Bury bị xóa sổ khỏi EFL, Bolton thoát khỏi bờ vực của sự diệt vong: Câu chuyện về mặt tối của nền bóng đá Anh (P2)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Hai 30/09/2019 11:05(GMT+7)

Zalo

Có lẽ sự thay đổi sẽ đến sau khi một câu lạc bộ có lịch sử lâu đời như Bury hoàn toàn bị xóa sổ và chỉ còn là một ký ức. Nhưng chẳng phải đó là một cái giá quá đắt sao?

Phần 1: Bury bị xóa sổ khỏi EFL, Bolton thoát khỏi bờ vực của sự diệt vong: Câu chuyện về mặt tối của nền bóng đá Anh (P1)

Phần 2:

Hoàn cảnh của Bolton có lẽ là trường hợp gây shock nhất. Giữa giai đoạn từ năm 2001 đến 2012, họ được xem là một cái tên máu mặt tại Premier League và đạt đủ điều kiện tham dự Europa League hai lần, tại đấu trường châu Âu, họ đã từng đánh bại Atletico Madrid và cầm hòa Bayern Munich ngay trên sân Allianz Arena. Những danh thủ như Youri Djorkaeff, Nicolas Anelka và tiền vệ người Mỹ Stuart Holden đều đã từng thi đấu cho câu lạc bộ này.
 
“Đó là những ngày tháng thật tuyệt vời,” Cựu tiền đạo Kevin Davies hồi tưởng lại trong cuộc nói chuyện với ESPN FC. “Câu lạc bộ đã chiêu mộ về những cầu thủ xuất sắc nhất và chúng tôi thường xuyên đánh bại được những gã khủng lồ như Manchester United hay Liverpool. Tình hình hiện nay thật đáng buồn.”
 
Bury FC, Bolton Câu chuyện về mặt tối của nền bóng đá Anh (P2) hình ảnh
 
Dưới thời huấn luyện viên Sam Allardyce, Bolton đã được ca ngợi là một tấm gương cho tất cả những câu lạc bộ có tầm vóc tương tự như họ, những kẻ được xếp ở đẳng cấp thấp hơn những cái tên “thượng đẳng” của bóng đá Anh. Allardyce đã đưa ra những ý tưởng rất tiên tiến, tuyển dụng về câu lạc bộ những chuyên gia như các nhà tâm lý học, các nhà phân tích dữ liệu và thậm chí là cả một huấn luyện viên cơ mắt trước khi những đối thủ của đội bóng này tại Premier League cũng áp dụng các phương pháp tương tự. Ông đã cho xây dựng một “War Room” tại sân tập Euxton của Bolton, với nhiệt độ được thiết kế ở mức lý tưởng nhất (18 độ C, 64 độ F) cho việc suy nghĩ một cách tập trung và sáng suốt, và các cầu thủ của ông đã sử dụng một buồng áp lạnh để hỗ trợ quá trình phục hồi sau chấn thương. 
 
Bolton đã bị loại khỏi Premier League vào năm 2012; Trong trận đấu cuối cùng của mùa giải, sau khi bị Stoke City cầm hòa với tỷ số 2-2, họ còn cách nhóm an toàn 1 điểm và phải xuống chơi tại Championship. Nếu Bolton không để cho West Brom cầm hòa ngay trên sân nhà với một pha thủng lưới ở phút 90, họ đã có thể thoát khỏi thảm cảnh này. Ngay sau khi thời kì tài chính hậu Premier League bắt đầu mang đến những ảnh hưởng, khu phức hợp Euxton đã bị bán cho Wigan Athletic dù cho Bolton đã đầu tư hơn 10 triệu bảng vào cơ sở này, cũng như việc bán tống bán khứ đi các trang thiết bị và cơ sở đã được bắt đầu vào tháng 1 năm 2016, rất lâu trước khi buồng trị liệu bị biến thành một kho lưu trữ.
 
Premier League giờ đây chỉ là một ký ức quá xa xôi tại Bolton, đội bóng mà huấn luyện viên Phil Parkinson đã từ chức vào tuần trước. Sự ra đi đột ngột của ông đã đến chỉ hai ngày sau khi câu lạc bộ phải cho hoãn trận đấu với Doncaster Rovers, với lý do “lo ngại cho tâm lý và thể trạng” của các cầu thủ tuổi teen khi phải mang trên vai một gánh nặng quá lớn của việc thi đấu ở cấp độ bóng đá chuyên nghiệp cho một đội bóng đang lâm vào khủng hoảng nặng. 
 
Trên thực tế, cái tình cảnh tại Bolton còn tuyệt vọng và ảm đạm hơn rất nhiều so với bề ngoài, và các nhân viên tại câu lạc bộ đã cảm nhận chúng một cách vô cùng sâu sắc, một số người thậm chí đã phải sống dựa vào các kho thực phẩm nhằm giúp đỡ các đối tượng gặp khó khăn trong tài chính để sống qua ngày ở mùa giải trước, vì họ đã không được trả lương trong hơn 1 tháng. Một nhà tài trợ và một công ty làm bánh tại địa phương đã cung cấp thức ăn miễn phí cho các nhân viên của đội bóng này vào những ngày “matchday” ở mùa giải năm nay như một động thái thể hiện lòng hảo tâm và đoàn kết cộng đồng. 
 
“Câu lạc bộ vẫn còn nợ tôi 6 tuần lương,” một nhân viên tại Bolton nói với ESPN FC. “Bản thân tôi vẫn chưa vay mượn và nợ nần gì ở bên ngoài cả, nhưng hoàn cảnh hiện tại thật khó khăn và tôi đã phải sống dựa vào food bank, giống như nhiều đồng nghiệp tại đây. Everton đã quyên góp một số tiền đáng kể để ủng hộ câu lạc bộ và Preston cũng đã gửi đến những phiếu mua hàng trị giá hơn 2000 bảng tại Sainsbury – vì vậy, có thể nói là cả nền bóng đá Anh đã cùng chung tay và tập hợp lại xung quanh để giúp đỡ chúng tôi. Nhưng chuyện này thật bi thảm, khó khăn và khó chấp nhận được với tất cả mọi người, nhất là với một đội bóng đã từng trải qua những ngày tháng tuyệt vời ở Premier League.”
 
Mặc dù đang phải chịu đựng những khó khăn về tài chính, nhưng bên trong tất cả các nhân viên tại Bolton vẫn đang tồn tại và duy trì một sự gắn kết rất sâu đậm với đội bóng này. Một nhân viên đã tìm được một công việc mới tại Manchester City, nhưng khi Bolton đã phải rất chật vật để thuyết phục các nhân viên chấp nhận làm việc cho họ trong trận đấu với Ipswich, cô đã tự nguyện dành cả ngày thứ Bảy để làm việc không công cho câu lạc bộ cũ. 
 
Câu chuyện của Bolton khác với Bury. Từng được tài trợ bởi Eddie Davies, một fan “gộc” của Bolton, người đã kiếm được một khối tài sản trị giá hàng triệu bảng bằng cách sản xuất máy điều nhiệt cho ấm đun nước, cuộc hành trình vươn đến giải đấu đỉnh cao ở bóng đá Anh của họ đã từng là một tấm gương sáng và nuôi hy vọng rằng những khoản tiền thưởng từ Premier League sẽ tiếp tục được đổ vào để giúp câu lạc bộ phát triển mạnh hơn nữa.

Nhưng việc bị xuống hạng vào năm 2012 đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, với việc Davies đã cắt đi nguồn tài trợ của ông cho câu lạc bộ này và tìm kiếm người để bán lại nó. Khi Davies bán Bolton vào tháng 3 năm 2016 cho cựu cầu thủ Dean Holdsworth và cựu “người đại diện” bóng đá Ken Anderson, ông đã giải quyết bớt 197,9 triệu bảng trong các khoản vay nợ của Bolton. Điều đó có nghĩa là các chủ sở hữu mới sẽ phải thanh toán khoản nợ 20 triệu bảng còn lại cho các chủ nợ khác. 
 
Mặt khác, Bury đã ở trong tình cảnh “đi trên dây” trong một thời gian dài. Cho đến đầu những năm 1990, câu lạc bộ này đã được EFL cấp quyền đặc biệt để bắt đầu các trận đấu vào lúc 3.15 pm của chiều thứ Bảy, bởi vì Gigg Lane Social Club sẽ không ngừng hoạt động cho đến 3 p.m và nếu tổ chức các trận đấu vào khung thời gian giống như những đội bóng khác sẽ khiến lượng khách đến quán bar bị giảm đi. Vào mùa giải 2001/2002, các cổ động viên đã đi thu gom tiền với một thùng quyên góp trước mỗi trận đấu để giúp cho câu lạc bộ có thể tiếp tục hoạt động, trong khi vào tháng 12 năm 2012, họ đã bị cấm chuyển nhượng vì các vấn đề về tài chính. 
 
Tuy nhiên, theo các nguồn tin đã kể lại với ESPN FC, cầu thủ hưởng lương cao nhất Bury FC ở mùa giải trước đã được trả đến 8.000 bảng/ tuần, trong khi mức lương trung bình tại League Two chỉ dưới 1.500 bảng/ tuần, và đó chính là một trong các nguyên nhân khiến họ lâm vào tình cảnh bi đát hiện tại. Đặt sự bội chi này vào một bối cảnh lớn hơn, ta có thể thấy nhà vô địch của League Two vào mùa giải 2017/2018, Wigan Athletic, đã có quỹ lương trung bình hàng tuần là 5.385 bảng, được xem là cao nhất tại giải đấu này.
Miller, người đã ký vào một bảng hợp đồng 2 năm với Bury vào tháng 6 năm 2018, đã thừa nhận về tình hình bi đát của đội bóng.
 
Bury bi xoa so khoi EFL, Bolton thoat khoi bo vuc cua su diet vong: Cau chuyen ve mat toi cua nen bong da Anh
 
“PFA (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp) đã góp tay giúp đỡ trong 4 tháng, nhưng họ cũng chỉ trả cho chúng tôi một nửa tiền lương hàng tháng bằng các khoản vay không lãi suất. Tất cả số tiền đó đều phải được trả lại cho họ nếu, hoặc khi nào, câu lạc bộ trả được những gì mà họ đang nợ chúng tôi,” Miller nói với ESPN FC.

“Khi chúng tôi giành được quyền thăng hạng vào mùa giải trước, cả đội đã kiếm được một khoản tiền thưởng 2.000 bảng, nhưng chẳng ai trong đội nhận được xu nào trong số tiền đó cả.”
 
“Có rất nhiều cầu thủ trẻ đã ra đi và ký hợp đồng với những đội bóng khác. Tôi cũng đã nhận được một vài lời đề nghị, nhưng nếu chấp nhận chúng thì tôi sẽ phải chuyển chỗ ở và khi xét về mặt tài chính, đó không phải là điều mà tôi có thể xem xét vào lúc này.”
 
Với hy vọng có thể thi đấu trận đầu tiên của mùa giải, tiếp đón Doncaster ngay trên sân nhà vào thứ Bảy, Bury đã phải nhờ các tình nguyện viên giúp họ dọn sạch các ghế ngồi tại Gigg Lane vào cuối tuần. Vào thứ Hai, họ đã đăng lên Twitter một đoạn tweet kêu gọi sự giúp đỡ, vì chỉ có duy nhất “một người đàn ông” đang dọn rác ra khỏi sân vận động. Hơn 400 người đã xuất hiện vào ngày hôm sau, thứ Ba, để giúp Bury làm sạch Gigg Lane, nhưng đó cũng chỉ là một chương trình hỗ trợ đầy đau lòng và muộn màng từ một cộng đồng sắp mất đi câu lạc bộ bóng đá của họ.
 
“Hệ quả mà chuyện này mang đến cho cả thị trấn sẽ lớn hơn nhiều chứ không chỉ đơn giản là mất đi một câu lạc bộ bóng đá,” David Jones, người lãnh đạo của hội đồng Bury nhận định. “DNA của thị trấn, toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp từng được hỗ trợ bởi câu lạc bộ này sẽ bị tàn phá. Tôi luôn rùng mình khi nghĩ đến những hậu quả dài hạn mà chuyện này mang đến.”
 
Số phận bi đát của Bury đã thúc đẩy những lời kêu gọi về việc thay đổi cách làm kinh doanh trong bóng đá. Andy Burnham, thị trưởng của Greater Manchester và là cựu ngoại trưởng của Bộ Văn Hóa, Truyền Thông và Thể Thao, đã phát biểu tại Gigg Lane vào tuần tước về việc môn thể thao này cần phải được thay đổi mạnh ở mọi cấp độ. 
 
“Bóng đá nên tự nhìn nhận lại chính nó, khi mà chỉ cần một vài tuần lương của một đội bóng ở Premier League là dư sức để nuôi sống cả một đội bóng lâu đời như Bury trong 1 năm,” Burnham buồn bã nói.
 
“Thế giới bóng đá cần đưa ra một giải pháp tốt hơn và bắt đầu điều tiết tiền bạc và các nhóm lợi ích kinh tế một cách trực tiếp. Tôi đã từng tranh luận về việc bóng đá cần có một cơ quan quản lý và điều chỉnh luật định và tôi vẫn nghĩ rằng đó là một việc rất cần thiết vì môn thể thao này chưa bao giờ đứng lên để đối đầu với các nhóm lợi ích kinh tế tồn tại ở bên trong nó cả.” 
 
Có lẽ sự thay đổi sẽ đến sau khi một câu lạc bộ có lịch sử lâu đời như Bury hoàn toàn bị xóa sổ và chỉ còn là một ký ức. Nhưng chẳng phải đó là một cái giá quá đắt sao?
 
“Tôi từng kiếm được 100 bảng mỗi tuần khi chơi cho Bury vào những năm 1980 và những gương mặt mà tôi từng nhìn thấy từ tận hồi đó vẫn thường xuyên xuất hiện ở các trận đấu vào những năm tháng này,” Jamie Hoyland, cựu tiền vệ của Bury, nói với ESPN FC. “Tôi đã quay lại Bury vào tuần trước và một trong số họ đã nói với tôi: ‘Câu lạc bộ này là một cộng đồng, một cái xã hội thu nhỏ của tôi. Tôi được nhìn thấy những gương mặt quen thuộc, những con người quen thuộc trong mọi trận đấu sân nhà. Thế nhưng, tôi chẳng biết họ sống ở đâu cả, chỉ có ở Gigg Lane, tôi mới được gặp họ thôi.”  
 
“Nếu câu lạc bộ này biến mất, tôi sẽ không bao giờ được gặp lại họ nữa. Đó chính là ý nghĩa của việc này đấy.”
 
Lược dịch từ bài viết “Bury expelled from EFL, Bolton teeter on the brink: the dark side of English football” của Mark Ogden, đăng tải trên ESPN./

NAM KHÁNH (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chelsea FC hay là "Cole Palmer FC"?

Thất bại 0-5 trước Arsenal chỉ là một trong những trận đấu cho thấy Chelsea đang phải sống dựa vào Cole Palmer đến thế nào, sự phụ thuộc này là điều bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy và không thể chối cãi.

X
top-arrow