Ivan Gazidis: Nền bóng đá Ý và AC Milan nói riêng có thể trở lại vị thế đỉnh cao (P2)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 01/12/2020 17:10(GMT+7)

Zalo

Mặc dù đã có một sự nhượng bộ lớn đối với “hệ tư tưởng cũ.” Milan hiện đang sở hữu một trong những đội ngũ trẻ nhất châu Âu, mặc dù tiền đạo trung tâm của họ – và là trụ cột hàng đầu của câu lạc bộ, Zlatan Ibrahimovic, đã 39 tuổi.

 
Trong những tuần gần đây, các cuộc bàn luận về European Super League lại tiếp tục nổi lên. Gazidis cũng từng nghe về những cuộc thảo luận tương tự trong khoảng thời gian làm việc tại Arsenal. Dù cho thừa nhận rằng ý tưởng này có thể sẽ mang một sức hấp dẫn lớn về mặt kinh tế, nhưng đồng thời, ông cũng tỏ ra hoài nghi, có lẽ là vì sự mơ hồ của chủ đề đó: Một số người xem đây là một phiên bản Champions League mở rộng, một số khác xem nó là một thực thể ly khai, hoạt động ngoài tầm kiểm soát của FIFA.
 
“Hướng đi của kế hoạch này là tập trung hoàn toàn vào bóng đá châu Âu, đó là điều không có gì phải bàn cãi,” Gazidis nhận định. “Và đó là lý do tại sao mọi người quan tâm đến nó. Nhưng tôi nghĩ rằng có những câu hỏi sâu sắc hơn mà bóng đá vẫn chưa tự vấn chính nó đủ. Bóng đá là một thế lực khổng lồ, có tầm ảnh hưởng rất to lớn, nó là một thứ ngôn ngữ văn hóa chung, là một thứ có khả năng gắn kết mọi người lại với nhau … nó là một công cụ tuyệt vời để truyền đạt tầm nhìn về những gì mà thế giới có thể trở thành. OK, tôi sẽ bớt tỏ ra mình là một gã siêu thông thái. Nhưng tôi nghĩ rằng khía cạnh toàn cầu mà mình vừa nêu là điều mà chúng ta thực sự cần suy ngẫm và hướng đến.”
 
“Một câu hỏi khác mà tôi lo ngại hơn là tính thế hệ. Bóng đá có một sự bảo thủ ghê gớm, và điều này đã phục vụ nó tương đối tốt. Nhưng khi chúng ta suy nghĩ một cách cực kỳ kỹ lưỡng về cách mà mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, sử dụng các ‘sản phẩm’ giải trí của họ, về cách mà họ kết nối với nội dung, thì nó sẽ hoàn toàn khác. Chúng ta cần phải nghĩ về những gì mà họ sẽ muốn trong 5, 10, 15 năm nữa kể từ thời điểm hiện tại. Có thể sự quan tâm và thích thú của họ với content hiện tại vẫn không thay đổi, nhưng họ sẽ tương tác với nó theo những cách hoàn toàn khác. Đó là một mối đe dọa cực kỳ, cực kỳ lớn đối với cuộc chơi, nhưng cũng là một cơ hội lớn.”
 
Gazidis đang đề cập đến thế hệ Millennials và khoảng chú ý cực ngắn (short attention spans), với việc hầu hết các fan môn thể thao vua thuộc thế hệ này thường không dành trọn 90 phút ngồi trước TV để tập trung xem một trận đấu được phát sóng trực tiếp, mà thay vào đó, họ theo dõi nó trên một màn hình nhỏ hoặc điện thoại, trong khi liên tục thoát ra và mở lên lại, trò chuyện cùng bạn bè, chơi game … không phải họ đã chẳng còn hứng thú với bóng đá, mà là họ đang trải nghiệm môn thể thao này theo một cách khác. “Tôi nghĩ đó thực sự là một vấn đề rất phức tạp.”
 
Ivan Gazidis Nền bóng đá Ý và AC Milan có thể trở lại đỉnh cao hình ảnh
 
Trở lại với Milan. Khi Boban ra đi một cách vô cùng ồn ào, với đầy rẫy những bất đồng, tranh cãi xoay quanh, truyền thông Ý đã nói về sự tồn tại của “hai linh hồn” bên trong “thể xác” Rossoneri. Đó là một cuộc chiến giữa hệ tư tưởng mới vs hệ tư tưởng cũ. “Hệ tư tưởng mới” là niềm tin rằng Milan nên được xây dựng thông qua những tài năng trẻ và công tác phân tích, mua về với giá thấp và bán đi với giá cao, đồng thời hiện đại hóa một câu lạc bộ mà về mặt thương mại vốn đã đạt được một lợi thế cực kỳ lớn trong 30 năm thuộc sở hữu của Silvio Berlusconi. Trong khi đó, “hệ tư tưởng cũ” bám sát vào chiến lược đã mang lại sự thành công cho Milan trong kỷ nguyên Berlusconi: Những tên tuổi lớn, những mức lương khủng, những cựu binh dày dạn kinh nghiệm luôn có chỗ đứng tại câu lạc bộ.
 
Gazidis đã công khai phủ nhận câu chuyện “hai linh hồn trong một thể xác” đó. Nhưng dù những người bên trong nội bộ có nói gì đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn có thể nhận thấy rất rõ ràng việc hệ tư tưởng nào đang chiếm ưu thế hơn tại Milan, mặc dù đã có một sự nhượng bộ lớn đối với “hệ tư tưởng cũ.” Milan hiện đang sở hữu một trong những đội ngũ trẻ nhất châu Âu, mặc dù tiền đạo trung tâm của họ – và là trụ cột hàng đầu của câu lạc bộ, Zlatan Ibrahimovic, đã 39 tuổi.
 
Ibrahimovic là một trường hợp ngoại lệ; Milan vốn đã cam kết rằng đường lối của họ là xây dựng câu lạc bộ với những cầu thủ trẻ, công tác phân tích, các bản hợp đồng có tiềm năng trở thành một món hời lớn trong tương lai và tư duy đột phá, mặc dù không phải lúc nào họ cũng đưa ra những quyết định chính xác hay mọi kế hoạch đều diễn ra đúng như dự kiến – hãy nhớ về “thảm họa” Marco Giampaolo, hay cuộc theo đuổi Ralf Rangnick, một kế hoạch đã vấp phải sự phản đối, chỉ trích quyết liệt, và sau khi nó bị hủy bỏ vì những tiến bộ rõ rệt của đội bóng dưới sự dẫn dắt của Stefano Pioli, đã được xem là một màn “thoát hiểm” trong gang tất. Đối với Gazidis, một phần nguyên nhân của điều đó là sự bảo thủ bẩm sinh của văn hóa bóng đá, không chỉ ở Ý, mà còn trên toàn châu Âu.
 
“Văn hóa bóng đá khá khép kín,” Ông nhận định. “Những người mang theo các ý tưởng mới bỗng dưng nổi lên đều bị xem như một mối đe dọa. Và cộng đồng bóng đá sẽ liên kết với nhau, tạo thành một rào cản gần như không thể xuyên thủng để tự bảo vệ, có lẽ là vì họ nghi ngờ những ý tưởng mới. Họ nhất quyết bám chặt vào những khuôn mẫu có sẵn, từ lâu đã được thử nghiệm và cho thấy độ hiệu quả.”
 
Tin tốt, theo như Gazidis nhận định, là việc các ý tưởng – cả cũ và mới – đều đang được đưa vào thử nghiệm hàng tuần trong thế giới bóng đá. Nếu bạn có đủ can đảm để làm những điều khác biệt, bạn sẽ sớm biết liệu chúng có hiệu quả hay không. Nếu chúng hiệu quả, hiện trạng sẽ thay đổi và những người khác sẽ bắt chước bạn. Bản thân Gazidis đã từng được chứng kiến điều này trước đây. Ông đã sử dụng trường hợp của Arsene Wenger tại Arsenal và nền bóng đá Đức trong 15 năm qua làm ví dụ về việc “nền văn hóa khép kín” bị lật đổ bởi các ý tưởng mới – những thứ vốn ban đầu đã vấp phải sự hoài nghi và đôi khi là những lời chế nhạo. Wenger đã nâng tầm Premier League, giúp thay đổi mọi thứ từ chế độ ăn uống, tập luyện và chiến thuật. Tương tự, bóng đá Đức đã trải qua một cuộc cách mạng lớn trước World Cup 2006, nhờ đó, họ đã được chứng kiến sự nổi lên của một thế hệ cầu thủ và huấn luyện viên vô cùng tài năng.
 
“Bóng đá là một môi trường luôn tạo nên sự thách thức với những định kiến,” Gazidis khẳng định. “Hãy cố gắng tư duy đột phá. Ví dụ, cứ nhìn vào những sự thay đổi mà bóng đá Anh đã trải qua đi. Wenger đã đóng một vai trò rất lớn trong đó. Khi bạn thành công, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi cực kỳ, cực kỳ nhanh chóng, bởi vì những kết quả đã hiện lên rõ ràng trên sân cỏ.”
 
Ivan Gazidis Nền bóng đá Ý và AC Milan nói riêng có thể trở lại vị thế đỉnh cao (P2) hình ảnh gốc 2
 
Đó chính là điều mà Gazidis muốn được nhìn thấy tại Milan và – tại sao không cơ chứ? – toàn bộ Serie A. “Khi mọi người nhìn thấy một viễn cảnh rõ ràng, khi các cổ động viên của chúng tôi thực sự tận hưởng bóng đá, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng,” Ông nói. “Và tôi nghĩ bóng đá Ý nói chung là một môi trường đã rất chín mùi cho điều đó và sẽ có một bước tiến lớn. Và họ sẽ rất nhanh chóng đạt được điều đó. Nhanh chóng đến bất ngờ luôn ấy.”
 
Nguồn: Lược dịch từ phỏng vấn “Milan CEO Gazidis on Serie A's rise and how to emulate the Premier League's success” của Gab Marcotti, Senior Writer của ESPN FC.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

X
top-arrow