Ivan Gazidis: "Nền bóng đá Ý và AC Milan nói riêng có thể trở lại vị thế đỉnh cao" (P1)

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 22/11/2020 16:02(GMT+7)

Zalo

“Tôi nghĩ rằng bóng đá Ý, rất rõ ràng, nắm giữ một vị thế rất được xem trọng trên sân chơi quốc tế và những thương hiệu của chúng tôi là những thương hiệu quốc tế,” Gazidis khẳng định.

Hãy hỏi giám đốc điều hành Ivan Gazidis của AC Milan về đội tuyển quốc gia mà ông chọn trở thành một cổ động viên và Gazidis sẽ thừa nhận rằng đây là một câu hỏi khiến ông rất khó xử. Gazidis là một người gốc Hy Lạp, sinh ra ở Nam Phi, lớn lên ở Anh và Scotland, trải qua 16 năm làm việc ở Mỹ, trước khi trở thành giám đốc điều hành của Arsenal vào năm 2009 và nắm giữ vai trò này suốt 1 thập kỷ. “Tôi còn có ông bà là người Hà Lan nữa … có quá nhiều sự lựa chọn dành cho tôi,” Ông chia sẻ với ESPN. “Vào năm 2004 (khi Hy Lạp giành chức vô địch Euro), tôi đã trở thành một ‘fan phong trào’ của Hy Lạp.”
 
Ivan Gazidis Nền bóng đá Ý và AC Milan có thể trở lại đỉnh cao hình ảnh
 
Gazidis chỉ đang nói đùa, nhưng kinh nghiệm làm việc của vị danh nhân này ở cả hai bờ Đại Tây Dương – với tư cách là cựu phó ủy viên của Major League Soccer và khoảng thời gian đảm nhận vai trò giám đốc điều hành của Arsenal, đồng thời cũng góp mặt trong ủy ban điều hành của Hiệp Hội các câu lạc bộ châu Âu – đã tạo nên cho ông một vị thế đầy lý tưởng để đưa ra những nhận định rất đáng lưu tâm về những sự thay đổi của thế giới bóng đá.
 
Ngày 1 tháng 12 sẽ đánh dấu kỷ niệm tròn 2 năm kể từ ngày Elliott Advisors chiêu mộ Gazidis để xoay chuyển vận mệnh của Milan trong và, đặc biệt, là ngoài sân cỏ. Kế hoạch của Elliott là rất rõ ràng: Họ đã nắm quyền sở hữu câu lạc bộ này sau khi chủ sở hữu trước đó, Lý Dũng Hồng – người đã vay của họ 350 triệu Dollar để mua Milan (với tổng giá trị trên 800 triệu Dollar) – không thể trả được khoản nợ của ông.

Theo bất kỳ định nghĩa nào đi chăng nữa, Milan là một món tài sản đầy những rủi ro, nhưng đồng thời, đây cũng là một gã khổng lồ đang ngủ say sở hữu một fanbase cực kỳ hoành tráng và là một trong những thương hiệu mạnh mẽ nhất trong thế giới thể thao. Họ nhận thức được rằng với một số khoảng đầu tư đúng đắn và sự lãnh đạo thông minh, Milan có thể phát triển mạnh và, có lẽ, trong 3 đến 5 năm tới, sẽ giúp họ thu về được lợi nhuận lớn nếu quyết định bán câu lạc bộ này đi.
 
Đây là một cuộc hành trình đầy sóng gió. Kể từ khi Gazidis đến, Milan đã được dẫn dắt bởi ba vị huấn luyện viên trưởng – và suýt chút nữa đã trải qua thêm một sự thay đổi khác trên chiếc ghế này, với người được nhắm đến là Ralf Rangnick – không chỉ thế, vào tháng Ba, cuộc chia tay đầy ồn ào với giám đốc bóng đá Zvonimir Boban sau 9 tháng nhậm chức đã càng làm dấy lên mạnh mẽ hơn nữa những nghi ngờ về sự tiến bộ của Rossoneri. Trong khi đó, các sổ sách của Milan đã cho thấy những khoản lỗ hơn nửa tỷ Euro trong 6 năm qua và họ có thể cũng sẽ tiếp tục chịu một khoản lỗ nặng ở mùa giải này. Một phần nguyên nhân, đây chính là hệ quả của việc tiêu xài hoang phí trước khi Elliott tiếp quản; một phần khác, nguyên nhân là bởi niềm tin của các chủ sở hữu mới rằng họ cần phải đầu tư mạnh tay để xoay chuyển tình thế của câu lạc bộ này.
 
“Những gì chúng tôi đang làm tại Milan vào lúc này là rất rõ ràng và cũng vô cùng khó khăn,” Gazidis chia sẻ. “Chúng tôi phải giảm hóa đơn lương xuống, đồng thời nâng cao hiệu suất thi đấu của đội bóng, và đó là những nhiệm vụ không hề dễ thực hiện.”
 
Ivan Gazidis Nền bóng đá Ý và AC Milan nói riêng có thể trở lại vị thế đỉnh cao (P1) hình ảnh gốc 2
 
Tuy nhiên, trái lại, Milan đã tạo nên một kết thúc đầy ấn tượng ở mùa giải trước và tính đến thời điểm này, họ đang đứng đầu Serie A. Họ đã có ba năm liên tiếp thi đấu với sự theo dõi của hơn 50.000 cổ động viên xuất hiện tại San Siro (trước đại dịch) và, theo Gazidis nhận định, câu lạc bộ này sở hữu một fanbase toàn cầu hoành tráng với khoảng 450 triệu cổ động viên. Ý nghĩa của điều đó – hay việc bạn sẽ kiếm tiền từ nó như thế nào – là một vấn đề khác, nhưng bối cảnh hiện tại đã tạo nên một cảm giác rất mạnh mẽ rằng, những điều tích cực đang diễn ra, không chỉ tại Milan, mà còn là khắp Serie A.
 
“Góp phần rất lớn trong việc tạo nên sự thành công của Premier League chính là triển vọng toàn cầu này, sự quốc tế hóa này,” Gazidis nhận định. “Điều đó không chỉ diễn ra với những ý tưởng bóng đá, ngoài ra, gần đây hơn, còn được thể hiện bởi các chủ sở hữu nước ngoài, và công tác quản lý quốc tế. Và sự kết hợp đó của các ý tưởng, cũng như sự đa dạng đó, đã góp phần vào những yếu tố dẫn đến sự thành công của giải đấu này.” Thật vậy, có đến 16 trong số 20 câu lạc bộ Premier League là thuộc về các chủ sở hữu nước ngoài (và một trong những câu lạc bộ còn lại, Burnley, đang trong quá trình đảm phán với một tổ chức nước ngoài). Ngược lại, Serie A hiện chỉ có 6 chủ sở hữu nước ngoài. Những nhà đầu tư này có một lý do để bước chân vào bóng đá Ý: Cơ hội. Chính vì vậy, bên cạnh đó, còn có các công ty cổ phần tư nhân đang đấu thầu để nắm một phần bản quyền truyền thông của Serie A.
 
“Tôi nghĩ rằng bóng đá Ý, rất rõ ràng, nắm giữ một vị thế rất được xem trọng trên sân chơi quốc tế và những thương hiệu của chúng tôi là những thương hiệu quốc tế,” Gazidis khẳng định. “Vậy nên tất cả mọi yếu tố cần thiết đều đã có sẵn. Hãy nhìn vào sự quan tâm từ các tập đoàn cổ phần tư nhân. Họ không hề là những kẻ ngốc … họ muốn tham gia vào công cuộc hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa của bóng đá Ý, họ nhận thức được rằng có những tiềm năng to lớn vẫn chưa được khai thác tại đây. Nếu chúng ta thực hiện những bước đi đúng đắn, bóng đá Ý hoàn toàn có thể trở lại với … đỉnh cao của thế giới bóng đá. Tôi nghĩ rằng Serie A sở hữu tiềm năng lớn nhất trong số top 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu về sự phát triển. Và tôi thực sự nghĩ rằng A.C Milan sở hữu tiềm năng lớn nhất tại đây trong tư cách là một câu lạc bộ riêng biệt.”
 
Ivan Gazidis Nền bóng đá Ý và AC Milan có thể trở lại đỉnh cao hình ảnh
 
Gazidis vô cùng lạc quan về bóng đá Ý và sự tương đồng với Premier League là rất thú vị. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng, đó là Premier League – đặc biệt là trong xuyên suốt gần 2 thập kỷ mà Richard Scudamore giữ ghế giám đốc điều hành, từ năm 1999 đến 2018 – dường như luôn đạt được sự đồng tâm nhất trí, ít nhất là trước công chúng. Trong khi đó, các cuộc họp của liên đoàn tại Serie A trong lịch sử chẳng khác nào những trận chiến. “[Scudamore] có kỹ năng tạo nên sự hòa hợp, và giúp tất cả những quan điểm, tầm nhìn khác nhau đạt được sự thống nhất,” Ông nhận định. “Tại Ý, chúng tôi không có được một sự thống nhất, đoàn kết mạnh mẽ như tại Anh – một môi trường mà các câu lạc bộ tuy cạnh tranh gay gắt với nhau trong sân cỏ, nhưng bên ngoài, họ là những đối tác làm ăn. Còn ở nền bóng đá này, sự cạnh tranh diễn ra gay gắt ở cả trong và ngoài sân cỏ. Nhưng tôi nghĩ chuyện này đang thay đổi, và nguyên nhân là vì hai điều đang diễn ra.
 
“Thứ nhất, đang có một sự thay đổi xuất hiện về kiểu chủ sở hữu. Ý của tôi không chỉ là sự xuất hiện của các chủ sở hữu nước ngoài, mà cả những ông chủ người Ý cũng vậy. Có nhiều chủ sở hữu không hề chỉ xem bản thân họ là những nhà hảo tâm, ban ơn cho một câu lạc bộ, mà còn coi nó là một doanh nghiệp, một chuyện làm ăn. Bạn cần phải có cả hai thứ tâm lý đó để tạo nên một môi trường lành mạnh. Thứ hai, đó là khi doanh thu tăng lên, phí chuyển nhượng, lương thưởng, và các khoản phí khác cũng thế, và chính vì vậy, dù cho cố tình đi chăng nữa, thì việc phớt lờ cái thực tế rằng giữa các câu lạc bộ có những lợi ích chung là bất khả thi. Vì vậy, các câu lạc bộ cần phải đạt được sự đồng thuận, nhất trí. Tôi nghĩ chúng ta sẽ được nhìn thấy điều này càng lúc càng nhiều hơn tại Serie A, theo hình mẫu của Premier League.”
 
(còn nữa)
 
Nguồn: Lược dịch từ phỏng vấn “Milan CEO Gazidis on Serie A's rise and how to emulate the Premier League's success” của Gab Marcotti, Senior Writer của ESPN FC.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Vì sao Mikel Arteta khát khao sở hữu một trung phong đẳng cấp?

Arsenal hiện là đội bóng sở hữu hàng công ấn tượng nhất Premier League 2023/2024, với việc ghi tới 85 bàn thắng sau 35 vòng đấu, tức trung bình 2,4 bàn thắng/trận. Họ chỉ còn cách kỷ lục ghi bàn của chính mình từng thiết lập ở mùa giải trước vỏn vẹn 3 bàn và còn tới 3 vòng đấu nữa để chinh phục một cột mốc mới. Đó rõ ràng là thử thách không hề khó khăn với thầy trò HLV Mikel Arteta.

Chelsea FC hay là "Cole Palmer FC"?

Thất bại 0-5 trước Arsenal chỉ là một trong những trận đấu cho thấy Chelsea đang phải sống dựa vào Cole Palmer đến thế nào, sự phụ thuộc này là điều bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy và không thể chối cãi.

X
top-arrow