World Cup 2022: Giấc mơ của người giàu, ác mộng của người nghèo

Tác giả Trọng Hiếu - Thứ Bảy 27/11/2021 09:34(GMT+7)

Zalo

Gần một năm nữa, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, FIFA World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Qatar với rất nhiều điều đáng mong chờ. Nhưng với những người đang ngày đêm bán mạng để làm việc, mọi thứ nghiệt ngã hơn nhiều.

*Thành phố hoa lệ*

 
Khi các quan chức của FIFA đặt chân tới Qatar vào tháng 11 năm sau để bắt đầu vòng chung kết World Cup 2022, điểm dừng chân của họ hẳn sẽ là những khách sạn lung linh nhất quốc gia này, được xây dựng với những tiện nghi hiện đại nhất có thể nhằm phục vụ cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
 
Còn với người hâm mộ, ngay từ bây giờ – thời điểm 1 năm trước khi World Cup khởi tranh, họ có thể lên trang chủ FIFA để lập kế hoạch lưu trú tại Qatar. Tại đó, khán giả/du khách có thể lướt qua hàng loạt chỗ ở đẳng cấp được chứng nhận, từ các khách sạn sang trọng cho đến những khu nghỉ dưỡng 5 sao.
 
Thậm chí theo những thông tin mới nhất, nước chủ nhà đang có ý định thuê 2 siêu du thuyền làm nơi lưu trú cho những CĐV có nhu cầu, để được đắm chìm trong những bữa tiệc rượu, bể bơi, quầy bar và xem bóng đá ngay khi ngắm nhìn hình ảnh hoa lệ của Vịnh Tây Doha. Hoặc nếu muốn thích khám phá, họ có thể trải nghiệm những “khách sạn ngàn sao” – những căn lều trại ở giữa sa mạc, tận hưởng những đêm Ả Rập như trong Aladdin hay Nghìn lẻ một đêm.
 
 
World Cup 2022 với người lao động nhập cư
Du khách tới Qatar sẽ được hòa mình vào bầu không khí World Cup 2022 với những tiện nghi 5 sao
World Cup 2022 với người lao động nhập cư
Nếu không thích những khách sạn đắt đỏ và sang trọng như thế này
fanzone World Cup 2022
Họ có thể ở lại sa mạc nếu muốn
 
Với dự kiến 1,2 triệu người hâm mộ sẽ đặt chân tới Qatar trong 28 ngày diễn ra đại hội, lĩnh vực khách sạn có thể trông đợi vào một vụ mùa bội thu. Nhưng phía sau hình ảnh lung linh đó, các lao động nhập cư làm việc tại khách sạn đang vật lộn với mức lương hơn… 1 bảng/giờ (tương đương 40 nghìn đồng), và cật lực làm việc 1 tháng cũng không đủ chi trả 1 đêm tại khách sạn.
 
Trong hành trình điều tra của mình, các phóng viên của Guardian đã ghé thăm 7 khách sạn được liệt kê trên trang chủ FIFA, trò chuyện với 40 nhân viên và phát hiện ra thực tại phũ phàng. Gần như tất cả đều bị vi phạm quyền lao động nghiêm trọng với mức lương rẻ mạt.
 
Họ phải làm việc nhiều giờ và không được nghỉ dù chỉ 1 ngày trong nhiều tháng liền. Nơi ở của các nhân viên này cũng chỉ là những khu trại chật chội và ngột ngạt bên rìa Doha, thậm chí ở ghép 5 người/phòng. Không ít người đã bị giới chủ thu hộ chiếu để đảm bảo họ sẽ không chuyển việc.
 
Rất nhiều những bài báo đã phơi bày mặt trái của cuộc sống hoa lệ tại Qatar, nơi những người lao động nhập cư bị đối xử tàn bạo, bị cưỡng bức, gánh nợ nần, thậm chí nhiều người thiệt mạng khi xây dựng các công trình chuẩn bị cho World Cup.
 
Một chính sách cải cách lao động đã được Qatar thực hiện vào năm 2019, trong đó có quy định chấm dứt ‘kafala’ – thuật ngữ chỉ hệ thống khiến người lao động chỉ có thể chuyển việc/rời đất nước khi có sự cho phép của người sử dụng lao động. Khi chính sách có hiệu lực vào tháng 9/2020, nó được hoan nghênh rộng rãi và FIFA đã sử dụng từ “đột phá” để mô tả. Tuy nhiên thực tế là với rất nhiều công nhân, nhân viên, mọi thứ không có gì thay đổi với họ.
 
fanzone World Cup 2022
World Cup 2022 chỉ còn 1 năm nữa là khởi tranh

World Cup 2022 với người lao động nhập cư
Nhưng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh không dành cho tất cả

 

*Ảo mộng Qatar*

 
Theo đó, các nhân viên cáo buộc công ty của họ phớt lờ những quy định. Nhưng nếu ai đó có ý định kiện tụng, những ông chủ của họ đơn giản chỉ cần dọa phạt tiền lương. Với những người đang bán mạng vì mức lương không đủ sống, đơn giản là họ không thể đối đầu lại những ông chủ của mình.
 
“Họ đe dọa chúng tôi, nói rằng sẽ trừ tiền phòng, tiền giường vào lương và từ chối chi trả những khoản thưởng cuối kỳ” – một nhân viên bảo vệ người Ấn Độ cho biết. “Chúng tôi hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của họ”. Chưa kể đối với các công nhân xây dựng, hầu hết 8 SVĐ phục vụ World Cup đều được hoàn thành từ cuối năm 2020, trước khi các cải cách hoàn toàn có hiệu lực. Nói cách khác, chế độ ‘kalafa’ vẫn tồn tại.

SVĐ 974 Qatar
7/8 SVĐ phục vụ cho World Cup đã được hoàn thành từ năm 2020, thời điểm cải cách chưa có hiệu lực triệt để

SVĐ 974 Qatar
Bên trong những công trình khách sạn, SVĐ đẹp lung linh của Qatar là hàng ngàn lao động bị lạm dụng

World Cup 2022 với người lao động nhập cư
World Cup 2022 không phải giấc mơ với những người lao động nhập cư

Trung bình, một nhân viên khách sạn nhận mức lương cơ bản 200 bảng/tháng (khoảng 7 triệu đồng), và con số đó đã được tăng từ mức tối thiểu 150 bảng/tháng. Nhưng bù lại, họ phải chịu các khoản phí thực phẩm, phương tiện đi lại và có nghĩa là chẳng có gì thay đổi cả. Chưa kể, không ít lao động phải nộp tiền cho đại lý tuyển dụng để đảm bảo công việc của mình – thường sẽ dao động khoảng hơn 1000 bảng.
 
Chưa hết, mức lương thấp như vậy có nghĩa là những người lao động buộc phải ở lại Qatar trong nhiều năm, bởi họ không đủ khả năng để trở về quê hương. Một công nhân người Nepal cho biết đã không gặp gia đình mình trong 5 năm: “Khi tôi gọi cho con trai mình, nó từ chối bắt máy và không muốn nói chuyện với tôi.”
 
Một nhân viên bảo vệ chia sẻ với Guardian: “Đó là một trò lừa đảo. Ở đây họ hút máu của bạn. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại đến đây. World Cup là một điều thực sự lớn lao và tất cả mọi người đều thích nó, nhưng cách mà họ đối xử khiến tất cả chúng tôi cảm thấy kiệt quệ. Chúng tôi đã rơi vào bẫy và không thể thoát ra được.”
 
World Cup 2022 với người lao động nhập cư
World Cup 2022 là cơn ác mộng với người lao động nhập cư

Thông thường, các nhân viên tại khách sạn làm việc 12 tiếng/ngày. Tính cả thời gian di chuyển từ khu trại lao động – nơi được gọi là chỗ ở, họ tốn 15 tiếng mỗi ngày. Nếu làm việc cả tháng không nghỉ, họ có thể kiếm được 400 bảng Anh – con số thấp hơn rất nhiều những gì được hứa hẹn ở quê nhà. Nhưng nếu nghỉ 1 ngày, cho dù họ được phép làm điều đó, công ty sẽ cắt lương 10 bảng Anh. “Trong suốt 3 tháng hè, chúng tôi làm việc liên tục không nghỉ ngày nào” – một nhân viên cho biết.

Từng có thông tin chưa được xác thực rằng một blogger/người lao động nhập cư từ Kenya đã đăng tải về cuộc sống của Qatar trên mạng, anh ta đã bị biệt giam và buộc tội tung tin đồn nhảm. Trong khi đó, một quan chức Qatar khẳng định chính phủ đất nước này phản đối mọi hành vi vi phạm luật lao động, ban hành các hình phạt nhắm vào kinh tế, thậm chí phạt tù với những sai phạm của giới chủ. 
 
“Các ý tưởng nâng cao nhận thức đã được đưa ra để bảo vệ cho người lao động, cung cấp thông tin khiếu nại với người sử dụng lao động. Các cơ chế mới đã được áp dụng để tạo điều kiện tiếp cận sự công bằng” – quan chức này cho biết thêm.
 
Dù vậy, cuộc sống của đa số những người lao động tại đây vẫn chưa có gì thay đổi.

*theo Guardian
 
Qatar ra mắt SVĐ độc đáo từ Container cho World Cup 2022Qatar ra mắt SVĐ độc đáo từ Container cho World Cup 2022
Để chuẩn bị cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022, nước chủ nhà Qatar đang gấp rút hoàn thiện các SVĐ, với sân mới nhất có tên 974.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi?

Tại World Cup này, những CĐV châu Phi đang trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Nếu bạn lạc giữa Doha và được yêu cầu đoán danh tính của quốc gia chủ nhà dựa trên những người hâm mộ trên đường, hẳn bạn sẽ đoán đó một nơi nào đó tại Bắc Phi. Những người Tunisia và Morocco sống và làm việc ở Qatar đang nhận được sự chú ý đặc biệt.

X
top-arrow