HAGL vật lộn chống xuống hạng: Vì đâu nên nỗi? (P2)

Tác giả Hưng Trần - Thứ Tư 04/09/2019 13:56(GMT+7)

Zalo

Việc lên xuống của một clb là quá đỗi bình thường không chỉ riêng ở VN, mà còn trên toàn thế giới, nhưng với HAGL thì có thể nói, mọi việc xảy ra với họ lúc này, quả không tương xứng với sự kỳ vọng của những người hâm mộ dành cho họ.

Phần 1: HAGL vật lộn chống xuống hạng: Vì đâu nên nỗi? (P1)

Phần 2:

Những phát ngôn của bầu Đức có thể đã đụng chạm và làm mất lòng nhiều người, nhưng chúng ta phải hiểu về người đàn ông này. Ngay từ khi bước chân vào làm bóng đá, chằng phải cá tính đó đã theo ông suốt từ đó đến bây giờ hay sao?
 
Người ta đã chỉ trích bầu Đức, gọi ông là Đức “ nổ” và “ khoe khoang”, nhưng ai cũng phải công nhận một điều, cái tâm mà ông chủ của HAGL dành cho bóng đá Việt Nam là có thực.
 
Khát khao cho các cầu thủ của mình xuất ngoại ra nước ngoài thi đấu vẫn không tắt trong tâm trí của người đàn ông này. Sau hai năm chơi ở Việt Nam,  Công Phượng và Xuân Trường lại tiếp tục xuất ngoại lần 2. Lần này thì Công Phượng đến Incheon, đội bóng cũ của Xuân Trường, trong khi tiền vệ người Tuyên Quang lại đến Thái Lan chơi bóng.
 
Có thể nói, một lần nữa cả hai lại thất bại trong chuyến đi cách đây 6 tháng. Công Phượng lúc này đang ở Bỉ trong màu áo của Truidense thì Xuân Trường đã trở về Phố Núi chơi cho HAGL ở giai đoạn lượt về. Công Phượng có thể làm được một điều gì đó ở Bỉ hay không thì thời gian mới có thể trả lời được, nhưng với tình cảnh của anh bây giờ, anh phải cực kỳ nỗ lực mới có thể thành công.
 
Lương Xuân Trường trở lại là một sự bổ sung cần thiết cho HAGL trong chặng đường còn lại của V-League. Anh cùng với người đồng đội thuở còn là những đứa trẻ là Tuấn Anh trấn giữ khu vòng tròn giữa sân cho HAGL. Và thực tế là anh cũng đã có những màn trình diễn chói sáng, điển hình là cú đúp sút phạt trong trận gặp Thanh Hoá.
 
HAGL vật lộn chống xuống hạng Vì đâu nên nỗi (P2) hình ảnh
 
Thế nhưng như thế là chưa đủ để clb Phố Núi có thể ăn no ngủ yên lúc này. Những kết quả bất lợi liên tiếp gần đây khiến cho những người yêu mến họ đang ngồi trên đống lửa. Nguy cơ rớt hạng đã hiện ra trước mắt Tuấn Anh và các đồng đội, khi vị trí của họ lúc này là 13, vị trí phải đá Play off. Còn việc họ có rớt xuống thế chỗ của Khánh Hoà hay không, thì chỉ có trời mới biết.
 
Sự thất thế của HAGl ở mùa giải này là hệ quả của cách làm không theo một tiêu  chuẩn nào của những người định hướng cho họ. Nói thẳng ra là đường lối của họ đã sai từ mấy năm trước và vẫn chưa được sửa chữa.
 
Những khó khăn về mặt kinh tế của tập đoàn HAGL và cá nhân bầu Đức trong những năm gần đây là điều mà chúng ta có thể thấy. Người hâm mộ giờ rất hiếm khi thấy vị chủ tịch HAGL đến sân xem clb thi đấu, ngay cả thời khắc ĐTQG Việt Nam vô địch AFF cup, người ta cũng không thấy bầu Đức có mặt trên khán đài.
 
Là một clb tự hào với những cầu thủ trẻ từ lò đào tạo của chính clb, nhưng thực tế là khoảng ba năm trở lại đây HAGL không cho ra đời thêm một cái tên nào quá xuất sắc. Những Minh Vương hay Triệu Việt Hưng qua thực tiễn thi đấu, chỉ là những cái tên quá đỗi bình thường về mặt trình độ. 
 
Lứa kế cận không có ai hay, trong khi HAGL lại hầu như nói không với những cái tên chơi tốt từ những clb khác, HAGL không nguy mới là lạ. Bóng đá chuyên nghiệp gắn liền với những phi vụ mua bán, khi người của anh không đủ giỏi, phải tìm cách bổ sung nhân lực từ bên ngoài, thậm chí từ các đối thủ. HAGL mấy năm qua ngoài việc bán đi những công thần, thì chẳng mang về cái tên nào sáng giá.
 
Bên cạnh đó, là một người muốn bóng đá Việt Nam nói chung và HAGL nói riêng, chơi một thứ bóng đá đẹp, cầu thủ phải chuẩn mực về mặt đạo đức, bầu Đức luôn yêu cầu các cầu thủ của mình chơi bóng lành tính và không quá cay cú ăn thua. Đây có thể là một điều tốt, nhưng là không thực tế ở một môi trường bóng đá đỉnh cao.
 
Chúng ta có thể nhận thấy sự hiền lành của cả một tập thể HAGL. Không ai có thể trách thứ bóng đá tử tế, nhưng bóng đá từ ngày xưa đến giờ, là cuộc chơi của những người đàn ông, là những va chạm và chiến đấu để giành phần thắng. Bạn hiền lành và cam chịu, đối thủ sẽ để bạn lại phía sau lưng.
 
Ngoại binh như đã nói là một vấn đề lớn nữa của HAGL. Sau những năm chấp Tây thì những người làm bóng đá của họ đã nhận ra,  không thể đá sòng phẳng với đối thủ nếu không có Tây trong đội hình. Nhưng nhận ra được là một chuyện, khắc phục được hay không lại là một chuyện khác.
 
Trận đấu với Bình Dương mới đây, đội hình HAGL chỉ có Kim Bong Jin người Hàn Quốc là được ra sân. Trong khi đó, không ai rõ  tại sao Sietsma, thủ môn người Hà Lan đã chơi rất tốt trước đó, lại không được thi đấu. Còn Felipe Martins, tiền đạo vừa đến lại bị đưa thẳng lên khán đài.
 
HAGL vs SHB Da Nang
HAGL vs SHB Đà Nẵng
Đến trận gặp SHB Đà Nẵng cuối tuần qua, HAGL không sử dụng bất cứ một ngoại binh nào trong đội hình. 
 
Việc những ngoại binh của HAGL thi đấu không hiệu quả và không thể hoà nhập cùng với đội bóng không còn là điều mới nữa. Trước những Kim Bong Jin, Sietsma… thì đã có rất nhiều ngoại binh đến chơi cho đội chủ sân Pleiku, nhưng tất cả đều thất bại. Tiêu biểu như Rimario, tiền đạo người Brazil chẳng thể hiện được gì ở HAGL, nhưng khi chuyển sang chơi cho Thanh Hoá, lại ghi bàn rất nhiều.
 
Kiếm được một người chơi được đã khó, khi có thì lại bị chấn thương. Chevaughn Walsh đã chơi rất hay cho HAGL, khi ghi được 6 bàn thắng, nhưng lại buộc phải chia tay các đồng đội sau chấn thương nặng.
 
Một nguyên nhân nữa dẫn đến thành tích tệ hại của HAGL, là họ chưa bao giờ có một HLV giỏi trên cabin huấn luyện. Bầu Đức và những người lãnh đạo của HAGL có lẽ đã quá xem thường vị trí này, dẫn đến việc tới giờ này họ vẫn chưa có một HLV đủ giỏi để đạt thành tích cao.
 
Graechen chỉ là một người đào tạo trẻ, không hiểu sao bầu Đức lại đưa ông thầy người Pháp lên hẳn cabin huấn luyện rồi lật đật thay ngay sau đó. Nên nhớ người làm công tác đào tạo thực tế khác xa so với việc cầm lái một đội bóng. Bầu Đức đã quá tự tin rồi có một quyết định quá đỗi bất ngờ với giới chuyên môn.
 
Tiếp theo đó là những Trần Quốc Tuấn và Dương Minh Ninh. Những công thần của đội bóng phố núi, tên tuổi và trình độ của họ như thế nào, thì giờ chắc ai cũng rõ. 
 
Hiệu ứng của Park Hang Seo đã mang những HLV người Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc. Mùa trước, ông Chung Hae Seong ( HLV hiện giờ của TPHCM) được chọn vào chiếc ghế giám đốc kỹ thuật, nhưng chỉ sau một mùa giải, ông tạm biệt Pleiku để đến nơi khác. Chia sẻ lý do vì sao chia tay HAGL, ông Chung thừa nhận, ở HAGL có những cái ông không thể làm, mà với chức danh của ông, ông phải làm được những việc đó.
 
Kế nhiệm Dương Minh Ninh, người chỉ dẫn dắt HAGL chỉ 6 vòng đầu tiên của V-League mùa giải này là Lee Tae Hoon. Tới thời điểm này, dấu ấn của vị HLV đồng hương với Park Hang Seo là cực kỳ mờ nhạt. Và không biết là ông sẽ làm sao, để đưa HAGL cập bến an toàn.
 
HLV Lee Tae Hoon HAGL
HLV Lee Tae Hoon HAGL
Những phát ngôn của bầu Đức phía sau hậu trường, như chúng tôi đã nói ngay từ đầu bài, không rõ có tác động nhiều đến các cầu thủ HAGL hay không. Nhưng nếu là một cầu thủ thuộc về đội bóng phố núi, là một người bình thường, hẳn sẽ rất buồn. Thi đấu mà chỉ để duy trì thì thực chẳng có động lực gì mà đá.
 
Là những cầu thủ được bầu Đức chăm lo từ thuở bé, những chàng trai của HAGL hẳn phải mang ơn ông rất nhiều. Nhưng đó lại là một điểm rất kỳ lạ, khi tương lai của họ đều phải phụ thuộc vào những quyết định của bầu Đức. Hãy đặt câu hỏi thế này, lỡ chẳng may HAGL rớt hạng, liệu bầu Đức có sẵn lòng cho những đứa con cưng chuyển sang những clb khác, hay là sẽ chìm đắm ở giải hạng Nhất?
 
Nếu Hoàng Anh Gia Lai rớt hạng thật, thì đó không chỉ là nỗi buồn cho những người yêu mến họ, mà còn cho những người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Vì dù sao họ cũng góp công rất lớn cho sự phát triển của bóng đá nước nhà những năm gần đây, bên cạnh việc đóng góp rất nhiều tuyển thủ cho đội tuyển quốc gia. 
 
Bóng đá Việt Nam mặc dù đá lên chuyên nghiệp trên dưới gần 20 năm, nhưng thực sự những vấn đề bất cập vẫn còn quá nhiều. Hiện tượng một ông chủ có liên quan đến quá nhiều đội bóng, tình trạng bạo lực, công tác trọng tài… vẫn còn là những vấn đề quá khó để giải quyết.
 
HAGL đã từng là hình mẫu về một mô hình clb chuyên nghiệp ở Việt Nam, nhưng với những gì đang xảy ra, có thể thấy sau bao nhiêu năm, mô hình phạt triển của clb này vẫn còn rất nhiều những bất cập. 
 
HAGL vs SHB Da Nang
 
Việc lên xuống của một clb là quá đỗi bình thường không chỉ riêng ở VN, mà còn trên toàn thế giới, nhưng với HAGL thì có thể nói, mọi việc xảy ra với họ lúc này, quả không tương xứng với sự kỳ vọng của những người hâm mộ dành cho họ.

HƯNG TRẦN (TTVN)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow