Ronaldo là vì anh vẫn là một trong hai cầu thủ vĩ đại nhất bóng đá thế giới và có thể giúp Bianconeri chinh phục giấc mơ Champions League sau hơn hai thập kỷ mòn mỏi chờ đợi. Nhưng bên cạnh đó, không ai có thể phủ nhận được những lợi ích kinh tế mà Juve kỳ vọng ở Ronaldo. Và ở phương diện này, Juventus đã “khai thác” siêu sao của mình một cách không thể hoàn hảo hơn.

 Lược dịch từ: Why the Ronaldo Deal Was A Winning Bet/ Athletic express


Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chelsea FC hay là "Cole Palmer FC"?

Thất bại 0-5 trước Arsenal chỉ là một trong những trận đấu cho thấy Chelsea đang phải sống dựa vào Cole Palmer đến thế nào, sự phụ thuộc này là điều bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy và không thể chối cãi.

X
top-arrow