Việc vội vã đẩy những cầu thủ trẻ còn ở dạng tiềm năng lên đội một chẳng giúp gì cho tuyển Anh, khi lẽ ra họ nên học người Pháp và Đức, kiên nhẫn chờ cho những tiềm năng của mình phát triển ở các đội trẻ. Người Pháp có thể không có từ tương ứng trực tiếp với từ “teenager” của người Anh, nhưng điều đó không khiến họ lên cơn sốt khi một cầu thủ dưới 20 tuổi được gọi vào đội tuyển quốc gia.
Từ bài học người Pháp
Trong tháng này có 2 lần điều đó xảy ra, khi Raphael Varane và Paul Pogba, đều 19 tuổi, được Didier Deschamps cho ra sân ở các trận vòng loại World Cup gặp Gruzia và Tây Ban Nha. Pogba đã làm hỏng buổi sinh nhật 20 tuổi sớm của anh với chiếc thẻ đỏ trong trận gặp TBN trên sân nhà.
Càng vội vàng dùng "thần đồng" như Walcott, tuyển Anh càng trả giá
Nhưng cùng với Varane, anh vẫn là sự khác biệt. Kỳ vọng ở Pháp với các cầu thủ như họ là không cao. Đội U21 Pháp, biệt danh Espoirs (Những niềm hy vọng), có trong đội hình nhiều cầu thủ xuất sắc, bộ đôi của Lyon, Clement Grenier và Alexandre Lacazette. Dù họ chơi cho những CLB lớn nhất châu Âu, không ai khiến họ cảm thấy bị ánh hào quang bủa vây và đi kèm với đó, những áp lực quá sức mình.
Ngay cả Pogba, người đã chơi rất hay cho Juventus mùa này, cũng chỉ được Deschamps miễn cưỡng đưa vào đội hình. Cách đây chưa đầy 3 tháng, cựu HLV của Marseille còn nói tiền vệ này cần chính sách “cây gậy và củ cà-rốt” trước khi có thể đá cho đội lớn. Pogba và Varane đều gây ấn tượng ở trận gặp Gruzia tối thứ Sáu, nhưng tất cả những nhận xét của Deschamps chỉ dừng lại ở “tiềm năng”.
Thảm họa "thần đồng"
Tại Anh tình hình ngược lại, các cầu thủ trẻ có chút tài năng thường được tâng bốc tới tận mây xanh, không chỉ bởi báo chí. Raheem Sterling được gọi vào đội lớn trước khi khoác áo U21, với chỉ 8 trận chính thức cho Liverpool. Wilfried Zaha nhảy từ đội U21 lên đội lớn trong vòng chưa đầy 9 tháng. Đó là một khuynh hướng quen thuộc: Theo Walcott đá chính ở đội lớn trước khi đá U21 và Wayne Rooney không chơi một trận nào cho các đội trẻ tuyến dưới của Anh.
Kể từ Italia 1990, Anh đã có 9 cầu thủ dưới 20 tuổi tham dự các giải lớn (Phil Neville tại Euro 1996, Michael Owen và Rio Ferdinand ở Pháp 1998, Gareth Barry ở Euro 2000, Rooney ở Euro 2004, Walcott và Aaron Lennon ở World Cup 2006 và Alex Oxlade-Chamberlain cùng Jack Butland ở Euro 2012). Cùng giai đoạn, Pháp và Ý không có ai. Đức chỉ có 2 ngoại lệ, Bastian Schweinsteiger và Lukas Podolski, đều 19 tuổi, ở EURO 2004.
Trận chung kết U21 châu Âu năm 2009 là một ví dụ điển hình. Đức đè bẹp Anh 4-0 với một đội hình có mặt Manuel Neuer, Jerome Boateng, Sami Khedira và Mesut Ozil, tất cả đã đá chính ở trận đấu thuộc vòng 1/8 World Cup 2010 tại Bloemfontein một năm sau đó, khi Đức lại sút 4 bàn vào lưới Anh. James Milner là cầu thủ Anh duy nhất chơi cả 2 trận đó.
HLV Roy Hodgson có thể biện bạch rằng ông phải nhanh chóng đưa Sterling và Zaha lên tuyển vì họ có thể chọn các đội tuyển quốc gia khác, Jamaica và Bờ Biển Ngà, nhưng nếu như quá trình phát triển tuần tự từ U21 lên đội lớn diễn ra rõ ràng và vững chắc, người Anh đã không phải lo ngại mơ hồ như thế.
Hệ quả của việc hối thúc những cầu thủ trẻ là kỳ vọng không thực tế đặt lên vai họ. Dù được coi là thiên tài, một Rooney 16 tuổi khó có thể làm nên chuyện trước những đối thủ gấp đôi tuổi anh, để rồi giờ đây, anh chỉ còn là một tiền đạo gây nhiều thất vọng. Walcott là một ví dụ khác về tác hại của sự thiếu kiên nhẫn. Hiện giờ, nhiều người đã nhận ra điều đó, bao gồm HLV U21 Anh Stuart Pearce. Ông đã sử dụng cả Sterling và Zaha trong chiến thắng 3-0 của U21 Anh trước Romania thứ Năm vừa rồi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)