Nước chủ nhà World Cup 2022 bị tố thuê CĐV để "sống ảo"

Đã có nhiều nghi vấn được đặt ra với nước chủ nhà World Cup khi xuất hiện những đoạn video ghi lại cảnh hàng ngàn CĐV bóng đá từ khắp nơi trên thế giới xuất hiện trên các đường phố ở thủ đô Doha của Qatar.

Nước chủ nhà World Cup bị tố thuê CĐV để "sống ảo"

Theo đó, trên mạng xã hội những ngày xa đã xuất hiện nhiều video ghi lại cảnh đông đảo cổ động viên từ khắp mọi nơi trên thế giới đã tề tựu và có mặt tại thủ đô Doha. Họ khuấy động không khí World Cup với những gương mặt được dán cờ, mặc áo đấu và cầm cờ các quốc gia đi diễu hành.

Trên tài khoản cộng đồng được xem là chính thức đầu tiên của Qatar trên nền tảng tik tok là Qatar Living cũng đăng tải đoạn video hàng trăm người hâm mộ đến từ các quốc gia khác nhau tràn xuống đường phố để chào đón World Cup 2022.

Điều này đã tạo ra một không khí cuồng nhiệt và thu hút được sự chú ý của truyền thông. Hàng ngàn clip về các CĐV lan truyền chóng mặt trên mạng. Họ được nhận diện đến từ nhiều quốc gia khác nhau khi dán cờ, mặc áo Brazil, Bồ Đào Nha, Argentina, Ghana, Cameroon và Tunisia.

Đáng chú ý, trong một đoạn clip đã ghi lại cảnh CĐV ĐT Anh diễu hành qua các đường phố. Họ cũng mang theo biểu ngữ quen thuộc với nội dung: “Bóng đá đang trở về nhà”. Đây là biểu ngữ từng được fan Tam sư sử dụng rất nhiều tại EURO 2020.

Nước chủ nhà World Cup 2022 bị tố thuê CĐV để sống ảo 1

CĐV Argentina có mặt tại Qatar

Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại về tính xác thực. Trang News.com.au của Australia viết: “Việc làm của những người ủng hộ dường như được bố trí rất cẩn thận. Một số người cáo buộc Qatar dàn dựng các cuộc diễu hành bằng cách sử dụng “CĐV giả mạo”.

Lý do là bởi, họ nghi ngờ việc người hâm mộ kéo đến đông đảo như thế, trong khi một tuần nữa World Cup mới khởi tranh. Thậm chí trong số này, có nhiều người hôm nay mặc áo đấu đội này, ngày mai mặc áo đấu đội khác. Liệu họ có được trả tiền để làm công việc trên hay không?”.

Nhiều bình luận gây chú ý cũng chỉ ra rằng nhìn qua bề ngoài hay giọng nói, họ chắc chắn rằng phần lớn các CĐV được Qatar thuê cổ vũ đến từ Ấn Độ. Rất có thể đây là nhóm người lao động đã xây dựng các công trình ở Qatar vì trong số này, không hề thấy bóng dáng phụ nữ.

Đây không phải lần đầu Qatar bị lên án về việc thuê CĐV giả để phô trương. Hồi 2014, họ từng bị cáo buộc sử dụng lao động nhập cư làm người hâm mộ nhằm lấp đầy khoảng trống trên các sân thi đấu bóng chuyền bãi biển.

Khi đó, người nhập cư cho biết họ tham dự giải đấu là vì tiền chứ không phải vì môn thể thao này. Nhiều công nhân ở Qatar cho biết rằng họ thường xuyên được trả tiền để tham gia các sự kiện thể thao.

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục