World Cup 1954: Trận chung kết làm thay đổi lịch sử bóng đá Đức

World Cup 1954 tổ chức ở Thụy Sĩ ghi dấu sự vươn lên của Đức trên bản đồ bóng đá thế giới với lần đầu giành cúp vàng, sau khi ngược dòng thắng Hungary 3-2 trong trận đấu kịch tính.

Đội tuyển Tây Đức ngày đó với thủ lĩnh Fritz Walter tạo ra điều kỳ diệu bậc nhất lịch sử World Cup khi đánh bại Hungary hùng mạnh trong trận chung kết với kịch bản không tưởng.

Hungary ngày đó mạnh cỡ nào?

Từ năm 1950 đến năm 1956, ĐT Hungary chỉ để thua đúng một trận, chính là trận chung kết World Cup đang được nói tới. Đó là “Dream team” thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới, sau đội hình ĐT Áo dự World Cup 1934.
Đội tuyển Hungary ngày đó. Ảnh: Worldsoccer.


Ferenc Puskas, Sandor Kocsis, Nandor Hidegkuti, Zoltan Czibor, Jozsef Bozsik và Gyula Grosics là những hảo thủ hàng đầu của ĐT Hungary ngày đó. Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Gusztav Sebes, Hungary được mệnh danh là “đội tuyển vàng” với thành tích bách chiến bách thắng.

Hungary giành HCV Olympic 1952 với thành tích ghi 20 bàn sau 5 trận, trong đó có màn hủy diệt đội ĐKVĐ Thụy Điển tới 6-0 ở bán kết. Năm 1953, Hungary vô địch giải tiền thân của EURO khi thắng dễ Italy 3-0 trong trận đấu cuối cùng. Năm đó, Hungary còn tạo ra trận đấu đến nay vẫn được gọi là “Trận cầu thế kỷ” với ĐT Anh trên sân Wembley.

Đội tuyển tới từ quê hương của bóng đá khi ấy chưa từng thất bại trước bất kỳ đối thủ nào ngoài vương quốc Anh trên thánh địa Wembley. Liên đoàn bóng đá Anh tự tin rằng Hungary cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mang tiếng là trận giao hữu, song FA tin đây sẽ là cơ hội để ĐT Anh của Stanley Matthews, Alf Ramsey hay Billy Wright chứng minh sức mạnh của mình với châu Âu.

105.000 khán giả đến chật kín sân Wembley bất chấp sương mù giăng khắp nước Anh. Thời tiết không quá thuận lợi cho trận đấu bóng đá, nhưng thật hoàn hảo cho kịch bản kinh hoàng mà những người Anh chuẩn bị đón nhận. Ngay phút thứ 1, Hungary đã mở tỷ số do công của Nandor Hidegkuti. Dù Jackie Sewell gỡ hòa vào phút thứ 13 nhưng điều đó không ngăn cản được Hungary lao lên tàn sát khung thành Gil Merrick.

Kết thúc hiệp 1, tỷ số là 4-2 nghiêng về phía những vị khách. Kết thúc 90 phút, Hungary giành chiến thắng chung cuộc 6-3. Họ tung ra tổng cộng 35 cú sút về phía khung thành ĐT Anh khốn khổ, nhạc trưởng Hidegkuti có hat-trick, “Thiếu tá siêu tốc” Ferenc Puskas có cú đúp, người ghi bàn còn lại là Josef Bozsik.
Hungary đại thắng Anh 7-1 chỉ 3 tuần trước World Cup. Ảnh: Wikipedia.


Chiến thắng không chỉ hạ nhục người Anh trên chính sân nhà mà còn nâng vị thế của Hungary lên tầm số một thế giới. 5 tháng sau thất bại muối mặt, ba tuần trước khi vòng chung kết World Cup khởi tranh tại Thụy Sĩ, ĐT Anh một lần nữa thách đấu Hungary trên thánh địa Wembley. Lần này kết quả còn thảm hại hơn, "Tam sư" thua 1-7. Đó cũng là trận thua đậm nhất lịch sử đội tuyển tới từ quê hương bóng đá.

Điểm mạnh của Hungary ngày đó là việc sở hữu đội ngũ toàn những siêu sao ở mọi vị trí. Họ có Hidegkuti rực sáng ở vị trí số 10, Ferenc Puskas xuất sắc trên hàng công, Sandor Kocsis là cơn ác mộng trên không với bất kỳ hậu vệ nào.

Đặc biệt hơn cả là cách Hungary chơi bóng. Sơ đồ W-M khi ấy, đặc trưng là 3-2-2-3, sơ đồ này nhìn giống như chữ W-M nếu liên kết riêng các cầu thủ phòng ngự và tấn công bằng những đường thẳng, không còn mới với thế giới bóng đá nữa, song dưới đôi chân của những người Hungary, W-M trở thành vũ khí tối thượng tàn sát mọi đối thủ.

Hungary chấp nhận cho những hậu vệ tham gia vào quá trình tấn công thay vì chỉ biết phá bóng như cái máy. Chính điều này khiến 11 người trên sân (bao gồm cả thủ môn Gyula Grosics) trở thành hệ thống đồng nhất. Cách mà Hungary chơi bóng ngày đó được thừa nhận là tiền đề cho Total Voetball (Bóng đá tổng lực) lừng danh sau này của ĐT Hà Lan với môn đệ giỏi nhất Johan Cruyff.

Bách chiến bách thắng, Hungary tới Thụy Sĩ vào mùa hè 1954 với mục tiêu duy nhất là đoạt cúp Vàng Jules Rimet.

World Cup 1954 và điều kỳ diệu với bóng đá Đức


Thể hiện sức mạnh vượt trội, ĐT Hungary biến vòng bảng World Cup thành màn thảm sát theo đúng nghĩa đen. Puskas và các đồng đội thắng Hàn Quốc 9-0 trong lượt trận đầu tiên, thắng tiếp Tây Đức 8-3 ở lượt thứ hai để đi tiếp vào tứ kết với ngôi vị đầu bảng.

Những trở ngại cũng bắt đầu từ đây. Đối thủ của Hungary là Brazil, đội Á quân của kỳ World Cup trước và rất khao khát có được cúp Vàng. Trận cầu kết thúc với tỷ số 2-4 nghiêng về phía Hungary nhưng sau cùng được nhớ tới như là trận cầu bạo lực bậc nhất lịch sử World Cup. Hungary chịu tổn thất nặng khi Ferenc Puskas dính chấn thương.
Đội trưởng Tây Đức Fritz Walter cùng chiếc cúp vàng Jules Rimet. Ảnh: Fifa.


Bán kết với Uruguay là trận đấu khó khăn nhất trong nhiều năm của Hungary. Uruguay là ĐKVĐ World Cup khi đó, đội bóng Nam Mỹ thậm chí chưa từng phải nhận bất kỳ thất bại nào tại World Cup.

Không có Puskas, Hungary bị Uruguay kéo vào tận hiệp phụ. Tại đây, Sandor Kocsis tỏa sáng với cú đúp giúp Hungary thắng 4-2 lọt vào trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử. Đối thủ của họ là Tây Đức, đội đã thua Hungary tới 3-8 ở vòng bảng. Puskas sau khi nghỉ thi đấu đã có thể tập nhẹ lại. Vì là trận chung kết World Cup, “Thiếu tá siêu tốc” nén đau ra sân.

Mọi thứ thật đơn giản với Hungary, hoặc ít nhất là mọi thứ trông giống như vậy. Ngay phút thứ 6, Puskas mở tỷ số, 2 phút sau Czibor nâng cách biệt lên thành 2 bàn. Khi những CĐV trên sân Wankdorf, Bern nghĩ tới trận thảm bại cho Tây Đức, thì đội quân của Sepp Herberger bất ngờ phản kích.

Chỉ 10 phút sau bàn thắng thứ 2, Tây Đức đã gỡ hòa với hai pha lập công của Max Moroc và Helmut Rahn. Trận đấu đổ mưa nặng hạt, lối đá tấn công hoa mỹ của Hungary dần trở nên đầy khó nhọc.

Phút 84, Helmut Rahn chính thức hoàn tất cú sốc lớn nhất lịch sử khi ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2. Hungary bất bại 30 trận liên tiếp, gục ngã trước Tây Đức trong trận chung kết. Đội hình siêu sao với Puskas, Hidegkuti hay “Vua phá lưới” Kocsis không thể trở thành nhà vô địch thế giới.

Hệ quả


Sau “Điều kỳ diệu ở Bern”, ĐT Tây Đức và ĐT Hungary đi theo những con đường rất khác nhau. Với Tây Đức, chức vô địch World Cup tái sinh hoàn toàn đất nước lúc ấy vẫn chật vật vượt qua những hậu quả tàn khốc của thế chiến thứ hai. Hai nhà sử học Arthur Heinrich và Joachim Fest cho rằng chiến thắng ở World Cup 1954 chính là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử nước Đức sau chiến tranh và là thời điểm cho cuộc tái sinh của quốc gia này.

Chức vô địch này cũng chính thức đưa Đức trở thành ông lớn của bóng đá châu Âu và thế giới. ĐT Tây Đức trước kia và CHLB Đức sau này có thêm 3 lần lên đỉnh thế giới vào các năm 1974, 1990 và 2014.
Những lần Đức vô địch World Cup trong lịch sử (từ trái sang): 1954, 1974, 1990 và 2014. Ảnh: Pinterest.

Song không chức vô địch nào đóng vai trò quan trọng như “Điều kỳ diệu ở Berne”. Cựu danh thủ Horst Eckel khẳng định “Chúng tôi vẫn có thể thấy tầm quan trọng của chiến thắng ở trận chung kết World Cup 1954 mãi đến sau này. Mọi người ít nhắc các chức vô địch năm 1974 và 1990, mà tất cả vẫn tập trung nói đến chiến thắng vào năm 1954”.

Về phía Hungary, trận thua trước ngưỡng cửa thiên đường đã thổi bùng lên những mâu thuẫn vốn âm ỉ ở quốc gia này vào thời điểm đó. “Phản ứng ở Hungary thực sự khủng khiếp. Hàng nghìn người đổ ra đường phố sau trận đấu và lấy cái cớ của thất bại để bạo loạn. Chúng tôi luôn phải đối diện với sự nguy hiểm khi trở về nước”, cựu thủ thành tuyển Hungary Gyuli Grosics kể lại.

ĐT Hungary hùng mạnh còn thi đấu thêm hai năm nữa trước khi tan rã vào năm 1956. Cuộc cách mạng Hungary đã giải tán Budapest Honved, CLB mạnh nhất Hungary và cũng là nòng cốt của đội tuyển quốc gia khi đó. Những hảo thủ buộc phải chuyển ra những CLB nước ngoài vừa để thi đấu vừa để bảo toàn tính mạng.

Sự biệt lập về thông tin ngày đó của chính quyền Hungary khiến nhiều người dân Hungary tưởng rằng Puskas, Kocsis hay Czibor bị chết. Puskas đến Real Madrid, cùng với Alfredo Di Stefano giành ba chức vô địch cúp C1 châu Âu, 5 chức vô địch La Liga, một chức vô địch cúp Liên lục địa. Kocsis hay Czibor tới Barcelona, không giành được quá nhiều danh hiệu khi Real của Puskas quá mạnh.

Tháng 7/1979, tròn 25 năm sau “Điều kỳ diệu ở Bern”, Sandor Kocsis qua đời sau khi nhảy từ tầng 4 bệnh viện Barcelona để tự vẫn sau chuỗi ngày vô vọng chống chọi lại căn bệnh máu trắng và ung thư dạ dày. Năm 2002, Hidegkuti mất ở tuổi 79. Năm 2006, Ferenc Puskas qua đời ở tuổi 79 sau thời gian dài bị Alzheimer.

World Cup 2018, ĐT Hungary không vượt qua được vòng lại. Thậm chí không ai còn nhắc tới Hungary với tư cách đội tuyển mạnh. Còn Đức, họ là nhà đương kim vô địch thế giới, đồng thời là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Sự chênh lệch khủng khiếp ấy bắt đầu từ Bern, cách đây 64 năm.

Theo Zing.vn
 

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục