Qatar 2022 và dấu ấn của một kỳ World Cup toàn cầu hóa

World Cup 2022 xứng đáng là một trong những kỳ World Cup thú vị nhất lịch sử và có thể coi tính “toàn cầu hóa” là dấu ấn đáng chú ý bậc nhất ở giải đấu năm nay.

Lịch sử “toàn cầu hóa” của World Cup 

Ngày 7/12 vừa qua, trong buổi họp báo tại Qatar, Chủ tịch FIFA Infantino tự tin cho biết World Cup 2022 chứng kiến giai đoạn vòng bảng hay nhất lịch sử. Ông cũng khẳng định rằng giải đấu năm nay đã thúc đẩy quá trình “toàn cầu hóa bóng đá”, nơi mà cách biệt về trình độ giữa các đội bóng ở các liên đoàn châu lục dần được xóa nhòa.

Những lời nhận xét của Infantino không hề nói quá. World Cup năm nay chứng kiến đại diện của cả 5 lục địa góp mặt ở vòng knock-out World Cup, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Chưa kể, FIFA ước tính số người xem lũy kế World Cup 2022 sẽ chạm mốc 5 tỷ người, bỏ xa con số 3,572 tỷ người theo dõi giải đấu tại Nga cách đây 4 năm.

Thực chất, World Cup 2022 không phải giải đấu đầu tiên chứng kiến sự “toàn cầu hóa” của bóng đá thế giới. Ngược thời gian trở về năm 1974, doanh nhân Joao Havelange nhen nhóm ý định biến World Cup thành sân chơi toàn cầu. Nhờ tài vận động hành lang tài tình, nổi bật là hứa hẹn trao suất dự World Cup cho các đội châu Phi và châu Á, ông Havelange đã đánh bại Stanley Rous trong cuộc đua tới vị trí Chủ tịch FIFA, qua đó vĩnh viễn thay đổi lịch sử cơ quan này cũng như World Cup.

Qatar 2022 và dấu ấn của một kỳ World Cup toàn cầu hóa 1
Cố chủ tịch FIFA Joao Havelange là người đặt nền móng cho quá trình toàn cầu hóa World Cup

World Cup năm 1974 chứng kiến điều chưa từng có trong lịch sử khi có 32 đội dự giải đấu, thay vì 16 như ở giải đấu năm 1970. Các đội bóng châu Á và châu Phi, thậm chí cả châu Đại dương đều được chia suất đá vòng loại. Thời điểm ấy, World Cup chính thức vươn ra khỏi phạm vi châu Âu và Nam Mỹ để trở thành ngày hội bóng đá toàn thế giới, một cách đúng nghĩa.

Năm 1994, World Cup được tổ chức tại Mỹ, tại quốc gia mà bóng rổ, bóng chày hay bóng bầu dục mới là thứ được quan tâm hơn cả. Tuy vậy, cho đến trước khi World Cup 2022 diễn ra, giải đấu ở xứ cờ hoa vẫn là kỳ World Cup chứng kiến tổng lượng khán giả (3,568,567 người) cũng như số khán giả đến sân trung bình (68,626 người) cao nhất (theo số liệu từ Statista). 

Kỳ lạ thay khi số người đến xem World Cup ở một quốc gia bị cho là không yêu bóng đá như Mỹ lại cao hơn số khán giả ở giải đấu tổ chức tại Brazil. Quan trọng hơn, bóng đá Mỹ cũng nhận cú hích từ sau giải đấu năm đó, minh chứng là trước World Cup 1994, ĐT Mỹ chỉ tham dự 4 trong tổng số 17 kỳ World Cup. Còn sau năm 1994, đội bóng này chỉ vắng mặt đúng 1 lần, ở giải đấu năm 2018.

Qatar 2022 và dấu ấn của một kỳ World Cup toàn cầu hóa 2
World Cup 1994 chứng kiến số khán giả kỷ lục

Tới năm 2010, kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở một quốc gia châu Phi cũng để lại nhiều dấu ấn. Chiếc kèn vuvuzela từ chỗ là một sản phẩm địa phương trở thành mặt hàng phổ biến ở hầu khắp các sân đấu trên thế giới. Quan trọng hơn, sau giải đấu năm 2010, người hâm mộ thế giới có cái nhìn khách quan hơn về bóng đá của “Lục địa đen”. 

Những quy định về quốc tịch và điều kiện thi đấu ngày càng được nới lỏng của FIFA tạo nên tính đa dạng về sắc tộc cho các đội bóng tham dự. Tiêu biểu có thể kể đến việc ĐT Pháp vô địch năm 2018 với không ít cầu thủ gốc Phi trong đội hình. Hay ĐT Morocco có tới 60% cầu thủ sinh ra ở ngoài quốc gia này.

Chiến thắng của Qatar

Sau khi giành quyền đăng cai World Cup 2022, chính quyền Qatar đã đổ rất nhiều tiền để chuẩn bị cho giải đấu. Tuy vậy, thành tích của ĐT Qatar lại rất thất vọng, thậm chí trở thành đội chủ nhà có thành tích tệ hại nhất lịch sử. Nhưng đất nước Qatar vẫn có chiến thắng quan trọng trên bình diện hình ảnh và văn hóa. 

Bất chấp những chỉ trích vì lí do ngoài chuyên môn, Qatar đã làm quá tốt việc tổ chức một giải đấu tầm cỡ như World Cup. Những sân bóng hiện đại, những bữa tiệc âm thanh ánh sáng hoành tráng, hệ thống giao thông phát triển. Qatar mang tới cho CĐV thế giới một trải nghiệm thưởng thức bóng đá hoàn toàn mới lạ, thậm chí đi tiên phong cho một xu thế trong tương lai. 

Qatar 2022 và dấu ấn của một kỳ World Cup toàn cầu hóa 3
Qatar đã làm quá tốt công tác tổ chức World Cup 2022

Không còn là một đất nước với nền văn minh Arab có phần kín tiếng với những luật lệ hà khắc. Qatar của World Cup 2022 xuất hiện với hình ảnh một quốc gia hiện đại như một viên ngọc trai lấp lánh giữa sa mạc khô cằn. Qatar cũng tỏ ra thiện chí khi sẵn sàng mở cửa và tiếp thu những nét văn hóa của thế giới, miễn sao không làm phương hại tới những giá trị cốt lõi xây dựng nên quốc gia này.

Với FIFA, kế hoạch “toàn cầu hóa” bóng đá (cũng như World Cup) thường bị chỉ trích là nước đi đậm tính chính trị khi giúp cơ quan này kiếm về những khoản tài trợ khổng lồ. Nhưng không vì thế mà phủ nhận những nỗ lực mà FIFA đã bỏ ra để mang bóng đá tới toàn thể người hâm mộ khắp thế giới cũng như biến World Cup trở thành sân chơi mà mọi nền bóng đá đều có cơ hội tranh tài.

Một kỳ World Cup “phẳng”

Những tiến bộ không ngừng của công nghệ khiến việc giao thoa văn hóa giữa các quốc gia và châu lục trở nên dễ dàng. Bóng đá cũng hưởng lợi từ xu thế trên và ở World Cup 2022, dường như thế giới bóng đá đang “phẳng” dần. Tính “phẳng” ấy được thể hiện qua sự mờ nhòa dần đi của những giá trị mang tính biểu tượng của từng đội bóng.

Tính trường phái của các đội bóng tham dự World Cup đang dần bị hạn chế để nhường chỗ cho sự an toàn. Thậm chí, trợ lý Juanma Lillo của Pep Guardiola còn cho rằng nếu không nhờ màu da, mái tóc hay mẫu áo, có lẽ không nhiều người phân biệt được một bên là Brazil “hoa mỹ” và một đội là Cameroon “thể lực”. World Cup 2022 cho thấy bóng đá thế giới đang dần “bão hòa” về mặt tư tưởng thi đấu, khi mà các đội đang ngày càng trở nên giống nhau.

Qatar 2022 và dấu ấn của một kỳ World Cup toàn cầu hóa 4
Juanma Lillo, trợ lý của Pep Guardiola cho rằng các đội đang đá ngày một giống nhau

Không thể nói xu thế này là tích cực hay tiêu cực. Suy cho cùng, mỗi đội bóng đều có quyền mưu toan cho thành tích của chính mình. Các HLV vì thế cũng không có nhiều lựa chọn. Quỹ thời gian ít ỏi để chuẩn bị cho giải đấu tại Qatar gián tiếp triệt tiêu tính ngẫu hứng để nhường chỗ cho sự hiệu quả. Không bất ngờ khi những “chân chạy” như Mbappe ngày càng được trọng dụng và càng có nhiều cầu thủ “tiến hóa” theo hướng này.

Tính “phẳng” của World Cup năm nay còn thể hiện qua sự đa dạng đến khó tin ở thành phần cầu thủ được các ĐTQG triệu tập. Đội bóng nào cũng gọi những cầu thủ đá ở nước ngoài về dự World Cup. Trong đó, châu Âu vẫn là “vùng đất hứa” với mọi cầu thủ khi trong đội hình hai đội bóng vào chung kết (Pháp và Argentina) chỉ có hai cái tên thi đấu ngoài châu Âu (1 tại MLS và một tại Argentina). 

Thậm chí có đội bóng còn triệu tập 100% cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, như Senegal. Trong khi đó, có tới 8 cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu tại Bundesliga, nhiều hơn số người đang đá ở J.League 1 (7 người). Phải chăng, chính những kinh nghiệm mà Ritsu Doan hay Takuma Asano học hỏi trong những ngày thi đấu tại Đức đã giúp đội bóng này có chiến thắng đáng nhớ trước nhà vô địch năm 2014?

Qatar 2022 và dấu ấn của một kỳ World Cup toàn cầu hóa 5
Ngày càng nhiều cầu thủ, nhất là ở châu Á chuyển tới châu Âu thi đấu

Thật khó để khẳng định ĐT Nhật đánh bại ĐT Đức chỉ nhờ những cầu thủ đang đá ở Bundesliga. Nhưng có thể khẳng định rằng với tốc độ toàn cầu hóa của bóng đá thời điểm này, những đại diện đang phát triển sẽ dễ dàng học hỏi và tiến bộ hơn nữa, qua đó thu hẹp cách biệt về năng lực với nền bóng đá ở top đầu. World Cup cũng vì thế mà trở thành sân chơi cân bằng hơn giữa các đội tham dự.

Qatar 2022 cũng (có thể) là World Cup cuối cùng chứng kiến 32 đội tham dự. Kể từ năm 2026, số đội sẽ tăng lên thành 48. Liệu rằng khi càng nhiều đội bóng tham gia tranh tài ở World Cup, giải đấu có “tiến hóa” trở thành một cỗ máy công nghiệp, nơi “cắt gọt” những đội bóng theo một quy trình tỉ mỉ, chính xác để cho ra những thành phẩm na ná nhau về mặt hình thù và phong cách?

Hay tới lúc đó, các đội bóng sẽ trở lại với trường phái và thương hiệu của chính mình, đưa đội bóng trở về với những giá trị cốt lõi đã làm nên tên tuổi? Hãy chờ tới World Cup 2026 (và có thể là những giải đấu sau đó) để có thể tìm ra câu trả lời!

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Đội tuyển Brazil: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Sau khi chỉ giành được 1 điểm trước những người chủ nhà Venezuela cách đây 4 ngày, đội tuyển quốc gia Brazil lại vừa có thêm một kết quả đáng thất vọng nữa trước Uruguay ngay trên thánh địa Fonte Nova. Một điểm trước Uruguay khiến cho đoàn quân của HLV Dorival Junior chôn chân ở vị trí thứ 5 vòng loại World Cup 2026 sau 12 lượt đấu, một vị trí khó tin đối với đội tuyển từng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới.