Chiến thắng của Man City: Hồi kết của Luật công bằng tài chính?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 18/07/2020 11:10(GMT+7)

Zalo

UEFA đã rất nhanh chóng tái khẳng định sự cam kết của mình đối với hệ thống mà họ tin rằng đã cải thiện một cách đáng kể tình hình tài chính của bóng đá châu Âu.

Trong số những phản ứng đối với việc Tòa Án Trọng Tài Thể Thao ( CAS) quyết định hủy bỏ án phạt cấm thi đấu 2 mùa giải tại Champions League của Manchester City, có quan điểm cho rằng hệ thống luật công bằng tài chính được ban hành bởi UEFA, đã đi đến hồi kết. Nhưng khi xét đến lời tuyên bố ngắn gọn của CAS và phản ứng của UEFA thì việc cho rằng FFP đã chết là quá phóng đại.

Chiến thắng của Man City Hồi kết của Luật công bằng tài chính hình ảnh
 
CAS dường như đã giáng một đòn đau lên bộ luật FFP và những hệ thống mà UEFA đã sử dụng để chi phối các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, nhưng có lẽ mọi chuyện sẽ không phát triển theo phương hướng mà dư luận đang giả định. Ba luật sư trong ban hội thẩm của CAS đã đảo ngược phán quyết “có tội” được đưa ra bởi Uỷ ban xét xử (adjudicatory chamber – viết tắt: AC) thuộc cơ quan quản lý tài chính của UEFA. Họ là những người điều tra ra chuyện chủ sở hữu của Man City, ông Sheikh Mansour bin Zayed al-Nahyan, thuộc gia tộc cầm quyền tại Abu Dhabi, đã ngụy trang hàng núi tiền đổ vào câu lạc bộ này dưới dạng những khoản tài trợ độc lập từ các công ty ở Abu Dhabi.  Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc CAS phát hiện ra rằng Man City đã không hợp tác, và thậm chí còn cản trở, các cuộc điều tra của cơ quan quản lý bóng đá châu Âu, thường thì sẽ mang đến những thiệt hại khá nặng nề cho một câu lạc bộ. 
 
Khoản tiền phạt 10 triệu Euro (9 triệu bảng Anh) cho hành vi đó vốn không hề là vô nghĩa, và sẽ là một đòn đánh khá “thấm” đối với hầu hết các tổ chức thể thao ở châu Âu, nhưng trong trường hợp của Man City, một câu lạc bộ có doanh thu lên đến 535 triệu bảng vào năm ngoái, cũng như được hậu thuẫn bởi sự giàu có của Abu Dhabi, nó gần như chẳng khiến họ hề hấn gì. Chính vì thế, với một câu lạc bộ “có điều kiện” đến vậy, thì đó là một hình phạt hết sức nhỏ nhoi khi xét đến chuyện đối tượng đã cản trở một cuộc điều tra của cơ quan quản lý, và nó không chỉ lật ngược các kết luận của CFCB, mà còn trông như thể sẽ gây ra một vài tổn thương lên UEFA.  
 
Có quá ít chi tiết được công bố để chúng ta có thể hiểu một cách trọn vẹn nhất  quyết định đã gây ra rất nhiều tranh cãi của CAS – chiến thắng dành cho Manchester City – về một “vụ án” kéo dài 20 tháng được bắt đầu bằng việc tạp chí Der Spiegel của Đức công bố một loạt các tài liệu nội bộ bị hack của Manchester City. Những chứng cứ cho thấy Mansour chính là nguồn cung cấp cho phần lớn  khoản tài trợ mà hãng hàng không quốc gia của Abu Dhadi, Etihad, đã rót vào câu lạc bộ này. Tuy nhiên, thông báo chính thức mà CAS đã đưa ra về quyết định phủ nhận những phát hiện của AC là chỉ vỏn vẹn 1 trang giấy, và nhiều khả năng phán quyết đầy đủ để giải thích toàn bộ sự việc sẽ được công bố vào vài ngày tới. 

Phán quyết CAS: https://www.tas-cas.org/fileadmin/user_upload/CAS_Media_Release_6785_Decision.pdf
 
Mặc dù vậy, về mặt logic, những thông tin hiện có cũng đủ để chúng ta biết được đại khái về chuyện ban hội thẩm đã đưa ra kết luận này như thế nào. Một trong những phát hiện then chốt của họ chính là việc có một số vi phạm mà AC điều tra ra đã “hết thời hạn truy cứu”. Theo như điều luật 37 trong cuốn handbook của CFCB đã quy định, thì “sau khi hết thời hạn 5 năm, việc khởi đối với tất cả những vi phạm về cấp phép câu lạc bộ và các quy tắc FFP của UEFA là không thể”. 
 
Chúng ta sẽ phải chờ đợi phán quyết đầy đủ để hiểu được ngọn ngành quy trình dẫn đến kết luận AC đã sai của CAS, tuy nhiên, thật sự rất khó để có thể tin được chuyện AC và “Ủy ban điều tra” (investigatory chamber – viết tắt : IC) đã đưa ra các cáo buộc mà không hề xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố trước khi bắt đầu “cuộc chiến”. Vì vậy, nhiều khả năng là đã diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa các luật sư tại CAS về thời hạn khởi tố, một trận chiến mà UEFA đã thua cuộc. 
 
Ngoài ra, có những cáo buộc vi phạm khác của UEFA đối với Man City, theo như CAS cho biết trong bản tuyên bố của mình, là “không đủ hợp lệ để thành lập tội danh”. Vì vậy, Man City đã bác bỏ thành công cáo buộc trọng yếu – lời khẳng định Mansour chính là nguồn cung của phần lớn số tiền 67,5 triệu bảng mà Etihad đã đổ vào câu lạc bộ thành Manchester vào mùa giải 2015/2016. 
 
AC, với sự hỗ trợ của một đội ngũ luật sư châu Âu có thâm niên tương tự như những người phục vụ cho CAS, bao gồm cả luật sư danh tiếng người Anh Charles Flint QC, đã nhận thấy sự bất hợp tác từ đội chủ sân Etihad trong cuộc điều tra của IC khi họ ban hành bản án cấm Manchester City thi đấu tại Champions League và nộp phạt 30 triệu Euro. Đó là một yếu tố trong kết luận của CFCB mà CAS đã giữ nguyên. CAS đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các câu lạc bộ hợp tác với những cuộc điều tra kiểu vậy và phạt 10 triệu Euro cho hành vi “xem thường các nguyên tắc hợp tác và cản trở quá trình điều tra”. 
Chiến thắng của Manchester City trước UEFA: Kẻ chiến thắng là kẻ mạnh
Dù thế nào đi nữa, vụ việc của Man City vẫn cho ta thấy một điều rõ ràng trong bóng đá: tiền luôn quyết định tất cả, dù là của nhà giàu mới nổi hay của các CLB...
Man City, vốn trước đó từng lên án IC, AC và UEFA đã có thái độ không công bằng trong phản ứng chính thức của câu lạc bộ này đối với phán quyết “có tội” được đưa ra vào tháng Hai, đã trả lời CAS bằng cách cảm ơn các thành viên trong ban hội thẩm và tuyên bố rằng “Câu lạc bộ rất hoan nghênh những nội dung chính trong phán quyết này. Đó là một sự công nhận đối với vị trí của câu lạc bộ và những bằng chứng về sự vô tội mà chúng tôi đã đưa ra.”
 
Điều đó đã dẫn đến một câu hỏi rất nực cười: Làm sao có thể mong đợi CFCB  kết luận chính xác tuyệt đối với đầy đủ những bằng chứng nếu Man City không hề hợp tác trong việc cung cấp chúng? “Cái tát” hết sức nhẹ nhàng mà CAS dành cho Man City, thứ đã đảo ngược kết luận của UEFA với những bằng chứng đầy đủ hơn do đội chủ sân Etihad cung cấp, chắc chắn không hề đủ tầm để có thể tạo nên một sự răn đe đến các câu lạc bộ có ý định “cản trở người thi hành công vụ” khác. 
 
Đối với FFP, chẳng có lý do gì để tuyên bố rằng vụ việc này đã gióng lên một hồi chuông báo tử cho nó cả. Ngay sau khi phán quyết của CAS được đưa ra, UEFA - phe đã rất kiệm lời trong xuyên suốt diễn biến của câu chuyện, đã rất nhanh chóng tái khẳng định sự cam kết của mình với FFP - hệ thống mà họ tin rằng đã cải thiện một cách đáng kể tình hình tài chính của bóng đá châu Âu. Trong tháng Một, UEFA đã công bố báo cáo về “chuẩn đối sánh” hàng năm mới nhất của họ, cho thấy rằng vào năm 2018, các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu đã có hai năm liên tiếp tạo ra lợi nhuận, so với tổng số lỗ 5 tỷ Euro được ghi nhận trong 3 năm trước khi FFP chính thức được đưa vào áp dụng. 
 
Giới chủ Abu Dhabi của Man City đã luôn căm ghét bộ luật này, thứ bắt buộc một câu lạc bộ không được chi tiêu vượt quá mức doanh thu của mình, và chỉ cho phép các chủ sở hữu đầu tư vào những cấu trúc dài hạn như sân vận động hay công tác phát triển cầu thủ trẻ thay vì vung tiền ký hợp đồng với các ngôi sao trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng Premier League, dù cho ban đầu có tỏ thái độ chống đối, đã nhận thấy những chuyển biến theo hướng tích cực, và bắt đầu áp dụng hệ thống FFP của riêng mình vào năm 2013, kết quả là tình trạng bội chi tiền lương cầu thủ ngay lập tức được kiểm soát và đưa một giải đấu có tình hình tài chính hỗn loạn trở nên ổn định. 
 
“Luật công bằng tài chính đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các câu lạc bộ và giúp họ trở nên bền vững về khía cạnh tài chính,” UEFA khẳng định trong tuyên bố của mình. “Và UEFA, cũng như ECA, vẫn sẽ cam kết tuân thủ các nguyên tắc của nó.”

Chiến thắng của Man City Hồi kết của Luật công bằng tài chính hình ảnh
 
Nước cờ nhắc tên ECA là cực kỳ khôn ngoan: Đó là hiệp hội các câu lạc bộ châu Âu (246 đội bóng trên khắp châu lục), tổ chức đã có một biên bản ghi nhớ chính thức với UEFA, bao gồm cam kết: “Để tiếp tục hợp tác nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của UEFA … Luật công bằng tài chính là một sáng kiến nhận được sự đồng thuận và hợp tác thực hiện bởi các bên để bảo vệ khả năng tồn tại, sự bền vững và lợi ích của bóng đá cấp câu lạc bộ châu Âu.”
 
Man City, với tư cách là một thành viên của ECA, cũng đã ký kết vào đó, và trong khi đang hiện hữu rất nhiều tín hiệu cho thấy các quy tắc sẽ được sửa đổi, cập nhật theo những hướng mà hiện tại chúng ta vẫn chưa thể xác định được, thì chuyện bóng đá có thể quay trở lại với thời kỳ thả tự do cho tất cả các khoản tài trợ của chủ sở hữu là rất khó xảy ra. 
 
Nhưng dù sao đi nữa, đối với Manchester City, sau khi phải trải qua một cơn giông bão đầy dữ dội, họ cuối cùng cũng đã đạt được  mục đích mà mình đã phải đấu tranh rất quyết liệt để có thể chạm đến: Tiếp tục được tranh hùng ở UEFA Champions League. 
 
Nguồn : Lược dịch từ bài viết “Manchester City decision does not mean end of financial fair play” của ký giả David Conn, đăng tải trên The Guardian.
 
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow