Tây Ban Nha ngự trị trên đỉnh cao thế giới những 5 năm, và rất nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi làm thế nào để phá vỡ cái quyền lực được cho là tuyệt đối ấy.
Câu trả lời rất đơn giản: phải phá được lối chơi của họ trước. Và để làm được điều ấy, người ta đổ xô đi tìm mọi cách để phá vỡ tiqui-taca. Nhưng tựu trung lại, mọi cách phá tiqui-taca đều có 1 điểm chung, đó là chơi phản công, với một hàng thủ nhiều lớp che chắn trước khung thành.
Phải chăng tiqui-taca của TBN đã đến hồi cáo chung |
Thi thoảng cũng có những chiến lược gia ưa mạo hiểm và thích phá cách như Sir Alex Ferguson trong trận chung kết Champions League 2009, 2011, hay Jose Mourinho trong những ngày đầu tới Bernabeu năm 2009 chơi đôi công khi phải đối diện với tiqui-taca, nhưng rốt cuộc, họ đều phải nhận những tham bại. Và rồi hầu hết các huấn luyện viên đều đi theo lối món: Giỏi như Sir và Mou mà còn thua, thì làm sao có trường hợp ngoại lệ?
Người ta vẫn sẽ tin như thế, hoặc buộc phải tin như thế bởi 2 lý do. Thứ nhất, rất ít đội bóng trên thế giới (ở cả cấp độ đội tuyển lẫn câu lạc bộ) sở hữu đội hình đủ mạnh để đứng ngang hành với Tây Ban Nha (hoặc Barca). Và thứ hai, là lý do mở rộng của lý do trên, ngay cả những đội bóng có đủ thực lực cũng lựa chọn cách đá phòng ngự phản công mỗi khi gặp tiqui-taca. Đơn giản là bởi, xác suất giành chiến thắng khi đá như vậy cao hơn (chưa có đội nào đá đôi công thắng được Tây Ban Nha hoặc Barca), và cũng bởi, đá phòng ngự mà vẫn thua thì sẽ tránh được sự chỉ trích của báo chí (tất cả sẽ chỉ dành thời gian để ca ngợi tiqui-taca và sức mạnh hủy diệt của nó).
Nói như vậy để thấy rằng mọi đội bóng thua tiqui-taca không đơn thuần chỉ vì lối chơi này quá hay, mà phần nhiều vì tâm lý sợ thua đã có từ trước khi bóng lăn. Tiqui-taca chung quy cũng vẫn chỉ là một lối chơi, và dù có hoàn mỹ cỡ nào thì nó vẫn có điểm yếu. Vấn đề là liệu có nhìn ra được điểm yếu và kết liễu nó trước khi nó “xử lý” lại hay không mà thôi. Đó cũng chính là mấu chốt của cách hóa giải tiqui-taca.
Tiqui-taca nghĩa là phải đập nhả, chuyền bóng rồi lại phải chạy, chạy nhận bóng xong tiếp tục chuyền. Về bản chất, cách đá mà người Tây Ban Nha hiện đang áp dụng khá giống với trò đá bóng ma, mà chúng ta vẫn thường thấy ở những sân đá bóng phủi. Nhưng nó cao cấp hơn ở chỗ, nó được thực hiện bởi những ngôi sao hàng đầu, những bậc thầy về kỹ thuật và óc quan sát như Xavi, Iniesta hay Fabregas.
Tuyệt nhiên trong triết lý của tiqui-taca không có bất cứ một chỗ nào đề cao vai trò của các cá nhân. Hoặc nói một cách khác, đặc quyền được làm nghệ sĩ khi vận hành tiqui-taca trong 1 tập thể chỉ được trao cho 1 người: Ở Barca là Messi, còn tuyển Tây Ban Nha là Iniesta.
Thông thường, những “nghệ sĩ” này rất ít khi được dùng “quyền hành”, trừ khi đội bóng gặp bế tắc. Và ngược lại, nếu tiqui-taca đã phải vận dụng tới sự trợ giúp của các “nghệ sĩ” nhưng vẫn không ăn thua, thì đó cũng chính là hồi cáo chung của phiên bản “bóng đá ma” cao cấp. Barca từng thảm bại 0-7 trước Bayern Munich vì “nghệ sĩ” của họ, Lionel Messi đánh mất phong độ và bị giam cầm trên băng ghế dự bị.
“Nghệ sĩ” của Tây Ban Nha đêm qua - Iniesta – vẫn chơi không tồi. Anh rê bóng thành công tới 7 lần (nhiều nhất trận), tung ra 3 cú dứt điểm (nhiều nhất đội Tây Ban Nha), và chạm bóng tới 92 nhịp (chỉ kém Xavi). Nhưng thật lạ, Tây Ban Nha vẫn thua thảm trước Brazil. Vậy thì là do, tiqui-taca của Tây Ban Nha đã hết thời, hay là họ chưa tìm đúng “thánh”? Câu hỏi ấy chắc chỉ có Del Bosque mới biết câu trả lời.
(Theo VTC)