Có một cuộc cách mạng về vị trí thủ môn đang diễn ra ở Barcelona (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 07/03/2020 21:00(GMT+7)

Zalo

Hiện nay, thậm chí còn có thể xem những thủ môn như ter Stegen chính là chất xúc tác tấn công quan trọng nhất cho đội bóng của mình. Một tiền vệ bên trong vòng cấm. Một playmaker lùi sâu. Một thứ vũ khí đầy sáng tạo.

Ở phút thứ hai trong trận thắng trên sân nhà trước Getafe của Barcelona vào ngày 15/2, đã có một chuyện rất kì lạ diễn ra.
 
Có một cuộc cách mạng về vị trí thủ môn đang diễn ra ở Barcelona hình ảnh
 
Trên thực tế, đó là một tình huống rất hiếm khi xảy ra trong một trận đấu bóng đá và thậm chí là không thể xảy ra cho đến tận mùa giải này. Và đó là một điều mà mặc dù bản chất của nó có tương đối vô hại đi chăng nữa, nhưng lại tượng trưng cho một cuộc cách mạng nhỏ của một thứ phong cách có thể sẽ chính là tương lai của môn thể thao vua.  
 
Tiền đạo Jaime Mata không thể khống chế được quả bóng và để nó lăn ra ngoài sân, dẫn đến một tình huống goalkick. Như thường lệ, đó là một tín hiệu cho các cầu thủ Getafe đẩy cao đội hình, và triển khai kèm người thật chặt, không để cho đối phương có thể thực hiện một đường chuyền đơn giản để triển khai bóng lên phía trên từ hàng phòng ngự. 
 
Thủ môn Marc-Andre ter Stegen của Barca, thay vì tự mình thực hiện pha bóng chết này, đã giao quả bóng lại cho Samuel Umtiti, khi ấy đang đứng ở rìa của khu vực 6 yard, và để hậu vệ người Pháp đảm nhận nhiệm vụ khởi động lại trận đấu.

Các cầu thủ của Getafe, thật dễ hiểu, đã cảm thấy rất bối rối. Họ chưa bao giờ nhìn thấy tình huống này trước đây cả, và khiến cho Jorge Molina phải khựng lại trong việc tiến vào khu vực cấm địa trước khi Umtiti thực hiện cú đá. 
 
Khi mọi người đã sẵn sàng, Umtiti chỉ đơn giản là đẩy quả bóng lăn một vài yard sang cho ter Stegen, và sau đó – cùng với Gerard Piqué ở phía bên phải của thủ môn người Đức – di chuyển ra bên ngoài vòng cấm, tạo ra những sự lựa chọn chuyền bóng cho “ball-playing keeper” này. 
 
Thứ chiến thuật đầy mới lạ này – một hậu vệ đảm nhận việc thực hiện tình huống goalkick, chuyền quả bóng đến cho thủ môn để sau đó anh ta có thể tiến lên với nó dưới chân mình và khởi động đợt kiểm soát bóng – đã báo hiệu cho một màn trình diễn có sức ảnh hưởng rất đáng kể của ter Stegen, người đã kết thúc trận đấu này với số lần chạm bóng và số đường chuyền thậm chí còn nhiều hơn cả Lionel Messi. 
 
Và vai trò đầy linh hoạt này của ngôi sao người Đức có thể được xem là khuôn mẫu cho một kỷ nguyên mới khác của các thủ môn, những người giờ đây đang đóng góp càng lúc càng nhiều hơn vào các trận đấu thay vì chỉ đơn giản là cản phá những cú sút và bắt lấy các quả tạt. Hiện nay, thậm chí còn có thể xem những thủ môn như ter Stegen chính là chất xúc tác tấn công quan trọng nhất cho đội bóng của mình. Một tiền vệ  bên trong vòng cấm. Một playmaker lùi sâu. Một thứ vũ khí đầy sáng tạo.
 
HÃY ĐỂ CHO ĐÔI CHÂN CỦA HỌ LÊN TIẾNG
 
Một đôi tay an toàn? Đối với các thủ môn ngày nay, việc có một đôi chân đáng tin cậy thậm chí còn quan trọng hơn. 
Kỷ nguyên mới của vị trí thủ môn đã được bắt đầu vào năm 1992, khi FIFA ban hành luật chuyền về. 
 
Trước đó – và ở hiện tại, khi một vài thập kỷ đã trôi qua, việc xem lại những trận đấu của giai đoạn ấy và thấy chuyện này diễn ra, sẽ luôn mang đến một cảm giác đầy lạ lẫm – một trong các yếu tố quan trọng nhất của công tác phòng ngự là giảm thiểu áp lực bằng cách chuyền bóng về cho thủ môn, người sẽ ôm nó lại trong vòng tay của mình và luôn chờ đợi mọi người quay về vị trí trước khi đá nó thật mạnh lên phía trên.
 
Luật lệ đã được thay đổi vì có vẻ cái bối cảnh khi ấy là quá dễ dàng đối với các hậu vệ, khi họ có thể hóa giải mọi nguy hiểm chỉ bằng cách trả bóng nhẹ nhàng lại cho thủ môn. Bị bao vây bởi các cầu thủ đối phương ở rìa vòng cấm? Đối phó với một quả tạt tầm thấp nguy hiểm khi đối phương ở sau lưng? Chạy nước rút hướng về khung thành đội mình khi bên cạnh là một cầu thủ chạy cánh tốc độ? Không vấn đề gì … chỉ cần chuyền quả bóng về cho thủ môn, anh ta sẽ ôm nó lên và nguy hiểm sẽ được đẩy lùi một cách an toàn. 
 
Thời ấy, triển khai pressing quyết liệt ở phần sân đối phương gần như chỉ là một việc vô nghĩa, khi mà đối thủ luôn có một sự lựa chọn hết sức đơn giản là trả bóng về cho thủ môn. Đó cũng chính là một thứ chiến thuật câu giờ đầy tẻ nhạt và tiêu cực, với việc các hậu vệ chỉ cần quay về phía thủ môn và trả bóng lại để anh ta có thể lãng phí đi vài giây trước khi đưa nó nhập cuộc trở lại – một thứ hình ảnh đặc biệt vô vị đã diễn ra rất nhiều lần ở World Cup 1990 và Euro 1992.
 
Và sau đó, những thay đổi về luật đã được thực hiện, loại bỏ hoàn toàn thứ “van an toàn” mang tên “chuyền về”, và khuyến khích các tiền đạo tích cực pressing các hậu vệ ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương.
 
Với những lợi ích được hưởng trong ba thập kỷ cho đến nay nhờ cái nhận thức muộn màng ấy, chúng ta nên tán dương cái quyết định đó như một trong những thay đổi về luật tích cực nhất từng được thực hiện ở môn thể thao vua. Kết quả là thế giới bóng đá đã xuất hiện những sự thay đổi rất lớn, trở thành một môn thể thao phóng khoáng hơn rất nhiều khi mà việc không thể bắt bóng từ những đường chuyền về đã mở ra cả một thế giới mới, với việc các thủ môn được yêu cầu cũng phải biết kiểm soát và chuyền bóng một cách thuần thục, thay vì chỉ đơn giản là ôm nó lại và phất thật mạnh lên phía trên.
Ban đầu, hầu hết các đội bóng đều có xu hướng xử lý tình huống một cách an toàn nhất có thể và tránh hoàn toàn các đường chuyền về. Thay vì mạo hiểm chuyền về cho thủ môn và test khả năng xử lý bóng của anh ta ở một khu vực cực kì nguy hiểm trên sân, sự lựa chọn hợp lý hơn là phá bóng ra ngoài và chấp nhận một quả ném biên, hoặc phất nó mạnh lên phía trên.
 
Tuy nhiên, không lâu về sau, người ta đã nhận thức được rằng quá rõ ràng là việc từ bỏ quyền kiểm soát bóng một cách dễ dàng như vậy là một thứ chiến thuật cực kì tiêu cực và lãng phí, kết quả là một thế hệ mới của những người gác đền sở hữu nền tảng kỹ thuật chất lượng trong việc nhận bóng và xử lý nó bằng chân đã bắt đầu xuất hiện.  
 
Một trong những “sweeper-keeper” (thủ môn quét) đầu tiên, có khả năng nhận và phân phối quả bóng một cách chính xác, cũng như bảo vệ khung thành của mình, chính là Gianluca Pagliuca của Sampdoria, Inter Milan và đội tuyển quốc gia Ý. Rất nhiều người khác đã nối tiếp theo anh, với việc kỹ thuật cá nhân của các thủ môn ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ thông qua sự xuất hiện của những gương mặt như Fabien Barthez, Edwin van der Sar và Manuel Neuer, để rồi tất cả các thủ môn hiện nay đều được yêu cầu phải có một sự điêu luyện nhất định ở đôi chân của họ.
 
Và, như đã được chứng minh trong trận đấu với Getafe vào ngày 15/2, sự thay đổi về luật mới nhất được ban hành đang khuyến khích tính nghệ thuật của bóng đá đạt đến một tầm cao mới thông qua Marc-Andre ter Stegen.
 
THAY ĐỔI CUỘC CHƠI
 
Khi toàn bộ triết lý bóng đá của bạn là dựa trên nền tảng giữ quyền kiểm soát bóng, việc đưa thủ môn của bạn vào quá trình đó là một điều rất hợp lý. 
 
Dựa trên cái triết lý đó, thì việc có 10 cầu thủ có ý định áp đảo đối phương về quyền kiểm soát bóng và 1 người không có khả năng làm điều đó trên sân sẽ khá là mâu thuẫn, và do đó, hoàn toàn có thể khẳng định rằng FC Barcelona, câu lạc bộ luôn được gắn chặt tên tuổi với việc kiểm soát bóng, đã trở thành là cái tên đi tiên phong trong kỷ nguyên mới của các thủ môn.
 
Đầu tiên là Victor Valves, sau đó là Claudio Bravo (người về sau đã được đưa đến nước Anh khi Pep Guardiola muốn hiện thực hóa những ý tưởng mới lạ của ông tại Manchester City, và sau đó được copy bởi hầu như tất cả cả các đội bóng Premier League khác), và hiện tại, ở dạng cực đoan nhất, chính là ter Stegen.
 
Thủ môn người Đức đã được mang về từ Borussia Monchengladbach bởi chính cái khả năng triển khai quả bóng lên phía trên từ hàng thủ của anh, và việc anh trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho đội hình xuất phát từ mùa hè 2016 trở đi (trước đây anh chỉ là phương án dự phòng cho Bravo, và chủ yếu được bắt chính ở các trận đấu cúp) đã ngay lập tức giúp chúng ta được chứng kiến một Barca thực hiện chiến thuật “triển khai bóng từ hàng thủ” ở dạng triệt để nhất. 
 
Ban đầu, đã xuất hiện khá nhiều những khoảnh khắc chệch choạc, khi mà tần suất phạm sai lần của ter Stegen là đủ nhiều để khiến cho người ta phải đặt câu hỏi liệu có phải Barca đang đưa mọi thứ đi quá xa hay không. Ví dụ, sau một sai lầm tệ hại dẫn đến một bàn thua trong cuộc đối đầu với Celta Vigo vào tháng 10 năm 2016, bình luận viên huyền thoại của Spanish TV, Michael Robinson, đã chế nhạo thủ môn người Đức: “Vấn đề là cậu ta nghĩ mình đỉnh như Garrincha, trong khi sự thật là cậu ta còn chẳng giỏi bằng một nửa cái đẳng cấp mà cậu ta ảo tưởng.”
 
Nhưng ter Stegen và vị thuyền trưởng khi đó của Barca, Luis Enrique, vẫn kiên định giữ vững niềm tin của mình. Việc thỉnh thoảng mắc phải những sai lầm trực tiếp dẫn đến bàn thua đã được bù đắp thậm chí còn nhiều hơn bởi sự xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn của những đợt tấn công được phát động bởi một ter Stegen lạnh lùng nhận bóng dưới áp lực của đối phương một cách điềm tĩnh và tìm cách thực hiện một đường chuyền mang tính xây dựng hơn là một cú phất bóng vô thưởng vô phạt.
 
Ngay cả dưới thời Ernesto Valverde – người hầu như không phải là một vị huấn luyện viên bị ám ảnh một cách đặc biệt với một định hướng cụ thể nào đó – kỹ năng phân phối bóng của ter Stegen cũng vẫn được thể hiện một cách rất nổi bật. Anh đã có được cho mình 2 pha kiến tạo trong 15 trận đầu tiên ở mùa giải này, một cú phất bóng chính xác cho Luis Suarez tăng tốc và ghi bàn thắng mở tỷ số trong cuộc chạm trán Getafe vào tháng 9, trước khi lặp lại tình huống tương tự với Antoine Griezmann trong cuộc đối đầu Mallorca diễn ra vài tuần sau đó. 
 
Và giờ đây, với sự xuất hiện của một Cruyffista (thực ra là Michelsista) “cuồng tín” như Quique Setien, có vẻ như ter Stegen đang được thiết lập để cách mạng hóa vị trí thủ môn hơn nữa. 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “A goalkeeping revolution is happening at Barcelona with Marc-Andre ter Stegen” của Andy West, đăng tải trên Sport360.
 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Không có tính tổ chức, lãnh đạo và định hướng: Ghana đang lãng phí một thế hệ tài năng

Điều khiến cho nỗi đau thêm chua xót là có thời điểm, Ghana tưởng chừng như đã vượt qua khó khăn, nhưng không phải vậy. Ghana đã không có được chiến thắng cần thiết ở Angola hôm thứ Sáu, đồng nghĩa với việc Mohammed Kudus, Thomas Partey và Antoine Semenyo sẽ không thể góp mặt tại Cúp các quốc gia châu Phi (AFCON) sắp tới, diễn ra ở Morocco vào tháng 12/2025.

Ruben Amorim chính thức đặt chân tới Old Trafford: Liệu một Sir Alex mới có xuất hiện?

Trong cuộc họp báo trước khi trận đấu với Manchester City trong khuôn khổ lượt trận thứ 4 Champions League diễn ra, Ruben Amorim, người mà trước đó đã chính thức được bổ nhiệm làm HLV Manchester United tuyên bố: “Nếu chúng tôi ( Sporting) giành chiến thắng trước họ ( Manchester City), những người hâm mộ MU nghĩ rằng Alex Ferguson mới đã xuất hiện, nhưng sẽ rất khó có thể làm được điều đó…”

X
top-arrow