Đội tuyển Hà Lan - "Cơn lốc màu da cam" - có thể là dấu ấn sâu đậm nhất để người ta nhớ về kỳ World Cup 1974. Nhưng, giá trị thật sự mà Johan Cruyff và đồng đội để lại, còn quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn rất nhiều so với hình ảnh đẹp trong cách chơi của họ.
Cứ thế, cho đến khi Cruyff lao vào vùng cấm địa và cách duy nhất để hậu vệ Tây Đức Uli Hoeness ngăn cản bàn thua là phạm lỗi. Neeskens sút thành công quả phạt đền để mở tỷ số cho Hà Lan. Và đây chính là chi tiết lịch sử: thủ môn Sepp Maier trở thành cầu thủ Đức đầu tiên chạm được vào quả bóng trong trận chung kết World Cup 1974. Ông chỉ được chạm bóng bằng cách vào lưới nhặt nó ra. Bạn có bao giờ hình dung ra một trận chung kết đỉnh cao mà toàn bộ 11 cầu thủ bên này đều chưa được chạm bóng trước khi đội bên kia ghi bàn mở tỷ số?
Rút cuộc, Tây Đức vẫn thắng ngược 2-1 trên sân nhà, lần thứ hai lên ngôi vô địch World Cup. Đấy là cả một câu chuyện khác. Nhưng nếu bàn về lối chơi, hình ảnh, chắc chắn Hà Lan mới là đội đáng nhớ nhất tại World Cup 1974. Hơn thế nữa. Đấy là đội bóng hay nhất... trong số những đội chưa từng vô địch World Cup.
Thật ra, hình ảnh tuyệt vời mà Hà Lan thể hiện tại World Cup 1974 cũng chỉ là hệ quả tất yếu từ những cách nghĩ, cách làm độc đáo của người Hà Lan hồi đầu thập niên 1970. Đấy là cả một cuộc cách mạng vĩ đại trong bóng đá đỉnh cao, với những giá trị mà cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn đang học! Nói đâu cho xa. Bản thân nền bóng đá Hà Lan gần như là con số 0 trước khi thế hệ Cruyff xuất hiện. Còn sau đó, cụ thể là sau World Cup 1974, Hà Lan mãi mãi được xem là một cường quốc bóng đá.
Khi một hậu vệ cánh trong đội hình Hà Lan chạy 70m để tham gia tấn công, anh ta không phải quay về vì đã có cầu thủ khác trám vào khoảng trống mà anh để lại. Trong 10 pha bóng như thế, anh ta tiết kiệm được phần sức lực để chạy 700m. Muốn vậy, các vị trí trong cả đội hình đều phải hoán chuyển linh động. Tiền đạo cũng biết phải chơi thế nào khi đứng ở vị trí hậu vệ, hoặc ngược lại.
Ngày xưa, đấy là điều mà thế giới bóng đá... chưa nghĩ ra được. Người ta gọi cách chơi mới mẻ của HLV đội tuyển Hà Lan Rinus Michels là “total football’’, tạm dịch là “bóng đá tổng lực”, vì nó có đủ mọi điều cần có nơi một cầu thủ, trong một pha bóng. Như một cửa hàng bách hóa tổng hợp vậy. Đến cuối trận thì Hà Lan luôn tỏ ra ưu việt về thể lực vì họ chơi không tốn sức. Và cái hơn về thể lực quyết định mọi chuyện: kỹ thuật, chiến thuật, tốc độ. Đấy chẳng phải là... bóng đá bây giờ đấy ư? Ý tưởng phát áo theo thứ tự alphabet làm toát lên tinh thần của bóng đá Hà Lan.
Bóng đá Hà Lan rất hay, rất đẹp. Vì đấy là sản phẩm của những ý tưởng tuyệt vời. Nhưng, bóng đá còn khối điều quan trọng khác để chiến thắng, để vô địch. Chỉ với “câu chuyện Hà Lan”, World Cup 1974 đã có hẳn chỗ đứng riêng trong lịch sử rồi.
CON SỐ
Thủ môn mặc áo số 8
Trận chung kết, Tây Đức - Hà Lan: 2-1
Hà Lan đã khởi đầu vô cùng hứng khởi. Thứ bóng đá tổng lực của Cơn lốc màu da cam làm Tây Đức choáng váng. Nhưng choáng váng không có nghĩa là sẽ gục ngã. Người Đức cho thấy được bản lĩnh, sự lạnh lùng vào những thời khắc khó khăn. Dưới sự chỉ đạo của thủ lĩnh Franz Beckenbauer, Tây Đức bình tĩnh chống đỡ. Để rồi họ dần thích nghi với lối chơi liên tục chuyền bóng và di chuyển của đối thủ.
Đến giữa hiệp 1, Tây Đức đã cân bằng tỷ số 1-1. Dù rằng, bàn gỡ của Paul Breitner được thực hiện từ cú đá penalty, sau một tình huống gây tranh cãi, nhưng nó cũng đánh dấu sự thay đổi về cục diện trên sân. Càng chơi, các cầu thủ Đức càng thêm tự tin. Họ chống đỡ các đợt lên bóng của Hà Lan một cách bình thản. Ngay trước khi hiệp 1 kết thúc, Tây Đức vượt lên nhờ công của Gerd Mueller.
Trong khi đó, Hà Lan rơi vào bế tắc do chủ công Johan Cruyff bị khóa chặt. Huyền thoại của bóng đá Hà Lan bị Berti Vogts theo sát như hình với bóng. Càng về cuối trận, Cơn lốc màu da cam chỉ còn là những cơn gió nhẹ. Để rồi tỷ số 2-1 nghiêng về Tây Đức được giữ cho tới khi trận đấu kết thúc.
Một lần nữa, bản lĩnh cùng tinh thần thép đã đưa người Đức lên ngôi trên đấu trường World Cup. Họ là đội đầu tiên chặn đứng được Cơn lốc màu da cam. Thất bại trong trận chung kết là điều đáng tiếc cho Hà Lan. Nhưng nhìn vào những gì đã diễn ra, chiến thắng của Tây Đức là hoàn toàn xứng đáng.
TỔNG QUAN
Thời gian diễn ra VCK: Từ ngày 13/6 đến 7/7
Số đội tham dự: 16 đội
Số trận thi đấu: 38
Bàn thắng: 97 (2,55 bàn/trận)
Các SVĐ: Olympic (Munich), Olympic (Berlin), Neckar (Stuttgart), Park (Gelsenkirchen), Rhein (Duesseldorf), Wald (Frankfurt), Volkspark (Hamburg), Niedersachsen (Hannover), Westfalen (Dortmund).
lTổng số khán giả: 1.865.762 người
(49.099 người/trận)
CHUNG CUỘC
Vô địch: Tây Đức
Á quân: Hà Lan
Hạng Ba: Ba Lan
Cầu thủ xuất sắc nhất: Johan Cruyff (Hà Lan)
Vua phá lưới: Grzegorz Lato (Ba Lan, 7 bàn)
NGÔI SAO
World Cup 1974 được người ta nhắc đến nhiều với thất bại của Johan Cruyff và ĐT Hà Lan. Nhưng nên nhớ rằng, Tây Đức mới là đội vô địch và thủ lĩnh đưa đội chủ nhà lên bục cao nhất chính là “Hoàng đế” Franz Beckenbauer.
Dù là đội vô địch EURO 1972 nhưng Tây Đức bước vào World Cup 1974 với rất nhiều những rắc rối nội bộ, trong đó nổi cộm là về vấn đề tiền thưởng. Nó phức tạp đến nỗi ngay trước thềm giải đấu, LĐBĐ Tây Đức (DFB) đã phải tính tới phương án thay toàn bộ 22 cầu thủ dự World Cup 1974. Nhưng Franz Beckenbauer trong vai trò đội trưởng đã thay mặt toàn đội nói chuyện với phó chủ tịch DFB, đồng thời là phó chủ tịch FIFA, Hermann Neuberger để đưa ra một giải pháp tạm thời về vấn đề tiền thưởng.
Những rắc rối với ĐT Tây Đức càng trở nên phức tạp hơn sau khi để thua Đông Đức trong trận đấu mà họ “không được phép thua”. Thất bại khiến DFB quyết định trao cho trợ lý Der Wall nhiều quyền lực hơn để cùng HLV Hemut Schoen kiểm soát các cầu thủ. Trong tình cảnh rối ren đó, vai trò đội trưởng, người kết nối của Beckenbauer càng được thể hiện rõ ràng và kịp thời hơn. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng chính Beckenbauer mới là người quyết định ai ra sân ở những trận đấu quan trọng.
Mọi thứ cũng vì thế trở nên tốt dần lên với Tây Đức. Họ lần lượt đánh bại Nam Tư 2-0, Thuỵ Điển 4-2 rồi Ba Lan 1-0 ở vòng bảng thứ 2 và thẳng tiến vào chung kết gặp Hà Lan, nơi Tây Đức đã có một chiến thuật phù hợp với việc cắt cử Berti Vogts theo Johan Cruyff như hình với bóng và đã hạn chế được tối đa tài năng của huyền thoại bóng đá này. Tây Đức đã thắng Hà Lan bằng những tính toán hợp lý và bằng cả một bản lĩnh vững vàng hơn, với Beckenbauer chính là thủ lĩnh và người truyền cảm hứng đích thực.
Ngoài những đóng góp về mặt tinh thần, Beckenbauer cũng đã chơi ấn tượng tại World Cup 1974. Ông trở thành hình mẫu cho vị trí libero, một vị trí di chuyển tự do theo trục dọc mà sau này khi người ta nhắc đến, luôn kèm với cái tên Beckenbauer.
“Beckenbauer không chỉ tài năng, mà còn sở hữu khối óc của một thủ lĩnh, một nhà lãnh đạo”, người đồng đội Uli Hoeness nói. Ngoài những thành công trên sân cỏ cùng Bayern và ĐT Tây Đức, Beckenbauer cũng là người đã mang World Cup 2006 tới Đức. Đó là lý do mà ông được gọi là “Hoàng đế”, người có thể biến mọi thứ thành… vàng!
KỶ LỤC CHỜ PHÁ
Tại World Cup 1974, Ba Lan gây bất ngờ khi kết thúc giải đấu ở vị trí thứ ba. Bên cạnh tài làm bàn của chân sút đoạt giải Vua phá lưới Grzegorz Lato, Ba Lan còn sở hữu một thủ môn bắt rất chắc tay là Jan Tomaszewski. Thủ thành này đặc biệt xuất sắc khi đối diện với những quả phạt đền. Tại World Cup 1974, Tomaszewski đã hai lần cản phá penalty thành công. Ông chặn được các cú sút phạt đền của Staffan Tapper (Thụy Điển) và Uli Hoeness (Tây Đức).
Tomaszewski trở thành thủ môn đầu tiên trong lịch sử cản được hai cú đá penalty (không tính loạt sút luân lưu) ở một kỳ World Cup. Đến giờ, vẫn chưa có ai xô đổ được kỷ lục đó. Trong vòng 44 năm qua, chỉ duy nhất Brad Friedel (Mỹ) chạm được tay vào cột mốc này tại World Cup 2002.
Chiến tích của Tomaszewski sẽ là thách thức không dễ vượt qua tại World Cup 2018 sắp tới. Không nhiều đội bóng muốn thủ môn của mình có cơ hội phá kỷ lục của Tomaszewski, bởi đối mặt với những cú đá penalty luôn rất rủi ro.