Với tư cách là môn thể thao số 1 hành tinh thì hiển nhiên, bóng đá có sức bao trùm, lan toả đến mọi mặt của đời sống, gồm cả lĩnh vực chính trị. Việc các nguyên thủ quốc gia có mặt trên khán đài để theo dõi những trận đấu có sự tham gia của ĐTQG nước mình không còn là điều gì quá mới mẻ. Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên "uý lạo" toàn đội, đặc biệt trước mỗi sự kiện bóng đá lớn tầm quốc tế như giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) hay các giải đấu khu vực (Euro, Copa America, Asian Cup,...). Được quan tâm thì ai chẳng mừng nhưng đôi lúc, lại tạo ra mối lo lắng mang tính "tâm linh".
Ngày hôm qua, David Cameron, vị thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Anh quốc và cầm quyền từ năm 2010 lúc ông mới 43 tuổi, đã dành chút thời gian vàng ngọc đến điểm đóng quân của ĐTQG Anh để hỏi han, động viên ban huấn luyện cũng như toàn bộ các gương mặt sẽ đại diện cho nước nhà ở VCK World Cup 2014 sắp tới. Tất nhiên, bề ngoài ai cũng cười nói hết sức vui vẻ bởi mấy khi được diện kiến người đàn ông quyền lực nhất xứ sở sương mù song trong lòng vài cầu thủ "mê tín" thì chuyến viếng thăm này chẳng phải điềm báo gì tốt lành.
Chẳng là, trong quá khứ, ngài David Cameron toàn nổi tiếng đem lại vận đen cho những VĐV thể thao nước nhà được ông động viên trước mỗi trận đánh lớn. Tay vợt số 1 Anh quốc, Andy Murray đã thua ở trận chung kết Wimbledon, một trong 4 giải Grand Slam của làng banh nỉ (tương đương với Champions League của bóng đá) mà Anh sắm vai chủ nhà, vào năm 2012 khi thủ tướng Anh ngồi trên khán đài theo dõi. Tiếp đó, tại Olympic mùa hè 2012 mà Anh là nước đăng cai, ngài Cameron cứ có mặt tại đây là y như rằng, VĐV người Anh không thể đoạt nổi tấm HCV danh giá. Có thể kể ra trường hợp của Tom Daley và Pete Waterfield ở môn nhảy cầu đôi, Mark Cavendish (từng vô địch Tour de France, giải đua xe đạp danh tiếng nhất thế giới) ở môn đua xe đạp hay Gemma Gibbons ở môn võ Judo. Hay như năm ngoái, ngài Cameron từng trực tiếp nhắn tin động viên tinh thần Laura Robson, tay vợt nữ số 1 nước Anh hiện nay dù mới ngoài 20 tuổi, tại giải Wimbledon và ngay sau đó, cô gục ngã ở vòng 4 dù được cho thừa cơ hội tiến sâu hơn. Duy nhất một lần, ông đem lại may mắn. Đó là khi Andy Murray vượt qua tay vợt số 1 hành tinh vào thời điểm đó, Novak Djokovic ở chung kết giải Wimbledon năm ngoái.
Thực ra, kể cả Thủ tướng Cameron toàn mang đến sự tốt lành thì ĐT Anh xem ra vẫn chẳng có nhiều cơ hội đua tranh tại VCK World Cup 2014 sắp tới. Giới chuyên môn không hề đánh giá "Tam sư" là ứng cử viên cho danh hiệu vô địch. Thậm chí, vượt qua được vòng bảng cũng có thể xem là thành tích đáng khích lệ bởi Anh chung bảng với địch thủ truyền kiếp Italia, đội tuyển hàng đầu Nam Mỹ Uruguay với cặp sát thủ lừng danh Luis Suarez - Cavani và "ẩn số lớn" Costa Rica. Bao năm qua, trong khi Premier League vẫn luôn là giải VĐQG hàng đầu thế giới thì ĐT Anh ngày càng bị thụt lùi, tụt hậu so với những đội tuyển khác trong khu vực châu Âu. Nguyên nhân chính, các cầu thủ bản địa, đặc biệt là dàn cầu thủ trẻ, có quá ít đất diễn ở Premeir League bởi sự xâm lăng của đội ngũ ngoại binh. Nói đâu xa, Man City vừa chiếm lấy ngôi Vương nước Anh bằng một đội hình gồm lèo tèo vài ba cầu thủ gốc Anh, trong đó duy nhất Joe Hart là trụ cột không thể thay thế (còn James Milner hay Micah Richards thì chỉ được xem là "dự bị hạng sang". Hay như hai ông lớn khác, Chelsea và Arsenal có thể tung ra sân đội hình thi đấu gồm toàn cầu thủ nước ngoài mà sức mạnh chẳng hề bị suy giảm. Bởi thế, hoạ chăng có động đất xảy ra thì ĐT đến từ quê hương của môn thể thao Vua mới có thể lọt vào chung kết World Cup 2014, chưa nói gì đến chạm tay tới chiếc cúp vàng danh giá.
Bảo Phương